Khuyến khích các trường tuyển sinh riêng
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, từ nay đến năm 2015, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vẫn theo phương thức “3 chung” kết hợp với việc khuyến khích các trường có đủ điều kiện thực hiện tuyển sinh riêng.
Bộ đang cùng các trường nghiên cứu đổi mới căn bản cách thi cử áp dụng sau năm 2015, đồng thời với việc đổi mới chương trình ở bậc phổ thông.
Xin Thứ trưởng cho biết những chủ trương mới trong tuyển sinh nói chung và cho mùa tuyển sinh 2013?
Những thay đổi lớn trong thi cử cần được nghiên cứu thận trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng để áp dụng lâu dài. Phương thức thi “3 chung” đã được áp dụng hơn 10 năm nay và đã tạo được niềm tin trong xã hội về tính nghiêm túc, công bằng, khách quan của nó.
Từ nay đến năm 2015, song song với phương thức “3 chung”, Bộ khuyến khích các trường có đủ điều kiện thực hiện tuyển sinh riêng theo quy định của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH). Để thực hiện tuyển sinh riêng, các trường cần có đề án thể hiện rõ năng lực thực hiện tuyển sinh riêng của mình đồng thời cam kết chịu trách nhiệm về tính nghiêm túc, khách quan, công bằng, không tái diễn luyện thi…
Luật qui định rõ 3 hình thức là thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Những trường nào có đề án tuyển sinh đảm bảo các điều kiện nêu trên sẽ được Bộ phê duyệt, không phân biệt là trường công lập hay ngoài công lập. Hiện tại, Bộ đã phê duyệt đề án tuyển sinh riêng của 10 trường khối năng khiếu nghệ thuật để thực hiện trong kỳ tuyển sinh năm 2013.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga (thứ nhất, trái sang).
Cụ thể là những vấn đề nào thưa Thứ trưởng?
Những vấn đề năm 2012 đã được điều chỉnh bằng các văn bản cá biệt thì nay được đưa vào quy chế, đặc biệt là chính sách ưu tiên theo đối tượng và khu vực. Chính sách ưu tiên đặc biệt đã được đưa vào quy chế tuyển sinh năm 2012 áp dụng cho thí sinh ở 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ nay được bổ sung thêm 20 huyện biên giới, hải đảo của vùng Tây Nam Bộ.
Những thí sinh thuộc các địa phương này sẽ được các nhà trường xét tuyển rồi bồi dưỡng kiến thức trước khi vào học, không tham gia kỳ thi tuyển sinh.
Mặt khác, đối với thí sinh các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nếu có nguyện vọng học tập tại các trường đại học, cao đẳng trong các vùng này thì điểm sàn được lấy thấp hơn 1 điểm so với quy định. Những thí sinh này được bồi dưỡng thêm kiến thức 6 tháng trước khi học chính thức.
Video đang HOT
Thời gian xét tuyển năm nay dự định kết thúc vào ngày 30-10. Các trường có thể xét tuyển nhiều đợt nhưng thời gian tối thiểu mỗi đợt không dưới 20 ngày để đảm bảo tính công bằng cho mọi thí sinh.
Để tăng cường sự giám sát xã hội đối với kỳ thi, dựa trên kết quả năm 2012, năm nay Bộ đưa vào qui chế quy định cho phép thí sinh được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Năm nay, những thí sinh có nguyện vọng thi liên thông vào các trường có tuyển sinh đối tượng này cũng sẽ đăng ký dự thi chung kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy.
Vì vậy, trong hồ sơ dự thi, Bộ đã bổ sung thêm các chi tiết này để thí sinh đăng ký và các trường dựa vào đó xét tuyển. Các trường được chủ động trong phân bố chỉ tiêu liên thông chính qui nhưng không quá 20% trong tổng chỉ tiêu chính qui chung được xác định theo năng lực đào tạo của trường quy định tại Thông tư 57.
Sau khi ngành GD&ĐT đưa ra chủ trương thí sinh học liên thông tốt nghiệp dưới 36 tháng phải thi tuyển sinh đầu vào đại học 3 chung cùng các thí sinh khác gây sự bất bình trong dư luận các học sinh học liên thông và các trường ĐH, CĐ với lý do: người học sẽ không mặn mà với hệ này nữa và các trường sẽ càng khó tuyển hơn. Vậy vì sao Bộ vẫn giữ nguyên chủ trương này?
Đào tạo liên thông chỉ là cách tổ chức đào tạo, trong đó thừa nhận kết quả học tập đã có của người học ở bậc đào tạo trước đó khi tham gia học tập ở bậc cao hơn, nhằm giảm thời gian học tập, chứ không phải là hệ đào tạo mới.
Trong thời gian thí điểm vừa qua, do quy chế chưa cụ thể khiến nhiều người hiểu nhầm đào tạo liên thông là một hệ đào tạo mới với chương trình riêng, tuyển sinh riêng, đánh giá chất lượng riêng… Điều này đã dẫn đến hệ lụy là chất lượng đào tạo không đảm bảo, người sử dụng lao động từ chối tuyển dụng, gây thiệt thòi quyền lợi cho người học.
Theo Luật Giáo dục Đại học, giáo dục đại học chỉ có hai hệ là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Do đó, đào tạo liên thông phải tuân thủ theo quy định hoặc của hệ chính quy, hoặc của hệ thường xuyên, chứ không có quy định riêng.
Nói cụ thể hơn, người học nếu trúng tuyển vào học liên thông thì cùng học theo một chương trình, cùng theo một thước đo chất lượng như những sinh viên khác. Lợi thế của người học liên thông là thời gian đào tạo được rút ngắn theo quy định của Luật GDĐH do được công nhận những kiến thức đã học ở các cấp đào tạo trước đó.
Thông tư mới không hề gây khó khăn đối với thí sinh có nguyện vọng học liên thông lên bậc học cao hơn, mà ngược lại còn tạo điều kiện thuận lợi để thí sinh thể hiện năng lực của mình, tùy theo thế mạnh của từng người.
Theo đó, người học có thể thể hiện năng lực bằng 1 trong 2 cách: hoặc bằng kiến thức cơ bản hoặc bằng kiến thức chuyên môn. Nếu muốn thể hiện năng lực kiến thức cơ bản thì có thể dự thi ngay sau khi tốt nghiệp. Nếu muốn thể hiện năng lực chuyên môn thì thí sinh phải có thời gian hoạt động nghề nghiệp nhất định.
Việc ban hành thông tư mới quy định về đào tạo liên thông là rất cần thiết, không thể chậm trễ hơn, để chấn chỉnh những bất cập hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo quyền lợi người học.
Cũng có ý kiến cho rằng, chất lượng bài làm của thí sinh dự thi đại học năm qua thấp nên không đủ nguồn tuyển. Năm nay, Bộ có điều chỉnh cách ra đề thi để có mặt bằng điểm cao hơn năm trước?
Đề thi được xây dựng trên nguyên tắc nội dung nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu là lớp 12, không quá khó, không đánh đố thí sinh và có tính phân loại cao. Việc ra đề đã có sự tham gia đông đảo của các thầy, cô giáo trực tiếp dạy phổ thông.
Do đề thi tuyển sinh cần có tính phân loại nên có những phần dễ, phần trung bình và phần khó. Phân tích phổ điểm những năm qua cho thấy, rất nhiều thí sinh đạt điểm quá thấp, khoảng 1 vài điểm mỗi môn.
Điều này có nghĩa là những thí sinh này chỉ có thể làm được những câu thật dễ. Bản chất vấn đề là xác định cho chuẩn ngưỡng kiến thức tối thiểu để thí sinh trúng tuyển có thể tham gia học tập được. Với cách tiếp cận đó thì việc điều chỉnh điểm sàn mang tính thuyết phục cao hơn là điều chỉnh cấu trúc đề thi.
Cám ơn Thứ trưởng.
Theo Hồ Thu (Tiền Phong)
Nhiều thắc mắc về liên thông
Sáng 27.1, hơn 1.000 học sinh tập trung tại hội trường Trung tâm văn hóa tỉnh Bình Phước để nghe các chuyên gia chương trình Tư vấn mùa thicủa Báo Thanh Niênphối hợp với Bộ GD-ĐT giải đáp những thắc mắc về kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ 2013.
Thi ĐH hay học CĐ rồi liên thông?
Ngay khi chương trình bắt đầu, Nguyễn Thị Hằng, học sinh (HS) lớp 12A5 Trường THPT Hùng Vương, đã băn khoăn về sự thay đổi trong quy định về liên thông năm nay. Hằng hỏi: "Em muốn thi vào một trường CĐ nhưng 3 năm sau mới thi liên thông được, vậy theo thầy cô em có nên thi CĐ hay cố gắng thi ĐH? Nếu em tốt nghiệp CĐ loại khá thì có được thi liên thông ĐH ngay không?". Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, giải đáp: "Năm nay Bộ GD-ĐT ban hành thông tư mới hướng dẫn việc tổ chức liên thông các bậc học. Theo đó, thí sinh sau khi tốt nghiệp CĐ căn cứ ngày cấp bằng, dưới 36 tháng muốn liên thông lên bậc cao hơn phải tham gia chung với kỳ thi ĐH-CĐ chính quy. Nếu tốt nghiệp hơn 36 tháng, thí sinh sẽ tham gia kỳ thi 3 môn tại trường. Trước đây tốt nghiệp loại khá được thi liên thông ngay, bây giờ không quy định như vậy nữa. Do đó, tùy điều kiện, tùy năng lực học tập mà các em cân nhắc nên thi ĐH hay thi, học CĐ rồi khi có điều kiện phù hợp thì thi lên bậc học cao hơn".
Học sinh tỉnh Bình Phước đặt nhiều câu hỏi về quy chế thi liên thông tại chương trình Tư vấn mùa thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trong khi đó, Nguyễn Thùy Linh, HS lớp 12 Trường THPT chuyên Quang Trung, hỏi nếu đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học thì có được tuyển thẳng hay không. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành cho biết: "Trong hội nghị tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 mới đây, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ có một số thay đối về xét tuyển thẳng. Theo đó, những em tham gia tập huấn trong đội tuyển Olympic quốc tế được đăng ký nguyện vọng xét tuyển thẳng theo môn mà các em dự thi. Bên cạnh đó, những em đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật quốc tế đã tốt nghiệp THPT cũng nằm trong diện này".
Quan tâm việc làm khối ngành kỹ thuật
Bên cạnh rất nhiều câu hỏi về khối ngành kinh tế, không ít HS đã đặt những câu hỏi liên quan đến các ngành kỹ thuật, nông, lâm nghiệp, giao thông vận tải...
Lê Văn Hùng, HS lớp 12A4 Trường THPT Hùng Vương, thổ lộ: "Em muốn về tỉnh làm ngành cao su thì em nên học ngành nào? Hóa học hay chế biến cao su?". Thạc sĩ Vũ Thu Hương - Phó giám đốc ĐH Lâm nghiệp (cơ sở 2), đưa ra lời khuyên: "Bình Phước cũng là nơi có thể làm giàu từ cây cao su. Em thể học ngành lâm nghiệp hay nông nghiệp đều được. Hoặc ngành chế biến gỗ, ngành trồng trọt cũng có thể làm về cây cao su". Thạc sĩ Nguyễn Trọng Thể - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin thêm HS có thể học các ngành thuộc khoa nông học, trong đó có chuyên ngành cây cao su hoặc ngành công nghệ hóa học cũng đáp ứng phần chuyên sâu về cây cao su.
HS Nguyễn Văn Dũng, Trường THPT chuyên Quang Trung, lại muốn thi vào ngành công nghệ điện tử nhưng không biết mức độ khó, dễ của ngành này và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Chuyên gia tư vấn Nguyễn Ngọc Diện - Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, giải đáp: "Hiện nay có nhiều trường đào tạo ngành này với nội dung đào tạo có khoảng 60-70% là giống nhau. Đây là một trong nhiều ngành kỹ thuật có cơ hội việc làm lớn vì các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp lúc nào cũng có nhu cầu tuyển dụng với mức lương cao".
Phạm Đức Hùng, HS Trường THPT Hùng Vương, đặt một câu hỏi thú vị: "Em rất yêu môi trường và muốn học ngành quản lý môi trường, nhưng bạn gái em lại muốn em làm giám đốc, vậy xin các thầy cho hỏi học các ngành này ở đâu, cơ hội trúng tuyển và cơ hội việc làm ra sao?". Tiến sĩ Huỳnh Chức - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên - môi trường TP.HCM, tư vấn: "Ngành quản lý môi trường hiện được đào tạo ở nhiều trường như ĐH Bách khoa TP.HCM (điểm chuẩn khoảng 17-18), ĐH Tài nguyên - môi trường TP.HCM (15 điểm), ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM (tương đương điểm sàn)... Dù các em tốt nghiệp trường nào thì cơ hội việc làm cũng đều rộng mở đối với những cử nhân có năng lực, có chuyên môn và kỹ năng". Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), tư vấn thêm ngành nghề nào cũng có thể làm giám đốc nếu như bản thân có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực mình muốn tham gia và kiến thức thuộc các lĩnh vực liên quan.
Chương trình cảm ơn Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh, VNPT Bình Phước đã phối hợp tổ chức thành công chương trình. Cảm ơn Công ty cổ phần vận tải và du lịch Phương Trang đã hỗ trợ xe đưa đón đoàn tư vấn, các trường ĐH Lạc Hồng, ĐH Lâm nghiệp cơ sở 2 và ĐH Hồng Bàng đã trao tặng 15 suất học bổng, trị giá 15 triệu đồng cho HS tỉnh Bình Phước.
Mang thông tin đến học sinh vùng biên giới
Kết thúc buổi tư vấn trực tiếp tại thị xã Đồng Xoài, chiều cùng ngày, đoàn tư vấn mùa thi tiếp tục hành trình đến với HS Trường cấp 2-3 Võ Thị Sáu và Đắk Ơ thuộc huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
Năm nay, Trường Võ Thị Sáu có lứa HS lớp 12 đầu tiên nên các em rất háo trước thông tin từ đoàn tư vấn. Thùy Duyên, HS lớp 12A1 cho biết: "Từ trước tới giờ, em không biết gì về thông tin tuyển sinh. Chính vì vậy, em đã tranh thủ đến sớm để hỏi những điều mà em chưa biết". HS của trường này tập trung đặt câu hỏi về quy chế tuyển sinh, những điểm mới, cách chọn ngành, trường hiệu quả và dễ đậu.
Học sinh Trường Đắk Ơ chăm chú nghe hướng dẫn thực hiện phiếu trắc nghiệm ngành nghề mà Báo Thanh Niên tặng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đáng chú ý, trong buổi tư vấn lớp tại Trường Đắk Ơ thuộc xã Đắk (một trong hai xã vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn của huyện Bù Gia Mập), hơn 300 HS đã chăm chú lắng nghe các chuyên gia tư vấn từ đầu cho đến cuối buổi. Trường giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, phần đông là HS người dân tộc Tày và Stiêng, có khoảng 70% thuộc gia đình khó khăn. Bế Thị Ngọc Duyên - người dân tộc Tày, cho biết: "Nhà có 3 chị em, em là con út, anh chị chưa có ai vào ĐH, nên em rất quan tâm đến thông tin tư vấn, để hy vọng chọn đúng ngành nghề, vào ĐH". Điểu Le - người dân tộc Stiêng, nói: "Em là con trai lớn trong gia đình 5 anh em. Gia đình em đều làm nông. Em chưa bao giờ được tiếp xúc với thông tin tuyển sinh nên em tranh thủ, vượt 20 km để đến với buổi tư vấn này". Theo ông Lê Văn Thắng - Phó bí thư Đoàn Trường Đắk Ơ, từ khi trường thành lập (năm 2005) tới nay mới có Báo Thanh Niên đến tư vấn.
Đến giờ ra về, các HS xếp cẩn thận từng tài liệu mà các trường ĐH-CĐ, Báo Thanh Niên cung cấp.
Minh Luân - Mỹ Quyên
Theo Thanh niên
Quy định mới của Bộ GDĐT khiến sinh viên toát mồ hôi Sinh viên liên thông muốn lên trình độ CĐ hoặc ĐH chính quy phải dự kỳ thi tuyển sinh cùng các em bậc phổ thông với 3 môn, điều này khiến không chỉ học trò mà nhà trường cũng "đau đầu". Từ ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH vừa được Bộ GDĐT công bố sẽ...