Không thể cấm dạy thêm, học thêm nếu…
Nếu lương giáo viên chỉ có 2 triệu đồng/tháng, nếu còn thi cử như ở Việt Nam hiện nay thì không bao giờ cấm được dạy thêm học thêm, không bao giờ cấm được lò luyện thi.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ phát biểu như vậy tại buổi tọa đàm “Vai trò và vị thế của nhà giáo trong xây dựng Xã hội Học tập (XHHT), hòa nhập, sáng tạo và bền vững” do Hội khuyến học Việt Nam, UNESCO và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức sáng 15/11 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Tại buổi tọa đàm, cô Đinh Thị Phương Anh, giáo viên (GV) Văn, Trường THCS Lê Ngọc Hân (Hà Nội) nói: hiện nay đội ngũ các thầy cô giáo đang đứng trước nhiều thách thức lớn, tiến bộ về công nghệ thông tin nhanh như vũ bão và đội ngũ các thầy cô giáo chưa bắt kịp các ứng dụng trong quá trình giảng dạy; yêu cầu mục tiêu giáo dục ngày càng cao; sự bất công bằng trong đãi ngộ giữa các giáo viên tâm huyết, có năng lực với các giáo viên bình thường khiến cho động lực thúc đẩy học tập nâng cao trình độ chưa lớn…
Cũng theo cô giáo Phương Anh, với thực trạng lương nhà giáo còn thấp, đội ngũ GV chưa thể dành toàn bộ tâm huyết cho giáo dục mà phải lo bươn chải để chăm lo cuộc sống của bản thân và gia đình.
Buổi tọa đàm nâng cao vị thế nhà giáo trong một xã hội học tập
Cô Phạm Thị Thúy Huyền, GV dạy nghề nhấn mạnh vào thực trạng ngoại ngữ yếu của đội ngũ GV dạy nghề: phần lớn phụ thuộc vào phiên dịch và vì vậy, hạn chế rất nhiều. Dạy nghề thiếu đội ngũ giáo viên lành nghề; liên kết mong manh với doanh nghiệp, nơi có thể hỗ trợ đắc lực cho dạy nghề…
Điều đặc biệt là, ở cả 4 khu vực phổ thông, dạy nghề, giáo dục thường xuyên và đại học, các đại biểu đều nói tới yếu tố thu nhập của giáo viên. Vô hình trung, vấn đề thu nhập của giáo viên và vấn đề dạy thêm học thêm đang nóng hiện nay lại trở thành tâm điểm bình luận của các nhà giáo.
Video đang HOT
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói: đời sống thấp nên mới có nạn dạy thêm học thêm tràn lan, lạm thu…; mới đây, ngành GD&ĐT lại đưa ra chủ trương không tôn vinh nhà giáo nhân dân nhà giáo ưu tú đối với những người đã về hưu.
“Đãi ngộ như thế, lương bổng không đủ sống như thế làm sao gọi là tôn sư trọng đạo?”, ông Trần Xuân Nhĩ đặt câu hỏi. Ông Nhĩ trích dẫn khẩu hiệu “dạy lớp lơ là, dạy nhà là chính!” và khẳng định nếu lương giáo viên chỉ có 2 triệu đồng/tháng, nếu còn thi cử như ở VN hiện nay thì không bao giờ cấm được dạy thêm học thêm, không bao giờ cấm được lò luyện thi!
Nhìn vào nhà giáo hiện nay và sự thiếu chuẩn mực trong hướng nghiệp dẫn đến hệ quả là thí sinh hiện nay không yêu thích nghề sư phạm. Đó là ý kiến của TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Ban Khoa giáo T.Ư.
Ông Dong nói: Đi về nông thôn thấy nhà giáo nhếch nhác, không hiểu đó là nông dân hay là nhà giáo – phải chăng chúng ta đang nông dân hóa nhà giáo?
Cô Đinh Phương Anh có mức lương hơn 5 triệu đồng/ tháng cho biết: Đó không phải là mức lương để có thể sống tốt ở Thủ đô nhưng cô khẳng định: Lương thấp không phải là mấu chốt của việc dạy thêm học thêm.
Cô nói: Xã hội lên án việc dạy thêm học thêm là không công bằng (tất nhiên dạy thêm học thêm không chính đáng, coi đó là nguồn thu lợi, kiếm tiền để bù vào lương thấp là không tốt).
Cô Ánh khẳng định: Cô chủ nhiệm mở lớp, học sinh bắt buộc phải đi học cũng là lỗi của phụ huynh; bộ phận giáo viên trù học sinh vì không đi học thêm do cô chủ nhiệm dạy là cực kỳ ít. Nếu chúng ta nghĩ như vậy là giáo viên bị mang tiếng.
Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, dạy nghề (Ban Tuyên Giáo T.Ư) nói: Để xây dựng đội ngũ và nâng cao vị thế nhà giáo có nhiều việc phải làm, trong đó, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ GV phải đi đôi với đổi mới chế độ chính sách ( không cào bằng); kiên quyết sàng lọc nhà giáo vi phạm đạo đức song song với việc đãi ngộ nhà giáo.
Theo tiền phong
Bối rối quản lý dạy thêm, học thêm
Phần lớn lãnh đạo các sở GD&ĐT đều chưa biết phải triển khai quy định mới về dạy thêm, học thêm ra sao do có nhiều điểm chưa rõ và không có điều kiện thực hiện.
Ngày 12/11, các đại biểu dự hội nghị giao ban năm học 2012-2013 khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên do Bộ GD&ĐT tổ chức tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã dành phần lớn thời gian để phản ánh các thắc mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Nhiều ý kiến cho thấy ngay cả những người làm công tác quản lý giáo dục cũng chưa nắm rõ quy định mới này và cho rằng khó thực hiện vì chưa sát với thực tế.
Trường không kham nổi
Hầu hết các ý kiến đều nhìn nhận dạy thêm, học thêm là một nhu cầu rất lớn hiện nay của xã hội. Quy định cấm giáo viên dạy thêm tại nhà đã gây ra sự xáo trộn lớn, trong khi các trường học, trung tâm giáo dục chưa đủ điều kiện hoặc chưa sẵn sàng để lấp vào chỗ trống này. Bức bách nhất hiện nay là học sinh lớp 9, lớp 12 không có nơi để phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức chuẩn bị cho các kỳ thi; trong khi Thông tư 17 quy định các trường phải đảm bảo các điều kiện mới được cấp phép tổ chức dạy thêm trong nhà trường.
Theo nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT, phản ứng với Thông tư 17 nhiều nhất lại chính là phụ huynh cấp tiểu học - cấp học bị cấm dạy thêm cả trong và ngoài nhà trường. Ông Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa, nêu: "Tôi đồng tình việc cấm dạy thêm ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phụ huynh có con em học một buổi, nhất là các cháu lớp 1, 2, 3 không biết gửi ở đâu. Các trường có chức năng, điều kiện để đảm nhận việc giữ trẻ không?". Còn theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, để giảm thiểu dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tổ chức học hai buổi hoặc bán trú nhưng điều kiện cơ sở vật chất hiện nay không thể nào kham nổi.
Học sinh chuẩn bị vào một lớp học thêm.
Nhiều ý kiến khác cho rằng ngay cả các cấp học THCS, THPT cũng chưa đủ điều kiện để tổ chức các cơ sở dạy thêm theo quy định của Thông tư 17, "Bộ sẽ giải quyết vấn đề này ra sao?" - ông Phan Văn Dũng đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
"Thông tư 17 còn nhiều điểm lỏng lẻo. Chẳng hạn, khi các giáo viên về hưu tổ chức cơ sở dạy thêm rồi mời các giáo viên tại các trường đến dạy cho chính học sinh của lớp chính khóa của họ thì có khác gì nhau đâu. Mặt khác, Thông tư 17 cũng chồng chéo khi cho rằng việc phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi là hoạt động dạy thêm, học thêm vì lâu nay đây là chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của nhà trường" - ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, nói.
Vẫn chưa có giải pháp cụ thể
Băn khoăn của đa số lãnh đạo các sở GD&ĐT là chưa biết sẽ cụ thể hóa Thông tư 17 như thế nào. Đến nay, trên thực tế phần lớn các tỉnh đều chưa thực hiện Thông tư 17 mà tìm những điểm có thể nới lỏng để giải tỏa nhu cầu dạy thêm, học thêm.
Ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: "Sau khi Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên xin ý kiến việc triển khai thực hiện Thông tư 17, UBND tỉnh Phú Yên đã xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương vận dụng. Ý kiến của đồng chí bí thư Tỉnh ủy là nên nghiên cứu kỹ chủ trương để... nới lỏng hơn so với Thông tư 17".
Ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, vẫn khẳng định Thông tư 17 là một sự đúc kết toàn diện các quy định về dạy thêm, học thêm. Giải thích việc có nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 17 còn lỏng lẻo, chưa khả thi, ông Quý nói: "Các địa phương tham khảo Thông tư 17 chưa toàn diện. Quy định chặt chẽ nhưng các địa phương làm chưa tốt, chẳng hạn Thông tư 17 không cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình ở các lớp chính khóa đi học thêm tại các trung tâm nhưng giáo viên phải báo cáo với hiệu trưởng và được hiệu trưởng đồng ý. Việc này nhằm nghiêm cấm giáo viên bớt xén chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm".
Cũng theo ông Quý, trước mắt để đáp ứng nhu cầu của xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Bộ giao các địa phương tổ chức các trung tâm, cơ sở dạy thêm phù hợp với điều kiện của địa phương. Riêng cấp tiểu học, Bộ kêu gọi các địa phương tạo điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức học hai buổi/ngày, những nơi chưa đủ điều kiện thì khuyến khích các cơ sở bên ngoài nhà trường tổ chức các lớp học năng khiếu.
Theo Tấn Lộc
Pháp luật TPHCM
Nói rõ về quy định dạy thêm, học thêm Sáng 12.11, tại Phú Yên, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị giao ban khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên. Tại hội nghị, vấn đề lạm thu, dạy thêm và học thêm được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Theo báo cáo, qua thanh tra vẫn còn một số ít trường học thu quỹ lớp, quỹ ban đại diện cha...