Khủng hoảng triết lý giáo dục khiến học sinh bị áp lực
Không định hình sản phẩm giáo dục là gì, bỏ qua sự thay đổi tâm sinh lý, nhà trường và phụ huynh đang ép trẻ học quá sức chịu đựng.
Trước việc nam sinh trường tư thục ở TP HCM tự tử vì áp lực học tập, bà Tô Thụy Diễm Quyên – Cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft – khẳng định đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho phụ huynh và cả xã hội, bởi áp lực học tập của học sinh hiện ở mức đỉnh điểm.
Phụ huynh TP HCM theo dõi lịch thi lớp 10. Ảnh: Mạnh Tùng.
Nhiều năm làm giáo dục ở các trường phổ thông, bà Quyên nói tư duy trọng bằng cấp, khoa bảng ăn sâu vào phụ huynh, kể cả người ở thế hệ sau này. Thêm nữa, xã hội vẫn trọng bằng cấp trong công việc, giao tiếp nên cha mẹ muốn con cái phải có học vị, ít nhất phải có bằng đại học.
Phụ huynh chịu áp lực từ chính tư duy của mình, từ xã hội và chuyển sang cho con. Họ sử dụng những phương pháp giáo dục cũ mà chính họ được tiếp nhận từ bé, áp đặt lên chúng.
“Có phụ huynh rất thoải mái với con nhưng không khéo. Thực ra chỉ cần khen thành tích học tập của con người khác trước mặt con cũng vô hình tạo áp lực cho các cháu. Hoặc, nhiều cha mẹ suy nghĩ đơn giản mình đi làm cực khổ, con cái chỉ việc ăn và học thôi nên không có cớ gì mà không giỏi”, bà Quyên phân tích thêm.
Cũng theo bà Quyên, một nguyên nhân quan trọng tạo áp lực cho học sinh chính là nhà trường. Nhiều trường hiện nay như những người làm dịch vụ, phụ huynh cần gì họ đưa thứ nấy, đôi khi bất chấp cả phản khoa học giáo dục.
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, bộ não người trưởng thành chỉ hoạt động hiệu quả khi làm việc từ 90 đến 120 phút liên tục, sau đó cần nghỉ ngơi. Do đó, mỗi tiết học ở lớp chỉ là 45 phút và mỗi ngày, học sinh học không quá 8 tiếng.
“Hiện, phần lớn học sinh cấp ba, nhất là những em nội trú học 12-15 tiếng mỗi ngày. Các hoạt động thể thao, ngoại khóa, vui chơi gần như hạn chế”, bà Quyên nói và cho rằng đây là sự phản khoa học. “Nếu các trường này là bác sĩ thì họ là một bác sĩ tồi. Bởi bác sĩ tốt phải biết khám bệnh và khuyến cáo bệnh nhân chứ không phải là nhận đặt hàng của người khác rồi kê thuốc”, bà ví von.
Nhìn một cách căn cơ, chuyên gia này khẳng định, cái gốc của áp lực học đường là nền giáo dục đang bị “khủng hoảng về triết lý giáo dục”.
“Chúng ta đang định hình sản phẩm giáo dục của mình là gì, một học sinh khỏe mạnh tinh thần và thể lực, sáng tạo và năng động trong cuộc sống và công việc hay một người rất giỏi nhớ bài học, biết rất nhiều thứ trong sách vở nhưng èo uột về tinh thần, ứng xử?”, bà đặt câu hỏi.
Video đang HOT
Theo bà Quyên, nếu tiếp tục duy trì cách thi cử, đánh giá học sinh bằng các bài thi nặng nề và các con số như hiện nay sẽ không đỡ được gánh nặng học tập trên vai trẻ.
Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho rằng trọng thành tích trong học tập là tâm lý của nhiều gia đình Việt từ xưa đến nay. Mong muốn này là chính đáng nhưng cách để đạt được nó ở mỗi gia đình đang có nhiều sai lầm.
Về phía cha mẹ, họ chưa thực sự thấu hiểu con cái mong muốn gì, có năng lực và sở thích gì. Mỗi đứa trẻ đều giỏi về một lĩnh vực mà nếu người lớn biết khơi gợi, định hướng thì chúng sẽ thành công. Song, với áp lực cuộc sống, quỹ thời gian của phụ huynh quá ít nên họ không gần gũi, quan tâm con.
Về phía trường học, ông Ngai cho rằng đó là những tổ chức nên nội quy nghiêm ngặt là cần thiết để duy trì kỷ luật, kỷ cương song nghiêm khắc khác với hà khắc.
“Học sinh hiện có tâm, sinh lý khác hẳn với thế hệ trước, các cháu dậy thì sớm hơn, có nhiều mối quan tâm hơn bởi cuộc sống nhiều tiện nghi. Ngoài việc học, chúng muốn được lên mạng, giải trí hoặc cả tình cảm nam nữ thời học trò. Thầy cô có lắng nghe những mong muốn này chưa?”, ông Ngai phân tích và cho rằng nếu trường duy trì “kỷ luật thép” mà bỏ qua nguyện vọng chính đáng của trò sẽ rất nguy hại.
Do đó, theo nhà giáo này, cả cha mẹ và phụ huynh cần nhìn lại mình để hiểu được con trẻ muốn gì. “Dĩ nhiên, nói thì dễ nhưng làm thì rất khó. Mỗi người lớn nên đặt vị trí của mình là trẻ với bối cảnh cuộc sống hiện đại để điều chỉnh cách quản lý, dạy dỗ cho phù hợp”, ông nhắn nhủ.
Học sinh TP HCM căng thẳng trong một kỳ thi. Ảnh: Quỳnh Trần.
Một số giáo viên làm tham vấn tâm lý trường THPT tại TP HCM cho biết, hiện rất nhiều học sinh rơi vào tình trạng căng thẳng, thậm chí trầm cảm bởi áp lực học hành quá lớn. Nhiều em thiếu sự quan tâm từ cha mẹ, nhiều phụ huynh có cách quản lý hà khắc, áp đặt.
“Mỗi ngày có chừng 1-2 em lên gặp tôi chỉ để chia sẻ áp lực học rồi xin lời khuyên để giải tỏa. Học sinh bảo ở nhà rất khó nói với cha mẹ, nhưng nói với người ngoài thì dễ hơn. Mỗi lần như vậy chúng tôi có gắng lắng nghe và khuyên nhủ”, một nữ giáo viên chia sẻ.
Mạnh Tùng
Theo vnexpress.net
Học sinh than phải học căng như dây đàn
Sáng dậy sớm, đêm lại thức đến 24h và dành phần lớn thời gian trong ngày cho việc học là thời gian biểu chung của nhiều học sinh THPT.
Tuần trước, trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP HCM) xảy ra vụ nam sinh lớp 10 nhảy từ lầu bốn tự tử. Trong thư tuyệt mệnh, nam sinh với học lực giỏi đã nói lời xin lỗi cha mẹ bởi không đáp ứng được mong mỏi của họ trong việc học hành.
Sự việc làm dấy lên lo ngại áp lực học tập từ nhà trường và gia đình là nguyên nhân dẫn đến những chấn thương tâm lý của học sinh.
Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, nơi xảy ra sự việc nam sinh tự tử vì áp lực học tập. Ảnh: Lê Nam.
Được mệnh danh là trường có kỷ luật thép bậc nhất ở TP HCM, học sinh nội trú ở Nguyễn Khuyến dành phần lớn thời gian cho việc học, hạn chế tối đa sử dụng điện thoại, Internet. Nhiều học sinh thổ lộ từng trải qua cảm giác tuyệt vọng bởi áp lực học tập quá lớn.
"Tụi em thường cảm thấy cô đơn vì xa cha mẹ, suốt ngày quanh quẩn trong khuôn viên trường chỉ để học, học và học với mục tiêu gia đình định sẵn. Em chưa nản đến mức làm chuyện dại dột như bạn nam vừa rồi, nhưng lúc nào cũng có cảm giác mệt mỏi", một nữ sinh lớp 12 quê Đăk Nông chia sẻ.
Theo nữ sinh này, mỗi mùa thi, học sinh cảm nhận như bước vào mùa "cực hình" bởi việc ôn tập rất căng thẳng. "Thầy cô quản môn theo sát từng bạn để đôn đốc việc học. Dù biết thầy cô thương mình, nhưng cũng không tránh khỏi sự ngột ngạt", nữ sinh nói và cho biết từ tháng 4 đến ngày thi THPT quốc gia hứa hẹn là chuỗi ngày căng như dây đàn.
Không học trường Nguyễn Khuyến, nhưng từ Tết đến nay Phong (17 tuổi, lớp 12 trường THPT Giồng Ông Tố, quận 2) cũng căng thẳng, chạy như con thoi từ nhà đến trường rồi chỗ học thêm. Mục tiêu đậu vào Đại học Bách khoa TP HCM được cha mẹ "giao" từ đầu năm học, nay sắp bước vào giai đoạn nước rút.
"Sáng em dậy lúc 6h, ăn sáng rồi đi học, trưa chỉ kịp chợp mắt một lát, chiều học tiếp. Buổi tối các ngày trừ chủ nhật, em học thêm đến 21h các môn Toán, Lý, tiếng Anh. Về đến nhà em chỉ kịp tắm rửa một lát và lại ngồi làm bài tập đến 24h mới đi ngủ", Phong kể về lịch học tập của mình.
Áp lực học tập ngày càng đè nặng lên học sinh THPT. Ảnh: Thành Nguyễn.
Lực học trung bình khá, Phong không mấy tự tin vào đại học top đầu ở Sài Gòn. Nhiều lần, cậu ngỏ ý với cha mẹ thi vào một đại học điểm thấp hơn ở cùng ngành thì bị mắng. "Không vào được Bách khoa thì năm sau thi lại, không được học trường khác", mẹ nói với Phong.
Lịch học dày, đôi lúc không kịp ăn một bữa trưa tử tế, cộng thêm áp lực về mục tiêu của cha mẹ, Phong thường xuyên mệt mỏi khi lên lớp, nhiều hôm ngủ gục trên bàn. "Em vào lớp mà đầu rất nặng, cứ như có bầy ong bay xung quanh, không thu nạp được gì. Ngồi học mà chỉ mong hết giờ để được chợp mắt một chút", Phong nói.
Nam sinh chia sẻ có sở thích bán hàng từ nhỏ nên muốn theo học một trường cao đẳng ngành marketing hoặc kinh doanh, nhưng cha mẹ nhất quyết muốn con trai trở thành kỹ sư. "Ngay cả sở thích đá bóng thì bây giờ em không còn trống một giờ nào để tụ tập bạn bè chơi một trận", nam sinh nói, giọng buồn bã.
Là học sinh trường chuyên, Thảo Trang (lớp 11 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) cũng bị áp lực lớn từ gia đình. Cha mẹ thường xuyên lấy anh trai - người từng là học sinh giỏi 12 năm liền, đạt nhiều giải quốc gia, hiện du học tại Mỹ - làm gương, đồng thời là mục tiêu hướng tới cho nữ sinh.
Học sinh chuẩn bị bước vào một kỳ thi tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Thích hoạt động xã hội, Trang muốn học các ngành xã hội, nhân học ở đại học trong nước, song cha mẹ lại muốn em phải giỏi tiếng Anh để du học ngành kinh tế. "Ba em nói học xã hội khó xin việc, lương lại thấp nên không cho em theo. Em thuyết phục đến mấy cũng không được nên phải tập trung học Toán, tiếng Anh, những môn em không mấy ham thích", Trang chia sẻ.
Để đạt mục tiêu này, cha mẹ đã đổ nhiều tiền cho Trang luyện thi tiếng Anh ở trung tâm và học thêm các môn Toán, Lý, Văn vào buổi tối. Lịch học kín mít, em gần như không còn thời gian cho những sở thích cá nhân.
Có dạo, cha mẹ cấm Trang sử dụng điện thoại để lên mạng, kiểm soát việc sử dụng máy tính ở nhà để con gái tập trung cho bài vở. "Em như bị cầm tù, thấy ngột ngạt, không muốn nói chuyện với ai hết. Ba mẹ không nhận ra vì bận việc, cũng may có người bạn thân khuyên bảo nên em dần vượt qua", Trang kể.
Lê Nam
Theo vnexpress.net
Thực hư "trường học như trại lính", ý kiến về phương án thi mới của Hà Nội Đổi mới tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội, chuyện áp lực học tập tại Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến,... là 2 trong những vấn đề giáo dục tốn nhiều giấy mực của báo chí trong tuần qua... Giữa những thông tin mang tính thời sự, các phương tiện truyền thông vẫn dành ưu ái cho tấm gương học sinh với thành tích...