Không khí Hà Nội ở mức gây hại sức khỏe
Bụi mịn không khí PM 2.5 tại thành phố đang cao gấp 7 lần quy chuẩn quốc gia, tác hại đến hệ hô hấp gây viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp, nhất là người già và trẻ nhỏ.
Theo AirVisual , những ngày qua chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội ở mức xấu, là mức có hại cho sức khỏe của người dân và cần hạn chế các hoạt động ngoài trời. Chỉ số bụi mịn PM2.5 trong ngày dao động ở mức trên 175 g/m, cao hơn gấp 7 lần quy chuẩn quốc gia (25 g/m3) và gần 16 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới WHO (10 g/m3). Trời nhiều sương mù.
Bác sĩ Lê Hoàn, Phó trưởng khoa Nội tiết – Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết khi vào cơ thể, bụi mịn sẽ xâm nhập vào đường thở, gây tổn thương niêm mạc khí quản, phế quản. Bụi mịn có thể đi sâu vào các phế nang, nơi tận cùng của cơ quan trao đổi khí, làm viêm, xơ hóa phế nang dẫn đến nhiều bệnh lý về hô hấp.
Nếu tiếp xúc lâu dài, bệnh diễn biến phức tạp, gây các bệnh phổi mạn tính. Trường hợp tiếp xúc ngắn hạn, bụi mịn có thể là tác nhân khởi phát các đợt cấp của bệnh lý hô hấp mạn tính, đặc biệt với người có tiền sử mắc bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hoặc các bệnh lý viêm mũi xoang dị ứng…
Theo bác sĩ, cơ quan hô hấp là bộ phận chịu nhiều ảnh hưởng nhất do tác động của bụi mịn. Ngoài ra, một số cơ quan khác như da, mắt… cũng cần đề phòng.
Bác sĩ Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nói mũi là bộ phận đầu tiên trong hệ hô hấp tiếp xúc với môi trường. Song bụi mịn nhỏ li ti trong không khí gấp 7 lần quy chuẩn cho phép ,mũi khó lọc sạch được hết nên dễ viêm nhiễm khi thời tiết bị ô nhiễm. Trong đó, viêm xoang là bệnh lý thường gặp nhất, tiếp đó là đau rát họng, sổ mũi, nghẹt mũi và bệnh lý về tai gia tăng.
Ô nhiễm không khí còn khiến cơ thể dễ bị bội nhiễm, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển dẫn đến viêm phổi hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người già; bệnh hen, viêm tiểu phế quản, dị ứng, suy hô hấp ở trẻ nhỏ.
Ngoài nhóm nguy cơ cao, những người tập buổi sáng cần đặc biệt chú ý vì tiếp xúc trực tiếp với bụi mịn lại không thể đeo khẩu trang, nhiều khi không thể phân biệt là sương mù hay bụi mịn, dễ dẫn đến viêm nhiễm đường hô hấp. Để đảm bảo an toàn, nên tập trong nhà để đảm bảo đề kháng, tránh nguy cơ tiếp xúc với bụi mịn.
Bầu trời mịt mù nhìn từ tòa nhà trên cao, khu vực Thanh Xuân, Hà Nội sáng 5/1. Ảnh: Lộc Chung
Để chủ động phòng bệnh hô hấp, bác sĩ khuyến cáo mọi người tuân thủ “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch, ăn chín uống sôi, che miệng khi hắt hơi. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, tiêm vaccine phòng bệnh.
Hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc. Lựa chọn sống nơi thoáng nhất có thể, nhiều cây xanh càng tốt để hạn chế ô nhiễm.
Trẻ em có sức đề kháng yếu, hệ tai mũi họng dễ mẫn cảm và dị ứng nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước, tránh tiếp xúc môi trường bụi bẩn khói thuốc. Tạo thói quen vệ sinh mũi họng hàng ngày. Có thể sử dụng máy lọc để lọc không khí trong lành, dễ chịu.
Luôn giữ ấm bằng cách mặc quần áo thành nhiều lớp, nhiều lớp mỏng tốt hơn một lớp dày. Khi đó, cơ thể sẽ tạo ra nhiều lớp giữ nhiệt và hạn chết mất nhiệt ra ngoài môi trường. Riêng trẻ em cần mặc nhiều hơn một lớp quần áo so với người lớn trong cùng một điều kiện thời tiết.
Tập luyện thể dục phù hợp, nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng. Hạn chế tập lúc sáng sớm hay tập luyện quá sức để tránh nguy cơ nhiễm lạnh hoặc đột quỵ.
Hà Nội chìm trong sương mù ngày 5/1. Video: Lộc Chung
TP.HCM mưa trái mùa, chỉ số ô nhiễm vẫn ở mức cao
Tối 10/12, người dân TP.HCM chứng kiến cơn mưa trái mùa kéo dài nhiều giờ. Dù trời mưa, chỉ số ô nhiễm không khí vẫn ở mức xấu.
Chiều và tối 10/12, TP.HCM có mưa trái mùa tại nhiều khu vực trong thành phố. Trước đó, đêm 9/12, TP cũng có mưa một số nơi.
Cụ thể, ảnh mây vệ tinh và radar thời tiết cho thấy mây đối lưu đang phát triển trên khu vực các quận trung tâm, quận 2, quận 9, Thủ Đức, quận 7. Ngoài ra, những đám mây đối lưu khác cũng đang phát triển mạnh trên khu vực Đồng Nai. Các khối mây di chuyển theo hướng Đông Bắc - Tây Nam.
Dự báo, đến khoảng 0h ngày 11/12, mây đối lưu sẽ tiếp tục phát triển, gây mưa rào và dông cho các khu vực kể trên và mở rộng ra các khu vực lân cận khác. Trong cơn dông, người dân cần đề phòng lốc, sét và gió giật.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, ngay 10/12, thời tiết các tỉnh Nam Bộ chịu ảnh hưởng yếu của không khí lạnh, kết hợp hội tụ gió trên cao nên chiều tối trời nhiều mây hơn, có mưa xuất hiện vài nơi, cường độ không nhiều. Về đêm, trời se lạnh, nhiệt độ thấp nhất từ 23 đến 25 độ C.
Lúc 22h ngày 10/12, ứng dụng AirVisual xếp TP.HCM ô nhiễm thứ 7 trong các nước được xếp hạng (ảnh trước), ứng dụng PAMAir cũng cho thấy chất lượng không khí xấu. Ảnh chụp màn hình.
Đặc biệt, dù thời tiết mưa, chất lượng không khí tại TP.HCM đêm nay lại ở mức xấu.
Theo ứng dụng AirVisual , vào 22h ngày 10/12, chỉ số ô nhiễm không khí tại TP.HCM là 186 - ngưỡng xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ra ngoài. Ứng dụng này còn xếp TP.HCM có chỉ số ô nhiễm cao thứ 7 trong các nước được xếp hạng. Trong khi đó, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 4 với chỉ số AQI là 251 đơn vị - ngưỡng rất xấu, ảnh hưởng đến mọi người.
Chỉ số AQI ở các nơi đều khá cao như Thảo Điền (quận 2) - 181, Lê Duẩn (quận 1) - 163, Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận) - 172...
Ứng dụng PamAir cũng cho thấy tình trạng tương tự dù có khả quan hơn. Chỉ số AQI (theo phương pháp tính của Việt Nam - VN AQI) tại các điểm quan trắc rải đều từ ngưỡng trung bình đến rất xấu. Nơi có chỉ số AQI cao nhất là đường Học Lạc (quận 5) với 223 đơn vị. Theo sau là xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với 214 đơn vị.
TP.HCM sắp đối mặt với triều cường, nguy cơ ngập nhiều nơi. Ảnh: Chí Hùng.
Đáng chú ý, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ còn đưa ra cảnh báo về triều cường vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai những ngày tới. Theo đó, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh theo kỳ triều cường đầu tháng 11 âm lịch.
Dự báo, đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 15-16/12. Thời gian xuất hiện đỉnh triều khoảng 4-6h và 17-19h trong ngày.
Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường khu vực TP.HCM ở cấp độ 3. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định đây là kỳ triều cường cao, cần đề phòng ngập úng vùng trũng thấp, ven sông.
Không khí Hà Nội xấu về đêm 20h ngày 10/12, hầu hết điểm quan trắc không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều hiển thị chỉ số ở mức kém (AQI 101-150). Sáu điểm chất lượng không khí ở mức xấu gồm: Minh Khai (Bắc Từ Liêm) 161, đường Phạm Văn Đồng 161, Trung Hòa (Cầu Giấy) 156, khu đô thị Pháp Vân (Thanh Trì) 153,...