“Không hỗ trợ giá cho người đi xe sang”
Dự luật Quản lý giá được thảo luận tại UB Thường vụ QH chiều 26/9 “chạm” đúng vấn đề thời sự – điều hành giá điện, xăng dầu. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, không giữ độc quyền doanh nghiệp và không hỗ trợ giá cho người đi xe sang.
Giá xăng dầu khi có luật quản lý liệu có ổn hơn?
Chủ trì soạn thảo dự án luật, Bộ Tài chính nêu thực trạng bất cập của hệ thống pháp luật về giá hiện hành đã dẫn đến tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá nhằm thu lợi nhuận không chính đáng ở một số ngành, lĩnh vực làm phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Thực trạng này chưa được kiểm soát một cách thích đáng.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thừa nhận: “Giá một số hàng hóa, dịch vụ chưa được tính đúng, tính đủ theo mặt bằng giá thị trường, có loại còn bao cấp, bù chéo… làm “méo mó” hệ thống giá trong nước do không phản ánh đúng giá trị hàng hóa, dịch vụ dẫn đến thị trường ngầm, buôn lậu diễn biến phức tạp”.
Dự luật, theo ông Huệ, đã sử dụng một cơ chế hỗn hợp cả “bàn tay vô hình và bàn tay hữu hình” trong quản lý giá, đảm bảo nguyên tắc Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường và thực hiện điều tiết giá thông qua các biện pháp kinh tế, hành chính phù hợp.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra – Ủy ban Tài chính, ngân sách lại cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo luật mâu thuẫn với mục tiêu quản lý theo cơ chế thị trường, tránh sự can thiệp của nhà nước vào quan hệ cung cầu đã đặt ra.
Video đang HOT
“Việc quy định vai trò quản lý, sự điều tiết về giá của Nhà nước là cần thiết, song với tính chất là đạo luật về quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong định giá hàng hóa, dịch vụ thì nhiều nội dung của dự thảo luật chưa thực sự phù hợp với quy luật thị trường, thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào quan hệ cung cầu” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển thẳng thắn trao đổi.
Cụ thể, ông Hiển đề nghị bỏ quy định về bảo hộ cạnh tranh vì đã là cạnh tranh phải bình đẳng, không thể có chuyện Nhà nước bảo hộ, can thiệp.
Công cụ quản lý hành chính bằng biện pháp bình ổn giá cũng được yêu cầu xem xét lại. Việc bình ổn giá hàng hóa trên phạm vi cả nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách cho rằng phải do tập thể Chính phủ xem xét quyết định, không nên giao trách nhiệm cho cá nhân Thủ tướng.
Việc bình ổn giá không nên giao cá nhân Thủ tướng quyết định.
Cùng chung băn khoăn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt câu hỏi, với một số mặt hàng, DNNN ở thế độc quyền nhưng lại bán theo thị trường thì bình ổn thế nào? “Như điện, than, xăng dầu kêu lỗ, người tiêu dùng cũng kêu, nhà sản xuất kêu, luật ra rồi có ổn hơn không?” – ông Ksor Phước giả thiết.
Không có câu trả lời từ cơ quan soạn thảo cho những thắc mắc, nghi ngại này.
Chốt lại vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, việc Nhà nước định giá phải hết sức chặt chẽ, vì nếu nhà nước định giá nhiều quá sẽ “thủ tiêu” cạnh tranh.
Với các mặt hàng như điện, than, xăng dầu, ông Hùng nhấn mạnh: “Chỉ có độc quyền Nhà nước, không độc quyền doanh nghiệp. Và Nhà nước chỉ hỗ trợ những mặt hàng này cho người khó khăn, lương thấp chứ không hỗ trợ cho anh đi xe sang”.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu dự án luật phải làm rõ tiêu chí hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, bình ổn giá, phân định rõ thẩm quyền trong việc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, những mặt hàng cần bình ổn giá trong những thời điểm nhất định…
Dự thảo Luật Quản lý giá có thời gian chỉnh lý, hoàn thiện và được thẩm tra một lần nữa trước khi trình Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp tới (cuối tháng 10/2011).
Theo Dân Trí
Sách vở, đồ dùng học tập tăng giá 15-20%
Mặc dù là mặt hàng được đưa vào diện bình ổn giá từ 1/6 đến hết tháng 10 năm nay, song mặt hàng sách vở đồ dùng học tập trên thị trường Hà Nội những ngày qua vẫn tăng giá.
Ông Trương Quang Luyến - Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà cho biết, so với năm ngoái, giá giấy vở học sinh đã tăng trên 20%, giá bìa tăng khoảng 30%. Với mặt hàng giấy vở, giá giấy chiếm tới trên 80% giá thành, do đó, giá giấy tăng là nguyên nhân khiến nhiều công ty văn phòng phẩm đã tăng thêm giá bán sản phẩm từ 10-15%.
Phụ huynh, học sinh lựa chọn kỹ hơn khi mua sách, vở...
Theo khảo sát của chúng tôi, so với mùa tựu trường năm trước, giá các sản phẩm như cặp, balô, túi xách học sinh hiện đã tăng từ 25-35%. Các loại sách giáo khoa cơ bản và nâng cao tăng giá gần 20%. Nguyên nhân tăng giá được hầu hết các nhà sách lý giải là theo chủ trương của Nhà xuất bản Giáo dục và do các nguyên liệu đầu vào, giấy, công in ấn tăng...
Giá vở học sinh cũng tăng khoảng 15-20%, tức là tăng 1.500-2.000 đồng/cuốn so với cùng thời điểm năm ngoái. Giá vở 96 trang từ 5.600-12.000 đồng/cuốn, tùy loại. Tại các nhà sách, vở loại 72 trang của các hãng như Hồng Hà, Mai Hà, KLong, Tiến Thành... dao động từ 3.500 - 8.000 đồng/cuốn. Mặt hàng cặp sách, hộp bút, bút bi, bút máy, thước kẻ, compa... cũng có mức tăng cao.
Bộ Công Thương cho biết, từ nay đến khi vào năm học mới, Bộ tiếp tục chỉ đạo các địa phương có chương trình bình ổn giá kiểm tra thị trường để đảm bảo giá các mặt hàng sách vở đồ dùng học tập không tăng quá cao.
Cụ thể, compa nhãn hiệu Dely của Trung Quốc bán tại Nhà sách Tiền Phong VDC trước chỉ 34.000 đồng thì nay lên 45.000 đồng/chiếc. Các loại bút máy nét hoa, bút bi, bút nước, bút dạ... của Hồng Hà, Thiên Long, Bến Nghé... cũng có giá bán tăng 20-30% so với năm ngoái.
Tuy nhiên năm nay, sức mua trên thị trường này đã tăng chậm lại khi chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là bước vào năm học mới. Một trong những nguyên nhân là do giá các mặt hàng phục vụ năm học mới hiện tăng trung bình 15-20% so với năm ngoái.
Anh Lê Văn Nghiêm - Giám đốc phụ trách chi nhánh Hà Nội nhà sách Nguyễn Văn Cừ (quận Cầu Giấy), cho biết, do lạm phát, giá cả tăng cao nên người dân cũng tiết kiệm chi tiêu. Họ chỉ mua đủ dùng các sản phẩm giấy vở, sách cho con em một cách chọn lọc chứ không mua nhiều, thừa như mọi năm. "Từ nay đến hết tháng 8 lượng người mua có thể sẽ tăng hơn vì sát năm học mới" - anh Nghiêm dự báo.
Theo BĐVN
Dịch vụ 'kéo' bão giá Ngoài gas, sữa, cước taxi, vận tải,... tăng giá, nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại các chợ, siêu thị đã có chiều hướng tăng đã tạo nên một áp lực không nhỏ tới cuộc sống của người dân. Hình ảnh họp báo chương trình "Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng" năm 2011 Chính vì vậy, với mong muốn bảo...