Không thi THPT quốc gia 2020, thực hiện xét tốt nghiệp: Có khả thi?
Học sinh trên toàn quốc đã nghỉ học hơn 2 tháng để tránh dịch COVID-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng 2 lần điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học, kỳ thi THPT quốc gia 2020 để phù hợp với tình hình.
Tuy nhiên, hiện chưa biết thời điểm nào học sinh có thể quay trở lại trường và quỹ thời gian dành cho năm học 2019-2020 cũng không còn nhiều nữa.
Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng các phương án cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có tính đến kịch bản, nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, thì sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà thực hiện xét tốt nghiệp cho học sinh.
Báo Lao Động ghi nhận ý kiến, đề xuất của lãnh đạo trường phổ thông với kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Marie Curie: Cần thay đổi hình thức thi phù hợp
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang. Ảnh: Thúy Nga
Ngày 31.3, Bộ GDĐT công bố tinh giản chương trình học kỳ 2 lớp 12 và chủ trương giữ ổn định hình thức thi THPT Quốc gia như như năm 2019. Chiều 1.4, trong cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GDĐT nghiên cứu hình thức thi THPT Quốc gia phù hợp trong điều kiện dịch bệnh diễn biến rất phức tạp như hiện nay.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, phải điều chỉnh hình thức thi cho phù hợp điều kiện phòng chống dịch bệnh, các trường học phải đóng cửa nhiều tháng, học sinh phải học online và học qua truyền hình…
Điều chỉnh hình thức thi có nghĩa phải thay đổi cơ cấu các môn thi, không thể thi quá nhiều môn trong điều kiện hiện nay. Vì vậy, hợp lý nhất là bỏ hai bài thi tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, chỉ thi 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Video đang HOT
Việc thi THPT Quốc gia với 3 môn cơ bản đó, các trường Đại học và Cao đẳng vẫn có thể dựa vào kết quả thi để tuyển sinh. Học sinh có điểm cao các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ vào học ngành nào cũng tốt, cũng xứng đáng.
Nhiều khả năng các trường phải đóng cửa hết tháng 4, thời gian còn lại của năm học này rất ít, cho dù đã lùi thời điểm kết thúc đến 15.7. Trong khi chúng ta chưa thể yên tâm hoàn toàn vào việc học từ xa, dẫu sao đó vẫn là giải pháp tình thế trong bối cảnh hiện nay. Các nhà trường hiện đang chờ mong quyết định sáng suốt của Bộ GDĐT để ổn định tâm lý giáo viên, học sinh.
Thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội): 3 kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia 2020
Thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn. Ảnh: LĐO
Theo tôi, Bộ GDĐT nên chuẩn bị sẵn 3 kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 ứng với điều kiện cụ thể.
Kịch bản thứ nhất là kỳ thi THPT quốc gia 2020 vẫn diễn ra vào tháng 8 và giữ nguyên số lượng môn thi như hiện nay. Nhưng việc này chỉ thực hiện được với điều kiện hết tháng 4.2020 dịch bệnh được kiểm soát và học sinh có thể quay trở lại trường vào đầu tháng 5.
Với kịch bản này, các trường, giáo viên bám sát nội dung mà Bộ GD ĐT đã tinh giản và đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2020 đã công bố để hướng dẫn học sinh ôn tập.
Kịch bản thứ hai là học sinh có thể quay trở lại trường trong tháng 5 (giữa, hoặc cuối tháng 5), thì Bộ GDĐT nên tính đến phương án bớt môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2020. Chẳng hạn, bớt bài thi tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, học sinh chỉ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ.
Kịch bản 3, nếu hết tháng 5.2020 học sinh vẫn chưa thể đi học và dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp thì Bộ GDĐT nên chuẩn bị sẵn phương án không tổ chức thi THPT quốc gia mà sẽ xét tốt nghiệp cho học sinh.
Kỳ thi THPT quốc gia liên quan đến Luật Giáo dục, vì được quy định trong luật, nên Bộ GDĐT cần sớm đề xuất lên Chính phủ các phương án cho kỳ thi. Sau đó Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét, nếu Quốc hội đồng ý thì mới có thể thực hiện được.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc có phương án cụ thể và sớm công bố sẽ giúp nhà trường và học sinh chủ động trong quá trình giảng dạy, học tập.
Tôi cho rằng việc xét tốt nghiệp cho học sinh trong hoàn cảnh đặc biệt như năm nay hoàn toàn khả thi. Việc này có thể giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiên. Còn với các trường đại học, tùy theo mục tiêu đào tạo của từng trường mà có hình thức tổ chức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai.
ĐẶNG CHUNG (GHI)
Bộ GD&ĐT sẽ có các kịch bản về tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2020
Dự kiến đến cuối tuần này, Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra một số kịch bản về phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia phù hợp các diễn biến của tình hình dịch bệnh trong thực tế.
Trước tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp khiến học sinh chưa thể đến trường, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nếu Bộ GD&ĐT vẫn quyết tổ chức thi THPT quốc gia thì phải tổ chức kỳ thi khác với thông lệ, trong đó quan trọng nhất là đề thi.
Trước đó, trong thư kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội) đã đề xuất bỏ bớt môn thi, chỉ giữ ba môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ.
Thế nhưng, trong tình hình này, phương án xét tốt nghiệp THPT, chuyện xét vào đại học để các trường tự lo vẫn là phương án nên cân nhắc nhất. Bởi, nếu tình hình dịch bệnh vẫn chưa giảm trong thời gian ngắn, HS chưa trở lại trường, kỳ thi cũng trở nên vô nghĩa trong điều kiện thực tế đó.
Việc học trực tuyến tại các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn (ảnh minh họa)
Tại tỉnh miền núi Sơn La, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết học trực tuyến, học qua truyền hình khó đạt hiệu quả như mong muốn.
Được biết, 80% học sinh Sơn La là người dân tộc thiểu số, phần lớn phụ huynh của những học sinh này đang là lao động tại các công ty, nhà máy. Thế nên trong giai đoạn này, khi triển khai học trực tuyến, phụ huynh không có nhà, tất cả phụ thuộc vào tính tự giác trong học tập của học sinh.
Một số học sinh khác do điều kiện khó khăn, không có điện thoại thông minh, không có máy tính, không có ti vi, thậm chí điều kiện điện lưới kém, giáo viên chỉ có thể đến tận nhà giao bài tập.
Đối với những em này, ông Chiến cho rằng không thể học được kiến thức mới mà chỉ ôn tập được kiến thức đã học. Trong bối cảnh này, mong muốn của Sở là xét tốt nghiệp. Vì tổ chức thi cũng hơn 90% học sinh đỗ. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục thì phải thi.
Vì thế ông Chiến mong muốn Bộ GD&ĐT có giải pháp cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Hơn nữa, với tỉnh miền núi như Sơn La, chỉ khoảng hơn 40% thí sinh dự thi THPT quốc gia có nhu cầu xét tuyển ĐH. Các trường ĐH cũng tự chủ tuyển sinh và rất nhiều trường đã xét tuyển bằng học bạ.
Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết rong tuần này, Bộ GD&ĐT sẽ có các cuộc họp về phương án thi THPT quốc gia và phương án tuyển sinh đại học năm 2020, dự kiến đưa ra các kịch bản tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2020 phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.
Cụ thể, ngày 7-4, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì các vụ, cục họp về phương án thi THPT quốc gia 2020. Ngày 8-4, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc họp cùng Vụ Giáo dục Đại học họp về phương án tuyển sinh đại học năm 2020.
Sau các cuộc họp, dự kiến đến cuối tuần này, Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra một số kịch bản về phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia phù hợp các diễn biến của tình hình dịch bệnh trong thực tế.
Để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sang tháng 8. Đồng thời, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020 cấp THPT, tinh giản khoảng 30% nội dung chương trình, cùng với việc đẩy mạnh việc dạy học từ xa qua internet, trên truyền hình.
Hoàng Thanh
Trẻ cần được quan tâm chăm sóc khi có kì nghỉ dài ngày tránh dịch Covid-19 Việc trẻ nghỉ học dài ngày ở nhà là một bất lợi lớn cho các con. Các vị phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động của trẻ. Học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông (từ 3 đến 18 tuổi) đang ở giai đoạn phát triển và hoàn thiện nhận thức, nhân cách. Ở giai đoạn này,...