Không được đào tạo cao đẳng, nhiều trường đại học lo
Theo văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) , năm 2020 sẽ có 45 trường đại học dừng tuyển sinh hệ cao đẳng.
Hiện tại đã có một số trường đại học thông báo dừng tuyển sinh hệ cao đẳng. Nhiều trường đại học thu hút được nguồn tuyển ở hệ cao đẳng đang lo lắng khi dừng tuyển sinh hệ cao đẳng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu, đội ngũ giảng viên…
Chưa nhận được thông báo?
Hiện đã có nhiều trường công bố dừng tuyển sinh hệ cao đẳng năm 2020. Ảnh: ĐH.
Trong Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường đại học có tuyển sinh và đào tạo cao đẳng giảm 20% chỉ tiêu cao đẳng mỗi năm, để đến năm 2020 không còn tuyển sinh bậc học này trong trường đại học.
Trong tháng 7/2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng có văn bản gửi 45 trường đại học trong cả nước đề nghị dừng tuyển sinh đối với các ngành, nghề đào tạo cao đẳng, trung cấp từ ngày 1/7/2019. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, do Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 quy định: Trường đại học thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học gồm: Đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó các trường đã chuẩn bị xong phương án tuyển sinh, nên đã đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần thêm thời gian để chuyển đổi. Trên cơ sở đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có văn bản tiếp thu ý kiến và thống nhất để các trường đại học tiếp tục chủ động kế hoạch tuyển sinh trình độ cao đẳng trong năm học 2019-2020 đã được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và dừng vào năm 2020.
Được biết, thời điểm này nhiều trường thông báo từ năm học 2020-2021 dừng tuyển sinh hệ cao đẳng như: Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm, trường Đại học Nha Trang, trường Đại học Tôn Đức Thắng… để tập trung đào tạo cho bậc đại học. Dù vậy, đối với nhiều trường đại học việc dừng tuyển sinh hệ cao đẳng không phải là việc dễ dàng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho biết: Hiện tại nhà trường chưa nhận được văn bản chính thức thông báo về việc sẽ dừng tuyển sinh hệ cao đẳng trong năm học 2020-2021. “Song giả sử quy định này được thực hiện nhà trường cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi như năm 2019 nhà trường tuyển sinh đến 400-500 thí sinh hệ cao đẳng. Hơn nữa, trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội là trường đào tạo nghề đặc thù và hiện nay nhiều doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lao động dệt may do nhà trường đào tạo. Nếu nhà trường bị dừng đào tạo hệ cao đẳng thì thị trường lao động sẽ thiếu hụt nguồn lao động dệt may”, ông Hiệp cho biết.
Hiện trường Đại học Công nghiệp TPHCM cũng dự kiến dừng tuyển sinh hệ cao đẳng năm 2020. Song đại diện nhà trường cũng thông tin, hiện tại trường chưa có quyết định chính thức về việc dừng tuyển sinh cao đẳng. Bởi trường Đại học Công nghiệp TPHCM là trường tự chủ tài chính nên việc dừng đào tạo cao đẳng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu, việc bố trí đội ngũ giảng viên của nhà trường. Theo đó, nếu ngưng đào tạo cao đẳng thì hơn 100 giảng viên chưa đạt chuẩn của trường phải đi học và bồi dưỡng chuyên môn để dạy từ bậc đại học trở lên. Chưa kể nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cho hệ cao đẳng cũng rất lớn nhưng các cơ sở dạy nghề khác chưa đáp ứng được. Trong khi trường đại học có đội ngũ lớn, cơ sở vật chất được đầu tư, điều kiện thực hành cho các em tốt hơn.
Video đang HOT
Trường Đại học FPT là một trong 45 trường phải dừng tuyển sinh hệ cao đẳng vào năm 2020. Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT cho biết, nhà trường chưa nhận được văn bản chính thức nào về việc dừng tuyển sinh hệ cao đẳng. Song ông Tùng nhận định, quy định sẽ không ảnh hưởng đến nhà trường. Chỉ tính riêng năm 2019, hệ cao đẳng của nhà trường tuyển sinh khoảng 8.000 thí sinh. Do đó, nhà trường đã có chủ trương tách riêng hệ cao đẳng ra để hoạt động độc lập. Dự kiến sang năm nhà trường sẽ công bố hình thành trường Cao đẳng FPT như một thể độc lập làm nhiệm vụ đào tạo cao đẳng. Theo ông Tùng, cao đẳng là thành phần đào tạo kỹ năng, chuẩn về trình độ nằm trong tháp nhân lực của nền kinh tế nên không đơn thuần tập trung vào đào tạo đại học hay cao đẳng mà sẽ phải có tỉ lệ đào tạo nhất định và phù hợp. Do đó, FPT thực hiện đào tạo cả đại học và cao đẳng.
Quy định đã hợp lý?
Trước đây, trả lời báo chí về việc yêu cầu các trường đại học dừng tuyển sinh cao đẳng, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, mục tiêu việc ngừng đào tạo cao đẳng trong trường đại học không phải vì cạnh tranh nguồn tuyển. Nhưng đại học và cao đẳng phải tách bạch quản trị, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn giảng viên, điều kiện đảm bảo chất lượng… để đáp ứng từng phân khúc nhu cầu. Trong thời gian tới, trường đại học muốn đào tạo cao đẳng có thể xây dựng đề án thành lập trường cao đẳng độc lập với các tiêu chuẩn theo quy định của giáo dục nghề nghiệp.
Ông Lê Trường Tùng cho rằng, với quy định yêu cầu 45 trường đại học dừng đào tạo hệ cao đẳng là không hợp lí. Theo ông Tùng, Luật Giáo dục đại học sửa đổi quy định, các trường đại học sẽ thực hiện chức năng đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng trong luật cũng không quy định các trường đại học không được đào tạo cao đẳng. “Về mặt nguyên tắc những gì mà luật không cấm thì các trường được làm. Tư duy quản lí chỉ làm những gì luật cho phép thì không hỗ trợ sự phát triển của các trường”, ông Tùng nhấn mạnh.
Lãnh đạo trường Đại học FPT cũng chỉ ra mẫu thuẫn giữa quy định mở ngành ở các trường đại học và cao đẳng. Theo đó, các trường đại học được phép tự chủ mở ngành đào tạo, trong khi đó mọi quyết định mở ngành đào tạo cao đẳng đều phụ thuộc vào Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ông Tùng cũng đặt ra câu hỏi: “Liệu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có ủng hộ các trường tự chủ hay không? Bởi quan điểm tự chủ được đưa vào Luật Giáo dục đại học sửa đổi, quan điểm tự chủ có được đưa vào Luật Giáo dục nghề nghiệp hay không? Nhìn nhận tự chủ ở cao đẳng bắt nguồn từ câu chuyện tuyển sinh, mở ngành đào tạo…”.
Theo ông Tùng, khi Nhà nước ban hành quy định cấm trường đại học đào tạo hệ cao đẳng cũng cần phải quan tâm đến chất lượng đào tạo của từng trường. Đồng thời, khi các trường đại học dừng tuyển sinh hệ cao đẳng cũng sẽ đặt ra vấn đề học sinh sẽ học cao đẳng ở đâu. Đó là quyền lợi của người học bị ảnh hưởng.
Đỗ Hòa
Theo haiquanonline
Trường đại học lúng túng trước yêu cầu "dừng cao đẳng" của Bộ Lao động
Việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) yêu cầu 45 trường ĐH dừng tuyển sinh cao đẳng ngay giữa mùa tuyển sinh được cho là thiếu chuyên nghiệp và không có cơ sở.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, vừa có văn bản gửi 45 cơ sở giáo dục đại học dừng tuyển sinh hệ cao đẳng kể từ ngày 1/7/2019. Trong số đó, có những trường ĐH có thâm niên hàng chục năm, nhưng cũng có những trường mới được nâng cấp từ CĐ lên ĐH hoặc chuyển đổi như Trường ĐH Kiên Giang, Trường ĐH Quảng Nam và cả trường đang đào tạo nhiều ngành CĐ sư phạm (thuộc Bộ GD-ĐT quản lý) như Trường ĐH Quảng Bình...
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện phụ trách đào tạo cao đẳng-trung cấp một trường đại học ở phía Nam, cho hay khi Luật Giáo dục Nghề nghiệp có hiệu lực năm 2017, trường ông đã đăng ký với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho phép đào tạo 20 ngành cao đẳng. Ngày 17/7/2019, trường nhận được văn bản yêu cầu dừng tuyển sinh 20 ngành đã được cho phép trước đó. Việc đột ngột dừng này không biết nên xử lý thế nào vì hiện tại đã tuyển sinh khóa mới.
Tương tự, đại diện Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (1 trong 45 trường trong danh sách của Tổng cục nêu ra) cũng cho hay nếu yêu cầu các trường ngừng tuyển sinh cao đẳng trong năm nay thì sẽ rất khó khả thi vì hiện tại một số thí sinh đã nhập học.
"Nhân lực phục vụ đào hệ ĐH của các trường được xác định từ đầu năm khi xây dựng chỉ tiêu đào tạo các hệ trong trường và thông báo tuyển sinh cũng được các trường triển khai từ đầu năm 2019. Có những ngành đã tuyển sinh từ đầu năm và đang triển khai đào tạo. Có những ngành thí sinh đã đăng ký và đang nhập học, nếu dừng ngay sẽ khó khăn cho các trường. Nếu được, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nên có thông báo và cho phép các trường triển khai đào tạo cho đối tượng đang nhập học tại các trường hết năm nay, không tuyển sinh mới kể từ ngày thông báo"- ông nói.
Theo ông, một việc cần lưu ý là hiện nay nhiều trường đang có những đơn hàng đào tạo cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu đặt hàng lao động trình độ cao đẳng cũng khá cao và các trường cũng đang triển khai. Nay dừng đột xuất sẽ ảnh hưởng đến uy tín của trường với doanh nghiệp. Hơn nữa giai đoạn vừa qua, các trường ĐH đã có lộ trình giảm dần và tiến tới bỏ hẳn hệ CĐ, để các trường thuận lợi trong công tác tuyển sinh và đào tạo cần có lộ trình cụ thể.
Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho hay cá nhân ông ủng hộ quan điểm của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, về việc yêu cầu một số ĐH dừng đào tạo trình độ trung ấp, cao đẳng vì nếu để trường ĐH đào tạo CĐ sẽ có những hệ quả không mong muốn như: Sai sứ mệnh Giáo dục đại học và do đó ảnh hưởng đến việc tập trung nguồn lực cho giáo dục đại học; phá vỡ quy hoạch của cao đẳng do đào tạo cao đẳng lợi thế hơn ở đại học để học liên thông và đại học lại tự do mở ngành theo quy định của Bộ GD- ĐT thì lại mâu thuân với Luật Giáo dục nghề nghiệp là phải đăng ký.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, thông báo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về thời hạn không tuyển sinh trước 1/7/2019 là gấp gáp, thiếu chuyên nghiệp của cơ quan quản lý.
"Một chính sách hiệu quả là phải chú ý đến tính đa dạng và đặc điểm của các trường. Các trường đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh cao đẳng, trung cấp từ rất sớm, như việc tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh trực tiếp hoặc qua phần mềm do chính ngành lao động triển khai, rồi chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đào tạo sinh viên tuyển vào năm học 2019-2020. Văn bản ra như vậy khá đột ngột khiến nhiều trường gặp khó khăn. Luật Giáo dục Đại học lại không có điều nào cấm không đào tạo nghề trung ấphay cao đẳng, nghĩa là các trường có quyền đào tạo nghề. Tất nhiên, muốn đào tạo nghề thì phải đăng ký đào tạo theo Điều 18 của Luật Giáo dục Nghề nghiệp đã qui định"- ông Vinh nêu.
Trên thông báo của Trường ĐH Quảng Bình tuyển sinh tòan các ngành CĐ thuộc khối sư phạm
Ông Vinh cũng cho rằng, Văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp còn thiếu chuyên nghiệp còn thể hiện ở chỗ, không chú ý đến có trường ĐH mới nâng cấp từ trường CĐ lên ĐH, trong khi chưa chắc đã có thể đủ lực đào tạo ĐH, và còn đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phù hợp chỉ để đào tạo nghề thì xử lý thế nào? Hơn nữa tại địa phương nào đó không có cơ sở nào đào tạo CĐ ngoài trường ĐH thì người học học ở đâu cho thuận tiện...Vì thế cần có lộ trình và thực hiện đa dạng hơn.
Yêu cầu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là không có sơ sở
Từ góc độ pháp lý, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng phân tích, Luật Giáo dục đại học năm 2012 quy định các trình độ đào tạo của giáo dục đại học gồm trình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện luật định. Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp chỉ được tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đồng thời bãi bỏ trình độ cao đẳng trong quy định nêu trên của Luật Giáo dục đại học 2012.
Luật sửa đổi Luật Giáo dục đại học 2018 vẫn giữ quy định của Luật 2012 (sau khi đã bị luật Giáo dục nghề nghiệp bỏ cụm từ "trình độ cao đẳng") về "Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ".
Ngoài ra, Luật Giáo dục đại học cũng bổ sung định nghĩa, cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng.
"Cần phải lưu ý rằng, định nghĩa nêu trên đơn giản chỉ nhằm thống nhất cách hiểu về cụm từ "cơ sở Giáo dục đại học" mà không nhằm quy định lại hoặc giới hạn nhiệm vụ quyền hạn của trường đại học. Như vậy, Luật Giáo dục Nghề nghiệp và Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cũng không sửa gì về điều quy định nhiệm vụ quyền hạn của trường đại học. Với những quy định pháp luật trên thì việc việc cầu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là không có cơ sở. Các quy định về nhiệm vụ quyền hạn của trường ĐH vẫn được giữ nguyên nội dung trong các văn bản pháp luật kể từ năm 2012 đến nay. Mặt khác, Luật Giáo dục Đại học từ 2012 đến nay không có gì mới về việc này và đặc biệt là chưa có bất kỳ quy định nào bãi bỏ Điều 19 của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Do vậy không có cơ sở nào để từ 2014-2018 thì cho các trường ĐH đăng ký hoạt động Giáo dục nghề nghiệp và từ 2019 lại yêu cầu dừng tuyển sinh"- ông Sơn khẳng định.
Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng vì có quy định tại Điều 19 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, hiện một số trường ĐH đã thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đã chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên...để thực hiện hoạt động. Hơn nữa thời điểm yêu cầu vào giữa mùa tuyển sinh, khi công tác tuyển sinh gần như sắp hoàn tất là không hợp lý.
Ngoài ra theo ông Sơn, không chỉ ở Việt Nam mà hiện một số nước vẫn cho các trường ĐH đào tạo trình độ thấp hơn như Úc, Mỹ. Trong khi đó thực tế việc các cơ sở đào tạo đại học tham gia vào đào tạo cao đẳng chuyên nghiệp sẽ tốt cho cả nhà trường và người học. Người học có được hệ thống giáo dục chuẩn mực, cơ sở hạ tầng, thực nghiệm tốt... nhà trường tận dụng và khai thác tối ưu cơ sở vật chất, kỹ thuật đã đầu tư thì không có lý do gì phải dừng đào tạo.
Được bết, từ ngày 1/1/2017, Bộ LĐ-TB&XH bắt đầu quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trừ các trường sư phạm, ngành đào tạo giáo viên. Chức năng quản lý nhà nước đối với 201 trường cao đẳng, 303 trường trung cấp chuyên nghiệp; hồ sơ quản lý về giáo dục nghề nghiệp; các đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp; nhiệm vụ xây dựng, thực hiện đề án cũng như nhân sự Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp thuộc Bộ GD-ĐT đã được chuyển giao cho Bộ LĐ-TB và XH.
Lê Huyền
Theo vietnamnet
45 trường đại học ngừng tuyển sinh hệ cao đẳng trong năm học tới 45 Trường ĐH sẽ ngừng tuyển sinh hệ cao đẳng khóa mới trong năm 2020. Hiện tại một số trường cũng đã chủ động thông báo sẽ dừng tuyển sinh hệ cao đẳng năm 2020-2021 để tập trung đào tạo cho bậc ĐH như Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm, Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Tôn Đức...