Không phải trường nào cũng dễ dàng dạy và học online trong thời gian chống dịch
“Chúng tôi cũng tính đến phương án gửi bài cho các con nghỉ học ở nhà, nhưng như vậy thì chất lượng kiến thức sẽ khó đảm bảo…”, cô Nga cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Thị Kim Nga – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn khối Trung học cơ sở Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), chia sẻ: “Hiện nay ban giám hiệu nhà trường mới có phương án cho tuần nghỉ học này. Sáng ngày 3/2, chúng tôi đã họp và truyền tải các thông tin của Sở đến tất cả các giáo viên và cán bộ, cũng như các em học sinh và phụ huynh của nhà trường.
Để giúp cho học sinh trong tuần nghỉ học ở nhà không quên nề nếp và kiến thức, ban giám hiệu đã chỉ đạo 3 tổ bộ môn chính là Văn, Toán và Ngoại ngữ, giao bài cho các con tự ôn tập ở nhà theo hướng dẫn của các giáo viên bộ môn.
Các tổ nhóm chuyên môn sẽ soạn thảo nhiều nội dung để các con tập trung vào ôn kiến thức cũ đã học dưới hình thức các bài ngắn, hoặc các chuyên đề bộ môn. Một mặt hướng dẫn các con tìm hiểu những thông tin liên quan đến bộ môn đó.
Giáo viên sẽ nghiên cứu một số bài mới dưới các hình thức trả lời câu hỏi do giáo viên bộ môn biên soạn, việc này giúp cho các con nắm chắc kiến thức và chuẩn bị tiếp nhận bài mới cho buổi học trở lại trong thời gian tới.
Tổ nhóm chuyên môn yêu cầu đối với tất cả các giáo viên bộ môn tùy theo học sinh của từng lớp như giỏi, khá hay trung bình để giao những lượng bài phù hợp cho các con tự làm, sau đó giáo viên sẽ kiểm tra hàng ngày.
Việc giao bài cho học sinh nghỉ ở nhà được ban giám hiệu kiểm tra nội dung, sau đó giáo viên giao cho các lớp và chuyển đến từng học sinh qua các phần mềm công nghệ thông tin”.
Nhà giáo Nguyễn Thị Kim Nga – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm, chia sẻ: “Hiện nay ban giám hiệu nhà trường mới có phương án cho tuần nghỉ học này”. Ảnh: Tùng Dương.
Cô Nga cho biết, việc triển khai học online của Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm mới chỉ thực hiện được ở vài bộ môn chứ chưa thể áp dụng đồng bộ hết, để triển khai rộng trong toàn trường ở tất cả các bộ môn cần thêm thời gian.
“Chúng tôi đang đợi ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đợt nghỉ này có kéo dài thêm không rồi mới có phương án tiếp theo.
Nếu như đợt nghỉ này kéo dài, có thể chúng tôi vẫn áp dụng phương pháp cho học sinh ôn tập như tuần nghỉ học này.
Còn về giáo trình học đối với Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm thì bao giờ chúng tôi cũng học từ 1/8, nên với học kỳ 2 này chúng tôi vẫn còn từ 2 đến 3 tuần đệm, vậy nên nhà trường vẫn có thể đảm bảo được tiến độ dạy hết chương trình theo quy định. Còn nếu nghỉ dài nữa thì mọi việc phải tuân thủ theo quyết định của Sở”, cô Nga chia sẻ.
Cũng theo Nhà giáo Nguyễn Thị Kim Nga, trước khi vào kỳ học mới sau Tết có thông tin dịch cúm Corona thì rất nhiều phụ huynh của nhà trường lo lắng.
Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm của chúng tôi có 55 lớp thì 32 lớp có trưởng ban phụ huynh gửi đơn tới ban giám hiệu đề xuất cho các con nghỉ học ở nhà thêm 1 tuần để phòng dịch.
Ban giám hiệu nhà trường sau khi hội ý và tuân thủ chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho học sinh nghỉ 1 tuần, đồng thời cũng tạo điều kiện cho những học sinh có nhu cầu đến trường học tập.
Video đang HOT
“Chúng tôi cũng tính đến phương án gửi bài cho các con nghỉ học ở nhà, nhưng như vậy thì chất lượng kiến thức sẽ khó đảm bảo, đâu phải cứ ghi chép kiến thức theo sách giáo khoa là xong.
Rất mừng là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kịp thời có chỉ đạo chung nên đã giải tỏa được lo lắng của phụ huynh học sinh và ban giám hiệu nhà trường”, cô Nga nói.
Giờ tập thể dục buổi sáng của học sinh Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm trong ngày đi học bình thường. Ảnh: NT.
Cô Kim Nga cho biết, ngày 2/2/2020, ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm đã mời cán bộ Y tế đến để phổ biến, tập huấn cho 100% cán bộ và giáo viên của trường về cách phòng dịch cúm Corona, từ đó các giáo viên sẽ phổ biến, hướng dẫn lại cho học sinh vào tiết học đầu tiên khi nhà trường vào học lại.
“Chúng tôi chỉ đạo bộ phận vệ sinh của trường lau khử khuẩn bàn ghế, cửa, sàn nhà, hành lang, vật dụng… hàng ngày bằng nước sát khuẩn theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Mở cửa thông thoáng các phòng học, không bật điều hòa trong thời gian có dịch cúm.
Các nhân viên tổ bán trú phải tổng vệ sinh nhà ăn, phòng ngủ, giường đệm, giặt chăn, chiếu và lau khử khuẩn toàn bộ.
Nếu việc học tập trở lại, chúng tôi sẽ bố trí cán bộ y tế của trường hàng ngày kiểm tra thân nhiệt các con để sớm có biện pháp xử lý nếu có tình huống xấu xảy ra.
Bổ sung thêm nước diệt khuẩn ở trong lớp và xà phòng rửa tay tại các khu vệ sinh.
Trang bị khẩu trang và các trang thiết bị cần thiết để phòng chống dịch trong nhà trường, khuyến cáo 100% học sinh khi đến trường phải đeo khẩu trang y tế.
Thông báo tới các nhà xe đưa đón học sinh và giám sát việc khử khuẩn trên xe ô tô 2 lần 1 ngày.
Nhà bếp lên thực đơn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho học sinh, có bộ phận giám sát quy trình chế biến thức ăn và chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Không sử dụng rau sống và các thực phẩm có nguy cơ lây nhiễm dịch đã được Bộ Y tế khuyến cáo”, cô Nga cho biết.
Tùng Dương
Theo giaoduc.net.vn
Phát huy quyền dân chủ học sinh qua chương trình "Đối thoại mùa xuân"
Thông qua chương trình này, nhà trường nắm bắt những tâm tư nguyện vọng chính đáng của học sinh để có những điều chỉnh hợp lí trong quá trình dạy và học.
Nhiều năm qua, trường công lập bậc phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình "Đối thoại mùa xuân" vào thời điểm học sinh chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán.
Cụ thể, sau khi học sinh kiểm tra xong học kì 1, các trường tổ chức chương trình này nhằm lắng nghe tiếng nói của các em qua nhiều phương diện.
Học sinh tự do bày tỏ ý kiến của mình về việc dạy của giáo viên, các hoạt động phong trào của trường lớp và những mong muốn khác mà các em gửi gắm.
Học sinh phát huy quyền dân chủ
Trước khi chương trình "Đối thoại mùa xuân" diễn ra khoảng một tuần, lớp trưởng của từng lớp tiến hành khảo sát ý kiến của các thành viên sau một học kì.
Học sinh tự do nêu ý kiến của mình về phương pháp giảng dạy, cách ứng xử của giáo viên, nhân viên nhà trường. Các em cũng có quyền đánh giá các hoạt động phong trào của trường, lớp hoặc điều kiện vui chơi giải trí nơi mình đang theo học.
Cùng với đó, học sinh cũng có thể đề xuất những cách làm hay có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng học tập, sinh hoạt.
Ý kiến riêng của thành viên được xem như ý kiến chung của tập thể lớp nên học sinh không phải lo sợ lộ danh tính cá nhân.
Sau đó, lớp trưởng tập hợp các ý kiến, phân loại thành những nội dung chính và trực tiếp gửi cho Ban Giám hiệu nhà trường.
Với cách làm này, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn gần như không can thiệp đến học sinh khi các em có ý kiến trái chiều về thầy cô, trường lớp.
Cũng nhờ cách làm này, học sinh ở đơn vị chúng tôi đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, chân tình cho thầy cô, kể cả Ban Giám hiệu.
Học sinh được phát huy quyền dân chủ. (Ảnh mang tính minh họa: Phunuonline.com.vn)
Lắng nghe học sinh trải lòng
Trường chúng tôi dành hẳn một buổi trong tuần tổ chức chương trình "Đối thoại mùa xuân" để lắng nghe học sinh trải lòng.
Mỗi lớp cử hai học sinh tham dự, đó là lớp trưởng (hoặc lớp phó học tập) và Bí thư chi Đoàn.
Về phía nhà trường, có đủ các thành phần tham dự từ Hiệu trưởng, Hiệu phó, trợ lí thanh niên và các thầy cô tổ trưởng chuyên môn.
Bắt đầu cuộc đối thoại, giáo viên điều hành chương trình nêu những ý kiến chung nhất từ phản ánh của các lớp về học tập và các hoạt động khác có liên quan.
Tham dự cuộc đối thoại, chúng tôi nhận thấy học sinh có nhiều ý kiến rất thẳng thắn từ việc dạy của thầy cô đến các hoạt động khác diễn ra ở trường.
Có lớp, học sinh cho biết giáo viên môn Toán giảng dạy rất nhiệt tình, cách truyền đạt dễ hiểu. Thế nhưng, thầy cũng hay cáu gắt với những bạn làm bài còn nhiều sai sót khiến đôi lúc không khí lớp học nặng nề.
Lớp khác các em không hài lòng vì cô giáo dạy tiếng Anh phát âm chưa chuẩn so với giáo viên người bản ngữ và cho bài tập về nhà quá nhiều.
Cũng có lớp phản ánh nhà vệ sinh ở trường còn bẩn, nhiều lớp tình trạng xả rác bừa bãi do một số bạn còn thiếu ý thức.
Hoặc học sinh cũng tỏ ra bất bình khi tình trạng bán hàng rong tràn lan trước cổng trường hay phụ huynh đón con đỗ xe lộn xộn...
Thầy cô thấu hiểu, chia sẻ
Sau khi lắng nghe ý kiến học sinh, thầy cô phụ trách mảng nào sẽ có trách nhiệm phản hồi, giải đáp với các em ở mảng đó.
Chẳng hạn như với ý kiến thầy giáo dạy Toán hay cáu gắt khi học sinh làm bài sai, tổ trưởng chuyên môn Toán đứng lên chia sẻ với các em về vấn đề này.
Tổ trưởng bày tỏ sự thấu hiểu với đồng nghiệp khi dạy hoc sinh yếu thường rất nhọc nhằn nên đôi lúc không tránh khỏi nóng tính. Cùng với đó, tổ trưởng nói với đại diện học sinh sẽ trao đổi thêm với giáo viên bộ môn để thời gian tới lớp học tiết toán được nhẹ nhàng hơn.
Hoặc giáo viên dạy môn tiếng Anh phát âm chưa chuẩn so với người bản ngữ, tổ trưởng Anh văn hứa với các em sẽ đi dự giờ thăm lớp để kiểm chứng và tìm cách tháo gỡ.
Hay Hiệu trưởng khẳng định sẽ nhờ dân phòng, cảnh sát khu vực hỗ trợ dẹp trật tự với những người bán hàng rong trước cổng trường để lập lại mĩ quan học đường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh.
Sau cuộc đối thoại, chúng tôi quan sát thấy đa phần học sinh đều rất phấn khởi bởi thầy cô đã thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng của các em và giải quyết thấu tình đạt lí đầy trách nhiệm.
Điều đọng lại là, khi học sinh đã không né tránh những chuyện bất cập ở chốn học đường thì thầy cô cũng phải nhìn nhận lại mình để sửa đổi cho tốt.
Thông qua chương trình "Đối thoại mùa xuân", nhà trường đã tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh.
Và đây là một trong những cách làm dân chủ nhằm xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực ở môi trường giáo dục ngày nay.
Ánh Dương
Theo giaoduc.net
Thi trắc nghiệm trực tuyến đa tương tác - học sinh, giáo viên đều "nhẹ gánh" Trước mỗi kỳ thi, không chỉ học sinh phải chịu áp lực mà ngay cả giáo viên cũng gặp không ít vất vả, đặc biệt là trong khâu biên soạn đề thi. Vì vậy, hệ thống thi trắc nghiệm trực tuyến đa tương tác của nhóm giáo viên Hà Tĩnh ra đời đã đem lại nhiều lợi ích. Hệ thống thi trắc nghiệm...