Không thi tuyển lớp 6: Sẽ tái diễn việc trắng đêm xếp hàng lấy đơn xin học cho con?
Sức nóng tuyển sinh đầu cấp tại một số trường THCS của Hà Nội được ví như thi… đại học với tỷ lệ chọn lên tới 1/15 – 1/20. Thế nên, sau yêu cầu mới nhất của Bộ GD-ĐT về việc tuyệt đối không thi tuyển vào lớp 6, phụ huynh và học sinh vừa mừng vừa lo.
Phụ huynh, học sinh thường chịu áp lực lớn trong kỳ tuyển sinh lớp 6
Không có ngoại lệ
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, sẽ không có ngoại lệ với những trường dự kiến tuyển đầu vào lớp 6 bằng hình thức thi cử. Trường nào có lượng học sinh đăng ký đầu vào cao hơn chỉ tiêu thì phải xây dựng phương án tuyển sinh, trình cơ quan quản lý có thẩm quyền của địa phương quyết định. Các trường không nhất thiết phải kiểm tra kiến thức ở tiểu học. Trước thắc mắc liệu các trường ngoài công lập và trường chất lượng cao hoạt động theo chủ trương xã hội hóa có thể vận dụng cơ chế đặc thù trong tuyển sinh hay không, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, dù công lập hay ngoài công lập, các trường THCS phải đảm bảo nhiệm vụ phổ cập của bậc học này. “Để bảo đảm giáo dục toàn diện và khắc phục tiêu cực trong việc dạy học quá tải ở bậc tiểu học thì tất cả các cơ sở đều không được thi tuyển vào lớp 6″ – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói.
Ông Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết, các trường chuyên bậc THCS hiện nay đã được xóa bỏ, do đó, phải chấn chỉnh những nơi làm méo mó hoạt động giáo dục theo kiểu trường chuyên, lớp chọn. Nếu vẫn có một vài trường được hưởng đặc quyền thi tuyển thì có nghĩa là chỉ dành cho nhóm học sinh học giỏi, có thêm điều kiện đầu tư ôn luyện. Còn các lớp chất lượng cao được thu học phí cao chứ không phải là nơi tuyển học sinh giỏi.
Tiếc công luyện thi
Ôn luyện để vào được những trường “hot” của Hà Nội đã trở thành luật bất thành văn. Ai cũng hiểu, để cạnh tranh với 10, 20 đối thủ để có một suất vào những trường như Hà Nội – Amsterdam, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành hay Cầu Giấy, Marie Curie… thì không thể không luyện thi. Anh Trương Tú Ninh, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công nói: “Tôi đã phải đầu tư cho con học thêm cả 3 môn Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh từ 3 năm trước vì hè năm nay con sẽ chuyển cấp. Đưa con đi học, bố mẹ vất vả 1 thì con vất vả 10, mục đích cũng chỉ là vì muốn vào được trường tốt nhất của Hà Nội. Bây giờ thì không biết liệu các trường sẽ xét kiểu gì? Con mình có thiệt thòi không?”.
Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng lo lắng bởi đa phần đều thấy, áp lực học thêm với trẻ tiểu học là quá lớn khiến trẻ không còn thời gian vui chơi, học các môn năng khiếu, thể thao… “Bắt đầu là cấm dạy thêm học thêm, không ra bài tập về nhà, bỏ chấm điểm, bây giờ là cấm thi tuyển. Bộ GD-ĐT đang thực hiện đúng phương châm giảm tải cho học sinh tiểu học. Đây là định hướng đúng vì quyền lợi của học sinh” – chị Mai Lan Hương, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám đánh giá.
Lo lại phải xếp hàng mua đơn
Không được thi tuyển, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường Lương Thế Vinh cho biết, chưa nghĩ ra cách nào thay thế phù hợp. PGS Văn Như Cương cho biết, nhà trường cũng đã nghĩ tới phương án kiểm tra IQ, EQ hay phỏng vấn nhưng đều không dễ thực hiện. Bên cạnh đó, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng phụ huynh thay vì cho con luyện thi Văn, Toán sẽ quay sang luyện thi IQ, EQ. Còn phương án xét học bạ thì ngay từ đầu đã bị loại bỏ vì phần lớn học bạ đều… đẹp như nhau và cũng không đảm bảo công bằng. Để hạn chế đầu vào phù hợp chỉ tiêu, PGS Văn Như Cương tính đến việc hạn chế nhận đơn đăng ký vào trường nhưng điều này lại dẫn tới khả năng phụ huynh phải xếp hàng từ đêm để lấy được đơn vào trường.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT. Việc thay thế thi tuyển bằng hình thức khác có thể thực hiện được nếu các trường thực sự tâm huyết vì học sinh. Thi tuyển là hình thức dễ nhất để loại học sinh nhưng lại kéo theo tình trạng dạy thêm, học thêm” – bà Trần Hải Yến, Giám đốc điều hành trường THCS Alpha cho biết. Tuy nhiên, theo bà Trần Hải Yến, Bộ GD-ĐT cần có chính sách phân nhóm các trường để phụ huynh thuận tiện trong việc lựa chọn trường cho con em mình, tránh dồn hết vào một vài trường có tiếng. “Trường chúng tôi không tổ chức thi tuyển các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thay vào đó, chúng tôi tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của từng phụ huynh, học sinh để quyết định nhận vào trường. Với những trường hợp vượt quá chỉ tiêu, chúng tôi sẽ tư vấn để phụ huynh lựa chọn vào những trường phù hợp với điều kiện con em họ”.
Có thể thấy, việc cấm thi tuyển vào lớp 6 là chủ trương đúng. Tuy nhiên, cần chuẩn bị kỹ để có hình thức tuyển sinh hợp lý, tránh biến tướng và ngành giáo dục cần sớm công bố để ổn định tâm lý phụ huynh, học sinh.
Theo Anninhthudo.vn