Không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp: Học lực không quyết định khi tuyển dụng!
Với các nhà tuyển dụng, việc xếp loại trên bằng tốt nghiệp không quyết định việc được tuyển dụng hay bị loại.
Sinh viên khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận bằng tốt nghiệp – Bảo Hân
Dư luận xã hội những ngày gần đây có nhiều ý kiến về dự thảo vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến lần 1 thông tư Ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng tốt nghiệp ĐH.
Dự thảo này nêu rõ 10 nội dung chính được thể hiện trên văn bằng giáo dục ĐH và cũng cho phép các cơ sở đào tạo được bổ sung thêm các nội dung khác phù hợp với quy định pháp luật.
Nếu so với quy định cũ, thông tư số 19/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành mẫu bằng tốt nghiệp ĐH, thì ở dự thảo mới bằng tốt nghiệp sẽ không ghi xếp loại theo các mức như trước gồm: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình.
“Giám đốc điều hành công ty tôi không có bằng ĐH”
Đại diện các đơn vị tuyển dụng cho biết, việc ứng viên được xếp loại gì trên bằng tốt nghiệp chưa quyết định việc được tuyển dụng hay không.
Ông Huỳnh Bảo Toàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Zentado, bày tỏ sự đồng tình với dự thảo mới khi không thể hiện nội dung xếp loại trên bằng tốt nghiệp ĐH.
Ông Toàn quan niệm: “Bằng tốt nghiệp cần thiết để khẳng định chuyên môn được đào tạo của ứng viên. Còn xếp loại tốt nghiệp của ứng viên thì gần như tôi chưa từng quan tâm tới khi tuyển người. Thậm chí, giám đốc điều hành của công ty tôi còn không có bằng tốt nghiệp ĐH nhưng vẫn làm tốt công việc”.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Thành đoàn TP.HCM), cũng cho biết từ kinh nghiệm thực tế tiếp nhận nhu cầu các đơn vị tuyển dụng cho thấy học lực thể hiện trên văn bằng tốt nghiệp chỉ là yếu tố giúp ứng viên được ưu tiên hơn chứ không quyết định việc trúng tuyển hay bị loại của ứng viên đó.
“Quá trình tuyển dụng, các đơn vị còn đánh giá ứng viên qua nhiều vòng xét tuyển, dựa trên nhiều yếu tố khác ngoài bằng cấp như: ngoại ngữ, kỹ năng mềm…”, ông Sang cho hay.
Nhà tuyển dụng yêu cầu gì?
Cũng theo ông Sang, tùy theo từng đơn vị và lĩnh vực ngành nghề có những yêu cầu khác nhau với ứng viên đầu vào. Cụ thể, những công ty lớn tuyển ứng viên các ngành kỹ thuật thường đưa ra yêu cầu về trường ĐH đào tạo ứng viên đó, có những đơn vị yêu cầu ứng viên tốt nghiệp với điểm trung bình từ 6,5 điểm trở lên. “Các đơn vị này họ không yêu cầu kinh nghiệm vì thường sẽ tự đào tạo lại”, ông Sang thông tin.
Trong khi đó, các đơn vị tuyển dụng các vị trí việc làm khác thường quan tâm nhiều đến năng lực trực tiếp liên quan tới công việc. Chẳng hạn, để tuyển người vào vị trí kinh doanh thì yêu cầu khả năng giao tiếp, ngoại hình dễ nhìn, khiếu kinh doanh…
Còn theo ông Huỳnh Bảo Toàn, khi tuyển dụng ông quan tâm nhất là năng lực thực sự của ứng viên, thể hiện ban đầu qua cách chuẩn bị hồ sơ xin việc, qua trao đổi trực tiếp, rồi 2 tháng thử việc…
“Kinh nghiệm thực tế cho thấy có những người tốt nghiệp bằng giỏi nhưng không thành công trong công việc. Để thành công, tấm bằng giỏi chỉ góp một phần nhỏ”, ông Toàn nói.
Theo Thanh niên
Sinh viên nói gì về việc không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học?
Dự thảo liên quan đến việc không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau, đặc biệt là ý kiến của sinh viên.
Sinh viên làm thủ tục đăng ký ở Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM - Lê Thanh
Mong muốn vẫn xếp loại trong bằng tốt nghiệp
Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, sinh viên ngành y đa khoa (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), cho rằng: "Về loại hình đào tạo như đào tạo chính quy, tại chức và từ xa thì tôi không ủng hộ quan điểm bỏ nội dung này trong bằng tốt nghiệp vì các loại hình đào tạo khác nhau, phần nào phản ánh được chất lượng đầu ra của người được đào tạo. Bản thân tôi nhận thấy có một sự chênh lệch nhất định trong chất lượng đầu ra của các loại hình đào tạo, đặc biệt là đào tạo chính quy và đào tạo liên thông".
Còn về xếp loại tốt nghiệp, Nguyệt Thanh bày tỏ: "Tôi mong muốn vẫn giữ xếp loại trong bằng tốt nghiệp, trước hết là để không cào bằng kết quả đầu ra của sinh viên. Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng phần nào đánh giá được năng lực bước đầu của người được tuyển dụng...".
Sinh viên tìm hiểu thông tin về các doanh nghiệp tuyển dụng tại ngày hội việc làm - Lê Thanh
Nguyệt Thanh nói: "Tôi nghĩ nên giữ nguyên những bằng tốt nghiệp cho một số ngành nghề đặc thù như: bằng bác sĩ, bằng kỹ sư, bằng dược sĩ...Vì cơ bản, các ngành nghề này có thời gian đào tạo dài hơn so với các ngành cử nhân khác (thường từ 5 - 6 năm). Nếu dùng chung một loại bằng như các ngành khác thì dường như không phản ánh hết được quá trình học tập của sinh viên, và sẽ nhầm lẫn với các ngành khối ngành cử nhân khác trong lĩnh vực khoa học sức khỏe như: dinh dưỡng, điều dưỡng...".
Sinh viên tìm việc làm tại ngày hội tuyển dụng vào cuối tháng 9.2019 - Lê Thanh
"Có một chút gì đó không công bằng ở đây"
Trong khi đó, Đỗ Ngọc Thành Danh, sinh viên của Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, cho rằng: "Thay đổi mới này của Bộ GD-ĐT cũng có phần hợp lý trong giai đoạn hiện nay, khi mà bằng cấp không nói lên được tất cả".
Theo Thành Danh, nếu như chỉ chú tâm đến kết quả xếp loại tốt nghiệp mà quên trang bị kỹ năng mềm, khả năng làm việc thực tế không tốt thì sinh viên ra trường rất khó đạt được yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Ở một phương diện khác, Thành Danh nói: "Em nghĩ dự thảo này cũng có mặt trái của nó, với nhiều bạn sinh viên cố gắng học tập, năng lực xuất sắc nhưng khi tốt nghiệp mà bằng cấp có hình thức giống như một bạn sinh viên chỉ học qua loa, nửa vời thì cũng có một chút gì đó không công bằng ở đây".
Sinh viên phỏng vấn xin việc - Lê Thanh
Bằng cấp là cơ sở để các nhà tuyển dụng tin tưởng hơn
Còn Nguyễn Ngọc Phương Thảo, sinh viên của Học viện Cán bộ TP.HCM, chia sẻ: "Với góc nhìn của em thì việc không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp là không hợp lý. Theo em, bằng tốt nghiệp phải được phân biệt, xếp loại theo các mức: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình và hình thức đào tạo. Điều này sẽ giúp các bạn sinh viên phấn đấu hơn trong quá trình học tập chuyên môn để có được tấm bằng tốt khi ra trường".
Phương Thảo lo lắng: "Khi dự thảo được thông qua, tức không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp, em nghĩ sẽ có sự bất công. Tuy là các nhà tuyển dụng ngày nay đánh giá sinh viên qua thực tiễn, kỹ năng nhiều hơn nhưng bằng tốt nghiệp cũng thể hiện họ đã có quá trình rèn luyện chuyên môn, là cơ sở để các nhà tuyển dụng tin tưởng hơn".
Theo Thanh niên
Tân sinh viên đừng 'ngủ quên trên chiến thắng' Trở thành tân sinh viên là điều tuyệt vời nhất sau 12 năm đèn sách. Thế nhưng, làm thế nào để giữ được phong độ học tập và sau 4 năm hãnh diện cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH được nhà tuyển dụng săn đón? Tân sinh viên nhập học tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - XUÂN DIỆU Bị hấp...