Không nên tạo áp lực bài vở sau tết
Nắm bắt được tâm lý này nên hầu hết các giáo viên đều cố gắng tạo không khí tươi vui, nhẹ nhàng để kéo HS thích nghi trở lại, chứ chưa quá khắt khe chuyện bài vở.
Sau gần hai tuần được “thả phanh” nghỉ ngơi, vui xuân, những thói quen sinh hoạt cũng bị thay đổi khiến học sinh (HS) chưa bắt nhịp được với việc học.
Đi học muộn phổ biến
Nghỉ Tết hơn chục ngày, quen với việc đi ngủ và thức dậy muộn, nên 2 ngày qua, nhiều HS, nhất là trẻ mầm non, mè nheo không chịu đi học, khóc nhè khi đến lớp…
Anh Tuấn có con học tại Trường mầm non Việt Triều (quận Đống Đa) kể, Tết năm nay được nghỉ dài nên gia đình cho con gái về quê ngoại ăn Tết, đến mùng 8 mới ra Hà Nội. “Khi gọi được taxi đến đón, thì con gái nhất định không chịu về cùng bố mẹ mà đòi ở lại với ông bà, dỗ mãi cũng không chịu. Tôi đành cho con ở lại với ông bà thêm ít hôm, hai vợ chồng ra trước cho kịp ngày đi làm”, anh Tuấn cho biết. Không chỉ gia đình anh Tuấn, mà hầu hết các gia đình có con nhỏ đều bối rối vì nền nếp sinh hoạt bị đảo lộn. “Mấy ngày nay tôi phải ngủ cùng cậu con trai đang học lớp 10 (thường cháu ngủ phòng riêng) vì mấy ngày nghỉ Tết, tối nào cháu cũng xem phim, nghe nhạc đến 1 – 2 giờ sáng nên phải ngủ cùng để “ốp” con ngủ sớm, sáng dậy đi học đúng giờ”, chị Minh Hà nhà ở phường Kim Liên chia sẻ.
Giờ học của cô và trò trường Mầm non An Dương – Ảnh : Hải Linh
Sáng 19/2, phóng viên có mặt tại trường Tiểu học Kim Liên, trường Mầm non Hoa Sữa, trường Tiểu học Khương Thượng…, mặc dù theo quy định, HS vào học lúc 8 giờ, nhưng 8 giờ 30 phút vẫn thấy khá nhiều HS được bố mẹ, ông bà đưa tới trường. Một bác bảo vệ trường Tiểu học Kim Liên cho biết, HS đi học muộn nhiều, đặc biệt là ngày đầu tiên (18/2), phần vì quen ngủ dậy muộn trong những ngày nghỉ, phần vì tắc đường. Việc khó bắt nhịp lại với việc học tập thường lệ là điều khiến nhiều phụ huynh đang lo lắng.
Không tạo áp lực bài vở
Video đang HOT
Sau kỳ nghỉ Tết dài, dễ thấy HS không mấy hứng thú với việc học tập. Nắm bắt được tâm lý này nên hầu hết các giáo viên đều cố gắng tạo không khí tươi vui, nhẹ nhàng để kéo HS thích nghi trở lại, chứ chưa quá khắt khe chuyện bài vở.
Cô Hạnh, giáo viên một trường mầm non ở quận Hà Đông chia sẻ: “Mấy ngày học đầu năm mới, lớp mình vắng gần chục HS, các lớp khác cũng thiếu HS. Năm nào cũng vậy, phải hết tuần đầu mới ổn định nền nếp lớp”. Không riêng bậc học mầm non, mà các bậc học khác, các giáo viên trong những ngày đầu năm mới cũng linh động đưa HS trở lại nền nếp học tập chứ chưa đặt nặng áp lực bài vở. Cô Diệp, giáo viên chủ nhiệm lớp 2D, trường Tiểu học Kim Liên cho hay, cô không giao bài tập cho HS trong những ngày nghỉ Tết để các em được vui chơi thoải mái, nên khi quay lại trường, nhiều em chểnh mảng với việc học. Tuy vậy, cô không tạo áp lực với HS mà nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc để giúp các em lấy lại tinh thần học tập một cách nhanh nhất.
Cô Nguyễn Thị Xuân Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Khương Thượng cho biết: Sĩ số các lớp khá ổn định, tuy nhiên số HS đi muộn vẫn còn. “Đối với những HS đi muộn, giáo viên động viên các con phải đi ngủ sớm, dậy đúng giờ, đi học đúng giờ. Đồng thời, trường cũng yêu cầu giáo viên phải là những người gương mẫu, lên lớp đúng giờ, đặc biệt phải tạo không khí vui tươi trong buổi học với những câu chuyện vui xuân nhẹ nhàng, giúp các con lấy lại sự hăng hái trong học tập” – cô Lan chia sẻ.
Cũng theo các nhà tâm lý giáo dục, cần gợi cho trẻ niềm vui khi trở lại trường bằng cách bắt đầu từ môn học trẻ yêu thích nhất, cùng sự động viên nhẹ nhàng để tạo tâm lý thoải mái, phấn chấn với việc học, có vậy mới mong việc học của con đạt hiệu quả.
Theo Trung Anh (Kinh tế & Đô thị)
"Hâm nóng" việc học sau Tết
Sau một kỳ nghỉ Tết dài ngày đầy vui vẻ và hấp dẫn, những thói quen sinh hoạt cũng bị thay đổi không nhỏ sẽ khiến học sinh khó khăn và không mấy hứng thú khi trở lại trường.
Đây là một thực tế làm "đau đầu", vất vả không chỉ với gia đình mà còn cả nhà trường trong việc ổn định nền nếp cho học sinh trở lại. Để việc học hành những ngày trong và sau Tết bớt vất vả cần có biện pháp "hâm nóng" việc học hành, sinh hoạt, nền nếp phù hợp, hiệu quả.
"Thả phanh" hoàn toàn
Trong những ngày Tết, học sinh thường không phải lo làm bài tập, không lo bị cô giáo kiểm tra bài hoặc quở trách và cũng không bị bố mẹ ép học bài vào mỗi buổi tối... Tất cả những nỗi lo học hành của trẻ tạm "gác" lại để nhường chỗ cho vui chơi, ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại "thả phanh". Chính vì vậy, nói đến Tết thì chẳng HS nào không thích và mong đến tới Tết. Tuy nhiên, có một lịch sinh hoạt trong những ngày Tết càng được "thả phanh" và thay đổi bao nhiêu thì sau Tết càng khó khăn hơn trong việc thiết lập lại thói quen nề nếp học tập, sinh hoạt của trẻ bấy nhiêu.
Chị Thanh - một nhân viên văn phòng tại Hà Nội kể: Bé Thuý con gái chị quen chơi khuya và ngủ thả phanh tới 8-9h sáng suốt đợt nghỉ Tết dài thế nên vào ngày trở lại trường học bé nhất định không chịu dậy tới trường dù chị vừa dỗ dành lẫn "nạt nộ". Cuối cùng, sợ muộn làm chị đành "bất lực" để con ở lại nhà với ông bà nội.
Tình trạng đó không chỉ diễn ra với nhà chị Thanh mà đến công sở nào trong những ngày đầu năm thì tình trạng chị em đã than thở về nền nếp sinh hoạt đảo lộn là phổ biến. Có chị lo lắng con khó trở lại nếp sinh hoạt cũ nên khi bắt đầu phải đi học đã bắt con đi ngủ sơm hơn, nhưng cũng nhiều ông bố lại bênh con, để con chơi "nốt". Và kết quả nhiều bé sáng dậy trong tình trạng hoặc cuộn chặt chăn rên rỉ, mè nheo, không chịu ăn uống... chỉ thích đi chơi.
Đối với những HS ở cấp học lớn hơn, sau một thời gian dài đi ngủ lúc 12-1h đêm và ngủ nguyên đến trưa 10-11h mới dậy, đồng hồ sinh học gần như bị thay đổi hoàn toàn. Thế nên không ngạc nhiên khi đến ngày đi học, các bạn khó khăn trong việc dậy sớm và trễ học là chuyện đương nhiên. Không những thế còn đến lớp với tâm trạng lơ mơ, vật vã làm cho đầu óc không tỉnh táo, rất khó tiếp thu bài vở. Cộng thêm dư vị của không khí Tết còn bao trùm khắp lớp nên lớp học càng trở nên nhộn nhịp với đủ lại hoạt động vui chơi càng khiến các em mất tập trung, chán học. Nhiều HS sẵn tiền mừng tuổi, nên cũng sẵn sàng trốn vài tiết học để trốn vào hàng nét chơi điện tử, chat chit...
"Hâm nóng" học tập cách nào?
Rõ ràng sau một kỳ nghỉ dài đầy vui vẻ và hấp dẫn như kỳ nghỉ Tết thì trẻ có thể sẽ khó khăn và không hứng thú với việc trở lại với học tập, trường học. Chính vì vậy để tránh tình trạng trên, gia đình cha mẹ cần lên một kế hoạch nghỉ Tết hợp lý cho trẻ.
Kinh nghiệm nhiều bậc phụ huynh cho thấy, sau kỳ nghỉ bố mẹ sẽ rất vất vả để đưa trẻ vào "guồng" học tập nếu trẻ thiếu tính tự giác. Do đó, bố mẹ nên luôn nhắc nhở trẻ việc học tập. Không nên để trẻ ăn chơi, ngủ nghỉ, học tập thoải mái hoàn toàn trong cả kỳ nghỉ Tết.
Gợi cho trẻ niềm vui trở lại trường.
Cha mẹ có thể giúp con bằng cách sử dụng các loại lịch gắn tường hoặc bảng kế hoạch cá nhân để trẻ tự đánh dấu các bài tập đến hạn phải nộp, khi nào có bài kiểm tra, hoạt động ngoại khoá. Việc học trong ngày Tết không nhất thiết phải ép trẻ mở sách vở, ngồi tính toán hoặc đánh vật với bài tập làm văn mà có thể học theo hình thức đố vui vẻ. Ví như, trong khi đi đường, hoặc nấu nướng tại nhà bố mẹ có thể cùng con học, và ôn tập kiến thức theo hình thức học mà vui như làm nhẩm phép tính đối với môn Toán, gợi ý cách làm bài tập làm văn hay và đủ ý, điền từ còn thiếu vào câu văn...
Đặc biệt nên nhắc nhở trẻ biết ngày nào phải quay lại trường học tập, ôn tập nhẹ nhàng bài vở để tránh việc quên kiến thức. Tránh tình trạng ngày mai đi học thì tối muộn mới giục con học, nhồi nhét kiến thức sẽ không đạt kết quả gì. Buổi tối cuối cùng của kỳ nghỉ, các bậc phụ huynh có thể đề nghị bé soát thời khóa biểu và kiểm tra xem con đã chuẩn bị tốt tất cả các môn học ngày mai chưa. Nếu bé có điều gì chưa rõ, bạn nên giúp trẻ.
Làm mới góc học tập của trẻ với việc lau chùi cẩn thận bàn ghế, kê ngay ngắn gọn gàng, sắp xếp giá sách khoa học... cũng sẽ tạo không khí mới mẻ, sinh động, kích thích trẻ muốn ngồi vào bàn học và "chăm" ngồi vào bàn học hơn. Rất đơn giản mà hiệu quả, đó là cha mẹ có thể đặt một khung ảnh đẹp trên bàn, một chiếc đồng hồ đẹp mắt, một chiếc đèn bàn được trang trí sinh động hoặc một hộp bút lạ, đáng yêu.
Việc đảm bảo sức khỏe cho trẻ cũng vô cùng quan trọng. Được nghỉ, trẻ được ở nhà, ăn ngủ tự do và được cha mẹ dẫn đi chơi thoải mái khắp nơi, nhiều trẻ mang tâm trạng uể oải, không thích đến trường hoặc học tập với thái độ chểnh mảng. Khi còn mệt mỏi, hứng thú ôn bài và khả năng tiếp thu bài của trẻ sẽ giảm. Trẻ khó có thể nhồi nhét vào đầu kiến thức mới khi dư âm về chuyến du lịch vẫn còn in dấu trong đầu, hoặc mệt mỏi khi vừa có một hành trình du lịch dài ngày trở về nhà. Vì vậy, trong Tết, cha mẹ cần lên kế hoạch những chuyến đi chơi xa hợp lý sao cho trẻ không bị mệt. Tránh tình trạng trở về nhà hôm trước thì hôm sau đã phải cắp sách đến trường. Bên cạnh đó, không cho bé thức khuya, nhớ cho trẻ ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe cho ngày mới đi học.
Các nhà tâm lý GD cũng khuyên rằng cần gợi cho trẻ niềm vui khi trở lại trường, được gặp lại các bạn, thầy cô giáo ở lớp học thân yêu. Đối với trẻ, năm mới sẽ có nhiều điều mới để khoe và năm mới càng phải cố gắng học tập để đạt được nhiều kết quả mới, điểm cao mới. Đặc biệt, cha mẹ hãy biết tạo hứng thú niềm vui học tập trở lại bằng cách bắt đầu từ môn học trẻ thích nhất hoặc học khá nhất sau đó mới đến các môn học, lĩnh vực khác. Vì như vậy, trẻ sẽ thấy hào hứng, hiệu quả. Nên cho con làm những bài tập dễ đến khó, để trẻ không nản chí khi gặp bài khó.
Cha mẹ cũng cần lưu ý, hiệu quả từ việc học nhóm cũng khá tốt. Bởi khi học nhóm trẻ sẽ thực hiện tốt việc làm bài tập ở nhà. Tuy nhiên chỉ có thể tiến hành đối với những trẻ cùng học một lớp để có cùng bài tập, cùng bài kiểm tra và có những ngày học hợp lý, cùng có những khó khăn như thế trẻ sẽ có hứng thú học hơn. Học nhóm không phải để giải quyết mọi bài tập khó, nhưng việc học nhóm giúp HS vận dụng mọi thứ hiệu quả hơn.
La mắng, đánh đòn khi trẻ có biểu hiện thụ động đến lớp là thái độ tiêu cực ở người lớn. Vì vậy, nếu trẻ có lơ là trong những ngày đầu trở lại lớp, đừng dùng roi vọt để răn dạy trẻ. Thay vào đó, cần giúp trẻ tìm thấy niềm vui học tập bằng cách hỏi con về cuộc trò chuyện giữa chúng với bạn bè trong ngày đến lớp đầu tiên sau Tết. Đặc biệt, không nên bắt con học với cường độ quá cao, hoặc dồn ép chúng vào các lớp học thêm ngay tuần đầu tiên sau Tết. Cần dành chút thời gian ngồi bên bàn học cùng con để giải thích ngay những kiến thức mà chúng chưa kịp tiếp thu tại lớp. Nếu bé chưa thực sự hào hứng lắm, sao bố mẹ không bắt đầu với con bằng một cuốn truyện tranh, trái bóng, trò chơi nào đó. Sau giờ học, trẻ cần được giải trí, thư giãn bằng một trò chơi nhẹ nhàng giúp vận động tay chân.
Theo Ngọc Hà
GD & TĐ
Cờ bạc hoành hành lễ hội Gò Đống Đa Cờ bạc núp bóng dưới hình thức vui chơi có thưởng đang diễn ra tràn lan tại lễ hội Gò Đống Đa - Hà Nội. Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán tại Gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích...