Không xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng lâu năm, Hà Nội “tiền hậu bất nhất”?
Hà Nội cho biết, không có GVHĐ nào đủ tiêu chuẩn xét tuyển đặc biệt theo NĐ 161, thử hỏi còn địa phương nào đủ tiêu chuẩn?
Những ngày qua, hàng ngàn giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ lo sợ, thất vọng đến hy vọng rồi lại… tuyệt vọng, khi Sở Nội vụ Hà Nội thông báo thành phố không có giáo viên hợp đồng nào đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt theo Nghị định 161. Nghị định 161 nêu rõ, để được xét tuyển đặc biệt, giáo viên phải công tác trong các cơ sở giáo dục đảm bảo tự chi thường xuyên. Nhưng hiện nay tại Hà Nội chưa hề có trường công lập nào đủ khả năng tự chủ tài chính!
Điều đáng nói, trong hàng ngàn giáo viên hợp đồng này, có đến hàng trăm người đã cống hiến cho ngành suốt hơn 20 năm, nhưng cũng không hề được hưởng bất kỳ ưu tiên nào khi tuyển dụng viên chức.
Không giáo viên hợp đồng nào của Hà Nội đủ tiêu chuẩn xét tuyển đặc biệt.
Giáo viên lại nước mắt nhạt nhòa
Vừa mới lóe chút hy vọng, thầy Nguyễn Viết Tiến (GVHĐ Sơn Tây) lại hoang mang, thất vọng khi nhận được tin bản thân thầy cũng như nhiều đồng nghiệp khác không có cơ hội nào để xét tuyển đặc biệt. Nhiều tháng qua, thầy Tiến cùng các đồng nghiệp vẫn “vác” đơn cầu cứu đi khắp các ban ngành của TP Hà Nội, Bộ Nội vụ để mong có một cơ chế thỏa đáng hơn, công bằng hơn trong việc tuyển dụng vào biên chế giáo dục. Thế nhưng đến nay mọi cố gắng vẫn chưa có kết quả như mong đợi.
Thầy Tiến bị cắt hợp đồng từ 31/5, nhưng do trường thiếu giáo viên, nên thầy được mời về dạy thỉnh giảng theo tiết. Từ hợp đồng theo năm, đến nay thầy Nguyễn Viết Tiến phải cố bám trụ với nghề bằng hợp đồng theo tiết. Mỗi tiết 50.000 đồng, 1 tuần 12 tiết và không được hưởng thêm bất kỳ khoản trợ cấp nào.
Thầy Nguyễn Viết Tiến ứa nước mắt khi nói về thân phận giáo viên hợp đồng.
“Tôi thấy cuộc sống của những giáo viên hợp đồng hiện nay chẳng khác nào anh giáo nghèo trong truyện ngắn của Nam Cao. Lương vốn dĩ đã không đủ sống, nhưng nay còn mất luôn nghề. Sau gần 20 năm cống hiến với ngành giáo dục bằng cả thanh xuân, tâm huyết và lòng nhiệt tình, chúng tôi lại đứng trước nguy cơ phải rời bục giảng khi bị chấm dứt hợp đồng. Hợp đồng theo tiết không có bất cứ ràng buộc gì, nhà trường thuê lúc nào, chúng tôi được đi dạy lúc ấy. Đau đớn hơn khi nhiều học sinh cũ hỏi tôi “thầy ơi thầy còn đi dạy nữa không hay thầy về hưu non rồi. Nhiều người quen hay trêu thầy “mất dạy” rồi à. Lúc ấy chỉ cười xòa, nhưng cay đắng lắm”, thầy Tiến ngậm ngùi.
Giống như thầy Nguyễn Viết Tiến, thầy Phùng Đức Tăng (Ba Vì) Hà Nội cũng đã phải từ bỏ mục giảng vì bị cắt hợp đồng, bươn chải bằng nghề hàn xì, lắp đặt điều hòa, phụ xây…
“Chúng tôi thấy buồn và chua xót, khi sau gần 20 năm dạy học, cuối cùng lại rơi vào cảnh ngộ này. Người ta vẫn nói nghề giáo là nghề cao quý, nhưng có ai lại đối xử với nhũng người làm nghề cao quý theo cách này”, thầy Tăng chua xót.
Tiếp tục cầu cứu
Dù đã có kết luận của TP Hà Nội, nhưng thầy Nguyễn Viết Tiến cho biết, giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây, Ba Vì cùng các quận huyện khác vẫn tiếp tục kiên trì gửi đơn kêu cứu lên UBND TP Hà Nội mong có một cơ chế giải quyết thỏa đáng hơn.
“Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng, phát ngôn của Hà Nội trước sau bất nhất, khiến giáo viên hy vọng rồi lại thất vọng. Ngày 7/7/2019 Sở nội vụ Hà Nội có Văn bản số 1554/SNV-SDCD trả lời đơn kiến nghị được xét tuyển đặc cách đối với GVHĐ tại các quận, huyện, thị xã. Theo đó Thành phố giao các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng giáo viên hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội để xem xét việc tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 của nghị định 161/2018.
Đến ngày 9/7/2019, tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND thành phố cho biết sẽ xét tuyển đặc biệt với những giáo viên đủ tiêu chuẩn. Nhưng đến ngày 6/9/2019 Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố lại ra thông báo trên địa bàn thành phố Hà Nội không ai đủ điều kiện xét đặc cách. Trong khi đó, Bộ Chính trị có công văn số 9028 cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với giáo viên có hợp đồng từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực trình độ phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh đến cùng”, thầy Tiến nói.
Hà Nội không đủ tiêu chuẩn xét tuyển đặc biệt, thì nơi nào đủ?
Video đang HOT
Nghị định 161 quy định rõ ràng về các tiêu chuẩn để xét đặc cách biên chế, theo TP Hà Nội, giáo viên hợp đồng toàn TP không đủ điều kiện để xét đặc cách do không ai đang giảng dạy trong trường công lập tự chủ tài chính.
Điều này đúng! Nhưng thử hỏi, tại Hà Nội, còn không có trường công lập nào đủ khả năng tự chủ tài chính, thì 62 tỉnh thành còn lại, liệu có nơi nào giáo viên đáp ứng được tiêu chí này?
TS Lê Viết Khuyến cho rằng Hà Nội cần có cách làm đảm bảo công bằng cho các giáo viên hợp đồng. (Ảnh: KT)
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng: “Hội đồng lúc nào cũng nói làm đúng quy trình. Nhưng cơ quan nào đưa ra các tiêu chí đó mới đáng trách. Có mấy trường hợp không làm đúng quy trình đâu. Nhưng vấn đề là các tiêu chí, quy trình ấy có phù hợp hay không. Nếu không áp dụng một cách tỉnh táo, có thể tạo ra những bất công. Tiêu chí về xét duyệt biên chế giáo viên hợp đồng được đưa vào luật, nhưng cần xem tiêu chí này đã được lấy ý kiến rộng rãi của giáo viên hay chưa, những giáo viên hợp đồng có đồng tình với điều này hay không. Xưa nay nhiều khi vẫn có vài chuyên viên thậm chí chưa đi dạy được ngày nào, ngồi ôm gối vỗ trán, nhìn sang Anh quốc, Nhật Bản… làm thế này thế kia, rồi về áp vào nước mình, mà đâu biết mỗi nơi mỗi khác”.
TS Lê Viết Khuyến không đồng tình với cách làm của Hà Nội, ông cho rằng nên có những cách giải quyết công bằng hơn cho giáo viên. Theo đó, Hà Nội không nên đặt ra vấn đề có xét tuyển đặc cách theo luật hay không, mà cần đưa ra các tiêu chuẩn riêng với những giáo viên hợp đồng lâu năm. “Cần đưa ra các tiêu chuẩn riêng, đây không phải là ưu ái. Những người trẻ có thế mạnh là ngoại ngữ, tin học, nhanh nhạy, nhưng nhũng người làm việc lâu năm lại có những tiêu chí riêng như kinh nghiệm dày dặn. Đây là những yếu tố không thể bỏ qua. Họ làm việc lâu năm, có thể không đáp ứng dược tiêu chí này, nhưng lại đáp ứng được tiêu chí khác. Theo tôi không nên cào bằng”.
Nói về cách tuyển dụng giáo viên, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà nhiều địa phương khác cũng đang vướng mắc, do có các giai đoạn tuyển dụng ồ ạt. Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học cho rằng, về lâu dài, trừ những vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nên bỏ biên chế giáo dục, chuyển sang hình thức hợp đồng dài hạn. Nhưng để thực hiện được cần có lộ trình thực hiện rõ ràng./.
Nghị định 161: “Điều 14. Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức
1. Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức quy định tại Điều 4 Nghị định này và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp sau:
a) Các trường hợp có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), gồm:
Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập;
Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu;
Cán bộ, công chức cấp xã;
Người đang làm việc tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Theo VOV
Hà Nội nói lý do không có giáo viên hợp đồng nào được xét tuyển đặc cách
Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đã trả lời tường tận về lý do không có giáo viên hợp đồng nào của Hà Nội được xét tuyển đặc cách.
Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 1/10, các nhà báo đã đặt câu hỏi tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin cho báo chí mới đây Bộ Nội vụ khẳng định, giáo viên hợp đồng từ năm 2015 trở về trước được tuyển dụng đặc cách, tại sao Hà Nội không thực hiện?.
Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đã trả lời tường tận về vấn đề này.
Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội . Ảnh: Đỗ Thơm
Ông Nguyễn Đình Hoa cho biết: "Việc tuyển dụng cán bộ, viên chức trong đó có giáo viên phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Nhưng để dẫn giải cách thực hiện của Thành phố Hà Nội trong việc chỉ đạo tuyển dụng viên chức giáo dục 2019 trên địa bàn thành phố, tôi xin trả lời 4 nhóm vấn đề như sau.
Thứ nhất, công tác triển khai các quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố từ công tác tuyển dụng viên chức giáo dục trực thuộc khối quận, huyện năm 2019: căn cứ vào số giáo viên có mặt năm 2019 và theo quy định, định mức bố trí giáo viên đối với từng cấp học, môn học và bổ sung số lượng giáo viên do nghỉ hưu, tăng trường, tăng lớp và tăng số học sinh.
Sau khi xin ý kiến của ban thường vụ quận uỷ, huyện uỷ, thị uỷ và thường trực hội đồng nhân dân các cấp, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đã đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố tuyển dụng giáo viên còn thiếu và Sở Nội vụ đã thẩm định, trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quyết định 1076 vào ngày 7/3/2019.
Chỉ tiêu tuyển dụng năm 2019 là 11.182 chỉ tiêu, trong đó giáo viên là 10.949 người, nhân viên là 233 người với hình thức thi tuyển.
Trong đó ở vị trí giáo viên Trung học cơ sở hạng ba là 3.546 người và yêu cầu trình độ từ cao đẳng sư phạm trở lên.
Vị trí giáo viên tiểu học, mầm non hạng 4 là 7.443 người. Quá trình triển khai thì đến ngày chốt nộp phiếu đăng kí dự tuyển là ngày 13/4/2019, tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển là 20.767 người và trong quá trình tiếp nhận phiếu đăng kí dự tuyển đã có ý kiến phản ảnh, kiến nghị của nhiều giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn, Ba Vì, Đông Anh, thị xã Sơn Tây và đã gửi trực tiếp cho các cơ quan của Thành phố Hà Nội và từ phiếu chuyển đơn, thư của các cơ quan Trung ương hoặc qua phản ánh báo chí.
Nội dung là đề nghị chuyển hình thức tuyển dụng từ thi tuyển sang xét tuyển để không phải thi môn ngoại ngữ, tin học và môn kiến thức chung, đề nghị quan tâm đến những người đã có quá trình giảng dạy hợp đồng lâu năm ở các trường công lập, được xét tuyển đặc cách.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về việc tuyển dụng giáo viên thì Sở Nội Vụ, cơ quan thường trực của ban chỉ đạo tuyển dụng công chức, viên chức đã có văn bản ngày 23/5/2019 xin ý kiến và căn cứ hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại công văn số 2267.
Ngày 23/5/2019 Sở Nội vụ đã trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quyết định số 3455 ngày 28/6/2019.
Theo đó, giao Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã rà soát, thông kê số lượng giáo viên hiện đang hợp đồng làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn để xem xét việc thực hiện tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại nghị định 161 ngày 29/11/2018 của Chính phủ.
Và qua kết quả rà soát và báo cáo bằng văn bản của ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thì biên chế giáo viên năm 2019 là 80.812 người và số giáo viên hiện có là 68.282 và số còn thiếu là 12.530 người và có tổng số là 8.394 giáo viên hợp đồng đang giảng dạy ở 3 khối mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở.Sau khi rà soát số lượng giáo viên hợp đồng và thực hiện việc xét tuyển đặc biệt thì Ủy ban nhân nhân dân các quận, huyện, thị xã lựa chọn hình thức tuyển dụng giáo viên bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển theo quy định của Nghị định 161, bổ sung đối tượng tham gia đăng kí tuyển dụng giáo viên của khối Trung học cơ sở đối với những trường hợp có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên, có chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy hoặc có chứng chỉ sư phạm theo quy định.
Trong đó số giáo viên có thời gian hợp đồng dưới 5 năm là 5.664 người và số giáo viên có thời gian hợp đồng lao động liên tục từ 5 năm đến 19 năm tại 19 quận huyện là 2.730 người.
Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đã họp với ban giám hiệu nhà trường, các giáo viên hợp đồng lao động trên địa bàn để phố biến những nội dung liên quan đến các hình thức tuyển dụng, tiêu chuẩn tuyển dụng đặc biệt vào viên chức theo quy định tại khoản 7, điều 2, nghị định 161 của Chính phủ.
Cụ thể, căn cứ vào điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức quy định tại điều 4 của nghị định này và theo yêu cầu về vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu các cơ quan đơn vị có thẩm quyền quyển dụng viên chức được xem xét tiếp nhận viên chức đối với các trường hợp sau đây: các trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm theo yêu cầu, có trình độ đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không kể thời gian tập sự, thử việc.
Nếu có thời gian công tác, có đóng bảo hiệm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn, bao gồm các đối tượng sau: là người kí hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Tuy nhiên, qua rà soát ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đều khẳng định, mặc dù các trường hợp giáo viên có thời hạn lao động hợp đồng 5 năm trở lên nhưng đều là lao động hợp đồng trong các cơ sở giáo dục công lập chưa tự chủ bảo đảm chi thường xuyên.
Có một số giáo viên hợp đồng đang giảng dạy tại các trường Trung học phổ thông ngoài công lập nhưng lại không đảm bảo yêu cầu vị trí việc làm, do đó toàn thành phố không có trường hợp nào đủ điều kiện để xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại khoản 7, điều 2, nghị định 161.
Căn cứ các quy định của pháp luật về tuyển dụng viên chức và tình hình thực tế nêu trên, ngày 29/8/2019 đồng chí Nguyễn Văn Sửu - Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố - Trưởng ban chỉ đạo tuyển dụng công chức cấp xã và viên chức giáo dục 2019 khối quận huyện đã họp với lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng phòng Giáo dục các quận huyện, thị xã và thông báo kết luận số 293 ngày 6/9/2019 về công tác tuyển dụng viên chức giáo dục.
Trong đó nêu rõ và chỉ đạo có 22 quận huyện, thị xã đăng kí thi tuyển và 8 quận, huyện đăng ký xét tuyển, giao Sở Nội vu hoàn thiện dự thảo quyết định và kết hoạch kèm theo trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt với 8 quận, huyện tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển và hoàn thiện các văn bản thành lập tổ biên tập, tài liệu ôn tập, ngân hàng câu hỏi, lịch tuyển dụng để hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai tuyển dụng đảm bảo đúng quy định.
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao thì Sở Nội vụ đã trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành kế hoạch 203 ngày 12/9/2019 về việc xét tuyển viên chức vào làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trực thuộc khối Ủy ban các quận, huyện, thị xã năm 2019.
Thứ 2 là công việc đang triển khai và thực hiện các quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc tuyển dụng viên chức giáo dục khối quận huyện, thị xã nêu trên thì ban chỉ đạo tuyển dụng công chức cấp xã và viên chức giáo dục năm 2019 của Thành phố cùng Sở Nội vụ đã ban hành và thông báo lịch tuyển dụng số 2239 ngày 20/9/2019, đã thành lập tổ xây dựng nội dung ôn tập theo quyết định 5345 ngày 25/9/2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố, đã họp, thống nhất biên soạn tài liệu ôn tập cho thí sinh ôn tập trước khi tham ra kỳ tuyển dụng.
Theo đó, Ủy ban nhân dân quận, huyện đã thành lập hội đồng tuyển dụng và ban giám sát. Hội đồng tuyển dụng các quận, huyện đã thành lập các ban giúp việc để tổ chức theo tiến độ .
Theo đó từ 1/10 đến ngày 2/10 sẽ công bố tài liệu ôn tập vòng 1 các môn thi trắc nhiệm trên máy tính đối với 22 quận huyện theo quy định đăng kí hình thức là thi.
Và dự kiến là trước ngày 12/10/2019 sẽ công bố bộ tài liệu ôn tập vòng 2 cho cả hình thức thi tuyển và hình thức xét tuyển .
Từ 15 /10/2019 đến 10/11/2019 toàn thành phố sẽ tổ chức thi vòng 1 trắc nhiệm 2 mon ngoại ngữ và kiến thức chung đối với 22 quận huyện thị xã và ngày 17/11/2019 toàn thành phố sẽ đồng loạt thực hiện tổ chức thi vòng 2 và sát hạch với hình thức xét tuyển.
Về tiến độ hoàn thành, sẽ phấn đấu hoàn thành trong tháng 11 để đảm bảo đúng yêu cầu chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Thứ ba về thẩm quyền, trách nhiệm trong tuyển dụng viên chức, giáo dục khối quận huyện, thị xã theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lí hiện hành, quy định tại quyết định số 14 ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành quy định về phân cấp quản lí bộ máy công chức, viên chức lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thì việc tuyển dụng công chức, viên chức giáo dục thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.
Vì vậy, việc tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển hay xét tuyển thì các quận, huyện, thị xã đều phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.Thành phố chỉ hướng dẫn và kiểm tra giám sát việc thực hiện tuyển dụng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và nâng cao chất lượng tuyển dụng.
Thứ 4 là trách nhiệm giải quyết chế độ chính sách đối với số lao động hợp đồng.
Việc giải quyết chế độ chính sách đối với lao động hợp đồng trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc, trực thuộc Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân của quận, huyện, thị xã và theo thông báo, kết luận số 293 ngày 16/9 /2019 thì Ủy ban nhân dân Thành phố đã giao Sở Lao động Thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan hướng dẫn các đơn vị về nguyên tắc chung thực hiện chế độ chính sách nếu có theo Bộ luật Lao động và Luật Dân sự và quy định hiện hành đối với người lao động khi chấm dứt lao động hợp đồng".
Đỗ Thơm - Đức Minh
Theo giaoduc.net
Điểm nhấn giáo dục: Hàng loạt giáo viên kêu cứu lên Bộ Nội vụ Phó Chủ tịch Hoà Bình bị Thủ tướng kỷ luật vì để xảy ra gian lận thi cử; Bộ Chính trị cho phép xét đặc cách giáo viên hợp đồng ở Hà Nội; Sau lùm xùm đào tạo chui ở ĐH Đông Đô, Bộ GD&ĐT chuyển đơn vị cung ứng phôi bằng; Sở GD&ĐT TPHCM sẽ thanh tra đột xuất trường Quốc tế...