Khuyến học bằng bí xanh và khoai sọ
Mỗi người lớn trong một ngày bớt chi tiêu 500 đồng để dành cho con em học tập. Hàng năm, mỗi gia đình có ít nhất 3 con gà, 1 tạ bí xanh, 50kg khoai sọ góp vào quỹ khuyến học. Bình quân mỗi năm, mỗi gia đình ủng hộ gần 500.000 đồng cho Quỹ khuyến học.
Đó là mục tiêu phấn đấu của chi hội khuyến học ở bản Phá Lõm, thuộc xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) cách biên giới Việt – Lào 16km, cách thị trấn Hòa Bình 38km, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Cơ sở vật chất dạy học và học chưa đạt tiêu chuẩn.
Cả bản có 93 hộ, 509 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Mông. 100% hộ gia đình đều có thành viên là hội viên Hội Khuyến học, với số hội viên là 127 người, chiếm 24,95% dân số của cả bản. Đời sống của nhân dân bản Phá Lõm còn rất nhiều khó khăn, 65 hộ là hộ nghèo, chiếm 69,8%.
Người Mông nhận thức rất rõ, ngày xưa vì không có con chữ mà bà con thường du canh, du cư hết nơi này đến nơi khác mà cuộc sống quanh năm đói nghèo. Bây giờ về cư trú tại bản Phá Lõm, được các thầy cô giáo và bộ đội biên phòng chỉ bảo, người Mông ở Phá Lõm hiểu rằng, muốn hết cái đói, cái nghèo thì trong người phải có cái chữ của Bác Hồ, do đó mọi người ai cũng phải tham gia học tập, người lớn cũng học, trẻ em cũng học.
Người lớn học theo cách của người lớn, ai chưa biết chữ thì buổi tối đến nhà văn hóa cộng đồng nhờ Bộ đội biên phòng dạy chữ; Ai biết chữ rồi thì học cách làm ăn, học chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và học tập theo kỹ thuật để chăn nuôi, trồng trọt có năng suất hơn, chỉ trừ người già yếu, những người ốm đau, còn lại mọi người đều tham gia học tập thường xuyên (đạt tỷ lệ trên 80% dân số cả bản). Còn trẻ em thì ngày đến lớp nghe thầy cô giảng bài, buổi tối cũng đến lớp tự học có thầy, cô kèm cặp.
Anh Xồng Bá Nỏ – Chi hội trưởng bản Phá Lõm phát biểu tại Đại hội gia đình hiếu học vào ngày 27/11/2012.
Để khuyến khích toàn dân học tập, Chi hội khuyến học đã được thành lập từ năm 2004, Ban chấp hành Chi hội có 3 người, Trưởng bản làm Chi hội trưởng. Chi hội có Quy chế hoạt động và Quy chế Quỹ khuyến học và hàng năm đều xây dựng kế hoạch công tác theo hướng dẫn của Hội Khuyến học xã Tam Hợp.
Hàng năm, Chi hội tổ chức phát động và đăng ký thi đua xây dựng Bản khuyến học, gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, có cam kết giữa Chi hội Bản với Hội Khuyến học xã Tam Hợp, giữa các gia đình, dòng họ với Chi hội. Phong trào thi đua khuyến học được gắn với phong trào thi đua xây dựng Bản văn hóa, gia đình văn hóa. Hàng năm Chi hội hưởng ứng và tổ chức thành công “Tết khuyến học”, “Tháng khuyến học”. Kết thúc một năm hay từng đợt thi đua, chi hội đều tổ chức so kết, rút kinh nghiệm, biểu dương những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc nhất.
Bản Phá Lõm có trên 140 em học sinh từ Tiểu học đến Trung học cơ sở. Để quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp, Chi hội khuyến học phối hợp chặt chẽ với nhà trường, Ban khuyến học, hai dòng họ, Chi hội phụ nữ, chi hội người cao tuổi tổ chức hưởng ứng và thực hiện phong trào “Tiếng trống khuyến học”.
Ngoài giờ học chính khóa buổi sáng và buổi chiều, buổi tối, từ 6 giờ 30 phút sau khi nghe “Tiếng trống khuyến học”, tất cả các cha mẹ đều phải đưa con đến lớp học, con cháu chăm chỉ học bài. Những đêm trời mưa to thì các em học ở nhà. Đối với các em học sinh THCS thì sinh hoạt ở ký túc xá, do nhà trường quản lý, mỗi tuần chi hội cử 2 người đứng ra động viên các em an tâm học tập.
Hàng năm vào dịp Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông, Chi hội Khuyến học kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trong đó có những nội dung dành riêng cho học sinh. Chi hội khuyến học thường kết hợp với nhà trường, bộ đội biên phòng tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật về biên giới; về phòng chống ma túy, phòng chống truyền đạo trái phép… cho hội viên Hội khuyến học và các cháu học sinh. Ngoài ra, Chi hội còn phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi trường học để không ngừng chăm lo việc giáo dục đạo đức, lối sống, tinh thần tương thân tương ái cho các em học sinh.
Video đang HOT
Nhờ làm tốt công tác vận động, hiện nay bản Phá Lõm không có học sinh bỏ học, các em học sinh đi học chuyên cần và ngày càng tiến bộ. Năm học 2011-2012 có 18 em học sinh Tiên tiến (năm học 2005-2006 chỉ có 3 em); học sinh Giỏi cấp huyện có 4 em (năm học trước không có); thi đậu đại học, cao đẳng có 6 em (năm học trước không có). Cả bản có 75 “Gia đình hiếu học”, chiếm 80,6% hộ gia đình trong bản, có 2 “Dòng họ hiếu học”, chiếm 66% số dòng họ trong bản.
Để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của chi hội, đồng thời khuyến khích toàn dân thi đua học tập, hăng hái sản xuất, xóa đói giảm nghèo, Chi hội Khuyến học bản Phá Lõm tích cức vận động xây dựng Quỹ khuyến học khuyến tài. Trong đó, Chi hội phát động người người, nhà nhà tham gia xây dựng Quỹ khuyến học của Chi hội, dòng họ và từng gia đình.
Anh Xồng Bá Nỏ – Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học bản Phá Lõm chia sẻ: “Mục tiêu phấn đấu của Quỹ là mỗi người lớn, trong một ngày bớt chi tiêu 500 đồng để dành cho con cái học tập. Hàng năm, mỗi gia đình có ít nhất 3 con gà, 1 tạ bí xanh, 50kg khoai sọ để góp vào quỹ khuyến học của Bản. Bình quân mỗi năm, mỗi gia đình ủng hộ gần 500.000 đồng, Quỹ khuyến học của Chi hội thu gần 46 triệu đồng. Quỹ khuyến học dùng để chi tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, khen thưởng học sinh giỏi”.
Trong 5 năm qua, quỹ đã hỗ trợ 27 em nghèo vượt khó học tập, 15 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khen thưởng 21 lượt em học sinh giỏi, 9 em thi đậu cao đẳng, đại học và 28 hộ gia đình sản xuất giỏi, 59 gia đình có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh biên giới.
Việc học tập của các em học sinh xã Tam Hợp vẫn còn không ít khó khăn, nhưng trong công tác Khuyến học luôn được nhà trường và thầy cô giáo quan tâm.
Với thánh tích đạt được, trong 5 năm qua, bản Phá Lõm được công nhận là Bản Văn hóa, đơn vị tiên tiến xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc”, năm nào cũng được bình xét là bản Khuyến học tiêu biểu, năm 2012 được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen.
Anh Xồng Bá Nỏ cho biết thêm: Qua 5 năm chỉ đạo và xây dựng phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, Chi hội Khuyến học bản Phá Lõm rút ra một số bài học kinh nghiệm như: Chi bộ đảng đóng vai trò quan trọng và quyết định sự thành công của phong trào. Chi bộ đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt. Gia đình cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong học tập và lao động sản xuất.
Chi hội khuyến học tham mưu đắc lực cho chi bộ các chủ trương, biện pháp, giải pháp. Muốn vậy, cán bộ làm công tác khuyến học từ chi hội, đến các dòng họ phải thật sự tâm huyết, ham làm và biết việc; Chi hội phải có chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, chi tiết cho từng năm, từng đợt thi đua và hướng dẫn đến từng dòng họ, từng gia đình. Xây dựng được tinh thần đoàn kết keo sơn giữa các dòng họ, các gia đình, để hiểu nhau, thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau; phải tranh thủ sự ủng hộ cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng và nhà trường trong công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến giáo dục và pháp luật, chủ trương của Đảng để mọi người dân hiểu và làm theo; phải vận động xây dựng cho được quỹ khuyến học khuyến tài, bằng cách làm phù hợp với đặc điểm lao động sản xuất của bà con trong bản, tạo niềm tin và sự hứng thú để mọi người tích cực ủng hộ quỹ khuyến học.
Một góc bản làng xã Tam Hợp, huyện Tương Dương.
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các dòng họ, các gia đình thực hiện từng tiêu chí thi đua xây dựng gia đình hiếu hoc, dòng họ hiếu học, tham gia xây dựng bản Khuyến học; động viên tinh thần, thái độ học tập, lao động sản xuất của từng thành viên trong thôn bản kể cả người lớn và các cháu học sinh, phải thật sự quan tâm đến các gia đình, các cháu có hoàn cảnh khó khăn; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng. Khen đúng người, đúng việc để khuyến khích toàn dân tham gia học tập, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tham gia bảo vệ biên giới quốc gia.
Nói về Khuyến học ở Phá Lõm, ông Vi Tân Hợi – phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Tương Dương cho biết: “Bản Phá Lõm là một trong những bản khó khăn ở vùng biên giới Việt – Lào, nhưng trong những năm qua tranh thủ sự ủng hộ của các chiến sỹ Bộ đội biên phòng cũng như lãnh đạo huyện, bản Phá Lõm trở thành Chi hội khuyến học phát triển bậc nhất ở huyện và người dân bản có cách làm rất hay, phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay. Còn với huyện, trong những lần tuyên dương, chúng tôi đều nêu cao công tác Khuyến học ở bản Phá Lõm để các bản làng khác noi theo, học tập”.
Nguyễn Duy
Theo dân trí
Tiếng kẻng "gọi trò" ở Thào Xua Chải
Hơn 10 năm lặn lội cùng thầy cô "cắm bản", Sùng A Vàng chưa một ngày "tắt lửa" niềm đam mê mang con chữ về bản.
Khi sân trường vắng tiếng kẻng
Điểm trường Thào Xua Chải ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vẫn lặng như tờ,mặc dù khai giảng đã lâu. Thầy Phùng Quang Sáng và vợ là cô giáo Ngụy Thanh Hương, lên đây dạy học từ ngày đầu tiên thành lập điểm trường vào năm 1998, chưa bao giờ thấy xót xa như thế khi chứng kiến cảnh tượng này. Ngày trước, trường còn ở dưới chân núi, tình trạng thiếu học sinh là chuyện thường tình, vì bà con dân tộc Mông ở Nậm Có chỉ sống trên cao. Giờ trường chuyển lên cao cho thuận lợi, học sinh lại còn ít hơn.
Nhớ ngày đầu điểm trường này thành lập, thầy đã nghĩ ra cách treo một chiếc kẻng làm từ mảnh vỡ của quả bom để gọi học sinh. Nhưng càng gọi càng thiếu bóng các em, vì ngay từ lúc nhỏ chúng đã phải theo cha mẹ lên nương.
Nhiều đêm, cô Hương gục vào vai chồng nức nở. Cô khóc vì thương hoàn cảnh các em nghèo quá, bố mẹ chúng không đủ gạo nuôi con tới trường. Cô cũng khóc vì làm giáo viên mà không có học sinh. Vậy là hai vợ chồng cứ ngày nọ, tháng kia nhìn chiếc kẻng treo trên cột lớp buồn tênh. Nhưng vẫn có 2 học sinh dân tộc Mông gần trường ngày ngày đến lớp. Chúng là con của Sùng A Vàng. Cả Thào Xua Chải chỉ có Sùng A Vàng nói sõi tiếng phổ thông.
Học sinh ở Thào Xua Chải.Sân trường Thào Xua Chải chỉ còn lại chiếc kẻng. Thi thoảng, vài đứa trẻ con sang đánh leng keng. Sùng A Vàng đã nhiều lần đứng trước chiếc kẻng đó. Anh biết điểm trường này chỉ có 2 đứa học sinh. Và anh quyết định cho con mình nghỉ học, vậy là sân trường chỉ còn lại chiếc kẻng sắt đìu hiu trong lặng ngắt.
"Để tao dạy tiếng Mông cho thầy cô"
Đã bao nhiêu lần thầy, cô lên các bản như Làng Giàng, Tà Ghênh để vận động học sinh tới lớp nhưng đều không có kết quả vì chưa quen địa bàn, không hiểu và nói được tiếng của người Mông. Có nhiều gia đình học sinh ở rất xa, đi bộ nửa ngày đường chưa tới nơi, thậm chí phải ngủ lại nếu gặp trời mưa. Sau này, nhiều thầy cô được tăng cường lên đây cũng không thể cải thiện được tình hình.
Một lần, khi đang làm nương, Sùng A Vàng thấy thầy Trịnh Văn Hoàng và những giáo viên khác đang trao đổi, vận động để ông Giàng Seo Vảng cho con tới lớp, nhưng họ nói câu gì ông Vảng cũng lắc đầu không hiểu. Sùng A Vàng vội chạy xuống bảo: "Thầy cô, để tao nói cho". Anh dùng tiếng của đồng bào để truyền đạt lại lời thầy Hoàng cho ông Giàng Seo Vảng hiểu và ông này gật đầu liên tục.
Mấy hôm sau, ông Vảng trực tiếp dẫn con mình tới lớp, theo sau còn có mấy cặp gia đình khác. Lớp học từ đó dần đông hơn. Thế là thầy cô đã hiểu, bất đồng ngôn ngữ là trở ngại lớn nhất không chỉ trong công tác tuyên truyền, vận động mà còn khiến họ "bất lực" khi lên lớp dạy chữ cho các em.
Sùng A Vàng xuống nói với thầy cô trong trường: "Muốn đông học sinh thì phải biết tiếng của nó đấy. Từ ngày mai, để tao dạy chữ cho thầy cô, dạy xong tao lại đưa thầy, cô xuống bản vận động. Khi nào bọn mày nói sõi tiếng Mông rồi thì tự mà đi". Sau lần ấy, mỗi khi xuống nương, đêm nào Sùng A Vàng cũng xuống điểm trường Thào Xua Chải để dạy tiếng Mông và học tiếng Kinh. Hôm sau, anh lại cùng mọi người trèo đèo, lội suối đến từng nhà vận động các em.
Đời sống của bà con ở đây rất nghèo. Phần lớn giáo viên phải quyên góp tiền lương mua sách vở, quần áo cho các em nhưng chúng vẫn nghỉ học ở nhà trông em hoặc lên nương kiếm cái ăn cùng bố mẹ. Đội ngũ giáo viên trong điểm trường đều là người miền xuôi nên không am hiểu hết phong tục, tập quán của bà con.
Suốt trong 3 năm, người ta vẫn thấy Sùng A Vàng đồng hành cùng thầy cô lặn lội đêm ngày đến các gia đình vận động các em tới học chữ. Nhiều người không nghĩ anh là một người Mông, mà tưởng rằng là một thầy giáo ở dưới xuôi lên nhận công tác. Do thông thạo địa hình, cùng là người Mông nên việc tuyên truyền của anh đem lại kết quả rất cao.
Nhớ ngày đầu, lớp học chỉ có 2 - 3 học sinh, thậm chí có lúc chỉ còn lại mỗi chiếc kẻng, vậy mà giờ đây học sinh đua nhau đến học. Nhiều gia đình ở xa, bố mẹ phải đưa con đi và giờ học họ cũng ngồi luôn trong lớp, thành ra người lớn cũng biết tiếng phổ thông nhiều hơn. Trưởng bản Giàng A Dê họp dân bản lại và thống nhất bầu Sùng A Vàng vào Ban bảo trợ giáo viên, vừa làm công tác tuyên truyền vận động, vừa cùng giáo viên đứng lớp để phiên dịch "song ngữ" cho cô và trò.
Sùng A Vàng và vợ bên chiếc kẻng.
Tình nguyện vì con chữ vùng cao
Mặc dù chưa nhận được một đồng lương nào, nhưng Sùng A Vàng vẫn miệt mài với công việc. Thương anh vất vả, một số thầy cô đã góp tiền, gạo, muối để ủng hộ anh chút ít nhưng anh không nhận. Anh bảo: "Tao nhận gạo này khác nào tao "cướp" cơm của dân bản tao. Vì không nhận, tao biết thầy cô cũng cho học sinh dân bản thôi".
Tôi lặng lẽ nhìn theo Sùng A Vàng lấy từng đoạn xích xe đạp cuốn chặt vào chiếc lốp "Con Uây Tàu". 2h sáng nay anh mới xuống núi, vậy mà giờ lại lên đó ngay. Có lẽ cái bụng rỗng tuếch kia đang sôi lên ùng ục vì đói và rét. Đường vùng cao là thế, chỉ mưa một tí đã trơn như đổ mỡ, nên phải cuốn xích xe đạp vào bánh xe máy để làm tăng ma sát. Từ ngày thành lập trường đến nay, đã 13 năm anh cùng thầy cô lặn lội tới trường. Vợ anh ở nhà một mình nuôi các con, để chồng giúp thầy cô đem cái chữ về cho bản làng.
Thế mới biết hành trình đến với cái chữ của người vùng cao vất vả như thế nào. Điểm trường Thào Xua Chải hiện nay đã khá đông học sinh và tất cả các em đều là dân tộc Mông. Hơn 10 năm lặn lội từ ngày còn là một chàng thanh niên, đến nay, Sùng A Vàng vẫn chưa một ngày "tắt lửa" niềm đam mê ấy. Hôm nay, anh và các thầy cô giáo nơi đây đã không còn vất vả lặn lội đêm ngày để gõ cửa từng nhà tìm học sinh, bởi chiếc kẻng treo nơi sân trường chỉ cần "thỉnh lên", học sinh đã bảo nhau cắp sách xuống núi.
Theo Hoàng Nghiệp/Báo TNVN
Chuyện về 58 người của dòng họ hiếu học nơi đại ngàn Chỉ vỏn vẹn 14 hộ sống giữa nơi "cái chữ không làm no cái bụng bằng đi làm rẫy", nhưng dòng họ Xiêng Var ở làng Dục Nhầy (xã Đắk Dục, Ngọc Hồi, Kon Tum) đã sớm tìm cho mình con đường thoát nghèo bằng việc gắn bó với con chữ. Có lẽ vì cái nghèo vẫn còn đeo bám, nên khá nhiều...