Không giảm áp lực khi sửa Thông tư 30
Giáo viên vừa kịp làm quen với việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30 thì Bộ GD&ĐT lại sửa đổi và áp dụng luôn cho năm học này.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học (còn gọi là Thông tư 30).
Trong đó, nổi bật nhất là việc đánh giá định kỳ sẽ có thêm các bài kiểm tra lấy điểm số, đồng thời giáo viên (GV) dùng lời nói để đánh giá thường xuyên.
Tăng thêm bài kiểm tra để lấy điểm
Theo Thông tư 22, việc đánh giá định kỳ được sửa đổi, cụ thể: Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, GV căn cứ quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kỹ năng để đánh giá HS đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức: Hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành.
Đồng thời, vào cuối học kỳ I và cuối năm học, các môn học tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc có thêm bài kiểm tra định kỳ.
Riêng lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra định kỳ môn tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II. Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho HS.
Học sinh sẽ phải làm thêm các bài kiểm tra định kỳ để lấy kết quả đánh giá học tập. Ảnh: Người Lao Động.
Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh HS này với HS khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, GV đề xuất với nhà trường có thể cho HS làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của HS.
Một điểm nữa trong Thông tư 22 là sổ sách của GV sẽ được thay đổi: Sổ theo dõi chất lượng giáo dục được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá HS.
GV được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của HS, ghi chép những lưu ý với HS có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.
Video đang HOT
Đối với việc đánh giá thường xuyên: GV dùng lời nói chỉ ra cho HS biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của HS khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời.
Lại vội vàng áp dụng!
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Phú Nhuận, TP.HCM cho rằng những khó khăn hay thuận lợi khi triển khai Thông tư 22 phải đến khi thực hiện mới ra vấn đề. Ở góc độ quản lý, thay vì nghe góp ý một cách rộng rãi, toàn diện để sửa đổi, bổ sung cho hoàn chỉnh, Bộ GD&ĐT lại vội vàng thay thế ngay trong năm học 2016-2017, khi mà GV đã làm quen với Thông tư 30 được 2 năm nay. Trong đó, vướng mắc nhất là làm sao giảm áp lực học tập cho HS vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo các phòng GD&ĐT tại TP.HCM, vì Thông tư 22 đến tháng 11 mới có hiệu lực nên trước mắt vẫn đang chờ hướng dẫn của sở GD&ĐT để triển khai. Trong quá trình này, các trường vẫn triển khai Thông tư 30 và nghiên cứu Thông tư 22. Tuy nhiên, chuyên viên phụ trách tiểu học một phòng GD&ĐT cho rằng vì tâm lý đang thực hiện quen, bỗng dưng có thay đổi ngay trong năm học nên không ít GV băn khoăn.
Một GV tại quận 4, TP.HCM nhận định việc GV dùng lời nói, ký hiệu chỉ ra cho HS biết chỗ đúng, chỗ chưa đúng mà biết cách sửa chữa… là chưa hợp lý. Trong thực tế, ký hiệu chỉ là quy ước để hướng dẫn HS thực hiện các nhiệm vụ học tập trên lớp, chứ không thể thay thế lời nhận xét của GV với HS. Nên linh hoạt để GV dùng lời nhận xét trực tiếp đối với HS thì đạt hiệu quả hơn và thể hiện tình cảm thầy trò.
Ông Trần Trọng Khiêm – Phó phòng GD&ĐT quận Tân Phú, TP.HCM – phân tích quy định gì cũng có hai mặt của nó. Chẳng hạn như qua dư luận hiện nay ở việc đánh giá định kỳ theo Thông tư 22 có thêm kỳ kiểm tra nữa thì GV hơi cực.
Ông Trần Trọng Khiêm cho biết dù là đánh giá theo hình thức nào đi nữa thì nên lưu ý chúng ta đang đánh giá HS tiểu học chứ không phải đánh giá GV hay phụ huynh. Vì thế, cái nào tốt nhất cho HS thì làm. Dường như chưa có khảo sát chính thức về việc các em muốn cách đánh giá nào hơn? Cốt lõi của việc nhận xét, đánh giá là các HS có phát triển tốt hơn không? Năng lực được phát hiện và tiến triển đến đâu, có trưởng thành hơn không?
Một số chuyên gia cho rằng mục đích của Thông tư 30 là giảm áp lực cho HS khi không đánh giá bằng điểm số mà đánh giá bằng nhận xét nhưng nay Thông tư 22 lại quay lại đánh giá bằng điểm số qua các bài kiểm tra định kỳ thì vô hình trung lại tiếp tục tạo gánh nặng học hành cho HS.
Lo học thêm
Chị T.Tr – có con học tại một trường tiểu học tại quận 3, TP.HCM – cho biết mục tiêu của quy định đánh giá HS tiểu học mới là giảm áp lực cho HS nhưng Thông tư 22 lại tăng thêm bài kiểm tra định kỳ ở lớp 4, lớp 5 giữa học kỳ I và giữa học kỳ II ở 2 môn tiếng Việt và Toán sẽ tăng thêm áp lực cho HS.
Trong khi tâm lý coi trọng điểm số, so sánh giữa các HS, phụ huynh lo lắng, ép con phải đi học thêm để có điểm số tốt.
Theo Đặng Trinh / Người Lao Động
Bộ Giáo dục sửa Thông tư 30
Bộ GD&ĐT vừa ra Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm Thông tư 30.
Hai năm qua, Thông tư 30 đã được triển khai trên cả nước. Được nhận định là mang theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ, giàu tính nhân văn nhưng còn những hạn chế. Vì thế, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 22/2016/BGDDT, bổ sung một số điểm trong cách đánh giá học sinh tiểu học.
Đánh giá học sinh theo 3 mức
Một trong những tồn tại của Thông tư 30 là việc đánh giá học sinh. Trước đây, giáo viên chỉ đánh giá theo hai mức hoàn thành và chưa hoàn thành.
Cách đánh giá này bị cho rằng nặng về định tính, không khơi dậy được tinh thần phấn đấu và nỗ lực của học sinh.
Thông tư 22 được kỳ vọng sẽ tạo ra khí thế mới cho học sinh và giáo viên. Ảnh: Tùng Lekima.
Thông tư 22 sẽ khắc phục bằng cách đưa ra 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Bộ Giáo dục cho rằng xét về tâm lý tiếp nhận, 3 mức này nhìn nhận rõ hơn kết quả phấn đấu của học sinh. Phụ huynh sẽ nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình.
Giáo viên đánh giá học sinh vào giữa và cuối mỗi học kỳ nhằm cung cấp những thông tin phản hồi hữu ích liên quan quá trình học tập của học sinh, phát hiện những chỗ thiếu hụt để giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy học.
Thông tư 22 cũng quy định việc lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây, Thông tư 30 chỉ quy định hai mức Đạt và Chưa đạt).
Việc lượng hóa này cho phép giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó, giáo viên, nhà trường có giải pháp kịp thời giúp học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực, ngày một tiến bộ hơn.
Bên cạnh đó, Thông tư 22 quy định thêm về các bài kiểm tra giữa kỳ môn Tiếng Việt và Toán đối với khối 4 và khối 5, nhằm giúp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của học sinh với hai môn học này. Học sinh cũng được làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo.
Thông tư 22 cũng quy định trách nhiệm chỉ đạo việc ra đề bài kiểm tra định kỳ cho hiệu trưởng, khắc phục được những bất cập trong việc thực hiện trước đây với Thông tư 30.
Ngoài ra, các bổ sung, thay đổi cũng sẽ làm rõ hơn quyền, trách nhiệm của giáo viên trong đánh giá học sinh và tăng trách nhiệm của các cấp quản lí giáo dục trong tổ chức, triển khai thực hiện đánh giá học sinh tiểu học.
Giảm bớt gánh nặng sổ sách
Trong hai năm thực hiện Thông tư 30, nhiều giáo viên bức xúc vì sổ sách quá nhiều, vừa vất vả, vừa ảnh hưởng thời gian giảng dạy cho học sinh.
Nhằm giải quyết vấn đề này, Thông tư 22 quy định thay sổ theo dõi chất lượng giáo dục bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh.
Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.
Thay đổi căn bản này sẽ giúp cho giáo viên thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá học sinh, có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học.
Quy định khen thưởng học sinh trong Thông tư 22 cũng cụ thể hơn. Căn cứ vào đó, giáo viên và nhà trường dễ dàng tiến hành khen thưởng mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục.
Thông tư 22 sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 6/11/2016 thay thế Thông tư 30. Đây là thời điểm giữa học kỳ I của năm học nên việc đánh giá sẽ bắt nhịp ngay mà không tạo ra xáo trộn cho học sinh và giáo viên.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo triển khai tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền rộng rãi nhằm làm rõ các vấn đề mà giáo viên có thể còn băn khoăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Theo Zing
'Được sửa đổi Thông tư 30 như trúng sổ số' Kỳ Anh cho hay: "Tôi đang dạy tiểu học, nghe thông tin sửa đổi của Bộ GD&ĐT như trúng sổ số". Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, dự thảo chưa giải quyết được gốc vấn đề. Thấu hiểu nỗi vất vả của giáo viên khi áp dụng Thông tư 30 (đánh giá học sinh bằng nhận xét thay vì điểm...