Không tiếc tiền mua phụ kiện khi tậu smartphone mới
Người Việt đang sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để sở hữu các món phụ kiện chất lượng. Trung bình, mỗi người chi 1-5 triệu đồng tiền phụ kiện khi mua các dòng smartphone mới.
Mẫu ốp iPhone 14 Pro được các đại lý Việt Nam bán với mức giá trên 1,3 triệu đồng. Ảnh: Big Unbox.
Sau khi mua chiếc iPhone 14 Pro Max 256 GB với mức giá 36 triệu đồng, anh Đức Hùng (quận 2, TP.HCM) sẵn sàng chi thêm gần 3,5 triệu đồng để mua ốp, cường lực và sạc dự phòng.
Anh Hùng cho biết bản thân ít thay đổi phụ kiện và cũng muốn duy trì ngoại hình cho chiếc iPhone mới nên quyết định mua những sản phẩm có chất lượng tốt.
Chi tiền triệu mua phụ kiện
Anh này cũng cho biết thêm trước đây anh vẫn đang có thói quen mua phụ kiện giá rẻ ở những cửa hàng nhỏ lẻ hoặc đặt về từ các trang thương mại điện tử (TMĐT). Kính cường lực dạng này thường có giá dao động 35.000-90.000 đồng và ốp khoảng 50.000 đồng.
Vào năm ngoái khi mua mẫu iPhone 13 Pro Max, anh không đặt được kính cường lực trên trang TMĐT nên đã chọn mua một sản phẩm thương hiệu với giá 390.000 đồng.
Chiếc ốp iPhone 14 Pro được anh Nam mua với giá 1,4 triệu đồng. Ảnh: NVCC.
Sau gần một năm sử dụng anh Hùng thấy miếng dán này vẫn không bị nứt dù điện thoại của anh đã rơi nhiều lần.
Trong khi đó, với những miếng dán cường lực giá rẻ mỗi lần rơi anh sẽ lại phải thay miếng mới, tính ra mỗi năm cũng mất tổng cộng gần triệu đồng.
Vì vậy năm nay khi mua iPhone 14 Pro Max, anh Hùng đã quyết định mua trọn bộ phụ kiện có thương hiệu để nhận được trải nghiệm tốt nhất.
“Mình đã mua kính cường lực là 490.000 đồng, một chiếc ốp có giá 1.590.000 đồng và thêm một chiếc sạc dự phòng hỗ trợ MagSafe với giá 1.490.000 đồng”, anh Hùng tiết lộ.
Sau hơn 2 tháng sử dụng, anh Hùng nhận định những món phụ kiện tới từ các thương hiệu nổi tiếng có độ bền cao và mang lại trải nghiệm tốt hơn.
Tương tự như anh Hùng, anh Phương Nam (Tân Bình, TP.HCM) cho biết sau khi tham khảo trên một nhóm mạng xã hội chuyên về phụ kiện cho iPhone, anh đã lựa chọn cho mình một chiếc ốp lưng với thiết kế chống va đập với mức giá 1,4 triệu đồng.
“Mình thấy mẫu ốp này được nhiều người dùng đánh giá cao về khả năng bảo vệ máy trong trường hợp bị rơi nên quyết định mua để bảo vệ tốt chiếc iPhone mới”, anh Nam chia sẻ.
Video đang HOT
Mở rộng nguồn thu
Chia sẻ với Zing, đại diện Thế Giới Di Động cho biết những năm gần đây khách hàng quan tâm hơn đến các thương hiệu phụ kiện và sẵn sàng chi nhiều tiền hơn trước để sở hữu các món phụ kiện chất lượng.
Vị này cũng nhận định những món phụ kiện như pin sạc dự phòng được người dùng mang theo vào sử dụng thường xuyên vì vậy ngoài sự tiện ích nó đang dần trở thành một sản phẩm mang tính thời trang.
Phụ kiện từ các thương hiệu lớn được bày bán nhiều tại các chuỗi bán lẻ. Ảnh: Hải Dương.
“Nắm bắt được sự chuyển dịch của người dùng về các món phụ kiện chất lượng, Thế Giới Di Động cũng đã nhập sản phẩm từ nhiều thương hiệu như Apple, Samsung, Bellkin, Anker, Xmobile”, đại diện Thế Giới Di Động chia sẻ.
Theo thống kê từ chuỗi này, khách hàng mua iPhone thường chi 3-5 triệu đồng để mua phụ kiện. Với khách mua smartphone nói chung, mức chi dao động 1-3 triệu đồng. Đáng chú ý, trong đợt giao hàng iPhone 14, doanh thu bán phụ kiện của chuỗi đã tăng tới gần 200% so với ngày thường.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối Viễn thông di động hệ thống FPT Shop và F.Studio, cho biết trước khi iPhone 14 series mở bán chính thức tại Việt Nam, chuỗi đã phục vụ một lượng lớn khách hàng có máy xách tay trước đó.
Cũng theo vị này, khi iPhone 14 và dòng Samsung màn hình gập mở bán, gần như 100% khách hàng đều mua kèm phụ kiện. Trong đó, gần 30% khách hàng mua từ 3 món trở lên.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, tiết lộ khách hàng mua iPhone và smartphone nói chung thường chi 5-10% giá trị máy cho phụ kiện. Các đợt mở bán iPhone và Samsung ghi nhận doanh thu phụ kiện tăng cao.
“Người dùng ngày càng có xu hướng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho phụ kiện để bảo vệ điện thoại”, ông Huy chia sẻ.
Bên cạnh đó, những năm gần đây khách hàng cũng đã có sự quan tâm đến các thương hiệu phụ kiện khi chọn mua. Người dùng sẵn sàng bỏ 400.000-500.000 đồng cho một miếng dán chống va đập có thương hiệu thay vì dán cường lực màn hình giá rẻ ở các cửa hàng nhỏ lẻ.
Smartphone và phụ kiện tại Việt Nam sắp tăng giá
Các nhà bán lẻ trong nước dự báo smartphone và phụ kiện trong thời gian sắp tới sẽ tăng mạnh do chênh lệch tỷ giá USD.
Giá các mẫu smartphone và phụ kiện tại Việt Nam sắp tăng giá. Ảnh: Knowmyreviews.
Với các sản phẩm của Apple, giá sẽ tăng 3-8%. Các hãng smartphone Android có thể không tăng giá nhưng sẽ cắt giảm các chương trình khuyến mãi.
Tăng từ đầu vào
"Giá nhập iPhone từ nhà phân phối đã tăng 1-2%. Các dòng sản phẩm khác như Mac, iPad hay Apple Watch cũng báo tăng nhưng do lượng hàng nhập về từ đợt trước vẫn còn nên cửa hàng chưa có sự điều chỉnh giá", ông Phạm Tuấn Anh, đại diện chuỗi cửa hàng ShopDunk, tiết lộ.
Ông Nguyễn Minh Khuê, đại diện truyền thông Viettel Store, cho biết không riêng giá từ các nhà phân phối, Apple cũng đã tăng giá các thiết bị do thay đổi tỷ giá ngoại tệ. Tuy nhiên, vị này chia sẻ doanh nghiệp vẫn không tăng giá bán ra.
Giá các sản phẩm của Apple sẽ tăng trong thời gian tới. Ảnh: Quỳnh Danh.
Khác với tiết lộ từ ShopDunk và Viettel Store, đại diện một số chuỗi bán lẻ tại Việt Nam như Thế Giới Di Động, FPT Shop, SamCenter và Minh Tuấn Mobile cho biết việc tỷ giá đồng USD tăng cao vẫn chưa tác động đến giá cả nhập hàng hóa.
Trong thời gian tới, các chuỗi trên vẫn chưa có kế hoạch tăng giá các mẫu smartphone và phụ kiện. Hiện các sản phẩm vẫn đang được duy trì mức giá.
Đại diện ngành hàng Samsung tại một chuỗi bán lẻ cũng tiết lộ việc tỷ giá USD tăng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá smartphone và phụ kiện của hãng.
Bởi hãng sẽ phân phối hàng hóa về trước 8-12 tuần tại các đại lý. Sau đó, các đại lý mới bán ra sản phẩm trên thị trường. Samsung có công ty sản xuất tại Thái Nguyên nên việc tỷ giá chỉ ảnh hưởng đến chương trình khuyến mãi của sản phẩm.
Còn theo ông Phạm Công Bằng - Giám đốc kinh doanh vivo Việt Nam - chia sẻ với Zing, doanh nghiệp cũng đang chịu sức ép từ biến động tỷ giá và áp lực chi phí. Tuy nhiên đại diện vivo khẳng định vẫn đang thắt chặt chi phí để duy trì giá bán tới tay người tiêu dùng.
Không riêng các dòng smartphone bị ảnh hưởng, phụ kiện cũng sẽ tăng giá trong thời gian sắp tới.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, cho biết các nhà phân phối chính hãng của Apple tại Việt Nam đã thông báo tăng giá 3-5% cho các sản phẩm như iPad, iMac, Apple Watch. Các món phụ kiện như Apple Pencil, bàn phím, Magic Mouse cũng có mức tăng giá tương đương.
Riêng với các món phụ kiện khác như miếng dán màn hình, cáp sạc, củ sạc sẽ tăng cao hơn, ở mức 5-8%.
Trao đổi với Zing, bà Hằng Đặng, đại diện HD Accessory (chịu trách nhiệm phân phối phụ kiện của các hãng công nghệ như Hyper, Tomtoc, Mipow, Innostyle và Spigen tại Việt Nam) cho biết giá nhập phụ kiện đã tăng 3-5% từ tháng 10.
Ảnh hưởng trực tiếp tới giá
Sáng 1/11, giá sàn/trần các ngân hàng được phép giao dịch với USD hôm nay là 22.512 - 24.882 đồng/USD. So với cuối năm 2021, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng hiện đã tăng khoảng 2.000 đồng/USD.
Đại diện của một hệ thống bán lẻ đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trên thị trường cho biết nhiều năm qua gần như hiếm thấy trường hợp điều chỉnh giá các sản phẩm của hãng, ngoại trừ giảm giá chủ động trước kỳ mở bán sản phẩm mới.
Tỷ giá hối đoái giữa VND sang USD đã gần chạm ngưỡng 25.000 đồng. Ảnh: Apple.
"Vào thời điểm 2017-2018, khi tỷ giá USD biến động tăng mạnh, trên thị trường tự do giá 1 USD từ 22.300 đồng tăng lên thành 24.200-24.500 đồng thì giá bán sản phẩm vẫn không thay đổi. Nhưng hiện nay câu chuyện đã khác hơn", vị này nhận định.
Với tình hình mới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất lên cao, kèm theo ngân hàng nhà nước cũng thả biên độ điều chỉnh lên mốc 5%, thị trường dự đoán còn nhiều khó khăn, tỷ giá có thể tiếp tục tăng cao.
Đại diện một chuỗi bán lẻ giấu tên cũng tiết lộ với Zing tuy giá bán ra tại Mỹ của mẫu iPad Pro 11 inch M2 vẫn đang là 799 USD (bằng với thế hệ trước) nhưng giá bán ra cho các đại lý tại Việt Nam đã tăng lên khoảng 5%.
"Khi tỷ giá leo thang, hệ thống sẽ buộc phải tăng giá phụ kiện trong thời gian tới. Vì không những biến động về tỷ giá, lãi suất mà chi phí cước tàu, đặc biệt đường bay và logistics đều tăng. Hiện tại chuỗi vẫn đang cố gắng giữ giá ổn định vì đã báo với các đại lý", bà Hằng Đặng cho biết.
Không chỉ tăng giá sản phẩm
Thời gian gần đây, Apple đã tăng giá các gói ứng dụng trên App Store. Ngoài ra, còn tăng giá luôn cả các gói dịch vụ như Apple Music, TV và Apple One.
YouTube cũng tăng giá gói YouTube Premium gia đình tại nhiều nước trên thế giới. Trong đó, giá gói Premium ở Argentina có mức tăng cao nhất, từ tương đương 0,78 USD lên 2,53 USD với gói cá nhân (tăng 240%), và 1,17 USD lên 4,55 USD (tăng gần 290%) với gói gia đình.
Các gói dịch vụ của ứng dụng cũng đồng loạt tăng giá. Ảnh: Tech Advisor.
Theo nhận định từ Techcrunch, đây có thể hành động nhằm chống lại sự biến động của tiền tệ so với đồng USD do lạm phát gia tăng trên toàn cầu.
Ngoài Apple và YouTube, trong năm nay nhiều công ty công nghệ và ứng dụng cũng đã tăng giá các gói dịch vụ.
Vào tháng 1, giá đăng ký Netflix đã tăng từ 1 USD lên thành 2 USD đối với các cấp khác nhau. Vào tháng 2, giá gói Amazon Prime cũng đã tăng từ 12,99 USD/tháng lên thành 14,99 USD và giá thời lượng một năm sẽ là 139 USD thay vì 119 USD như trước.
Vào tháng 8, ESPN cũng đã tăng giá gói dịch vụ của mình lên 40%, từ 7 USD/tháng và 70 USD/năm lên thành 10 USD/tháng và 100 USD/năm.
Hulu cũng đã tăng giá 2 gói dịch vụ của mình vào tháng 10. Theo công bố, dịch vụ phát video sẽ tăng 1 USD với gói có quảng cáo và 2 USD với gói không có quảng cáo.
Cũng trong báo cáo của công ty Disney, dịch vụ Disney cũng đã tăng giá 3 USD cho gói thuê bao tháng, từ 7,99 USD lên thành 10,99 USD.
Tính năng mới ở kính cường lực dành riêng cho iPhone 14 Thấu hiểu nhu cầu bảo vệ sức khỏe đôi mắt và tối ưu trải nghiệm người dùng iPhone 14, hãng phụ kiện nổi tiếng thế giới JCPAL (Canada) đã cho ra mắt dòng kính cường lực có khả năng chống ánh sáng xanh. Hầu hết người dùng đều biết tác hại gây khô, mờ hoặc đỏ mắt của việc nhìn quá lâu vào...