Không xét tuyển sớm, trường sẽ bị động khi không tiếp cận được với thí sinh
Xét tuyển sớm tạo điều kiện cho các trường top dưới, ít thu hút tiếp cận thí sinh sớm hơn, thuận lợi trong tuyển sinh.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp giao ban về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm, theo hình thức trực tuyến. Tại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lưu ý các trường đại học xem xét giảm phương thức tuyển sinh, theo hướng phương thức nào ít tác dụng nên tinh giản.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các trường rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù).
Ảnh minh họa: Ngọc Ánh
Giảm phương thức tuyển sinh nào do từng trường đại học quyết định
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Hà Văn Huân – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Lâm nghiệp bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất giảm phương thức xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc tồn tại quá nhiều phương thức tuyển sinh làm thí sinh dễ dàng bị rối, không biết nên đăng ký những phương thức nào để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành, vào trường. Ngoài ra, nhiều phương thức còn gây tốn kém chi phí của phụ huynh và thí sinh.
Theo Phó Giáo sư Hà Văn Huân, việc giảm phương thức tuyển sinh nào phải phụ thuộc vào từng trường.
“Mỗi trường sẽ có những mục tiêu đào tạo, đặc thù khác nhau, trên cơ sở đó sẽ đưa ra những phương thức tuyển sinh để chọn lọc ra các đối tượng thí sinh phù hợp.
Một số trường top đầu hoặc các trường có đào tạo hệ quốc tế, liên kết đào tạo nước ngoài thì những phương thức chính thường sẽ đi kèm với một số tiêu chí phụ như điểm môn tiếng Anh (điểm IELTS, TOEIC)… Hoặc để chọn được những thí sinh giỏi, xuất sắc, một số trường sẽ thêm tiêu chí phụ như từng tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đạt các giải thưởng, học sinh hệ chuyên,…
Các trường top đầu cần đưa ra nhiều tiêu chí sàng lọc để lựa chọn được đối tượng thí sinh phù hợp, tuy nhiên các trường top dưới thì điều kiện xét tuyển đơn giản hơn. Vì lúc này, vấn đề ưu tiên của trường là tuyển đủ chỉ tiêu.
Chính vì vậy, muốn giảm phương thức nào thì tùy thuộc từng trường, từ dữ liệu hiện có các trường sẽ phân tích, xem xét phương thức nào nên giữ, phương thức nào nên bỏ”, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Lâm nghiệp phân tích.
Năm 2022,Trường Đại học Lâm nghiệp tuyển sinh theo 4 phương thức như sau:
Phương thức 1: Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.
Phương thức 2: Xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ).
Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Video đang HOT
Phương thức 4: Xét tuyển thẳng và xét tuyển theo đơn đặt hàng.
Tuy nhiên, sau khi thống kê, đánh giá, Phó Giáo sư Hà Văn Huân cho biết, thí sinh đăng ký và xác nhận nhập học phần lớn bằng 2 phương thức là xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét điểm học bạ; 2 phương thức còn lại có số lượng thí sinh đăng ký và xác nhận nhập học rất thấp, không đáng kể.
“Vì vậy, trước mắt, trường vẫn sẽ duy trì ổn định 2 phương thức tuyển sinh xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét điểm học bạ. Chưa kể, đây cũng là 2 phương thức mà các thí sinh từ vùng sâu, vùng xa đến vùng đồng bằng đều có thể dễ dàng tiếp cận được, tạo điều kiện cho học sinh vùng khó khăn không tiếp cận được các phương thức đặc thù khác có cơ hội học đại học.
Riêng với 2 phương thức còn lại, Trường Đại học Lâm nghiệp sẽ phân tích, xem xét dựa trên dữ liệu về tính hiệu quả”, Phó Giáo sư Hà Văn Huân thông tin.
Cùng đánh giá về đề xuất này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc tinh giảm phương thức xét tuyển là cần thiết, tránh gây nhiễu cho thí sinh.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: NP
Hiện nay, tồn tại nhiều phương thức không đánh giá được thực chất năng lực học sinh, thậm chí gây mất công bằng giữa các thí sinh. Trong phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển nào tương ứng với ngành học nào, Bộ phải có quy định rõ ràng.
“Vừa qua, tự chủ tuyển sinh nên các trường quy định bao nhiêu tổ hợp để xét tuyển vào ngành đều được, có những tổ hợp không liên quan trực tiếp đến ngành xét tuyển. Việc các trường sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh, nhiều tổ hợp xét tuyển như vậy không hiệu quả, chỉ chú trọng đến số lượng mà không quan tâm đến chất lượng. Liệu rằng những thí sinh trúng tuyển đó có năng lực, phù hợp với ngành hay chưa?
Đối với một số phương thức nên có thêm các tiêu chí phụ. Đặc biệt là xét tuyển bằng điểm thi IELTS, TOEIC. Phương thức này đứng riêng không phản ánh được kết quả học tập toàn diện của học sinh, dễ dàng dẫn tới việc học sinh học lệch, mất công bằng giữa học sinh vùng sâu, vùng xa với vùng thuận lợi”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.
Xét tuyển sớm tạo điều kiện cho các trường tiếp cận thí sinh sớm hơn
Bên cạnh lưu ý cần giảm phương thức tuyển sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù). Tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông – tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.
Phó Giáo sư Hà Văn Huân cho hay, xét tuyển sớm của trường (xét tuyển học bạ trung học phổ thông, đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế, ưu tiên xét tuyển…), nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo thời gian quy định mới chính thức được công nhận.
Với các trường dễ tuyển sinh, các trường top trên, việc xét tuyển sớm hay xét tuyển đồng loạt không khác nhau nhiều. Vì sức hấp dẫn của các trường này lớn, thí sinh đăng ký xét tuyển sớm vào trường hầu hết sẽ đặt nguyện vọng 1 khi nhập lên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thí sinh đăng ký vào trường đông, đảm bảo đủ chỉ tiêu, chất lượng.
Tuy nhiên, đối với các trường top dưới, ít thu hút hơn thì việc xét tuyển sớm có ý nghĩa quan trọng. Khi đó, các trường sẽ tiếp cận được thí sinh xét tuyển sớm đủ điều kiện trúng tuyển vào trường. Dựa trên cơ sở đó, trường sẽ làm công tác tư vấn tới thí sinh để các em hiểu hơn về ngành nghề của trường. Như vậy, thí sinh và trường có sự tương tác với nhau, nâng hiệu quả tuyển sinh của nhà trường và nâng cơ hội học đại học đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Phó Giáo sư Hà Văn Huân – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Lâm nghiệp. Nguồn: website nhà trường
“Nếu không tổ chức xét tuyển sớm thì nhà trường không tiếp cận được các em thí sinh, không có sự tương tác, tư vấn. Các trường đại học sẽ ở thế bị động.
Thực tế, tự chủ trong tuyển sinh và xét tuyển sớm là cách để các trường top dưới thúc tiến tuyển sinh”, Phó Giáo sư Hà Văn Huân nói.
Công tác tuyển sinh năm 2022 có nhiều thay đổi so với các năm trước, vì vậy không tránh khỏi những vướng mắc cần được cải thiện. Để mùa tuyển sinh sau được thành công hơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Lâm nghiệp kiến nghị:
Thứ nhất, rút ngắn thời gian tuyển sinh. Thời gian từ khi công bố kết quả đến khi nhập học quá lâu, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, quyết định của các thí sinh. Trong thời gian chờ đợi, một số em có thể thay đổi định hướng, đi du học, xuất khẩu lao động, đi học nghề,…
Thứ hai, các trường cần hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023 sớm để các em học sinh nắm được, tìm hiểu.
Thứ ba, hoàn thiện phần mềm, hệ thống hỗ trợ phục vụ việc tuyển sinh. Trong mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh gặp một số rắc rối trong quá trình thực hiện thao tác trên hệ thống. Bên cạnh đó, các em còn gặp khó khăn trong truy nhập hệ thống thanh toán lệ phí trực tuyến. Như vậy, cần phải thay đổi phương thức, nâng cấp phần mềm hỗ trợ tối đa để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh các vùng miền.
Cần 'chốt' phương án tuyển sinh ĐH sớm để thí sinh và nhà trường không bị động
Nhiều trường đại học ủng hộ xét tuyển một đợt với mọi phương thức tuyển sinh, bởi sẽ mang đến sự công bằng giữa các cơ sở đào tạo cũng như giữa các thí sinh.
Xét tuyển đồng loạt sẽ mang lại công bằng cho trường và thí sinh
Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ xét tuyển đại học một đợt với mọi phương thức, nhằm rút ngắn thời gian tuyển sinh.
Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết: "Hiện tại, nhà trường đang xây dựng quy chế tuyển sinh, dự thảo làm đề án tuyển sinh năm 2023 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ nhiều năm nay, nhà trường sử dụng một số phương thức xét tuyển sau: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển học bạ (năm học 2022-2023 chỉ chiếm khoảng 20% chỉ tiêu); Tuyển thẳng học sinh giỏi; Chứng chỉ tiếng Anh; Xét tuyển theo kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tuy nhiên, từ nhiều năm làm tuyển sinh, tôi cho rằng, việc xét tuyển sớm đối với một số phương thức cũng không có giá trị nhiều, ví dụ như việc tuyển sinh thông qua xét tuyển học bạ, đây chỉ giống như một kênh dự phòng cho các thí sinh.
Theo thống kê của nhà trường, những năm qua, phần lớn các thí sinh trúng tuyển qua hình thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, còn thí sinh trúng tuyển qua phương thức xét tuyển học bạ chỉ chiếm phần rất nhỏ".
Thí sinh làm thủ tục nhập học 2022. Ảnh: hcmuc.edu.vn.
Từ những phân tích trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát cho rằng: "Nếu bây giờ, chúng ta có thể tổ chức xét tuyển đồng loạt vào cùng một thời điểm, sẽ thuận tiện cho cả nhà trường và thí sinh, dữ liệu thí sinh bị ảo cũng giảm bớt.
Bởi theo tôi, xu thế chất lượng tuyển sinh những năm qua chủ yếu vẫn bám vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều hơn, vì học bạ của các thí sinh hiện nay đa phần là "đẹp", không phản ánh được nhiều".
Đồng quan điểm đó, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ: "Nhà trường hiện đang xây dựng quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh năm 2023. Và thực tế, trong năm 2022, nhà trường cũng không thực hiện xét tuyển sớm.
Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép xét tuyển nhiều đợt trong năm, như năm 2022, cũng có một số trường cũng xét tuyển sớm, các hình thức xét tuyển đa dạng, "nở rộ", theo tôi điều đó cũng có mặt tốt, nhưng ở mặt nào đó sẽ thiếu đi sự công bằng giữa các cơ sở đào tạo.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Phó trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh) phổ biến quy chế thi cho thí sinh năm 2022. Ảnh: NVCC.
Nếu có thể tổ chức xét tuyển cùng một lúc, tôi cho rằng đó là một điểm tích cực. Tuy nhiên, đã làm thì nên làm đồng loạt theo hệ thống, chứ không nên để mạnh trường nào, trường ấy làm, cũng không nên phân biệt trường - công trường tư hay các trường đặc thù... Như vậy sẽ đảm bảo công bằng cho tất cả các cơ sở đào tạo và cho các thí sinh.
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu, nhưng cũng cần phải tính toán thật kỹ lưỡng, nếu không sẽ có thể dễ gây quá tải. Một cơ sở dữ liệu mà có những thời điểm, lượng truy cập quá lớn dẫn đến "nghẽn", thì cần phải tính toán thật cẩn trọng... Từ năm trước, tôi đã có một thắc mắc: Đối với việc đăng ký xét tuyển theo học bạ, tôi không hình dung có cách nào để chỉ trong "một sớm một chiều" có thể bổ sung hết được cơ sở dữ liệu cần thiết, bởi, thí sinh đã tốt nghiệp từ các năm trước vẫn có thể đăng ký xét tuyển đại học, mà không phải ở bất cứ nơi đâu cũng đã kịp cập nhật toàn bộ học bạ điện tử.
Chính vì vậy, phải tính toán đến nguồn lực và lộ trình, mạnh dạn thì tốt nhưng làm sao để có thể triển khai tốt, bởi lẽ, chỉ một lỗi kỹ thuật nhỏ cũng có thể ảnh hưởng cả hệ thống, giống như trong một dây chuyền sản xuất, chỉ một mắt xích có vấn đề là sẽ ảnh hưởng đến cả bộ máy".
Cần "chốt" phương án sớm để thí sinh và nhà trường không bị động
Bên cạnh những chia sẻ trên, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng cũng bày tỏ: "Không hẳn là vướng mắc trong công tác tuyển sinh, tuy nhiên, tôi cho rằng, năm 2022, đã có không ít các cơ sở đào tạo cũng như các thí sinh đều gặp phải những lúng túng nhất định.
Trong khi phải đợi quy chế chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến khoảng giữa năm, cả nhà trường lẫn thí sinh đều mang tâm lý hồi hộp, lo lắng.
Về phía Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, do có một ngành phải tổ chức thi năng khiếu, bởi đặc thù nghệ thuật, rồi kết hợp với điểm thi các môn văn hóa theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển, nên năm vừa rồi, khi chờ Bộ công bố phương án tuyển sinh, nhà trường cũng "đứng ngồi không yên".
Từ góc độ của một cơ sở đào tạo, tôi cho rằng, Bộ nên "chốt" phương án và công bố sớm, để các cơ sở đào tạo cũng như thí sinh có thể chủ động hơn, tránh tình trạng để trễ như năm vừa rồi. Mọi thông tin tuyển sinh cần phải được công bố hết sức rõ ràng, chính xác, để từ đó, xã hội ủng hộ, các cơ sở đào tạo cũng dễ dàng thực hiện theo một hướng thống nhất, một cách nghiêm túc, đàng hoàng, chứ không phải mỗi trường có thể làm theo một kiểu dạng "trăm hoa đua nở"...".
Thí sinh tham dự kỳ thi năng khiếu vào Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC.
"Thứ hai, nếu thí sinh tiếp cận với quá nhiều chiều thông tin, đôi khi sẽ bị "nhiễu" thông tin, dẫn đến hoang mang, lo lắng, nên cần có một luồng thông tin chính thống và nhất quán để các thí sinh tìm hiểu. Vì vậy, làm thế nào cũng phải đảm bảo cho thí sinh có đủ thời gian để tìm hiểu, cân nhắc và lựa chọn các phương thức tốt nhất cho mình, đồng thời, cũng sẽ không ở trong tình trạng vừa áp lực ôn thi, vừa áp lực lựa chọn đăng ký nguyện vọng..." - vị Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế nhấn mạnh.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng cũng cho biết thêm: "Không chỉ sinh viên, mà một số cơ sở đào tạo cũng rất "sốt ruột", nhất là với những ngành khó tuyển như văn hóa của chúng tôi.
Chẳng hạn, ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, hoặc ngành Bảo tàng học... là những ngành đào tạo nhằm phục vụ lĩnh vực văn hóa tư tưởng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống... Nhưng xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của các thí sinh hiện nay đang khiến cho những ngành này mặc dù có giá trị xã hội, nhưng người dân lại chưa biết đầy đủ về giá trị và ngày càng khó tuyển sinh hơn.
Trong khi đó, nếu không có thông tin sớm, nhà trường không kịp thời chủ động, dẫn đến khó tuyển được sinh viên, thì khoảng 5-10 năm sau, sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành".
Công tác tuyển sinh đại học năm 2023 có gì thay đổi? Một điểm mới sẽ được áp dụng từ kỳ tuyển sinh năm 2023 là cách tính mức điểm ưu tiên có thay đổi so với năm 2022 nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau. Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, năm...