Khủng hoảng chu kỳ đang đến, cần giảm thêm lãi suất điều hành
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, thị trường chứng khoán và bất động sản. Chuyên gia này cũng kỳ vọng, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ có thêm các đợt cắt giảm lãi suất điều hành nữa.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế.
Theo ông, vì sao NHNN quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành ở thời điểm này?
Có 3 lý do khiến NHNN giảm lãi suất điều hành.
Thứ nhất là tác động từ bên ngoài. Thời gian qua, ngân hàng trung ương một loạt quốc gia đã cắt giảm lãi suất. Gần đây nhất là ngày 12/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất tiền gửi xuống -0,5%.
Thứ hai là lạm phát ở Việt Nam đang ở mức thấp, thậm chí thấp hơn mức dự kiến đầu năm nay.
Thứ ba là tín dụng trên thị trường có dấu hiệu căng thẳng, cầu tín dụng cao hơn cung. Nhiều ngân hàng thương mại buộc phải tăng lãi suất huy động qua nhiều hình thức. Giảm lãi suất đồng nghĩa với việc NHNN tăng cung tiền, tăng khả năng cho vay của ngân hàng thương mại, đẩy tín dụng lên. Tôi cho rằng, động thái giảm lãi suất điều hành có thể coi là nới lỏng tiền tệ thực sự.
Lãi suất điều hành giảm có tác động lan tỏa đến lãi suất thị trường không, thưa ông ?
Video đang HOT
Ở Việt Nam, lãi suất điều hành không mấy liên quan đến lãi suất thị trường, bởi các ngân hàng thương mại vay từ NHNN không lớn, đặc biệt là kênh tái cấp vốn hầu như không hoạt động, chỉ cho vay với ngân hàng sắp phá sản.
Chính vì vậy, dù lãi suất điều hành giảm, nhưng số ngân hàng có thể giảm lãi suất không nhiều. Các ngân hàng nhỏ vẫn kỳ vọng NHNN có thể điều chỉnh giảm thêm lãi suất điều hành từ nay đến cuối năm.
Tôi cho rằng, nếu lãi suất điều hành giảm thêm thì mới tác động tích cực tới thị trường, giúp tín dụng tăng lên khoảng 16-17% trong năm nay. Hiện tại, nhìn vào thị trường bất động sản và hoạt động huy động trái phiếu doanh nghiệp vừa qua cho thấy, tín dụng đang khá căng thẳng.
Ông đánh giá như thế nào về tác động của việc giảm lãi suất điều hành tới thị trường nói chung ?
Lãi suất điều hành chỉ giảm 0,25% hầu như không tác động đến thị trường, nhưng tạo ra một không gian để NHNN có thể dễ dàng điều chỉnh chính sách , đồng thời điều này cũng tác động tích cực tới tâm lý thị trường.
Giảm lãi suất điều hành mang lại kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ khá hơn, từ đó góp phần giữ được nhịp độ tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, một số thị trường cũng “ăn theo” như thị trường chứng khoán sẽ tích cực hơn, thị trường bất động sản cũng có cơ hội để tăng cung.
Lãi suất giảm, cung tiền tăng, lạm phát liệu có đáng ngại không, thưa ông?
Lạm phát ở nước ta chưa có nguy cơ gì đáng cảnh báo. Trên thế giới, lạm phát cũng đang ở mức thấp, yếu tố quan trọng nhất là giá xăng dầu lại đang đi xuống và nhiều người lo ngại, kỷ nguyên giá dầu trên 60 USD/thùng đã kết thúc. Chưa kể, sự thực về một cuộc khủng hoảng chu kỳ đang đến gần.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu của thế giới dự đoán, GDP Mỹ có khả năng giảm còn 1 – 1,5%, GDP Nhật quay về 0 – 0,5%, châu Âu dưới 1%, Trung Quốc 5,5 – 6% trong vài ba năm tới. Chu kỳ khủng hoảng đang đến, cộng với thương chiến Mỹ – Trung khiến tình hình thêm khó khăn. Tín hiệu rất xấu là tăng trưởng toàn cầu đang chậm (2,5%), tăng trưởng thương mại toàn cầu thấp (1,7%) – tình trạng chỉ xảy ra trong các đợt khủng hoảng kinh tế thế giới đã xuất hiện từ năm ngoái đến nay. Cầu tiêu dùng rất thấp và nhiều nước không kích lên được dù đã dùng mọi cách.
Tại Việt Nam, tình hình chưa đến mức trầm trọng như các nước lớn, tâm lý tiêu dùng của người Việt vẫn rất lạc quan. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, nhập khẩu ô tô tăng kỷ lục. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lường trước kịch bản để đối phó.
Thùy Liên
Theo baodautu.vn
"Nếu không kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có rủi ro"
Nếu không kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
Sáng 9/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành và Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá tình hình nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011-2018 và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019.
Báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 116.085 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2018, trong đó, ngân hàng thương mại (NHTM) phát hành 36.700 tỷ đồng (chiếm 36%), doanh nghiệp bất động sản là 22.122 tỷ đồng (19%), công ty chứng khoán chiếm 3,5%, còn lại là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác.
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân từ 9,5%-11%/năm, bằng và cao hơn khoảng 0,5% so với mức cho vay phổ biến của các ngân hàng thương mại.
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới hết tháng 6/2019 có mức vốn hóa bằng 10,22% GDP, tăng 21% so với cùng kỳ 2018, vượt mục tiêu đặt ra là 7% GDP vào năm 2020.
Phát biểu tại buổi họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự phát triển nhanh trong thời gian qua vì các doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn để sản xuất kinh doanh trong khi tăng trưởng tín dụng có xu hướng được quản lý chặt chẽ hơn, nhất là các lĩnh vực còn nhiều rủi ro như bất động sản.
Phó Thủ tướng đánh giá mặt tích cực của trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm là từng bước hình thành kênh cung vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp, giảm bớt áp lực cho vay của các NHTM, hỗ trợ các NHTM huy động vốn trái phiếu để tăng vốn cấp 2, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực huy động vốn cho sản xuất kinh doanh. Kỳ hạn phát hành trái phiếu doanh nghiệp dài (kỳ hạn 5 năm chiếm 66% tổng khối lượng phát hành), các nhà đầu tư chủ yếu là nhà đầu tư có tổ chức, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 6,1%.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng nếu không kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô. "Lãi suất một số đợt phát hành cao từ 13-14%, cá biệt có doanh nghiệp bất động sản phát hành tới 14-15% cao hơn lãi suất cho vay của NHTM, các tổ chức tín dụng khác", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, việc tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân không đủ thông tin phân tích rủi ro.
"70% doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn hình thành trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý. Vốn huy động có thể sử dụng chưa đúng mục đích do chưa có báo cáo nào sử dụng vốn có ý kiến của kiểm toán theo quy định của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP. Và 98% các đợt phát hành là riêng lẻ", Phó Thủ tướng nói thêm.
Phó Thủ tướng yêu cầu, bên cạnh việc hoàn thiện, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong trung và dài hạn, Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, rà soát quy định cụ thể phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có năng lực phân tích tài chính và khả năng đánh giá rủi ro.
Đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính sửa đổi các quy định để rút ngắn quy trình phát hành, thúc đẩy doanh nghiệp huy động vốn theo phương thức này, gắn phát hành ra công chúng bắt buộc với xếp hạng tín nhiệm...
Liên quan đến mức lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp ngành bất động sản huy động ở mức cao (phổ biến ở mức 12%), tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: "Qua rà soát và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát đánh giá mức huy động lãi suất như vậy chưa có xu hướng biến động đáng ngại. Bộ Tài chính vẫn phải tiếp tục theo dõi, đánh giá phân tích thường xuyên, nếu có bất thường liên quan đến thị trường tài chính, ảnh hưởng sẽ có giải pháp phù hợp".
H.HÀ
Theo bizlive.vn
Giảm lãi suất điều hành: "Liều thuốc" chưa đủ mạnh Từ 16/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giảm 0,25% các lãi suất điều hành. Các chuyên gia cho rằng, quyết định này là phù hợp trong bối cảnh các nền kinh tế đang có nhiều biến động nhưng chưa đủ. Quyết định của NHNN là rất kịp thời. Ảnh: Internet Ngày 13/9, NHNN có quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn...