Không thấy học sinh, sao chẳng ai đi tìm em?
Nhiều người đang đặt câu hỏi đằng sau hình ảnh lung linh, lời quảng cáo hoa mỹ cùng học phí trăm triệu đồng của trường Gateway thực chất là gì?
‘Không thể chấp nhận việc bỏ quên học sinh trên xe của trường Gateway’. Sự việc nam sinh trường Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên ôtô khiến nhiều phụ huynh bức xúc, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của nhà trường.
Ngày 6/8, vì sự tắc trách của trường Gateway, em Lê Hoàng Long (6 tuổi) ra đi vĩnh viễn. Thế nhưng thông báo ban đầu của trường chỉ là những dòng vô cảm nhằm kể lại sự việc chưa chắc là sự thật. Hàng tiếng đồng hồ trôi qua, họ chỉnh sửa, bổ sung thêm thông tin trường vẫn hoạt động bình thường kèm lời xin lỗi: “Nhà trường xin gửi lời xin lỗi tới gia đình cháu bé và tất cả quý vị phụ huynh khi để xảy ra sự việc đáng tiếc này”.
Sự cẩu thả trong giáo dục là bất lương
Đó là băn khoăn của rất nhiều độc giả, phụ huynh học sinh khi đọc những dòng thông tin về sự việc xảy ra tại trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội).
Ngày cuối cùng của Long là nỗi đau không chỉ với riêng gia đình em. Bao phụ huynh khác bàng hoàng, rụng rời chân tay khi biết đứa trẻ vô tội ấy phải rời bỏ cuộc sống khi đáng lẽ ra, em phải ngồi ở lớp học đó, hưởng thụ thời gian đến trường tốt đẹp được bố mẹ em mua bằng cả trăm triệu đồng.
Nhiều người không dám tin Gateway lại vô cảm đến vậy khi đưa ra bản thông báo không đầy đủ, theo hướng có lợi cho trường. Ảnh chụp màn hình.
Ban đầu khi nghe nói về sự việc, Phương Mai, một phụ huynh có con học lớp 1 ở Hà Nội, không thể tin. Sau đó, khi đọc những dòng thông báo của trường, chị cảm nhận được sự cẩu thả trong nghề giáo không chỉ bất lương mà là tội ác không thể dung thứ.
“Lúc trò xuống xe, cô không dành thêm ít thời gian kiểm tra lại xem còn sót ai không. 9 tiếng đồng hồ, trẻ không đến lớp, cô không điểm danh, không phát hiện hay phát hiện rồi nhưng dửng dưng, không liên hệ với phụ huynh để hỏi sao con họ vắng học?”, chị đau xót.
Nhiều phụ huynh khi đọc thông tin về vụ việc cũng cảm thấy tim như ngừng đập, buồn đau đến tận cùng.
Thế nhưng, nhà trường vẫn đủ tỉnh táo để đưa ra những dòng tường trình theo hướng có lợi cho mình. Thông báo trên website chỉ nói khoảng 16h, nhà trường phát hiện học sinh lớp 1 bất tỉnh trên xe buýt, đưa em đến phòng y tế sơ cứu, sau đó gọi xe cấp cứu.
Trường không có một dòng nói về việc em bị bỏ quên trên xe vì cách làm việc thiếu trách nhiệm của giáo viên, nhân viên, cũng không giải thích tại sao giáo viên phụ trách lớp không phát hiện sự việc sớm hơn.
“Không biết chương trình tiên tiến thế nào, nhưng chưa chắc có tình yêu thương”
Sự việc đau lòng xảy ra với gia đình bé Long cũng khiến nhiều người không dám tin vào việc trường sẽ đảm bảo an toàn cho con họ khi đưa đón hay để con theo học tại đây.
Trường Gateway thu học phí gần 120 triệu đồng/năm đối với cấp tiểu học. Website trường quảng cáo về chương trình học tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại, là môi trường tốt để trẻ phát triển toàn diện.
Ngôi trường với vẻ ngoài lung linh trở nên xấu xí trong mắt phụ huynh, dư luận vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm của giáo viên, nhân viên, lãnh đạo nhà trường. Ảnh: Gateway.edu.
Là phụ huynh, chị Hương Giang hiểu người làm cha mẹ luôn cố gắng để con trưởng thành tốt nhất. Họ không tiếc khi đầu tư cho con học hành bởi mỗi một đứa trẻ là niềm hy vọng của gia đình. Hàng năm, bao gia đình mất đi niềm hy vọng đó khi con họ qua đời vì tai nạn giao thông, đuối nước, tắc trách trong y tế cùng vô vàn nguyên nhân khác.
“Nhưng lần này, chúng ta mất một đứa trẻ trong sự việc tưởng chừng không thể xảy ra, do tắc trách của ngôi trường mang danh ‘quốc tế’, học phí hàng trăm triệu đồng. Chúng ta hoảng sợ hơn bởi bây giờ, có lẽ nhiều tiền cũng chẳng mua được sự an toàn cho con trẻ nữa”, chị ngậm ngùi.
Đây cũng là nỗi lo sợ của rất nhiều người. Sau sự việc, họ dường như không còn dám tin vào những thông điệp, cam đoan mà trường đưa ra khi tư vấn cho phụ huynh gửi con vào đây.
Jannie Le Roux, Hiệu trưởng Gateway Cầu Giấy, từng viết: “Có một câu ngạn ngữ châu Phi nói rằng ‘Cần có một ngôi làng để nuôi một đứa trẻ’. Quá trình học tập, trưởng thành của một đứa trẻ là một hành trình cần sự góp mặt, liên quan, chia sẻ của rất nhiều người”.
Tổng hiệu trưởng Donald Edward Williams cũng chia sẻ: “Sự ưu tú, chính trực, tôn trọng, chia sẻ, hợp tác và sáng tạo là những giá trị mà chúng tôi luôn cố gắng để hướng các em học sinh vươn tới”.
Tuy nhiên, độc giả Huy Quang băn khoăn dường như vì lợi ích trường và cá nhân, Gateway đã chọn cách mập mờ, không minh bạch khi thông tin về cái chết của học sinh. Liệu Gateway có đủ năng lực để đào tạo được thế hệ con người như lời quảng cáo?
“Tôi không biết học sinh Gateway được học giáo trình tiên tiến thế nào, nhưng tôi đọc cái bản tin thông báo về sự ra đi của bé Long trên website của nhà trường đêm qua, tôi không tin đó là một ngôi trường có nhiều tình yêu thương”, một người mẹ chia sẻ.
“Đằng sau hình ảnh lung linh, lời quảng cáo hoa mỹ cùng học phí trăm triệu đồng, trường Gateway thực chất là gì?”, Hoàng Tuấn Anh (Hà Nội), phụ huynh có con chuẩn bị bước vào lớp 1, đặt nghi vấn.
Trường Phổ thông Liên cấp Quốc tế Gateway – Cầu Giấy, Hà Nội – nơi vừa xảy ra vụ việc nam sinh tử vong do bị bỏ quên trên xe – là một trong 3 trường thuộc Hệ thống Trường Phổ thông Liên cấp Quốc tế Gateway. Trường thành lập năm 2015, tuyển sinh từ lớp 1 đến lớp 9.
Theo thông tin từ nhà trường, năm học 2019-2020, học phí cấp tiểu học là 117,7 triệu đồng/năm. Ngoài ra, trường thu thêm phí học liệu, tiền ăn, xe buýt và phí trông muộn.
Mác trường quốc tế là do Gateway tự đặt thêm. Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, cho biết trong tên của trường Gateway không có chữ “quốc tế”, các trường ngoài công lập có thể tự đặt thêm để thu hút học sinh.
Theo Zing
Đại biểu HĐND Hà Nội xin lỗi cháu bé nạn nhân ở Trường Gateway
Sau sự việc đau lòng xảy ra tại Trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến cháu bé Lê Hoàng Long (6 tuổi) tử vong, bà Đỗ Thùy Dương, Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021 đã có những chia sẻ trên trang facebook cá nhân.
Những vòng hoa trắng đến rợn người trong đám tang đẫm nước mắt nơi quê nhà cháu bé, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Trần Nghị).
Với tựa đề "Lê Hoàng Long, cô xin lỗi con!", đại biểu Đỗ Thùy Dương bày tỏ sự đau xót về trường hợp của cháu bé, đồng thời đề xuất một loạt giải pháp để trẻ em được thực sự an toàn khi đến trường.
Được biết, bà Dương ứng cử HĐND thành phố Hà Nội tại quận Cầu Giấy và là người luôn theo đuổi mục tiêu đóng góp cho giáo dục. Được sự đồng ý của tác giả, Infonet đăng lại nguyên văn tâm sự trên trang Facebook cá nhân của bà:
"Lê Hoàng Long, cô xin lỗi con!
Nếu có thể, cô mong chúng ta có một điều luật mang tên con. Điều luật Lê Hoàng Long nhằm đảm bảo sự ra đi của con không vô nghĩa. Điều luật về sự an toàn trên đường học.
Chúng ta đang cố gắng để chạm tới Trường học thông minh nhưng lúc này cô nhận ra Trường học An toàn vẫn là một mục tiêu cần quá nhiều nỗ lực, và phải được biến thành các quy định cụ thể
1. Không phải cái xe buýt nào cũng được phép trở thành "xe trường".
Lần đầu con cô đi xe trường, anh đã tin rằng xe trường là ẩn dụ đầu tiên cho sự độc lập, tự do, tự chủ khỏi vòng tay bố mẹ. Cô và cả cha mẹ con đều chắc chắn mặc định rằng: trao con lên xe trương trong vòng tay nhà trường là an toàn rồi.
Nhưng
An toàn không phải là thứ dễ dàng để có được, lại càng không phải thứ đương nhiên để có được. Cái chết của con cảnh báo tất cả chúng ta về điều đó.
Nước sạch đã từng đương nhiên có, không khí sạch đã từng từ trên trời rơi xuống, trường học đã từng là ngôi nhà thứ hai, giống như yêu thương đã từng là bản năng của loài người
Giờ đây ta sẽ phải quy định tất cả những thứ đó, nước thế nào là sạch, không khí thế nào là không nhiễm độc, trường học thế nào là an toàn và yêu thương cần được đo lường, kiểm tra, giám sát thông qua những hành động cụ thể, biến thành trách nhiệm và có chế tài thật nặng để ngăn chặn những hậu quả khôn lường
2. Không phải lái xe nào cũng được phép lái xe trường, người lao động nào cũng đủ năng lực trông trẻ, người bảo vệ nào cũng phù hợp để là người đầu tiên chào đón các con nơi cổng trường, người đầu bếp nào cũng biết biến yêu thương thành gia vị và quan trọng hơn không phải ai có tiền cũng được phép làm giáo dục.
Bởi tất cả những người lao động trên sẽ tuân theo quy trình mà họ được quy định, và được trả tiền để làm. Họ sẽ đối xử với trẻ con theo cách họ được đối xử bởi người lãnh đạo nhà trường, họ sẽ coi việc họ làm theo cách người quản lý nhà trường định hướng
Giáo dục đã và sẽ không bao giờ trở thành một món hàng như mọi món hàng khác, dù nó có thể trở thành một dịch vụ được trả tiền tương xứng với chất lượng.
Con người sẽ không bao giờ trở thành sản phẩm bước ra từ một " nhà máy giáo dục" hoặc một "chợ giáo dục".
Thân người cần được tràn đầy bởi tính người và bởi vậy người làm giáo dục cần phải là những người tốt nhất mà cộng đồng có được.
Bởi
Trẻ em không chỉ cần kiến thức, trẻ cần được yêu thương và có những hình mẫu để nương theo .
Cô không hiểu tại sao chỉ 100K qua ngân hàng cũng cần người làm, người kiểm. Cô không hiểu tại sao mấy con số trên báo cáo kiểm toán lại đòi hỏi người ký phải coi đạo đức nghề nghiệp lớn hơn sinh mệnh mình, mà người đầu tư làm giáo dục lại cho rằng chi cần tiền???
3. Nếu ai đó tin rằng giáo dục là siêu lợi nhuận và theo đuổi giáo dục để tìm kiếm lợi nhuận đến mức họ làm một việc phản giáo dục nhất là không cho phép GVCN liên hệ trực tiếp với phụ huynh.
Vậy thì tiền đó có đủ để bồi thường cuộc đời bị đánh cắp của con và những sang chấn tinh thần mà cả xã hội đang trải qua.
Số tiền bồi thường tổn thất là bao nhiêu thì đủ để mua được bình an của các gia đình và niềm tin cho trường học.
4. Rồi sẽ là một đợt giám sát tất cả các cấp về quy trình trong trường học.
Nhưng quan trọng hơn là cần có một ứng dụng, một kênh thông tin độc lập để phụ huynh phản hồi lên các cấp quản lý có trách nhiệm, có một bộ hướng dẫn kiểm định chất lượng chặt chẽ để phụ huynh giám sát, đồng hành cùng nhà trường trong việc nâng cao chất lượng, quản trị rủi ro trường học.
5. Có nhiều trường tư đã rất rất nỗ lực để chia sẻ khó khăn của Hà Nội trong việc thiếu trường và các gia đình thiếu lựa chọn. Nỗ lực của trường tư là không thể phủ nhận và tất cả những trường làm nghiêm túc đều sẵn sàng và thậm chí đang mong đợi những quy định nghiêm khắc hơn về chuẩn mực.
Bệnh viên là nơi cứu phần con, giáo dục là chốn dạy phần người, bởi con người và vì con người !!!".
Theo infonet
Bê bối tại trường quốc tế Gateway và tham vọng 'hệ sinh thái' giáo dục của Edufit Group Sau khi vụ việc nam sinh lớp 1 trường quốc tế Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe của nhà trường. Nhiều câu hỏi đặt ra rằng Gateway trường song ngữ hàng đầu liệu có thể đưa Edufit trở thành biểu tượng của giáo dục Việt Nam? Nhắc tới những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục Việt Nam,...