Không đủ kinh phí, giảng viên giỏi bỏ ĐH công
“Chúng ta trả lương quá thấp cho nên các thầy đi dạy ngoài nhiều. Các thầy đi dạy nhiều thì không còn thời gian nghiên cứu. Lơ là nghiên cứu thì trường ĐH không khác gì trường cấp 3, làm sao vực dậy được ĐH?”, PGS.TS Hồ Thanh Phong chia sẻ.
Đây là một trong những ý kiến hết sức đáng lưu tâm tại hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học công lập” diễn ra ngày 29/11.
Còn GS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho biết, từ năm 2005, trường ĐH Ngoại thương là một trong 5 trường được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ thí điểm thực hiện tự chủ tài chính và bị cắt giảm kinh phí chi thường xuyên.
Sau ba năm, từ 2005 đến 2007, Nhà nước đã cắt giảm dần ngân sách cấp cho chi thường xuyên. Đến năm 2008, Bộ GD&ĐT đã ra văn bản về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Trong đó, nêu rõ ĐH Ngoại thương thuộc loại đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, Nhà nước sẽ không cấp ngân sách chi thường xuyên nữa.
Các giảng viên giỏi sẽ ra ngoài dạy ngày càng nhiều nếu các trường ĐH công lập không trả một mức thù lao xứng đáng
ĐH Ngoại thương coi việc tự chủ thực chất là tự lo liệu chi phí chi thường xuyên, trường không được hưởng một quyền hạn, cơ chế gì hơn so với trường đại học khác ngoại trừ việc có thể tự xây dựng một số định mức chi cao hơn mức quy định nhà nước như chi lương đến 2,5 lần lương cơ bản.
GS Châu cũng chia sẻ: “Ngoài ra, so với các trường, chúng tôi không được hưởng thêm quyền gì nên không tạo ra nguồn thu và không thể tăng lương được nhiều. Đó là nguyên nhân làm chảy máu chất xám, các giáo viên giỏi ra đi, dạy ở đại học tư thục hay các tổ chức tài chính ngân hàng có thu nhập cao hơn”.
Để tạo nguồn thu, ĐH Ngoại thương đã phải triệt để tiết kiệm, đa dạng hóa loại hình đào tạo, huy động các nguồn tài trợ… Tuy nhiên, dù đã nỗ lực tự tạo nguồn thu, nhưng trường lại không được tự chi các khoản thu đó.
Để tháo gỡ tình trạng này, PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng công tác triển khai tự chủ tài chính nhằm chủ động trong quản lý và chi tiêu tài chính. Thực hiện được như vậy sẽ triển khai được cơ chế tiền lương mang tính cạnh tranh, nhằm thu hút từ bên ngoài các giảng viên, cán bộ có trình độ cao, có năng lực. Đồng thời, giữ chân được những cán bộ có trình độ cao ở lại trường.
“Hiện giờ cốt lõi nhất của chúng ta là con người. Chúng ta trả lương quá thấp cho nên các thầy đi dạy nhiều. Các thầy đi dạy nhiều thì không còn thời gian nghiên cứu. Lơ là nghiên cứu thì trường ĐH không khác gì trường cấp 3, làm sao vực dậy được ĐH?”, PGS.TS Hồ Thanh Phong chia sẻ.
Bên cạnh đó các trường được Bộ GD&ĐT giao cho tự chủ về tài chính còn đưa ra ý kiến đòi tự chủ về nhân sự, về tổ chức, chỉ tiêu tuyển sinh và phương thức tuyển sinh…
GS. TS Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng: Nếu trường chỉ được tự chủ về tài chính mà không được tự chủ trong việc tuyển dụng nhân sự thì sẽ là rào cản để trường tuyển dụng những giảng viên thực sự có chất lượng.
“Bên cạnh đó, muốn để cho các trường thực hiện tốt được cơ chế tự chủ thì cũng nên cho các trường được quyết định mức thu học phí. Hiện nay mức thu học phí đã quá lạc hậu không còn phù hợp. Do vậy dù Bộ có trao quyền tự chủ đến thế nào thì các trường cũng khó mà tự chủ được”, GS. TS Ngô Thế Chi đề xuất.
Theo VTC