Không ghi hình thức đào tạo, xếp loại trên văn bằng đại học: Không khác so với thế giới
Theo TS Phạm Thị Tuyết Nhung – Giảng viên Đại học Huế, dự thảo quy định không ghi hình thức đào tạo và xếp loại trên văn bằng đại học không khác so với các nước trên thế giới.
Ảnh minh họa/ INT
Từng có thời gian làm nghiên cứu sinh về lĩnh vực kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng ở Mỹ và trở thành TS Giáo dục Trường ĐH Texas Tech (Mỹ), TS Phạm Thị Tuyết Nhung cho biết: Ở Mỹ, bằng đại học không ghi nội dung chính quy hay tại chức và cũng không xếp loại học lực trong văn bằng. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục Mỹ có hai chính sách là quy định về số lượng tín chỉ cho sinh viên toàn thời gian và bán thời gian, đồng thời tích hợp vào các tiêu chí của kiểm định chất lượng.
Đối với chính sách tín chỉ, Bộ Giáo dục Mỹ quy định rõ sinh viên toàn thời gian (full time) ở bậc đại học được đăng ký tối đa 15 tín chỉ mỗi học kỳ, trong khi sinh viên bán thời gian (part-time) thông thường là vừa học vừa làm học không quá 9 tín chỉ. Quy định này nhằm đảm bảo sinh viên hệ vừa học vừa làm có thời gian học tập chất lượng hơn và thông thường thời gian tốt nghiệp lâu hơn sinh viên toàn thời gian.
TS Phạm Thị Tuyết Nhung trong ngày nhận bằng TS của Trường ĐH Texas Tech (Hoa Kỳ). Ảnh: Nhân vật cung cấp
TS Phạm Thị Tuyết Nhung chia sẻ: Đối với vấn đề kiểm định chất lượng, họ có tiêu chí ghi rõ các trường đại học phải có chuẩn đầu ra cho sinh viên giống nhau dù đào tạo ở loại hình gì (chính quy – tại chức hoặc học tập trung hay học trên mạng). Các trường phải cung cấp các minh chứng như: Giáo trình học, phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá hoàn toàn như nhau. Các yêu cầu từ kiểm định chất lượng buộc các trường phải xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong một cách có hệ thống để cải tiến chất lượng và cung cấp thông tin minh bạch về chất lượng cho các bên liên quan.
Video đang HOT
Ngoài ra, các nhà tuyển dụng cũng không chú trọng đến bằng đại học chính quy hay tại chức và bằng đó được xếp loại khá hay giỏi… Tức là họ không nặng nề về bằng cấp. Điều mà họ quan tâm là năng lực làm việc và khả năng thích ứng với các vị trí công việc cần tuyển dụng.
“Tôi cho rằng, hiện nay Việt Nam mới quy định không ghi hình thức đào tạo và xếp loại trên bằng đại học không có gì mới so với các nước trên thế giới. Nhất là hiện nay, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học có hiệu lực; vấn đề hội nhập quốc tế càng cần được lưu tâm” – TS Phạm Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Thị Tuyết Nhung, việc cần làm lúc này là có quy định về số lượng tín chỉ có thể học tối đa cho sinh viên toàn thời gian và bán thời gian. Trong tiêu chí kiểm định chất lượng, cần đưa các yêu cầu cụ thể về chất lượng các loại hình đào tạo để các trường có thể xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng. Các nhà tuyển dụng cũng cần cải tiến quy trình tuyển dụng để tìm được ứng viên đúng với vị trí.
“Bên cạnh đó, các trường đại học của Việt Nam cần đẩy mạnh kiểm định chất lượng; trong đó đặc biệt chú trọng đến kiểm định các chương trình đào tạo. Các trường cần chú ý kiểm định chất lượng bên trong và kiểm định bên ngoài. Đây là việc chắc chắn phải làm, trong đó kiểm định bên trong cần được đặc biệt lưu tâm” – TS Phạm Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh.
Hải Minh (ghi)
Theo GDTĐ
Từ tháng 7, không còn phân biệt bằng đại học chính quy và tại chức
Từ ngày 1.7, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2018) sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều thay đổi lớn ảnh hưởng đến hoạt động của các trường.
Luật Giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.7 không phân biệt về giá trị văn bằng các hình thức đào tạo khác nhau - HÀ ÁNH
Cấp bằng theo trình độ, không phân biệt hình thức đào tạo
Theo quy định trong luật Giáo dục ĐH sửa đổi (gọi tắt là luật GDĐH 2018), loại hình đào tạo chính quy là tập trung toàn thời gian, còn các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa là không tập trung. Căn cứ vào các loại hình đào tạo này, cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định hình thức, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp với từng loại hình và trình độ đào tạo của GDĐH. Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra... của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau.
Vì vậy, luật GDĐH 2018 quy định "văn bằng GDĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương" và "người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở GDĐH cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng". Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT, khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Bởi vậy, luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng các hình thức đào tạo khác nhau.
Tự chủ theo năng lực
Trong luật GDĐH 2018 quy định rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện quyền tự chủ (tại khoản 2 điều 32). Theo đó, mức độ tự chủ của cơ sở GDĐH phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ. Những cơ sở chưa đáp ứng được thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của luật. Đồng thời, luật cũng quy định trách nhiệm quản lý nhà nước trong quy hoạch và xác nhận tiêu chí các cơ sở GDĐH, do đó sẽ giới hạn việc các trường đồng loạt tự chủ dẫn đến mất cân bằng cung - cầu nhân lực. Luật còn quy định rõ các quyền tự chủ về học thuật trong hoạt động chuyên môn, tổ chức - nhân sự và tài chính - tài sản.
Chẳng hạn, luật quy định cơ sở GDĐH được quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong và ngoài nước phù hợp với các quy định của pháp luật. Được quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; tuyển dụng, sử dụng và cho thôi việc đối với giảng viên, viên chức và người lao động khác, quyết định nhân sự quản trị, quản lý trong cơ sở GDĐH phù hợp với quy định của pháp luật. Được quyền tự chủ trong tài chính và tài sản bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về các nguồn thu, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính, tài sản; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật. Luật cũng cụ thể hóa các nội dung này tại các điều, khoản tương ứng trong luật.
Luật GDĐH 2018 mở rộng quyền tự chủ, cho phép các cơ sở GDĐH đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của GDĐH, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng.
Tăng quyền lực cho hội đồng trường
Theo luật GDĐH 2018, các quy định cụ thể về số lượng, cơ cấu thành viên; việc bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường... sẽ nằm trong nội dung quy chếvà hoạt động của nhà trường, chứ không phải do nhà nước quy định.
Các quy định trong luật được đặt ra theo xu thế tăng cường tự chủ và để khuyến khích sự năng động, sáng tạo của các đơn vị, luật không can thiệp vào chi tiết (như quy định tiêu chuẩn, điều kiện của từng thành viên hội đồng trường hay việc giới thiệu, ứng cử, bầu thành viên ngoài trường vào trong hội đồng trường) mà để cơ sở GDĐH tự điều chỉnh trong quy chế tổ chức và hoạt động của mình. Tuy nhiên, luật có quy định thành viên đương nhiên trong hội đồng trường là đại diện BCH Đoàn TNCS HCM, và xác định rõ đại diện này phải là người học nhằm một mặt bảo đảm được tính định hướng tư tưởng, mặt khác vẫn bảo đảm có tiếng nói đại diện cho người học trong hội đồng trường.
Về tỷ lệ thành viên hội đồng là người ngoài trường, luật GDĐH 2012 đã quy định tối thiểu là 20%, còn luật GDĐH 2018 quy định là 30%. Bà Phụng phân tích: "Ý nghĩa việc tham gia hội đồng của thành viên bên ngoài trường là nhằm gắn kết các quyết sách của nhà trường với cuộc sống bên ngoài, nhu cầu xã hội đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tỷ lệ này ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển là rất lớn, thậm chí trên 50%. Nhằm triển khai quan điểm gắn nhà trường đại học với xã hội, luật không khống chế số lượng thành viên bên ngoài mà để cho nhà trường tự quyết định".
Chủ tịch hội đồng trường không nhất thiết phải là tiến sĩ
Luật GDĐH 2018 đã quy định chi tiết tiêu chuẩn của chủ tịch hội đồng trường theo quan điểm xem đây thực chất là chức danh quản trị, đòi hỏi phải có uy tín cả trong và ngoài trường nhưng không nhất thiết phải có học vị tiến sĩ, có uy tín khoa học như đối với hiệu trưởng. Bên cạnh đó, để tăng cường tự chủ, luật quy định trao rất nhiều quyền hạn, trách nhiệm cho hội đồng trường. Do vậy, chủ tịch hội đồng trường cần phải làm việc chuyên trách, toàn thời gian thì mới có thể đảm nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, chức năng của mình.
Theo Thanh niên
Bỏ ghi loại hình, xếp loại trên bằng đại học: Giỏi, dốt sẽ "cá mè một lứa"? Dự thảo Thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến) quy định, sẽ không còn ghi thông tin loại hình đào tạo, xếp loại đánh giá. Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng giữa các trường, loại hình đào tạo hiện nay mỗi nơi mỗi khác nên khó có thể...