Không được lên thẳng ĐH: Bố mẹ kêu cứu, Phó Thủ tướng đích thân vào cuộc
Báo Infonet vừa nhận được thư của một phụ huynh trình bày việc con họ đạt giải Ba môn Sinh ở kỳ thi HS giỏi quốc gia năm 2014 nhưng không được nhận vào ngành Bác sĩ đa khoa,Trường ĐH Y Dược TP HCM.
Ảnh minh họa
Băn khoăn chính đáng
Qua chia sẻ, vị phụ huynh của học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng cho biết, con mình giải Ba môn Sinh ở kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia năm 2014 và được bảo lưu kết quả cho đến khi tốt nghiệp THPT do thời điểm đạt giải cháu mới chỉ lớp 11. Tuy nhiên, đến nay do vướng một số điều kiện tuyển sinh riêng của các trường ĐH nên lại không vào được ngành Bác sĩ đa khoa của trường Đại học Y dược TPHCM.
Một điều nữa khiến vị phụ huynh cảm thấy chưa hài lòng, thiếu công bằng và thỏa đáng là những em học sinh cùng thi với con họ năm 2014 (khi đó lớp 12) cũng đạt giải Ba quốc gia môn Sinh thì đã được tuyển thẳng vào theo học ngành đó.
“Vào ngày 15/3 tôi có dự một buổi tư vấn tuyển sinh tại Đà Nẵng, sau khi đặt câu hỏi về cơ chế tuyển thẳng thì đại diện của trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, theo phương án của trường thì chỉ tuyển thẳng học sinh đạt giải nhất môn Sinh vào ngành Bác sĩ đa khoa, còn đạt giải nhì, ba không được vào ngành Bác sĩ đa khoa mà vào các ngành Y học cổ truyền, y tế dự phòng,…
Video đang HOT
Nếu các thí không dùng quyền tuyển thẳng mà muốn vào ngành Bác sĩ đa khoa thì các em phải dự thi và được cộng 3 điểm cho giải nhất, giải nhì là 2 điểm và giải ba là 1 điểm”, vị phụ huynh viết trong thư.
Bộ GDĐT phản hồi, Trường Y dược TP HCM bức xúc
Ngay sau khi tiếp nhận lá thư của vị phụ huynh, chiều ngày 23/3, PV Báo điện tử Infonet đã ngay lập tức chuyển những thắc mắc này đến Bộ GDĐT, cụ thể là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục để được giải đáp.
Cùng ngày, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) ông Trần Văn Nghĩa Bộ GDĐT cũng đã có phản hồi:
“Theo khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh: Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia;…, đã tốt nghiệp trung học, được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải”
Theo khoản 1 Điều 2 của Quy chế tuyển sinh: Căn cứ hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ của Bộ GDĐT, quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành học của các đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7.
Với quy định như vậy, Quy chế được hiểu như sau: Các cháu đạt giải nhất, nhì, ba của Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào các ngành học theo quy định của Bộ, nhưng giải nào vào ngành nào lại do trường ĐH quy định. Điều này thể hiện quyền tự chủ của các trường đại học đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học.
Ông Nghĩa nói: “Tại sao lại có nhiều người “kêu cứu” đối với môn Sinh, trong khi đó không có ai có ý kiến gì đối với các môn khác. Mặc dù các học sinh đoạt giải ở các môn Toán, Lý, Hóa đã có những thành tích rất cao trong các kỳ thi Olympic Quốc tế.
Lý do ở đây là học sinh đoạt giải Sinh học hy vọng được nhận “phần thưởng” quá lớn. Để vào ngành bác sỹ đa khoa của Trường đại học Y Hà Nội và Y Dược Tp. Hồ Chí Minh nếu đi bằng con đường bình thường phải đạt 27 điểm, thậm chí 28 điểm.
Cũng chính vì lý do như vậy nên hai trường ĐH Y này rất bức xúc, họ trình bày: Một vài năm trước khi cho phép tất cả các em đều được vào bác sỹ đa khoa thì tất cả đều dồn vào hai trường (ĐH Y Hà Nội và Y dược Tp. Hồ Chí Minh) và mỗi năm hai trường phải bớt ra hàng trăm chỉ tiêu (trong tổng số khoảng 500 chỉ tiêu của mỗi trường) cho các đối tượng này và cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm học sinh 27 điểm phải mất cơ hội học tập của họ tại trường mà họ mơ ước. Như vậy liệu có công bằng?
Và thực tế, qua khảo sát tại các trường trên: những thí sinh đạt giải Sinh học, nhiều người có kết quả học tập tại đại học không bằng nhóm thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tuyển sinh ĐH.
Hơn nữa, các em vẫn có cơ hội vào học ngành bác sỹ đa khoa tại một số trường y còn lại cũng có điểm đầu vào khá cao và những trường này đồng ý để các em được tuyển thẳng.
Và cả hai trường đều đề xuất với Bộ cho họ được thực hiện quyền tự chủ chỉ cho phép một số em đạt giải cao được tuyển thẳng vào ngành bác sỹ đa khoa, còn giải thấp hơn vào các ngành khác hoặc khi thi họ sẽ được cộng điểm ưu tiên.
Với lý do như vậy, Quy chế Bộ đã đưa ra quy định trên. Hiện Bộ đang dự thảo Hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên tuyển thẳng để các trường thực hiện.
Dân chưa thỏa lòng, Phó Thủ tướng vào cuộc
Sau khi nhận được phần trả lời từ Bộ GDĐT, vị phụ huynh phân tích: “Theo hướng dẫn số 1815/BGDĐT-KTKĐCL của Bộ GDĐT là giải nhất, nhì, ba HSGQG môn Sinh được tuyển thẳng vào ngành Bác sỹ đa khoa. Vậy tại sao giờ Bộ nói đây là phần thưởng “quá lớn”, hay Bộ GDĐT cho rằng “đây là con đường vào ĐH không bình thường”,…
Và nếu nói vậy thì Bộ phải đưa ra quy định ngay từ đầu rằng: Chỉ tuyển giải nhất vào đúng ngành mà học sinh chọn. Còn giải nhì và ba thì không. Có như vậy thì gia đình tôi và cháu tự lượng sức mình để tìm hướng đi, chứ không thể đẩy các em ra giữa cầu rồi rút ván, bảo các em tự bơi, tự đi thi vào ngành mình yêu thích”.
Trước những băn khoăn vẫn còn tồn tại của gia đình thí sinh, ngày 26/3, PV Infonet tiếp tục chuyển câu chuyện này tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để xin ý kiến. Sau khi tiếp nhận sự việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ngay lập tức có trả lời trực tiếp tới riêng vị phụ huynh để giải thích cặn kẽ về Luật Giáo dục ĐH và việc tôn trọng khi giao quyền tự chủ cho các trường ĐH. Qua đó, khiến gia đình thí sinh hiểu hơn về chủ trương chung của ngành giáo dục.
“Thật sự tôi vô cùng xúc động về việc này, bởi ở cương vị lãnh đạo quốc gia, với bao bộn bề công việc cần giải quyết, lại phải di chuyển liên tục, vậy mà Phó Thủ tướng vẫn dành thời gian đọc thư, tìm hiểu, nắm rõ vấn đề kỹ càng để giải thích cặn kẽ những thắc mắc của gia đình tôi. Một sự giải thích có lý, có tình cũng khiến gia đình tôi cảm thấy rất hài lòng, không còn thắc mắc và rất ủng hộ chủ trương chung”, vị phụ huynh chia sẻ.
Theo infonet.vn