Không quân Ấn Độ chê lá chắn tên lửa Mỹ
Không quân Ấn Độ muốn hủy kế hoạch mua hệ thống phòng không NASAMS-2 trị giá gần 2 tỷ USD của Mỹ vì cho rằng chi phí quá cao.
“Không quân Ấn Độ thông báo với Bộ Quốc phòng rằng họ sẽ không chi tiền cho hệ thống phòng không NASAMS-2 của Mỹ. Lực lượng này ưu tiên hệ thống tên lửa đạn đạo nội địa để bảo vệ các vị trí chiến lược khỏi mối đe dọa từ trên không, thay vì phải dựa vào khí tài Mỹ”, các nguồn tin giấu tên trong chính phủ Ấn Độ cho biết hôm 21/7.
NASAMS-2 là hệ thống phòng không được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt bán cho Ấn Độ trong hợp đồng trị giá 1,9 tỷ USD hồi tháng 2, ngay trước khi Tổng thống Donald Trump thăm nước này. Tuy nhiên, mức giá mà Washington đưa ra cao gấp đôi ước tính của Bộ Quốc phòng Ấn Độ khi thông qua kế hoạch mua NASAMS-2 hồi năm 2018.
Không quân Ấn Độ muốn theo đuổi giải pháp tiết kiệm hơn là Hệ thống Phòng thủ Đạn đạo hai lớp do Tập đoàn Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng của Ấn Độ tự phát triển, nhằm phù hợp với xu hướng cắt giảm chi tiêu quốc phòng của đất nước.
“Chính phủ Ấn Độ giờ đây sẽ phải quyết định theo đuổi quá trình đàm phán mua tên lửa Mỹ, hay dựa vào hệ thống nội địa”, nguồn tin cho biết. New Delhi được cho là chưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Video đang HOT
Hệ thống NASAMS-2 bắn thử hồi năm 2008. Ảnh: Raytheon.
Theo đuổi giải pháp nội địa dường như sẽ đáp ứng xu hướng cắt giảm chi tiêu quốc phòng của New Delhi những năm gần đây, đồng thời giảm khả năng không tương thích giữa NASAMS-2 với tên lửa S-400 mua của Nga và các sản phẩm do Ấn Độ tự phát triển.
Mỹ từng đề xuất bán hệ thống phòng không tầm trung NASAMS II để bảo vệ thủ đô New Delhi khỏi tên lửa đạn đạo, cũng như chào bán Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và tên lửa Patriot PAC-3 cho Ấn Độ nhằm ngăn nước này ký hợp đồng mua tổ hợp phòng không tầm xa S-400 của Nga.
NASAMS được coi là một trong những dự án vũ khí thành công nhất do Na Uy phát triển, cũng là hệ thống phòng không cố định duy nhất được triển khai trên lãnh thổ Mỹ, có trách nhiệm bảo vệ không phận thủ đô Washington. Hệ thống sử dụng tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, có tầm bắn khoảng 25 km và độ chính xác cao.
Phiên bản cải tiến NASAMS-2 tập trung nâng cấp cơ chế kiểm soát hỏa lực và tích hợp đường truyền dữ liệu Link-16, cho phép nó liên kết với nhiều hệ thống vũ khí của Mỹ và đồng minh. Điều này cho phép NASAMS-2 lấy tham số mục tiêu từ chiến đấu cơ khác mà không cần bật radar, tăng khả năng sống sót trước các biện pháp chế áp phòng không của đối phương.
Quân đội Ấn Độ thực hiện cải tổ sâu rộng
Quân đội Ấn Độ đang trải qua cuộc cải tổ với nhiều bộ tư lệnh bị sáp nhập và được hiện đại hóa.
Binh sĩ thuộc Không quân Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Vào tháng 12/2019, Chính phủ Ấn Độ bổ nhiệm Tướng Bipin Rawat là Tham mưu trưởng Quốc phòng đảm nhận vai trò kết nối cao nhất giữa quân đội và Chính phủ Ấn Độ. Tướng Bipin Rawat cũng nhận nhiệm vụ triển khai kết hợp Hải quân, Không quân và Lục quân.
Kể từ khi Ấn Độ độc lập, Không quân, Hải quân và Lục quân của nước này được cấu trúc dưới bộ chỉ huy hoạt động riêng rẽ. Kết quả là Ấn Độ hiện có 19 bộ chỉ huy quân sự.
Quân đội Ấn Độ sẽ thành lập "Bộ chỉ huy Bán đảo" vào cuối năm 2020. Kênh RT (Nga) cho biết Bộ chỉ huy phương Đông và Bộ chỉ huy phương Tây của Ấn Độ sẽ sáp nhập để "lãnh đạo Hải quân có thể giảm tập trung chỉ vào vùng Ấn Độ Dương và nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn".
Việc thành lập Bộ chỉ huy Bán đảo sẽ cần có nguồn lực bổ sung từ Không quân và Lục quân bao gồm đội chiến đấu cơ Sukhoi 30 mới.
Trước "Bộ chỉ huy Bán đảo", Tướng Rawat tuyên bố về việc đến tháng 6/2020 hình thành bộ chỉ huy phòng không trực thuộc Không quân Ấn Độ.
Hiện tại còn có đề xuất thành lập một đến hai bộ chỉ huy quản lý khu vực biên giới giữa Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc.
Việc cải tổ cấu trúc chỉ huy này là một trong những điều Thủ tướng Narendra Modi cam kết trong cuộc vận động tranh cử năm 2019. Ngoài việc cải tổ xã hội "Ấn Độ mới", Thủ tướng Modi còn chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự quốc gia.
Phản ứng dứt khoát của Thủ tướng Modi trong cuộc tấn công khủng bố tại Kashmir vào tháng 2 và các cuộc phóng thử tên lửa chống vệ tinh là những ví dụ minh chứng sức mạnh của Ấn Độ.
Ấn Độ có 5.400 km bờ biển và nằm trên Ấn Độ Dương, là điểm hàng hải chiến lược. Điều này tạo lợi thế địa chiến lược lớn cho Ấn Độ so với Trung Quốc - nước phụ thuộc nhiều và hàng hải để vận chuyển hàng hóa và đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Chính vị trí chiến lược này khiến Ấn Độ tuy sở hữu lực lượng hải quân nhỏ hơn nhưng lại duy trì cân bằng sức mạnh với Trung Quốc. Nhưng trong những năm gần đây, ảnh hưởng chính trị và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương cũng như việc thành lập căn cứ hải quân của quân đội Trung Quốc tại Djibouti được coi là dấu hiệu Ấn Độ có thể đánh mất lợi thế trong khu vực.
Các chuyên gia nhận định rằng việc Ấn Độ cải tổ cấu trúc quân sự không phải vì mục đích chuẩn bị cho chiến tranh mà đây là cách để New Delhi cân bằng sức mạnh trong khu vực.
Theo Hà Linh/Báo Tin tức
Ấn Độ: FHSM hướng đến người yếu thế trong đại dịch Tính đến thời điểm này, Ấn Độ nằm trong số 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có số người nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, chính thức được áp dụng từ ngày...