Khủng hoảng giáo viên tại Mỹ
Trước tình trạng thiếu giáo viên, một số trường học tại Mỹ đã tuyển giáo viên mà không yêu cầu chứng chỉ giảng dạy.
Mùa tựu trường năm nay, nhiều học sinh tại Mỹ đã được chào đón bởi những thầy cô không qua đào tạo chính quy. Thậm chí, nhiều người còn chỉ mới có bằng tốt nghiệp cấp 3.
Chính quyền các bang thiếu giáo viên trầm trọng hiện đã nới lỏng yêu cầu công việc và đang hướng tới việc không đòi hỏi giấy phép hành nghề dài hạn của ứng viên. Một số bang cho phép giáo viên đi dạy không cần tốt nghiệp đại học chính quy.
Trong khi đó một số bang khác cho phép giáo viên dự bị – những người thường không bắt buộc có bằng đại học – được đi dạy toàn thời gian, theo Washington Post.
Khủng hoảng nhân sự
Đại dịch đã tạo ra khủng hoảng nhân sự ở nhiều trường học tại Mỹ. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này đã tồn tại rất lâu từ trước năm 2020 ở một số bang như Oklahoma và Arizona. Nguyên nhân của nó một phần là lương giáo viên thấp, trường học bị cắt giảm tài trợ và xã hội hiện nay không mấy mặn mà với nghề dạy học.
Ngành giáo dục Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Ảnh minh họa: USA Today.
Nhiều bang đã nới lỏng tiêu chí việc làm trong những năm qua để thu hút nhân lực nghề dạy học.
Theo một báo cáo từ Hội đồng quốc gia về Chất lượng giáo viên Mỹ, năm 2019, chỉ có 15/50 bang yêu cầu ứng viên phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cơ bản về toán, đọc và viết dành cho giáo viên. Nhiều bang còn cho phép giáo viên dự bị (những người này chưa có chứng chỉ hành nghề sư phạm – PV) được giảng dạy toàn thời gian. Nhiều người đã chỉ trích quyết định này do lo rằng giáo viên thiếu trình độ sẽ đánh giá không đúng kết quả học tập của học sinh.
Chris LeGrande, Hiệu trưởng trường Guthrie High (Oklahoma), cho biết các giáo viên được cấp chứng chỉ sư phạm khẩn cấp (chứng nhận sư phạm khẩn cấp được một số bang chứng nhận, là một biện pháp tạm thời để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại địa phương – PV) không biết cách thiết kế bài giảng dàn trải toàn bộ tiết học và thường để học sinh sử dụng thiết bị điện tử nếu tiết học kết thúc sớm.
“Việc để học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là lãng phí thời gian và không có lợi cho chúng”, thầy LeGrande cho hay.
Sáng kiến tạm thời
Bang Florida, nơi diễn ra tình trạng thiếu giáo viên cực kỳ trầm trọng, đã quyết định tăng lương cho đối tượng này. Ngoài ra, chính quyền bang cũng đưa ra một sáng kiến cho phép các cựu quân nhân giảng dạy dưới sự hướng dẫn của một giáo viên chính quy trong 2 năm và sẽ đứng lớp một mình sau đó, miễn là họ đã có 4 năm tại ngũ, đạt được 60 tín chỉ đại học và tham gia chương trình cấp bằng giáo viên kéo dài 5 năm.
Video đang HOT
Tính đến 9/9, 341 người đã đăng ký tham gia chương trình.
Bang Florida cho phép quân nhân dạy học miễn là họ đảm bảo một số yêu cầu cơ bản. Ảnh: New York Times.
Tại bang Oklahoma, chính quyền đã giới thiệu một chương trình có tên “giáo viên trợ giảng”, cho phép hội đồng trường thuê bất kỳ ai vượt qua vòng kiểm tra lý lịch làm giáo viên, miễn là các quan chức ngành giáo dục của bang cho phép. Theo một nhà lập pháp tiểu bang, đã có 248 đơn xin trợ giảng trong năm nay. Hội đồng Giáo dục bang Arizona cũng đã cho phép những giáo viên chỉ có bằng trung học được làm giáo viên chính thức trong vòng một năm.
Nguyên giám đốc Học khu liên cấp Saddle Mountain (Arizona) Paul Tighe cho biết trong nhiệm kỳ của mình, việc tìm kiếm giáo viên có trình độ chuyên môn khó đến mức một trường tiểu học đã phải thuê hai phụ huynh có bằng giáo dục chính quy để họ dạy các lớp tiểu học.
Phương án lâu dài
Bang Oklahoma từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Cách đây hơn một thập kỷ, bang này đã thông qua một đạo luật cho phép giáo viên đi dạy mà không qua đào tạo chính quy.
Năm đầu tiên triển khai đạo luật, bang đã cấp 32 giấy phép giảng dạy khẩn cấp. Nhưng đến năm rồi, số giấy phép được cấp đã lên đến 3.600. Năm nay, con số đó có thể lớn hơn thế nhiều. Cho đến hiện tại, bang này đã có tới 45.000 giáo viên không qua đào tạo chính quy.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ Miguel Cardona, để thu hút và giữ chân nhân lực nghề giáo thì điều kiện làm việc cần được cải thiện. Ông liệt kê những thách thức mà giáo viên phải đối mặt như thiếu nguồn lực, bị tấn công, bị quản lý quá chặt và không được tôn trọng. Đôi khi họ phải nhận công việc tay trái chỉ để kiếm sống.
Trong một lá thư gửi cho các nhà lãnh đạo trường học vào tháng 12/2021, ông Cardona đã chỉ ra các một số cách để các trường tuyển dụng và giữ chân giáo viên bằng cách sử dụng quỹ cứu trợ đại dịch để tăng lương cho họ hay quan tâm đến cảm xúc của họ. Ngoài ra, để thu hút giáo viên, nhà trường nên tài trợ chi phí các khóa học chứng chỉ và đảm bảo việc làm cho họ. Ông cũng kêu gọi các bang thành lập chương trình trợ cấp cho sinh viên sư phạm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cardona lại không đề nghị loại bỏ các yêu cầu công việc khắt khe.
“Việc cung cấp các nhà giáo không đủ tiêu chuẩn hoặc không được đào tạo về sư phạm để giảng dạy như một cái tát vào nghề”, Cardona nói.
Thiếu giáo viên vẫn không có người ứng tuyển
Tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng đang diễn ra ở khắp các địa phương trên toàn quốc.
Một số nơi học sinh không thể đến trường vì không có giáo viên.
Theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2022-2023 được Sở GD&ĐT TP.HCM công bố ngày 9/9, Phòng GD&ĐT các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cùng hiệu trưởng các trường tiểu học phải đảm bảo dạy môn Tiếng Anh, Tin học cho 100% học sinh lớp 3 từ năm học này theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
TP.HCM điều giáo viên THCS xuống dạy tiểu học
Tuy nhiên, do thiếu giáo viên môn Tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học trong khi chương trình hai môn học này trở thành bắt buộc ở cấp tiểu học từ năm học này, TP.HCM yêu cầu các phòng GD&ĐT, các trường có phương án bố trí giáo viên linh hoạt.
Cụ thể, các Phòng GD&ĐT có thể điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học hay biệt phái, điều động giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp THCS giảng dạy tại trường tiểu học. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng bởi việc thiếu giáo viên đang diễn ra ở tất cả bậc học.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, cho hay: "Không riêng gì bậc tiểu học mà cả bậc THCS, THPT trên địa bàn quận cũng đang thiếu giáo viên, đủ các môn từ Tiếng Anh, Tin học, đến các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, chuyên đề... nên không thể nào choàng vai nhau được, trường nào cũng phải tự chủ động trường đó thôi".
Nhiều nơi vẫn thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy Tiếng Anh Ảnh: Tiền Phong.
Theo ông Thanh, phương án đang được phần lớn các trường thực hiện là hợp đồng với giáo viên về hưu, giáo viên các trung tâm bên ngoài để về dạy học.
Dù thiếu giáo viên, việc tuyển dụng mới không hề dễ. Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, nhiều trường, nhiều bộ môn có rất ít thậm chí là không có người nào ứng tuyển dù chỉ tiêu tuyển dụng không ít.
"Nguyên do sâu xa của thực trạng này là giáo viên mới vào nghề lương thấp, nhiều người bỏ nghề hoặc từ chối theo nghề sư phạm", ông Thanh nói.
Giáo viên dạy học tại một trường THCS ở quận Bình Thạnh (xin giấu tên) cho hay trường hiện thiếu nhiều giáo viên ở nhiều bộ môn khác nhau. "Một số lớp thiếu giáo viên, trường không bố trí được người dạy, các em được cho bài tập để làm; cũng có lớp, giáo viên dạy Sử kiêm luôn dạy Địa lý... khiến cả thầy và trò đều rất vất vả".
Được biết, theo báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2022-2023, TP.HCM cần tuyển hơn 5.200 giáo viên, trong đó tiểu học hơn 2.300, THCS gần 1.700, mầm non gần 900 và THPT gần 300. Các môn thiếu giáo viên, nhiều nhất là giáo viên dạy môn tiếng Anh, Tin học.
Hàng nghìn trẻ ở Tây Nguyên chưa thể đến trường
Đắk G'long là một trong những địa phương có số lượng học sinh đến tuổi đi học nhiều của tỉnh Đắk Nông. Những năm qua, địa phương này luôn trong tình trạng thiếu giáo viên.
Cô Thái Thị Hải, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Hoa Lan (xã Đắk R'măng, huyện Đắk G'long), cho biết năm học này, trường có 2 điểm trường với khoảng 306 học sinh. Trung bình mỗi lớp có 30-40 học sinh và dự kiến còn tăng thêm.
Tuy nhiên, do thiếu giáo viên, nhà trường chỉ ưu tiên tiếp nhận các em từ 5 tuổi. Các em từ 3 đến 4 tuổi chưa được đến trường.
Theo số liệu từ UBND huyện Đắk G'long, địa phương có hơn 1.400 em từ 3 đến 4 tuổi ở bậc mầm non chưa được đến trường. Lãnh đạo huyện cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu giáo viên, cơ sở vật chất. Số học sinh này tăng cơ học khi thực trạng người dân di cư tự do vào sinh sống. Trong khi hàng năm, ngành giáo dục phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông, năm học 2022-2023, toàn tỉnh còn thiếu 966 giáo viên. Cụ thể, cấp học mầm non thiếu 251 người, cấp tiểu học thiếu 349 người, cấp THCS thiếu 232 giáo viên, cấp THPT thiếu 93 giáo viên.
Thực trạng thiếu giáo viên cũng xảy ra tại tỉnh Gia Lai. UBND tỉnh này đã có văn bản đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ bổ sung 4.481 người làm việc cho ngành giáo dục (3.414 giáo viên, 1.067 nhân viên, quản lý).
Ông Trần Văn Tĩnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, Gia Lai), cho biết nhà trường phải phân công một số giáo viên cấp tiểu học giảng dạy cấp THCS. Nhiệm vụ hoàn thành nhưng về quy định không đảm bảo do chưa đúng ngạch.
Trường Tiểu học và THCS Anh Hùng Wừu (xã Gào, thành phố Pleiku) cũng luôn trong tình trạng thiếu giáo viên ở cả 2 cấp. Cụ thể, trường thiếu 7 giáo viên tiểu học (5 giáo viên dạy văn Hóa, một giáo viên Tiếng Anh, một giáo viên Tin học), 2 giáo viên THCS dạy môn Lịch sử - Địa lý và giáo viên Hóa học - Sinh học.
Ngành giáo dục Đắk Lắk cũng đang thiếu 1.260 giáo viên, trong đó nhiều nhất là bậc mầm non (671 giáo viên).
Cao Bằng "giật gấu, vá vai"
Năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên ở Cao Bằng càng trở nên trầm trọng. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học này, Tin học và Tiếng Anh là môn học bắt buộc với học sinh lớp 3 mà giáo viên hai môn này thiếu nhiều dẫn đến tình trạng "giật gấu, vá vai", vẫn không đủ giáo viên đứng lớp.
Sở GD&ĐT Cao Bằng cho biết hiện ngành giáo dục địa phương thiếu 482 biên chế so với chỉ tiêu được giao. Trong đó, tỉnh thiếu 87 giáo viên Tin học và 83 giáo viên Tiếng Anh để đứng lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học 2022-2023.
Năm 2022, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thi tuyển viên chức ngành giáo dục, nhưng chỉ tiêu được giao 519 viên chức. Qua thi tuyển, tỉnh chỉ tuyển được 315 viên chức, hụt 204 người so với chỉ tiêu được giao, nguyên nhân do không có nguồn để tuyển dụng.
Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng chia sẻ để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên môn Tin học và tiếng Anh, ngành giáo dục địa phương đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố trên địa bàn tăng cường giáo viên bậc trung học cơ sở hỗ trợ giảng dạy ở các trường tiểu học, bố trí giáo viên dạy liên trường và ký hợp đồng với giáo viên Tin học và Tiếng Anh đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên hiện có vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu giảng dạy.
Điện Biên dự kiến phân bổ gần 460 giáo viên bổ sung Hai ngành Giáo dục và Nội vụ tỉnh Điện Biên đã tham mưu UBND tỉnh này phân bổ gần 460 giáo viên bổ sung cho năm học mới. Điện Biên dự kiến phân bổ gần 460 giáo viên cho năm học mới theo Quyết định của Bộ Chính trị. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong năm học 2022 - 2023,...