Khung trình độ cho trường nghề (10/05/2015)
Từ 1-7 tới, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành, nhưng câu chuyện làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo nghề thì vẫn còn đang gây tranh cãi.
Kiểm định chất tượng cần được chú trọng ở từng trường, để nâng cao năng lực học viên Chất lượng trường nghề Theo TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề: Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời hình thành 2 xu hướng rất rõ. Một là ĐH hàn lâm, một là nghề nghiệp. Đây là một điểm đổi mới rất căn bản bắt đầu từ 1-7-2015. Trong Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng thay đổi căn bản hệ thống nghề nghiệp, nâng cao được vấn đề tự chủ của các trường trong việc hoạt động giảng dạy và học. Từ việc tự xây dựng chương trình đảm bảo đến việc tự chủ quản lý về nhân sự, tài chính. Đồng thời, cũng tạo ra một cơ chế bắt buộc về xã hội, của người học, doanh nghiệp có hiệu quả. Điều này tác động lớn đến việc xây dựng quản lý chất lượng các trường. Đối với hệ thống dạy nghề có 170 trường cao đẳng nghề, 342 trường trung cấp, và 870 trung tâm dạy nghề. Sắp tới còn có hơn 200 trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Sau khi xây dựng khung trình độ quốc gia sẽ dự kiến xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng. Bao gồm, hệ thống đảm bảo chất lượng trong (những hệ thống quản lý chất lượng cấp trường) và hệ thống đảm bảo chất lượng ngoài (hệ thống giám sát, kiểm tra chất lượng của nhà nước và xã hội). Hiện tại, chúng ta đang áp dụng hệ thống kiểm định chất lượng ngoài. Đây là hệ thống kiểm định chất lượng do Tổng cục dạy nghề thực hiện và các hệ thống thanh tra, kiểm tra. Mục tiêu của kiểm định chất lượng đã được quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp, đó là cả 2 loại hình (kiểm định cơ sở và chương trình đào tạo) đều xác định đáp ứng mục tiêu giáo dục dạy nghề của cơ sở đào tạo. Với 2 loại hình này, sẽ đánh giá năng lực của nhà trường trong việc triển khai các chương trình. Xác định rõ các yếu tố đánh giá hệ thống quản lý chất lượng để đánh giá cho xã hội biết khả năng triển khai chương trình đào tạo của cơ sở. Đồng thời, đảm bảo cho xã hội tính bền vững của các cơ sở giáo dục. Ông Bình cho hay: “Để thực hiện được hệ thống này, chúng tôi đã ban hành các quy định rất rõ ràng liên quan đến tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Trong đó, xác định rõ những nội dung gì, thực hiện đánh giá như thế nào. Sau đó, xác định quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng. Cụ thể sẽ nêu rõ các đoàn kiểm định sẽ làm như thế nào, đánh giá và phối hợp với các nhà trường trong việc kiểm định ra sao? Ngoài tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ LĐTB&XH ban hành thì Cục kiểm định chất lượng dạy nghề cũng ban hành một loạt các chuẩn. Đó là chuẩn giáo viên, quy định rõ yêu cầu về kiến thức, kỹ năng sư phạm; các chuẩn kiến thức để đáp ứng giảng dạy trong nhà trường, quy định các trang thiết bị để các trường căn cứ vào đó đầu tư cho phù hợp”… Vận hành hệ thống kiểm định Hệ thống kiểm định chất lượng của Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề bắt đầu triển khai từ năm 2008. Đến nay, đã thực hiện việc đánh giá ngoài cho 123 trường cao đẳng nghề và 65 trường trung cấp nghề. Con số này là nỗ lực rất lớn, nhưng so với cả hệ thống dạy nghề (hơn 1200 cơ sở) thì việc này vẫn còn rất chậm. “Chúng tôi đi qua các bước thí điểm từ tháng 8-2010, chính thức thực hiện từ 2011. Qua quá trình vừa làm, tìm hiểu hệ thống văn bản pháp luật để thực hiện nên năng lực liên quan đến việc đảm bảo chất lượng ngoài của hệ thống dạy nghề Việt Nam chưa được định hướng. Sắp tới, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực quy định rõ, Tổng cục Dạy nghề sẽ không thực hiện kiểm định nữa mà Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề phải hình thành các trung tâm kiểm định chất lượng độc lập. Việc kiểm định, đánh giá chất lượng sẽ qua những trung tâm này. Dự kiến sẽ có khoảng 23 trung tâm kiểm định chất lượng trên cả nước”, ông Bình chia sẻ. Về hệ thống đảm bảo chất lượng trong ở các trường, qua quá trình nghiên cứu, chỉ đạo điều hành hệ thống cho thấy đây thực sự là vấn đề yếu kém. Căn cứ vào quy định của nhà nước, các trường đã xây dựng được những quy định, quy chế quản lý của mình. Tuy nhiên, các trường chưa có sự sáng tạo và vẫn mang tính chất lệ thuộc vào các quy định của nhà nước. Theo nghiên cứu, có khoảng 30 trường áp dụng hệ thống quản lý ISO 901208 và đang xây dựng hệ thống này. Tuy nhiên, trong đó có 1/3 trường đã xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng nhưng không áp dụng được. Điều đó, cho thấy mong muốn xây dựng hệ thống là của nhiều trường, nhưng cách làm như thế nào, làm thế nào để duy trì hệ thống này là lại vấn đề. Để thực hiện việc này, Cục kiểm định chất lượng dạy nghề đã trình lãnh đạo Tổng cục từ những năm 2012 để làm sao hỗ trợ cho các trường trong việc xây dựng vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng. Bởi họ đã hỗ trợ các trường rất nhiều về cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên… nhưng hầu như việc hỗ trợ để xây dựng, vận hành hệ thống kiểm định chất lượng hiệu quả lại chưa được đề ra. Hiện Cục Kiểm định chất lượng đã xây dựng được khung quản lý chất lượng các trường nghề. “Chúng tôi sẽ áp dụng thí điểm trong 6 trường cao đẳng nghề, tuân thủ quy định khung của Chính phủ. Khi các trường áp dụng xong, hết năm 2015, Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề sẽ chỉnh sửa lại khung. Từ đó, các cơ quan nhà nước sẽ ban hành khung nền tảng để các trường chủ động phát triển. Lộ trình này chúng tôi hy vọng năm 2016 sẽ kết thúc để làm cơ sở pháp lý cũng như yêu cầu đối với các trường nghề”, ông Bình nói.
Theo daidoanket