Không “mặn mà” với lớp 10 tích hợp
Sau 3 năm triển khai, giữa tháng 5 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã thông báo dừng tuyển sinh lớp 10 tích hợp ở 4 trường THPT do không đủ nguyện vọng đăng ký. Vì sao thí sinh lại không “mặn mà” với chương trình này?
Bắt đầu từ năm học 2018-2019, TP HCM lần đầu tuyển sinh chương trình tích hợp ở bậc THPT, cũng bắt đầu từ năm học này, có môn thi tích hợp trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
985 nguyện vọng/980 chỉ tiêu
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, năm học 2021-2022 có 4 trường THPT dừng tuyển sinh lớp 10 tích hợp gồm: Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Gò Vấp), Trường THPT Thủ Đức (TP Thủ Đức), Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn). Được biết, tổng chỉ tiêu ở 4 trường này là 210 học sinh (HS).
Lý do dừng tuyển sinh, theo Sở GD-ĐT TP HCM, là tính đến 17 giờ ngày 10-5, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng tích hợp của 4 trường trên đều không đủ mở lớp. Theo số liệu mới nhất, trong kỳ tuyển sinh lớp 10 sắp tới, chỉ có 985 thí sinh đăng ký thi lớp 10 tích hợp, trong khi năm học này có 13 trường THPT tuyển sinh lớp 10 tích hợp với tổng chỉ tiêu là 980 HS. Những trường có chỉ tiêu cao là các trường THPT: chuyên Trần Đại Nghĩa, Gia Định, Nguyễn Thượng Hiền, Phú Nhuận, Lương Thế Vinh, mỗi trường tuyển 105 HS. Trước đó, năm học 2019-2020 có 7 trường THPT tuyển sinh lớp 10 tích hợp với 630 chỉ tiêu, trừ Trường THPT Hùng Vương không tuyển như đăng ký ban đầu.
Trước đó, ở năm học 2020-2021, 3 trường THPT thuộc tốp đầu TP là Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) và Bùi Thị Xuân (quận 1) cũng thông báo tuyển bổ sung HS vào lớp 10 tích hợp với chỉ tiêu gần 20 HS.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ở năm học 2020-2021, một số HS trúng tuyển lớp 10 tích hợp vào Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) nhưng vẫn không đủ mở lớp. Sau đó, sau khi Sở GD-ĐT TP HCM thỏa thuận với phụ huynh, những HS này được chuyển sang Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền để tiếp tục theo học chương trình tích hợp kèm một số điều kiện như HS được học bán trú vì nhà quá xa, phụ huynh phải thuê xe đưa đón.
Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) tuyển sinh 2 lớp nhưng chỉ có 40 HS nên chuyển thành một lớp với 35 HS, 5 HS còn lại chuyển sang Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3).
Video đang HOT
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân – một trong những trường tuyển sinh tích hợp tại quận 1, TP HCM. (Ảnh: TẤN THẠNH)
Chương trình ổn, vì sao khó tuyển sinh?
Theo lãnh đạo các trường thực hiện chương trình tích hợp, cho đến thời điểm hiện tại, chương trình này được tổng kết, đánh giá là khá ổn cả về chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên và đầu ra của HS. Theo ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, giai đoạn đầu trường chỉ thực hiện 1 lớp, đến nay là 2 lớp với 70 HS. Ông Nghi đánh giá HS học chương trình tích hợp rất thích, phụ huynh cũng an tâm vì con em học trường công mà vẫn được học một chương trình quốc tế chất lượng. “Trong số những HS xuất sắc được vinh danh tại trường, năm nào cũng có HS của chương trình tích hợp. Tiêu chí tuyển thẳng của một số trường ĐH cũng ưu tiên HS của chương trình này, nhất là các tiêu chí về tiếng Anh” – ông Nghi nói.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 cũng cho rằng đến nay chương trình triển khai bình thường. Theo vị này, dù không can thiệp vào quy trình chọn giáo viên nhưng được biết giáo viên của chương trình tích hợp rất khắt khe, yêu cầu phải có bằng sư phạm và người của nước Anh.
Câu hỏi đặt ra là vì sao một chương trình được đánh giá là ổn nhưng đến nay việc tuyển sinh vẫn èo uột? Theo hiệu trưởng một trường THPT, lý do là chương trình này không phải chương trình đại trà. “Ngoài vấn đề học phí cao, một lý do nữa là hiện nay những em theo học chương trình tích hợp đa phần đều có hướng đi du học hoặc tham gia những chương trình đào tạo chất lượng cao sau phổ thông. Trong khi nhu cầu của phần lớn HS hiện nay chỉ cần đậu ĐH” – vị này phân tích.
Trong khi đó, theo anh Hoàng Minh Kha (ngụ TP Thủ Đức; là giáo viên và có con đang theo học chương trình tích hợp), nếu muốn cho con học chương trình này, phải tính đến yếu tố đường dài về kinh tế.
“Học phí hiện nay là 8,5 triệu đồng/tháng. Nhiều phụ huynh sẽ đuối nếu chẳng may có giai đoạn kinh tế khó khăn. Hơn nữa, con phải thật sự muốn học, vì chương trình sẽ nặng hơn chương trình phổ thông bình thường. Thời lượng dạy của chương trình tích hợp là 15 tiết/tuần gồm 4 tiết tiếng Anh, 4 tiết toán và 7 tiết khoa học tự nhiên bên cạnh chương trình Việt Nam thực hiện theo chương trình chuẩn” – anh Kha nói.
Không mở lớp nếu không đủ HS
Theo quy định của chương trình tích hợp và Sở GD-ĐT TP HCM, các lớp 10 chương trình tích hợp sẽ có sĩ số từ 25 đến 35 HS/lớp. Nếu số lượng HS đỗ và nộp hồ sơ học tích hợp không đủ 25 HS trở lên thì nhà trường sẽ không mở lớp tại trường đó. Các HS đã nộp hồ sơ vẫn sẽ được xem xét chuyển về học tại trường khác có mở lớp tích hợp mà còn chỉ tiêu hoặc vẫn xét tuyển lớp 10 theo 3 nguyện vọng hoặc chuyển đổi loại hình học tập phù hợp khác.
Khẩn trương chuẩn bị thi tuyển sinh lớp 10
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, hơn 83.000 thí sinh tại TP HCM sẽ dự thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022. TP HCM có 140 điểm thi đặt tại các trường THCS, trong đó có 130 điểm thi thường và 10 điểm thi lớp 10 chuyên
Năm học 2021-2022, TP HCM sẽ có 83.324 thí sinh dự thi vào lớp 10. Trong đó, có 75.854 thí sinh dự thi lớp 10 thường, 6.485 thí sinh dự thi lớp 10 chuyên và 985 thí sinh dự thi lớp 10 tích hợp. Theo quy định của UBND TP HCM, trong trường hợp thí sinh thi tuyển vào lớp 10 thuộc diện bắt buộc phải cách ly phòng chống dịch Covid-19 sẽ được xét vào lớp 10 công lập.
24 thí sinh/phòng, đeo khẩu trang khi nộp bài
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, tại các điểm thi, thực hiện khử khuẩn trước ngày thi 1 ngày và sau khi thi. Tổ chức vệ sinh môi trường các hành lang, sân trường, nhà vệ sinh... sau mỗi buổi thi. Các hoạt động sinh hoạt quy chế, kiểm tra hồ sơ, sinh hoạt đầu giờ, thu bài... đều không quá 30 người trong một phòng. Trưởng các điểm thi xây dựng phương án và hướng dẫn thí sinh thực hiện đúng các yêu cầu, như phân công đón đưa theo nhóm phòng thi; phân hàng, phân luồng đo thân nhiệt theo nhóm phòng thi, ít nhất có 4 luồng đo thân nhiệt; rửa tay sát khuẩn thường xuyên; cử thành viên hướng dẫn thí sinh lên thẳng phòng thi. Các thí sinh cũng không được tụ tập xem sơ đồ phòng thi, xem danh sách thí sinh. Không cho tụ tập, trao đổi trước và sau khi thi, giám sát sức khỏe của từng cán bộ, nhân viên và thí sinh trước khi vào điểm thi.
Thí sinh ôn bài trước khi vào phòng thi kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2020 tại TP HCM (Ảnh: TẤN THẠNH)
Tại các điểm thi, tất cả được yêu cầu rửa tay sát khuẩn ngay tại cổng các điểm thi, tại cửa phòng thi, phòng hội đồng. Toàn bộ cán bộ, nhân viên, thí sinh phải đeo khẩu trang trong toàn bộ thời gian ở tại điểm thi. Thí sinh đeo khẩu trang kể cả khi nộp bài và ở ngoài phòng thi. Tuy nhiên, không bắt buộc đeo khẩu trang khi đang làm bài. Đặc biệt, sắp xếp tối đa 24 thí sinh/phòng, mỗi học sinh ngồi một bàn hoặc bảo đảm giãn cách, các phòng thi phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh.
Do diễn biễn của dịch Covid-19, TP HCM sẽ không tổ chức khai mạc kỳ thi, đồng thời tổ chức hướng dẫn quy chế thi, kiểm tra thông tin thí sinh tại các phòng thi. Các điểm thi hướng dẫn thí sinh vào phòng thi và ra về ngay sau khi thi, không tụ tập trao đổi trước và sau khi thi. Các điểm thi cũng sẽ tổ chức phân luồng, bố trí cho người nhà đưa, đón thí sinh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, không tập trung đông người xung quanh điểm thi. Bố trí nhân viên y tế trực và 2 phòng thi dự phòng để xử lý các trường hợp có các biểu hiện bệnh.
Đề thi giảm bớt các câu phân hóa
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay có 83.324 thí sinh, tổng số cán bộ, giáo viên tham gia coi thi là 13.517 người. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia chấm thi là 3.530 người. Theo Sở GD-ĐT TP HCM, các quận, huyện chịu trách nhiệm bảo quản và tổ chức giao đề đến các điểm thi. Mỗi sáng sớm, giao các thùng đựng đề thi dùng cho ngày hôm ấy, không được để đề thi chưa sử dụng qua đêm tại điểm thi. Theo quy định của kỳ thi, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, các loại máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ. Đối với môn chuyên địa, học sinh được phép mang tập bản đồ địa lý 9 và Atlat Địa lý Việt Nam của NXB Giáo dục Việt Nam. Trong quá trình diễn ra kỳ thi, nhân viên y tế phải có mặt thường xuyên trong suốt thời gian thi tại địa điểm do hội đồng thi quy định để xử lý các trường hợp thí sinh đau ốm. Khi trưởng điểm thi thông báo có thí sinh đau ốm bất thường trong thời gian thi, phải kịp thời điều trị hoặc cho đi bệnh viện cấp cứu trong trường hợp cần thiết (có cán bộ giám sát phòng thi làm nhiệm vụ tại điểm thi và công an đi cùng), không được lợi dụng khám chữa bệnh tại chỗ để có những hành vi vi phạm nội quy quy định.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, về nội dung đề thi, quan điểm của sở là vẫn giữ nguyên cấu trúc đề thi ở cả 3 môn thi là toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Đề thi được ra theo hướng vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề từ thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, đề thi năm nay sẽ được giảm bớt các câu hỏi ở mức độ khó, tăng các câu ở mức độ cơ bản, thông hiểu và nhận biết. Dù vậy, đề thi sẽ vẫn bảo đảm mức độ phân hóa để đáp ứng yêu cầu tuyển sinh.
Tăng thời gian làm bài ngoại ngữ
Theo quy định của kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thí sinh dự thi 3 môn là toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Thí sinh dự thi chuyên sẽ dự thi thêm môn chuyên. Một thay đổi quan trọng trong thời gian làm bài thi năm nay là môn ngoại ngữ từ 60 phút tăng lên 90 phút, thời gian làm bài của 2 môn còn lại là 120 phút/môn. Ngoài ra, 3 môn thi đều tính hệ số 1. Thí sinh trúng tuyển phải dự thi đủ 3 bài thi và không có bài nào bị điểm 0.
Đà Nẵng sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Chỉ còn gần 1 tuần nữa, học sinh lớp 9 ở TP Đà Nẵng bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022. Đến nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được ngành giáo dục thành phố chuẩn bị sẵn sàng với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho thí sinh và lực...