Không được cắt chương trình để đưa vào dạy thêm
Tin từ UBND tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh này vừa ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, không được cắt giảm nội dung chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình.
Chỉ dạy thêm khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Không được tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa… Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày, đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống). Cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ của đơn vị sự nghiệp công lập thì không được tổ chức dạy thêm nhưng có thể tham gia dạy thêm; không dạy thêm đối với học sinh đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó…
Theo Pháp luật TPHCM
GV dạy giỏi cấp thành phố mới được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường
Sở GD-ĐT Hải Phòng vừa có hướng dẫn cụ thể thực hiện quy định về dạy thêm cho các phòng GD&ĐT, trường THPT và cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Đây là việc cụ thể hóa Quyết định 2050 của UBND thành phố Hải Phòng về dạy thêm, học thêm, góp phần chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.
Học sinh trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng).
Ông Trần Văn Độ, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết: Cùng với Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT, Quyết định 2050/2012/QĐ-UBND TP Hải Phòng tạo hành lang pháp lý cần thiết để các thầy cô giáo, các trường học, cơ sở giáo dục của thành phố thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm, góp phần chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Quyết định mới này cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy thêm, học thêm nói riêng, chất lượng dạy và học nói chung tại các trường học.
Theo đó, việc dạy thêm trong nhà trường phải có ít nhất 2 loại hình lớp học để bồi dưỡng, củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh trung bình, dưới trung bình và nâng cao kiến thức cho học sinh khá, giỏi. Chỉ tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường ở một địa điểm cố định, tại đó phải có ít nhất 3 phòng học diện tích tối thiểu mỗi phòng 30m2, có công trình vệ sinh, bộ phận quản lý tài chính, người bảo vệ, người trực trong các buổi học và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước.
Giáo viên phải được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp thành phố mới được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Mức thu tiền học thêm trong và ngoài nhà trường, không quá 8000 đ/1 HS/tiết đối với các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An và Kiến An; không quá 5000 đ/1 HS/tiết đối với các địa phương còn lại, áp dụng từ ngày 1/1/2013.
Sau một thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm mà chất lượng học tập của học sinh không tốt lên, Sở GD-ĐT sẽ đình chỉ giảng dạy, hoạt động của giáo viên và đơn vị tổ chức dạy thêm, học thêm. Cán bộ quản lý, giáo viên lần đầu vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm phải kiểm điểm nghiêm khắc trước hội đồng giáo viên, thông báo toàn ngành về mức độ vi phạm. Những lần vi phạm tiếp theo, tùy mức độ vi phạm, Sở GD-ĐT có hình thức kỷ luật từ tạm đình chỉ công tác đến buộc thôi việc, thôi chức.
Theo GD & TĐ
10 sự kiện giáo dục nổi bật năm 2012 Quốc hội Thông qua Luật Giáo dục Đại học; 100% học sinh dự thi Olympic quốc tế đều đoạt huy chương, lần đầu tiên; học sinh Việt Nam giành chiến thắng lớn tại hội thi ISEF... nằm trong số những sự kiện giáo dục nổi bật năm 2012 theo bình chọn của Dân trí. 1. Thông qua Luật Giáo dục Đại học Chiều...