Không nên nhập 2 kỳ thi làm một
Đó là quan điểm của tiến sĩ khoa học Nguyễn Trọng Hoàng – nguyên thành viên Tổ công tác chuyên gia Văn phòng Chính phủ về đổi mới thi tuyển sinh ĐH.
Hai cách đánh giá hoàn toàn khác nhau
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng, về mặt kỹ thuật trong lý thuyết kiểm tra và đánh giá, khi thẩm định khả năng của một cá nhân, người ta thường phân biệt hai loại hệ thống quy chiếu.
Đó là hệ quy chiếu dựa trên nhóm chuẩn và hệ quy chiếu dựa trên tiêu chí định giá trị thành quả.
Các phép đo có hệ quy chiếu dựa trên nhóm chuẩn là những phép đo để lượng giá thành quả của mỗi cá nhân so với thành quả của các thí sinh khác cùng dự thi một bài thi trắc nghiệm. Ý nghĩa của điểm số của mỗi cá nhân được xuất phát từ sự so sánh ấy.
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Trọng Hoàng.
Vì mỗi cá nhân được so sánh với những người khác trong cùng nhóm chuẩn nên phép đo này được gọi là phép đo quy về nhóm chuẩn. Bài thi tuyển sinh ĐH chính là thuộc loại này.
Các phép đo quy về tiêu chí định giá thành quả là những phép đo dùng xác định vị trí của mỗi cá nhân đối với một tiêu chí giá trị ấn định trước, không so sánh với các cá nhân khác. Ý nghĩa của điểm số của mỗi cá nhân không tùy thuộc vào việc so sánh với điểm số của các thí sinh khác. Trong các phép đo loại này, chúng ta muốn biết mỗi cá nhân có thể làm được gì chứ không cần biết khả năng của cá nhân ấy so với những người khác. Khi muốn khuyên một học sinh nên chọn ngành nghề nào ở ĐH, chúng ta cần loại trắc nghiệm quy về nhóm chuẩn, vì chúng ta cần biết vị trí của người này khi dự tranh với các học sinh khác. Ngoài ra, môn thi phải tùy thuộc ngành học.Loại trắc nghiệm quy về tiêu chí thành quả định trước khi chúng ta cần đánh giá hiệu quả học tập một chương trình giảng dạy. Tiêu chí đánh giá dựa trên mục tiên đã định cho bài học, chương trong sách, hay chương trình học.
Các ĐH Việt Nam thường gọi là “chuẩn đầu ra”, còn các trường ở Hoa kỳ gọi là “learning outcome”, bao gồm xác định học sinh biết gì, làm được gì, đến mức nào, trong điều kiện nào.
Ví dụ, muốn đạt được tín chỉ của môn học, học sinh phải làm được 70% tiêu chí bao gồm bài thi, bài nghiên cứu, báo cáo trong môn học. Như vậy việc đạt số tín chỉ tối thiểu để tốt nghiệp trung học, hay bài thi tốt nghiệp THPT là thuộc loại này.
Như vậy, hai loại bài thi hay cách đánh giá là hoàn toàn khác nhau, không thể dung giải pháp “gộp hai kỳ thi làm một.” Đó là chưa kể các bài thi như SAT, ACT chủ yếu đo lường khả năng tư duy, lý luận, sang tạo, các mức trí lực bậc cao của Bloom là những khả năng cần thiết để học đại học.
Bên cạnh đó, theo công thức: Khoa học bằng kinh nghiệm cộng óc tưởng tượng, sáng kiến. Các trường ĐH Hoa kỳ thường cả SAT hay ACT kết hợp với việc xét điểm trung bình (GPA) của những học sinh tốt nghiệp THPT.
Do đó trong việc tuyển sinh vào ĐH, cần lựa chọn học sinh có khả năng lý luận, tư duy phù hợp với ngành học. Nhưng muốn lý luận, tư duy, cần phải có chất liệu để suy luận, tư duy chứ không thể suy luận, tư duy với không khí. Do đó, cả hai đều cần thiết chứ không thể “gộp hai thành một.
“Như vậy, mặc dầu cả hai loại trắc nghiệm quy về nhóm chuẩn và trắc nghiệm quy về tiêu chí thành quả đều dùng để đánh giá cá nhân, nhưng sự khác biệt giữa hai loại thường nằm ở chỗ mục đích sử dụng kết quả trắc nghiệm. Thông thường, loại trắc nghiệm quy về nhóm chuẩn được dùng khi cần có sự tuyển chọn.
Ngược lại, trong những trường hợp chỉ cần biết người nào đã đạt được hay không một kỷ năng nào đó, và không cần giới hạn số người đạt kỷ năng ấy, chúng ta cầ đến trắc nghiệm quy về tiêu chí thành quả.
Video đang HOT
Điểm khác biệt thứ hai là, thông thường đường biểu diễn phân bố tần số điểm của trắc nghiệm quy về tiêu chí thành quả định trước, có dạng lệch; trong lúc phân bố tương ứng của loại quy về nhóm chuẩn lại có dạng chuẫn hay gần như có dạng chuẩn (phân bố hình chuông.)
Nên hay không nên bỏ khối thi?
Trả lời câu hỏi này, TSKH Nguyễn Trọng Hoàng cho rằng, thông thường ở các trường ĐH Hoa kỳ, học sinh không bị bắt buộc phải chọn ngay chuyên ngành khi mới vào đại học. Sau khi học hai hay ba học kỳ, dựa vào sở thích và năng khiếu sinh viên sẽ hội ý với giáo sư hướng dẫn hay giáo sư cố vấn để chọn chuyên ngành.
Ở Việt Nam, sinh viên phải chọn chuyên ngành ngay từ đầu nên cần chú ý giá trị tiên đoán của bài thi. Từ điểm số trong kỳ thi trắc nghiệm của mỗi người, chúng ta muốn tiên đoán mức độ thành công trong công việc của người ấy trong tương lai và trong việc học chuyên ngành ở đại học.
Muốn thế cần phải dựa vào thực nghiệm và phương trình hồi quy tương quan đa biến. Tùy theo ngành nghề, phương trình hồi quy tương quan đa biến sẽ giúp xác định trọng số của mỗi môn thi tuyển sinh ĐH.
Ví dụ, khả năng lý luận và kiến thức Toán học là cần thiết cho ngành Công nghệ Thông tin, Kinh tế, Kiến trúc. Ngành Kiến trúc còn cần thêm khả năng lý luận khi nhìn hình trong không gian. Sinh viên kỹ sư cần Lý luận Toán học và Lý luận Cơ khí.
Như vậy phương án cộng điểm cho các khối cũng như phương án bỏ khối thi đều chưa chính xác về mặt khoa học. Các trường ĐH phải có kế hoạch nghiên cứu thực nghiệm dựa trên thống kê tương quan đa biến để xác định trọng số cho các môn thi cho từng chuyên ngành.
Theo TNO
Nhiều thông tin tuyển sinh mới trong ngày khai mạc
Các thông tin mới, chính thức về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 sẽ được lãnh đạo Bộ GD-ĐT công bố trong buổi khai mạc Tư vấn mùa thi 2014 diễn ra vào lúc 8 giờ 30 ngày mai (12.1) tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, TP.HCM.
Học sinh Trường THPT Long Trường (Q.9, TP.HCM) đặt câu hỏi trong chương trình Tư vấn mùa thi tổ chức ngày 4.1 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chương trình do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức bước vào năm thứ 16. Buổi khai mạc có sự tham gia của hơn 1.500 học sinh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến, Diên Hồng và Trần Khai Nguyên cùng hàng triệu thí sinh, phụ huynh, giáo viên theo dõi trực tiếp trên sóng truyền hình VTV9.
Giải đáp thắc mắc về quy chế, quy định, chính sách
Các trường tham gia ngày khai mạc Tư vấn trực tiếp:
ĐH Y Dược, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Kinh tế, ĐH Ngân hàng, ĐH Nông Lâm, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Tài chính - Marketing, Học viện Công nghệ và Bưu chính viễn thông, ĐH Lạc Hồng.
Tư vấn qua gian hàng: ĐH Tài nguyên - Môi trường, ĐH Công nghiệp, ĐH Lâm nghiệp (cơ sở 2), ĐH Hoa Sen, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH Văn Hiến, CĐ Kinh tế TP.HCM, CĐ Bách Việt, CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam, CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM, Trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng và đa phương tiện MaacViet Arena.
Như thông lệ, trong ngày khai mạc chương trình Tư vấn mùa thi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ có những phát biểu, thông tin chính thức về kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm đó. Tham gia lễ khai mạc năm nay, có GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ ĐH; tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng.
Dịp này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ thông báo chủ trương của Bộ về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ cũng sẽ giải đáp thắc mắc của học sinh, giáo viên và phụ huynh về những vấn đề nổi bật trong kỳ tuyển sinh năm nay như tổ chức tuyển sinh 3 chung như thế nào, quy định gì cho các trường thi riêng, công tác xét tuyển, hình thức ra đề thi, việc chấm thi, thay đổi chính sách ưu tiên tuyển sinh...
Tư vấn hướng nghiệp
Tiếp tục phát huy thế mạnh từ năm 2013, năm nay chương trình cũng tập trung vào việc định hướng, tư vấn giúp học sinh lựa chọn ngành nghề dự thi phù hợp. Nhằm giúp học sinh biết năng lực bản thân trước khi đăng ký dự thi, Báo Thanh Niên tặng học sinh bộ công cụ trắc nghiệm tự khám phá sở thích nghề nghiệp trong việc lựa chọn ngành nghề. Các chuyên gia tham gia chương trình sẽ hướng dẫn học sinh cách thực hiện phiếu trắc nghiệm này để đưa ra quyết định đúng khi đăng ký dự thi.
Ngoài ra, chuyên gia đến từ Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ cung cấp những số liệu, thông tin hữu ích về nhu cầu các ngành nghề trong những năm sắp tới tại TP.HCM và các khu vực lân cận. Với những hiểu biết này, học sinh sẽ cân nhắc thêm khi đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.
Thông tin ngành nghề
Các trường ĐH, CĐ tham gia buổi khai mạc bao gồm 2 khối ngành: sư phạm, xã hội - nhân văn, kinh tế, ngân hàng và y dược - nông lâm; kỹ thuật - công nghệ; giao thông - xây dựng. Học sinh, phụ huynh quan tâm bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc đào tạo, chương trình học tập, cơ hội việc làm, học bổng, học phí... đều sẽ được chuyên gia đến từ các trường giải đáp.
Đây sẽ là phần quan trọng vì lâu nay học sinh chỉ biết thông tin của các trường gián tiếp qua báo chí, từ internet hoặc bạn bè, người thân. Nay học sinh mới có dịp cùng lúc được gặp gỡ đại diện của rất nhiều trường ĐH, CĐ và TCCN để được giải đáp mọi thắc mắc về ngành nghề đào tạo ở các trường. Kết hợp với thông tin về thị trường lao động; năng lực, sở trường của bản thân; ngành nghề đào tạo; qua chương trình này học sinh sẽ biết được mình nên chọn hướng vào đời nào cho phù hợp.
Tổ chức khắp 16 tỉnh thành
Sau TP.HCM, chương trình sẽ tiếp tục diễn ra ở 15 tỉnh thành sau:
Đồng Nai: 8 giờ 30 ngày 15.2, Đài PT-TH Đồng Nai trực tiếp. Trước đó, ngày 14.2 diễn ra tư vấn lớp tại một số trường THPT trong tỉnh.
Bình Phước: 8 giờ 30 ngày 16.2, Đài PT-TH Bình Phước truyền hình trực tiếp. Tư vấn lớp vào chiều cùng ngày.
Lâm Đồng: 8 giờ 30 ngày 22.2, Đài PT-TH Lâm Đồng truyền hình trực tiếp. Tư vấn lớp trong ngày 21.2.
Đắk Lắk: Truyền hình trực tiếp từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 23.2. Ngày 24.2 tư vấn lớp.
Gia Lai: Truyền hình trực tiếp từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 1.3. Tư vấn lớp ngày 28.2.
Kon Tum: Truyền hình trực tiếp từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 2.3. Tư vấn lớp ngày 3.3.
Quảng Nam: Truyền hình trực tiếp từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30 ngày 7.3.
Quảng Ngãi: Truyền hình trực tiếp từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 9.3. Ngày 8.3 tư vấn lớp.
Nam Định: Truyền hình trực tiếp cùng buổi sáng ngày 9.3.
Bình Định: Truyền hình trực tiếp từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 12.3. Tư vấn lớp ngày 11.3.
Phú Yên: Truyền hình trực tiếp từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 13.3. Tư vấn lớp sáng 13.3.
Ninh Thuận: Truyền hình trực tiếp từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30 ngày 15.3. Tư vấn lớp ngày 14.3.
Bình Thuận: Truyền hình trực tiếp từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 16.3.
Bến Tre: Truyền hình trực tiếp từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30 ngày 22.3. Tư vấn lớp ngày 21.3.
Bạc Liêu: Truyền hình trực tiếp từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30 ngày 23.3. Chiều cùng ngày diễn ra tư vấn lớp. Kết thúc hành trình tư vấn.
Nhiều kênh thông tin tới thí sinh
* Thí sinh có thể xem video clip Tư vấn mùa thi qua điện thoại di động
Không chỉ tư vấn tại chỗ có truyền hình trực tiếp, chương trình Tư vấn mùa thi còn mang thông tin đến thí sinh qua nhiều kênh khác nhau.
Có thể nói, điểm ấn tượng nhất trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên chính là sự lan tỏa và mức độ truyền tin. Không chỉ tham dự tư vấn tại chỗ, hàng triệu lượt học sinh còn có thể đón nghe các thông tin hữu ích qua đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương. Năm 2014, cả 16 tỉnh thành diễn ra chương trình tư vấn đều có truyền hình trực tiếp.
Không dừng lại ở đó, nội dung của mỗi chương trình được tường thuật đầy đủ và cô đọng trên báo giấy hằng ngày, báo điện tử (www.thanhnien.com.vn) ngay sau đó. Đặc biệt, bắt đầu từ năm nay, học sinh và phụ huynh còn có thể xem video clip và ảnh 3D về chương trình tư vấn ngay trên báo in ra hằng ngày thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Học sinh còn có thể tìm hiểu mùa thi qua Cẩm nang tuyển sinh với nhiều thông tin hữu ích. Ấn phẩm sẽ chuyển tải đến thí sinh nhiều thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh 2014, toàn cảnh điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 theo ngành, điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung, chỉ tiêu tuyển sinh, tỷ lệ "chọi" của các ngành ở kỳ tuyển sinh trước... Thông qua bài viết của các chuyên gia ở từng môn học, thí sinh sẽ tìm thấy những lời khuyên hữu ích về cách thức ôn tập và làm bài thi hiệu quả. Đó còn là những dự báo về xu hướng ngành nghề tương lai cũng như lời khuyên của các chuyên gia về cách thức chọn ngành phù hợp.
Cũng trong năm nay, Báo Thanh Niên tiếp tục phát tặng miễn phí CD luyện thi trắc nghiệm. Nếu như giá trị nổi bật của Cẩm nang tuyển sinh nằm ở những bài phân tích sâu sắc về các vấn đề của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thì ở CD là những hướng dẫn giúp thí sinh cách học thi hiệu quả các môn trắc nghiệm: Anh văn, vật lý, hóa học và sinh học. Đặc biệt, qua CD này, thí sinh còn được tư vấn chi tiết về các chiến thuật làm bài thi trắc nghiệm đạt điểm cao.
Theo TNO
Năm 2014 sẽ có ba kỳ thi đại học Theo dự thảo mới nhất của Bộ GD - ĐT, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 sẽ chia thành ba đợt. Trong đó một đợt dành cho các trường vẫn tham gia "ba chung", hai đợt còn lại dành cho các trường tuyển sinh riêng. Ba kỳ thi đại học Chiều 12/12, Bộ GD - ĐT vừa ban hành dự thảo về...