Không thấy mặt trời
Hôm qua có rất nhiều tờ báo đăng bài viết phản ánh nỗi vất vả của các cán bộ in sao đề thi THPT, với cái tít “14 ngày không thấy mặt trời”.
Một cái tít cho thấy sự ngặt nghèo của cuộc thi, từ yêu cầu giữ bí mật đề. Khi đọc cái tít này, tôi hình dung đến một khía cạnh khác của cái sự “không thấy mặt trời” của giáo dục Việt Nam.
Tại sao cuộc thi THPT lại ngặt nghèo đến như thế, khi mà bản chất của hai từ “phổ thông” là điều ai cũng rõ? Về lý thuyết, khi học sinh đủ điều kiện dự thi, nghĩa là đã hoàn thành chương trình học, và việc phải trải qua một kỳ thi để chính thức tốt nghiệp là không cần thiết.
Nhưng một cuộc thi, khiến các cán bộ phục vụ phải “14 ngày không thấy mặt trời” chỉ để in sao đề, khiến hàng triệu học sinh phải cắm đầu học tủ, hàng trăm ngàn gia đình mất ăn mất ngủ… vẫn cứ diễn ra hàng năm, để xác định lại cái kết quả 3 năm học tập mà lũ trẻ đã hoàn thành.
Đó là một sự phi lý xuất phát từ việc kết quả học tập hàng năm dưới mái trường THPT không đáng tin cậy. Bởi nếu như kết quả học tập trong 3 năm THPT đáng tin cậy, thì đương nhiên lũ trẻ đủ điều kiện tốt nghiệp.
Đề thi THPT quốc gia luôn được bảo mật kỹ lưỡng.
Kỳ thi THPT hiện nay, ngoài việc xác định tốt nghiệp, còn được lồng ghép thêm nhiệm vụ làm cơ sở đầu vào cho các trường đại học.Tuy nhiên, chủ trương trao quyền chủ động tuyển sinh cho các trường đại học đã được thúc đẩy từ nhiều năm nay. Hiện tại, ngưỡng điểm sàn đầu vào cũng đã được các trường tự quyết định. Vì thế, ý nghĩa của điểm thi tốt nghiệp THPT không còn quá quan trọng.
Nhưng, cái sự ngặt nghèo khiến các cán bộ in sao đề “14 ngày không thấy mặt trời” lại cho thấy một sự thật khác, không giống như hình dung về chủ trương tự chủ.
“Không thấy mặt trời” không chỉ là câu chuyện của những cán bộ in sao đề thi. Đó là câu chuyện của một nền giáo dục không tìm thấy hướng đi rõ ràng cho những chính sách kiểm soát chất lượng chồng chéo, nhưng không hiệu quả. Tổ chức cả một cuộc thi tốn kém sức người, sức của, chỉ để xác định lại tính chính xác của cả một quá trình vốn dĩ đã có đầy đủ các cơ chế sát hạch.
Video đang HOT
Các cơ chế sát hạch chất lượng đào tạo THPT ở nước ta đã đủ mạnh hay chưa? Mỗi một năm học, học sinh đều phải trải qua 2 kỳ thi học kỳ, với các mức độ kiểm tra từ ngắn (15 phút) đến dài (45 phút) cho từng môn học. Cơ chế đó, về lý thuyết, chặt chẽ hơn rất nhiều so với các trường THCS tại Mỹ – một nền giáo dục mà mọi gia đình có điều kiện tại Việt Nam đều mơ ước cho con em mình theo học.
Tại Mỹ phần lớn các bang không có kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc đánh giá học sinh được thực hiện bằng các kỳ sát hạch (3 tháng/lần). Học sinh học xong THPT có thể đăng ký vào các trường đại học bằng hồ sơ năng lực của mình, dựa trên kết quả các kỳ sát hạch ở bậc THPT, và bài luận về nguyện vọng vào trường đó. Mấu chốt của vấn đề là sự khác biệt và mức độ tin cậy đối với các kỳ sát hạch của nhà trường.
Cả nước có gần 926.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018 (ảnh minh họa).
Như vậy, nếu như kết quả học tập của học sinh được đánh giá qua mỗi học kỳ thực sự đáng tin cậy, sẽ chẳng có ai phải “14 ngày không thấy mặt trời”. Nhưng để kết quả học tập của học sinh được đánh giá chính xác, người ta phải quên đi cái áp lực trở thành những ngôi trường có tỷ lệ học sinh giỏi áp đảo mỗi năm, quên đi thành tích không có học sinh kém, học sinh phải lưu ban.
Những con số thành tích trong báo cáo, giống như một đám mây mù che phủ kết quả học tập thực tế của học sinh, khiến cho các kỳ thi học kỳ trở nên vô nghĩa. Vì thế, mà một kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn buộc phải diễn ra, khiến cho các cán bộ in sao đề “14 ngày không thấy mặt trời”, và cuộc thi ấy, kết quả luôn trên 90% tốt nghiệp.
Theo Danviet
14 ngày không thấy mặt trời của cán bộ in sao đề thi THPT
Hôm nay, các cán bộ in sao đề thi THPT Quốc gia bắt đầu 14 ngày "giam mình" trong những căn phòng được bảo vệ 3 vòng nghặt nghèo.
Sáng 14/6, chị Kim Huệ cùng vài chục đồng nghiệp thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội bước vào đợt cách ly 14 ngày để in sao đề thi THPT quốc gia năm 2018. Một ngày trước khi "bị nhốt", người mẹ 39 tuổi lên thời khóa biểu chi tiết công việc cho từng thành viên trong gia đình: giờ nào bố đưa con đi hoạt động hè, ông bà sẽ đón cháu lúc nào, ở đâu... Không sống cùng ông bà nội - ngoại, lại là người chăm lo mọi sinh hoạt gia đình, những lúc công tác vắng nhà, chị Huệ lại bồn chồn lo lắng.
"Tôi phải chuẩn bị tâm lý trước cho con vì bé vốn quấn mẹ, sống tình cảm. Tôi dặn con rằng, mẹ đi làm nhiệm vụ quan trọng nên 2 tuần sẽ không liên lạc được; dặn con ở nhà phải cẩn thận khi tự làm mọi việc, lúc cần trợ giúp thì gọi điện cho ai...", chị Huệ chia sẻ. Nhắc lại 3 mùa làm đề trước, lần nào cậu con trai duy nhất, năm nay đã 13 tuổi, cũng sụt sùi ôm chầm lấy mẹ, òa khóc, chị Huệ bỗng giọng nghẹn ngào.
Đề thi THPT quốc gia thuộc danh mục bí mật nhà nước độ tối quan trọng nên luôn được bảo mật kỹ lưỡng.
Chỉ có vào, không có ra
Mùa in sao đề năm nay, chị Huệ cùng các đồng nghiệp vẫn được đưa vào căn phòng bị khóa, chìa do một cán bộ công an Hà Nội (PA83) giữ. Người này cùng một thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội túc trực 24/24 tại cánh cửa ra vào duy nhất bị khóa đó. Trước khi bước vào căn phòng, cán bộ in sao đề phải để lại điện thoại di động và mọi thiết bị điện tử khác như máy tính xách tay, iPad...
"Phòng in sao kéo rèm kín mít, điện bật cả ngày. Các khe cửa dù chỉ nhỏ vừa đủ để đưa một tờ giấy mỏng qua, cũng được công an dán niêm phong kín và kiểm tra cẩn thận mỗi sáng. 14 ngày ở đây, cán bộ in sao đề thi không thể nhìn thấy mặt trời, bên ngoài nắng hay mưa họ cũng không biết", Hiệu phó trường Đại học Bách khoa Hà Nội Trần Văn Tớp nói.
Trong Danh mục bí mật nhà nước độ tối mật của ngành Giáo dục và Đào tạo, mọi vấn đề về đề thi THPT quốc gia, địa điểm in sao... đều được liệt kê. Công tác bảo mật, an ninh khu vực làm đề (gồm cả ra đề và in sao đề), do đó được đặc biệt chú trọng. Nơi in sao được cách ly 3 vòng độc lập, các giao dịch như tiếp tế vật tư, thuốc men... chỉ có một chiều vào, không có chiều ra và luôn luôn dưới sự kiểm tra của công an thành phố Hà Nội.
Nếu bên trong phòng in sao xảy ra sự cố, Trưởng ban chỉ đạo là người duy nhất được bấm chuông và thông tin bằng miệng cho PA83. Cán bộ công an này sẽ thông báo sự việc cho ban chỉ đạo thi, thông qua chiếc điện thoại cố định duy nhất, có loa, ghi âm đặt trước cửa phòng in sao.
Giờ ăn, các nhân viên hậu cần ở khu vực cách ly vòng ngoài (vòng 3), dưới sự kiểm soát của công an, sẽ chuyển đồ ăn vào. Bát đũa là thứ duy nhất được chuyển ra sau đó. Mọi rác thải đều phải giữ lại, đựng trong một túi to, để kết thúc kỳ thi mới chuyển ra bên ngoài.
"Chúng tôi ăn ngủ, làm việc tại chỗ. Ban ngày vài chục con người đứng - ngồi in sao, ghép đề, dập ghim... Giờ ăn trưa, tối, những chiếc bàn được ghép lại để cứ 6 người ngồi ăn chung ở một mâm như ăn cỗ. Buổi đêm, các thầy trải chiếu xuống đất ngủ tập trung ở một góc phòng, cánh nữ ngủ một góc được quây kín", một cán bộ kể.
Chia ca tắm giặt
Phòng in sao đề thi THPT quốc gia có khu tắm, vệ sinh khép kín. Mấy chục con người ở chung nên phải "chia ca" tắm, giặt. Hai giá nhôm không đủ chỗ treo quần áo, cán bộ phòng in sao phải tận dụng tối đa các khoảng trống để "chế" dây phơi, bật quạt hong đồ cả ngày. Sống nửa tháng trong điều kiện như thế, các thầy cô luôn lựa chọn trang phục gọn, nhẹ để vừa tiện thay giặt, vừa thoải mái làm việc.
"Mỗi ngày, cứ 7h30 chúng tôi bắt đầu in sao đề đến 12h thì nghỉ ăn trưa. Từ 13h cả phòng làm việc tiếp trong 6-7 tiếng rồi nghỉ ăn tối. Việc in sao sau đó tiếp diễn đến 22h, có hôm 24h mọi người mới nghỉ ngơi. Làm luôn chân, luôn tay như vậy suốt chục ngày nên được đặt lưng xuống, dù trên nền gạch, ai cũng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ", chị Huệ chia sẻ.
Việc in sao thông thường sẽ hoàn thành trước 1-2 ngày thí sinh làm thủ tục dự thi. Tuy nhiên, phải hết 2/3 thời gian diễn ra bài thi cuối cùng, cán bộ in sao mới được "thả". Họ do đó có 4-5 ngày "không phải làm việc gì". Để giải trí, các thầy cô khi ấy thường tụ tập bên nhau, lúc hát hò, khi tâm sự. Cuộc sống tập thể khiến những người ngày thường xa cách trở nên gần gũi, thấu hiểu, thân với nhau hơn.
Mùa in sao đề thi năm 2017, lần đầu tiên cán bộ được mang vào dụng cụ thể thao như vợt cầu lông, lưới đánh bóng... để chơi sau khi đề đã vận chuyển hết tới các điểm thi. Một số nữ cán bộ cầm theo sách, truyện, đồ đan lát, thêu thùa... để giải khuây lúc nhàn nhã.
Ngày thí sinh chính thức làm bài thi, những cán bộ tổ in sao đề cũng hồi hộp không kém phụ huynh, sĩ tử. Với chiếc tivi cắm ăng ten duy nhất đặt trong phòng cách ly, họ theo dõi không sót tin tức nào về kỳ thi THPT quốc gia bởi lo lắng lỡ đâu trong số vài trăm đề có tờ nào bị in lỗi...
Trong những ngày đã kết thúc việc in sao đề nhưng vẫn bị "nhốt", nỗi nhớ nhà, thèm được hít khí trời, thấy ánh sáng tự nhiên... dâng cao trong lòng mỗi cán bộ in sao đề thi. "Khi cánh cửa phòng kín mở ra, tôi hít thật sâu không khí bên ngoài. Dù trời trưa tháng 6 của Hà Nội rất nóng bức, nhưng được ra ngoài sau 14 ngày trong phòng kín cảm giác của tôi rất khó tả. Tôi chỉ muốn di chuyển thật nhanh về nhà với con trai", chị Huệ xúc động.
Việc in sao đề thi THPT quốc gia tuy vất vả, bị cách ly dài ngày, nhưng với chị Huệ và nhiều cán bộ khác, đây là trải nghiệm thú vị, vinh dự và tự hào bởi được góp công sức vào công việc quan trọng của quốc gia.
Quỳnh Trang
Theo vnexpress.net
Hà Nội: Chuẩn bị khoảng 4-5 tấn giấy để in sao đề thi THPT quốc gia 2018 Ngày mai (14/6), Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu in sao đề thi THPT quốc gia cho toàn cụm thi của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Do lượng thí sinh đông nên dự kiến sẽ có 4-5 tấn giấy sẽ được dùng để in sao đề, chưa kể số giấy dự trữ. Ngoài ra, để hạn chế sai...