Không muốn bỏ học, cậu bé nghèo bế em tới lớp
Mẹ mất sớm, bố làm việc xa nhà, cậu bé nghèo người Philippines đành dẫn theo em trai tới lớp để không phải bỏ học. Tinh thần ấy khiến nhiều người cảm phục.
Ngày 18/1, Shyla Mie Brillantes Blasico, giáo viên người Philippines, đăng hình ảnh cậu bé dẫn em trai đến lớp để học bài.
Cô cho biết bé trai trong hình là Mateo Bano, học sinh lớp 5 trường Tiểu học J.Blanco ở tỉnh South Cotabato.
Em là con thứ hai trong gia đình nghèo có 3 anh em. Anh trai Mateo cũng học cùng trường.
Bức ảnh Mateo vừa bế em vừa học bài lay động trái tim cộng đồng mạng. Ảnh: Shyla Mie Brillantes Blasico.
Gia đình vốn khốn khó và càng vất vả hơn khi mẹ các em qua đời một năm trước do mang thai ngoài tử cung. Người cha phải sang thị trấn khác làm thợ mộc, để lại 3 anh em sống trong túp lều tranh, tự chăm lo cuộc sống hàng ngày.
Mateo khao khát đến trường song điều này dường như không thể vì em cần phải chăm sóc em trai. Cuối cùng, cậu bé hiếu học quyết định dẫn theo em tới lớp.
Thỉnh thoảng, người anh lớn thay Mateo trông nom em nhỏ.
Trường học thực sự trở thành chốn dung thân cho anh em nhà Bano. Theo quy định, học sinh tiểu học có thể dẫn theo em khi đi học. Nhờ chương trình dinh dưỡng của Bộ Giáo dục Philippines, hai anh em được ăn trưa miễn phí tại trường.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trường chỉ hỗ trợ 3 anh em bữa trưa, còn lại, các em phải tự lo và thường xuyên chịu đói.
Ba anh em nhà Bano sống trong túp lều tranh, tự chăm sóc lẫn nhau. Ảnh: Shyla Mie Brillantes Blasico.
Sau khi được đăng tải, những hình ảnh này làm nhiều người cảm động. Khâm phục tinh thần hiếu học của Mateo, nhiều người bày tỏ họ sẵn lòng giúp đỡ để em bớt vất vả.
Tuy nhiên, Shyla Mie Brillantes Blasico cho hay cô và đồng nghiệp quyết định không nhận sự giúp đỡ bằng tiền mặt vì không muốn biến anh em nhà Bano thành cơ hội trục lợi.
Thay vào đó, họ khuyến khích các nhà hảo tâm ủng hộ thực phẩm và đồ dùng học tập cho các em.
Ngày 20/1, cô cập nhật trạng thái Facebook, cho biết trường đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ cộng đồng mạng, bao gồm sữa, gạo cùng một số đồ dùng thiết yếu khác.
Nữ giáo viên cũng giải thích ban đầu, cô đăng ảnh anh em Mateo chỉ để chia sẻ câu chuyện của em, mong muốn nó sẽ truyền cảm hứng cho người khác. Cô thực sự bất ngờ trước sức lan tỏa của câu chuyện, không chỉ ở Philippines mà trên toàn thế giới.
Cô bày tỏ hy vọng bài đăng của mình có thể hỗ trợ họ phần nào đồng thời không gây rắc rối đối với anh em nhà Bano.
“Tôi chỉ quan tâm cuộc sống và cơ hội học tập cho học trò của mình khi các em phải vật lộn với khó khăn để đến trường vì quá nghèo khó, thiếu sự quan tâm từ cha mẹ, phải chăm sóc em”, cô Shyla giải thích.
Tác giả bức ảnh thông tin thêm ngay sau bài đăng, chính quyền địa phương đã hành động kịp thời nhằm giúp đỡ anh em cậu bé hiếu học.
Theo Zing
Hoàng hậu duy nhất cầm quân đánh giặc
Bà Phạm Thị Uyển - vợ Mai Thúc Loan - được cho là hoàng hậu duy nhất trong lịch sử nước ta từng cầm quân đánh giặc.
Theo sách Những Phi - Hậu nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam và thần tích của đình làng Hòa Mục ở Cầu Giấy, Hà Nội (nơi bà được thờ làm thành hoàng), Phạm Thị Uyển quê ở quận Nam Xương (Cầu Giấy ngày nay). Cha là ông Phạm Huyên, mẹ tên Phùng Thị Thảo (em của Phùng Hạp Khanh - bố của Phùng Hưng).
Vợ chồng ông Phạm Huyên muộn đường con cái nên thường đến chùa cầu tự. Sau đó, người vợ sinh ba con gồm một gái hai trai. Phạm Thị Uyển là chị cả, tiếp đến là 2 em Phạm Miện và Phạm Huy.
Hai người em sau này đều là các danh tướng trong cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng. Phạm Thị Uyển nổi tiếng xinh đẹp, mắt phượng mày ngài, đến năm 18 tuổi bà lấy Mai Thúc Loan.
Bấy giờ, đất nước ta đang bị nhà Đường đô hộ. Căm phẫn trước chính sách bóc lột tàn bạo của kẻ thù, năm 713, Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa ở Nam Đàn (Nghệ An). Đến tháng 4/713, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, lấy hiệu là Mai Hắc Đế.
Đền Dục Anh bên sông Tô Lịch là nơi thờ nữ tướng - hoàng hậu Phạm Thị Uyển. Ảnh: Đất Việt.
Sách Việt giám thông khảo tổng luận thời hậu Lê miêu tả rằng: "Mai Hắc Đế nổi lên từ châu Hoan, căm giận ngược chính của Sở Khách, cất quân để đánh, phía Nam giữ đất Hải Lĩnh, phía Bắc chống lại nhà Đường, có thể gọi là bậc vua hào kiệt".
Tương truyền, vì mến phục tài năng của Mai Thúc Loan, Phùng Hạp Khanh đã gả cháu gái của mình là Phạm Thị Uyển cho ông.
Sau khi về nhà chồng, Phạm Thị Uyển cùng chồng chung vai gánh vác sự nghiệp. Vốn là người có chí khí, văn võ song toàn, am hiểu binh thư, sách lược đánh trận, bà thường bàn luận việc cơ mật với Mai Thúc Loan.
Lúc đó, quân Đường thua trận nhưng không chịu bỏ mộng xâm lăng. Nhà Đường sai Dương Tư Húc và Quang Sớ Khách mang 10 vạn quân sang đàn áp.
Thế giặc mạnh làm cho đội quân gồm những nông dân khởi nghĩa phải lui dần. Qua nhiều trận đánh, vì yếu thế, Mai Hắc Đế rút hết quân về Hoan Châu. Đệ nhị cung phi Phạm Thị Uyển tình nguyện ở lại chặn giặc.
Là người giỏi thủy chiến, Phạm Thị Uyển đem binh thuyền bày trận trên sông Tô Lịch. Chiến đấu dũng cảm nhưng do chênh lệch lực lượng nên quân ta tan vỡ. Thế cùng lực kiệt nhưng quyết không để rơi vào tay giặc, Phạm Thị Uyển cùng số ít binh tướng còn lại nhảy xuống sông Tô Lịch tự vẫn vào ngày 15/7/722.
Thi thể của bà trôi dạt đến địa phận trang Nhân Mục (nay là làng Hòa Mục -Cầu Giấy - Hà Nội) thì được nhân dân vớt lên chôn cất rồi lập đền thờ, phụng tôn là Ả Đại Nương. Đó chính là đền Dục Anh ngày nay nằm trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, quay mặt ra sông Tô Lịch, đoạn gần cầu Trung Hòa.
Ngày nay, dân làng Hòa Mục thờ cả 3 chị em bà, tôn làm thành hoàng. Tháng 8 hàng năm, họ tổ chức hội lớn để tưởng nhớ những anh hùng đánh giặc giữ nước.
Trong lịch sử Việt Nam, nữ tướng đánh giặc theo truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu không hiếm nhưng hoàng hậu cầm quân đánh giặc có lẽ chỉ có vợ Mai Hắc Đế.
Tương truyền, đến thế kỷ XV, khi nghĩa quân Lam Sơn tổng công kích quân Minh, trong một lần hành quân, Lê Lợi nghỉ đêm ở miếu Dục Anh. Lê Thái Tổ được thần báo mộng sẽ âm phù cho quân khởi nghĩa diệt giặc.
Sau này khi lên ngôi vua, Lê Lợi sắc phong cho bà là Khiêm Sung đại vương.
Theo Zing
Dạy trẻ tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại Nhiều người cho rằng giáo dục giới tính cho trẻ mầm non là quá sớm và ngại nhắc đến chuyện tế nhị. Thực ra, đây là việc cần thiết giúp bảo vệ các bé trước nguy cơ bị xâm hại. An Ninh TV dẫn số liệu chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ trẻ em cho biết từ năm 2001 đến 2015,...