Không nên siết trái phiếu doanh nghiệp
Việc các ngân hàng chạy đua phát hành trái phiếu khiến cơ hội hút vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp thêm phần khó khăn.
Trong điều kiện tín dụng trung và dài hạn bị siết, huy động vốn qua phát hành cổ phiếu khó khăn, nếu siết trái phiếu doanh nghiệp, sẽ khiến các doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng cho sản xuất kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm nay, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành đạt gần 90.000 tỷ đồng, tăng 134% so với cùng kỳ năm trước.
Top 10 doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong 7 tháng đầu năm nay.
Ngân hàng chạy đua phát hành trái phiếu
Theo Công ty chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS), trong 7 tháng đầu năm nay, 8 trong số 10 doanh nghiệp dẫn đầu về lượng trái phiếu phát hành là các ngân hàng với tổng lượng trái phiếu phát hành lên tới 41.360 tỷ đồng.
Agribank cũng vừa thông báo phát hành 5 triệu trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị lên tới 5.000 tỷ đồng. Lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm 1,2%/năm, trong đó lãi suất tham chiếu được tính cho mỗi kỳ tính lãi là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng của 4 NHTM Nhà nước. Theo đó, lãi trái phiếu của Agribank trong năm đầu tiên có thể đạt 8,1%/năm.
Hay như TPBank cũng đã thông báo kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế để tăng vốn cấp 2 trong năm 2019; SHB vừa công bố lấy ý kiến cổ đông về kế hoạch tăng vốn thông qua phương án chào bán trái phiếu quốc tế.
Theo quy định hiện hành, chỉ trái phiếu có kỳ hạn 5 năm trở lên mới được tính vào vốn cấp 2, trong khi trái phiếu của các nhà băng đa phần chỉ có kỳ hạn 3 năm. Bởi vậy, lý do chính khiến các nhà băng chạy đua phát hành trái phiếu là để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn để tuân thủ quy định của NHNN.
Video đang HOT
Quả vậy, theo dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN, NHNN đề xuất giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn về còn 30%. Trong khi hầu hết các nhà băng phát hành trái phiếu với quy mô lớn đều có tỷ lệ cho vay trung – dài hạn tương đối cao. Đơn cử như VPBank, tại thời điểm cuối tháng 6/2019, tỷ lệ vay trung – dài hạn trên tổng dư nợ cho vay của nhà băng này đạt gần 65%….
Mở rộng phát hành cho đại chúng
Việc các ngân hàng chạy đua phát hành trái phiếu khiến cơ hội hút vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp thêm phần khó khăn, bởi nguồn vốn trung và dài hạn trong nền kinh tế khá hạn hẹp. “Trong cuộc đua này, rõ ràng các ngân hàng có nhiều lợi thế hơn hẳn doanh nghiệp do tính minh bạch cao hơn và triển vọng kinh doanh tốt hơn”, một chuyên gia cho biết.
Do đó, để gọi vốn thành công qua kênh trái phiếu, các doanh nghiệp phải trả lãi suất cao hơn so với các ngân hàng. Trong khi lãi suất trái phiếu ngân hàng đang đứng ở mức rất cao, chẳng hạn như lãi suất trái phiếu của Agribank lên tới 8,1%/năm, thì việc doanh nghiệp đẩy lãi suất trái phiếu lên trên mức 10% cũng là bình thường.
Vì lẽ đó, nhiều chuyên gia tài chính không đồng tình với quan điểm siết chặt hoạt động phát hành TPDN do lo ngại lãi suất trái phiếu tăng cao sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất huy động. Trái lại, cần phải có kênh đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh các nhà băng đang siết chặt tín dụng trung – dài hạn. Thậm chí TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: “Phải mất nhiều thời gian thị trường TPDN mới tăng trưởng được một chút, nên đừng vì quá lo lắng mà vội vàng siết chặt kênh TPDN. Ngược lại, cần khuyến khích kênh này phát triển để giảm áp lực cho tín dụng ngân hàng”.
Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư TPDN lớn nhất vẫn là các nhà băng, khiến cho việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp so với việc vay tín dụng chỉ là “bình mới, rượi cũ”. Trong khi mua đầu tư TPDN cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà băng do mua trái phiếu cũng là một hình thức cho vay, nhưng là cho vay không có thế chấp.
Rủi ro càng thêm lớn hơn khi mà ngoài trái phiếu ngân hàng thì đa phần TPDN được phát hành trong những tháng đầu năm nay đều thuộc về các các doanh nghiệp bất động sản (BĐS). Thực tế đó khiến cho việc mua TPDN chẳng khác nào là cấp tín dụng trung – dài hạn cho lĩnh vực BĐS, vấn đề mà NHNN đang có quan điểm siết chặt.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường TPDN sẽ bền vững hơn nếu mở rộng phát hành cho đại chúng, đặc biệt cần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các ngân hàng như hiện nay.
Hà Anh
Theo enternews.vn
Thấy gì ở lãi suất trái phiếu vượt 14%/năm của doanh nghiệp địa ốc?
Từ đầu năm đến nay, lãi suất trái phiếu đã tăng từ 9,5%/năm lên cao nhất 14,45%/năm, tùy kỳ hạn. Một số ý kiến lo ngại một cuộc chạy đua lãi suất phát hành sẽ xảy ra khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp phát hành ở mức cao. Tuy nhiên, cũng có không ít chuyên gia cho rằng việc phát hành trái phiếu huy vộng vốn chưa đáng ngại.
Cuộc đua lãi suất trái phiếu
Cuối tháng 2, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (HoSE: CII) là doanh nghiệp đầu tiên công bố phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có tài sản đảm bảo với giá trị 370 tỷ đồng. Lãi suất phát hành 9,5%/năm, kỳ hạn 3 năm, trái chủ là các nhà đầu tư tổ chức.
Sang tháng 3, lãi suất không có nhiều thay đổi. Mức trên được giữ nguyên với 200 tỷ đồng trái phiếu do Văn Phú Invest (HoSE: VPI) phát hành, kỳ hạn 2 năm và 10,8% cho 200 tỷ đồng trái phiếu của Novaland (HoSE: NVL), kỳ hạn 1 năm.
Tháng 4 - 5, mặt bằng lãi suất bắt đầu thiết lập giá trị mới, khoảng từ 10,5% đến 12% mỗi năm, áp dụng cho kỳ hạn phổ biến từ 2 đến 3 năm. Một số doanh nghiệp phát hành trong giai đoạn này như Novaland (400 tỷ đồng), Văn Phú Invest (800 tỷ đồng), Hà Đô (250 tỷ đồng).
Cá biệt, Phát Đạt (HoSE: PDR) phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cao nhất 14,45%/năm cho Dragon Capital và 3 tổ chức trong nước. Kỳ hạn trái phiếu trong một năm, có tài sản đảm bảo bằng 18 triệu cổ phiếu PDR.
Tháng 6, doanh nghiệp này tiếp tục phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 14%/năm cho trái chủ là Công ty Chứng khoán Hải Phòng và hai cá nhân. Cùng thời điểm, Novaland cũng phát hành 1.300 tỷ đồng trái phiếu cho PVcomBank kỳ hạn 4 năm, lãi suất 11,75%/năm và Hà Đô phát hành 400 tỷ đồng trong 15 tháng, lãi suất 10%/năm.
Khảo sát cho thấy, mặt bằng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp phổ biến khoảng 9 - 12%/năm cho kỳ hạn 2 - 3 năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lãi suất cũng đã tăng từ 9,5%/năm lên cao nhất 14,45%/năm tùy kỳ hạn.
Tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai nhận định mặt bằng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó doanh nghiệp địa ốc phổ biến ở mức 10 - 12%/năm. Trường hợp lãi suất 14 - 14,45% như của Phát Đạt là cá biệt. Nguyên nhân được Thứ trưởng chỉ ra là mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng thương mại đều tăng.
Nhiều ý kiến lo ngại một cuộc chạy đua lãi suất phát hành sẽ xảy ra, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp phát hành ở mức cao. TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng điều này khó có thể lặp lại như thời điểm 2006 - 2007. Bởi lẽ, doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu cũng đã phải cân đối giữ chi phí trả cho người mua và tỷ suất sinh lời huy động được. Mặt bằng lãi suất 14 - 15%/năm hiện nay với doanh nghiệp địa ốc là cao, vì như vậy doanh nghiệp phải đạt được tỷ suất sinh lời trên 20% - tỷ lệ không dễ trong thời kỳ tăng trưởng chậm. Theo ông Tín, hiện nay lãi suất đã ở mức trần.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phát Đạt trong một lần gặp gỡ giới phân tích hồi tháng 3 có cho rằng lãi suất 14 - 15%/năm không phải quá cao, nếu nhìn từ hiệu quả đầu tư. Phát Đạt có những dự án cần dòng tiền nhanh, số tiền huy động cho dự án có thể đem lại lợi nhuận cao hơn thế. Như vậy việc phát hành trái phiếu giúp dòng tiền của công ty quay nhanh, không phức tạp như vay ngân hàng, hiệu quả đầu tư cao hơn. Theo tính toán, Phát Đạt công bố phát hành đợt trái phiếu lãi suất trên từ 15/3 và báo cáo kết quả ngày 11/4, tức gần một tháng.
Doanh nghiệp địa ốc đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Getty Images. Thấy gì từ cuộc đua?
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhìn nhận không phải bây giờ, các doanh nghiệp địa ốc mới phát hành trái phiếu mà thực hiện từ những năm 2008 - 2009. Tuy nhiên hiện nay, nguồn vốn trung dài hạn của các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc trên 90% nguồn vốn từ ngân hàng. Nhưng các ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản nên các doanh nghiệp cần tìm cách gọi vốn qua các kênh khác và trái phiếu là kênh thay thế tối ưu. Ngoài ra, ông Hiển nhấn mạnh một số doanh nghiệp bất động sản đang thực sự khó khăn, không thể vay ngân hàng.
Với việc lãi suất trái phiếu có thể lên đến 14,45%/năm, ông Hiển nhận định hoàn toàn bình thường ngay cả khi so với lãi suất ngân hàng. Bởi nếu thấp hơn thì doanh nghiệp đã làm từ rất lâu. Hơn nữa, với trái phiếu, doanh nghiệp không bị giám sát về giải ngân, sử dụng vốn uyển chuyển hơn. Đặc biệt, ông cho rằng dù lãi suất có cao hơn lãi vay ngân hàng nhưng doanh nghiệp không phải dùng tài sản thế chấp, nên đánh đổi lãi suất như vậy không có gì bất thường.
Không quá lo ngại về lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung là quan điểm của ông Bùi Quang Tín. Ông nhận định trái phiếu doanh nghiệp là một trong những yếu tố tác động trực tiếp lên mặt bằng lãi suất thị trường, vì nó là kênh huy động vốn tác động trực tiếp đến nguồn huy động vốn của ngân hàng. Tuy nhiên tác động này không quá lo ngại, bởi theo ông, kênh tiền gửi vào ngân hàng cũng đang có lãi suất tốt, chừng 9% cho khoản tiền gửi trên 12 tháng mà lại an toàn cho người gửi. Ngược lại, người mua trái phiếu doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, đánh giá về doanh nghiệp trước khi mua để tránh các rủi ro; hơn nữa thị trường trái phiếu thứ cấp chưa phát triển nên khả năng chuyển trái phiếu sang tiền mặt khi có việc khẩn cấp là điều khó khăn.
Nhìn nhận thị trường, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho rằng lãi suất và mức độ huy động với xu hướng biến động như vậy chưa đáng ngại. Tuy nhiên, Bộ vẫn phải theo dõi, nắm bắt tình hình, đánh giá thường xuyên và có biện pháp phù hợp nếu thị trường trái phiếu bị ảnh hưởng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai dẫn số liệu tổng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty đại chúng trong 7 tháng là 31.000 tỷ đồng, bằng 64% giá trị cả năm 2018. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 22% giá trị phát hành, tương đương 6.820 tỷ đồng.
Theo Khổng Chiêm
NDH
Phát hành trái phiếu: Phải "nói dối" cho... đúng luật Nghị định 163/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp yêu cầu gia tăng minh bạch thông tin phát hành trái phiếu, nhưng doanh nghiệp đang phải... "nói dối" do quy định tại đây chưa phù hợp với đặc tính của loại hình phát hành riêng lẻ. Vì sao khó nói thật? Tuy mới đi vào áp dụng từ đầu năm 2019, nhưng...