“Không đổi mới giáo dục đồng nghĩa với chết”
TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thẳng thắn cho rằng “không đổi mới giáo dục đồng nghĩa với chết” vì đó là yêu cầu cấp thiết để nền giáo dục Việt Nam phát triển và hội nhập với nền giáo dục tiên tiến thế giới.
Tại tọa đàm “Vai trò của người hiệu trưởng trong công tác đổi mới quản lý giáo dục” diễn ra tại TPHCM ngày 28/3, nội dung được nhiều người đề cập việc học sa vào thi cử nên việc đổi mới trong giáo dục gặp nhiều khó khăn.
Theo TS Huỳnh Công Minh, việc đổi mới phải là đổi mới ở nhận thức, chứ không đơn thuần chỉ là thay đổi ở việc cải tiến công việc, tổ chức những cuộc họp chất lượng. Mục tiêu giáo dục của chúng ta đang sai lầm ở chỗ sa đà vào việc thi cử, không chỉ ở bậc THPT mà ngay từ các bậc học thấp hơn.
“Chúng ta phải xác định lại mục tiêu dạy người, dạy năng lực chứ không phải dạy giấy tờ, bằng cấp. Điều này phải thể hiện được trong từng hành động của mỗi thầy cô giáo, mỗi học trò. Phải làm sao để người học vừa vui, thấy nhẹ nhàng mà phát triển được năng lực, trí thông minh; các phương pháp học phải thể hiện bằng các trò chơi và phải giảm được sĩ số lớp xuống, đó mới là đổi mới”, TS Huỳnh Công Minh nhấn mạnh.
Video đang HOT
Việc học còn nặng thi cử là rào cản cho việc thực hiện đổi mới giáo dục.
Đồng tình rằng vai trò của hiệu trưởng trong việc đổi mới rất quan trọng, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng không ít người đứng đầu các cơ sở vẫn còn dè dặt thực hiện việc đổi mới .
Thầy Trần Ái Việt – hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q.7 cho hay mục tiêu, hình ảnh trong đổi mới giữa những giá trị truyền thống và hiện đại là gì để những người đứng đầu cơ sở giáo dục có những giải pháp tiến hành đổi mới. Còn bây giờ các trường, cả những trường tổ chức học 2 buổi nhưng giáo dục còn nặng thi cử nên vẫn chạy theo việc học chưa thật sự đẩy mạnh việc rèn luyện các em kỹ năng sống, tính thích nghi, khả năng hợp tác, biết hành động…
“ Phải biết hướng mình đi và mình đi về đâu chứ cứ loay hoay hô cùng nhau đổi mới thì đổi mới cái gì? Tôi tâm đắc với việc đổi mới toàn diện từ sau năm 2015 nhưng chúng ta đã chuẩn bị đến đâu, đã có cơ sở để thực hiện chưa?”, ông Việt đặt câu hỏi.
Bà Bùi Thị Liên Chi – hiệu trưởng Trường THCS – THPT Sao Việt, Q.7 cho biết, cách đây khoảng hơn 10 năm, khi bà đang công tác tại trường THPT Bùi Thị Xuân thì nhiệm vụ chính của nhà trường là dạy và học. Trường cảm thấy rất thành công khi liên tục đỗ tốt nghiệp 100%, nằm trong top 10 các trường có thí sinh đỗ đại học của thành phố.
Đến thời điểm này, hiệu trưởng phải thay đổi tư duy, chúng tôi đặt ra mục tiêu phải đào tạo học sinh thành con người toàn diện ngay từ nhỏ. Trong đó tăng cường các giờ hoạt động, giờ học ngoại khoá, khám phá ngoài trời để các em sáng tạo, tư duy, tự khám phá tri thức…
Bà Chi đánh giá: “Chúng ta đang có từng bước đổi mới toàn diện so với trước đây. Tuy nhiên, muốn xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực thì phải có sự thay đổi tích cực hơn từ chương trình học với việc đẩy mạnh giáo trị sống, kỹ năng sống sâu sắc hơn nữa”.
Hoài Nam
Theo dân trí
Bốn "trọng bệnh" của nền giáo dục Việt Nam
Theo GS-TSKH Trần Ngọc Thêm - Chủ tịch Hội đồng KH - ĐT Đại học Quốc gia TPHCM, Uỷ viên Hội đồng Lý luận T.Ư, hiện giáo dục Việt Nam đang mắc 4 trọng bệnh: Bệnh thành tích, bệnh cào bằng, bệnh suy dinh dưỡng và bệnh gian dối.
Hội nghị BCH Trung ương lần thứ sáu đã xem xét, thảo luận về đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và đề án phát triển KH&CN. Báo Lao Động có cuộc trao đổi với GS-TSKH Trần Ngọc Thêm - Chủ tịch Hội đồng KH - ĐT Đại học Quốc gia TPHCM, Uỷ viên Hội đồng Lý luận T.Ư - về hai nội dung trên.
GS vào thẳng vấn đề:
- Trước hết, về thực trạng giáo dục, tôi xin được nói thẳng thắn là hỏng ở các cấp học, trên khắp các bình diện, hỏng một cách căn bản và toàn diện. Chính vì thế nên Đảng, Nhà nước và tất cả người dân đều dễ dàng thống nhất với nhau về việc đổi mới giáo dục và đào tạo một cách căn bản và toàn diện như một nhu cầu cấp bách. Giáo dục VN theo tôi đang mắc 4 trọng bệnh: Bệnh thành tích, bệnh cào bằng, bệnh suy dinh dưỡng và bệnh gian dối.
Bệnh thành tích rất nặng ở khối phổ thông, giáo viên muốn lớp mình giỏi nên cho toàn điểm 9 - 10. Trường muốn thành tích cao, ngành cũng vậy. Cả nước chạy theo thành tích, lúc nào cũng muốn có nhiều trường đại học, có nhiều người tốt nghiệp. Điều này cho thấy người VN hiếu danh hơn hiếu học, tình trạng học giả, dạy giả, bằng thật rất nhiều, còn học thật mà không nhất thiết cần bằng thì rất ít.
Bệnh cào bằng dẫn đến tình trạng mở trường theo phong trào, tỉnh nào cũng có trường ĐH nhưng không có đủ giảng viên. Hiện đại hóa theo phong trào, trường nào cũng chuyển sang học chế tín chỉ, trong khi rất ít trường đáp ứng được những điều kiện tối thiểu để làm tín chỉ. Cào bằng đánh giá chất lượng, cái gì cũng làm nhưng không phân hóa rõ ràng chất lượng, kết quả. Quản lý khung học phí cũng cào bằng, dẫn đến tình trạng tất cả các cơ sở đào tạo đều thiếu kinh phí. Bệnh suy dinh dưỡng chính là cái gốc của vấn đề giáo dục. Cơ sở vật chất của các trường thiếu và lạc hậu. Lương giáo chức quá thấp, không đủ sống nên quá nửa số giáo viên không an tâm với nghề. Nhà nước đầu tư 20% tổng ngân sách cho giáo dục, nhưng số tiền này đi vào cơ sở hạ tầng gần hết, thành ra vẫn như muối bỏ biển.
Bệnh gian dối là hệ quả của tất cả ba bệnh trên. Bệnh thành tích là nguồn gốc đầu tiên dẫn đến gian dối. Các con số tốt nghiệp cao hằng năm là gian dối. Bệnh cào bằng dẫn đến gian dối. Có phong trào nhưng hữu danh vô thực, cái gì cũng có nhưng không có gì chất lượng cao. Bệnh suy dinh dưỡng càng sinh ra gian dối. Trường nào cũng tìm đủ mọi lý do cao cả để tăng các hệ đào tạo, tăng số lượng SV; báo cáo tỉ lệ số SV trên một giảng viên gian dối - tất cả thực chất cốt để thu học phí lấy tiền nuôi cán bộ, nuôi trường.
Từ 4 bệnh này sinh ra đủ mọi hậu quả tệ hại: Chất lượng giáo dục xuống cấp, đạo đức học đường xuống cấp, nguồn nhân lực do hệ thống giáo dục cung cấp cho xã hội thiếu tính sáng tạo, khả năng nghiên cứu hạn chế nên KHCN trì trệ; năng lực thực hành thấp.
Việc đổi mới giáo dục và đào tạo một cách căn bản và toàn diện là một nhu cầu cấp bách. (Ảnh: Hải Nguyễn)
Đã có nhiều chuyên gia chỉ ra bệnh của giáo dục VN. Đối với 4 trọng bệnh mà Giáo sư vừa chẩn, xin hỏi có cứu chữa được không, nếu có thì cần bốc thuốc thế nào?
- Trước hết là cần xác định lại mục tiêu, phải căn cứ vào hệ giá trị định hướng của con người VN trong giai đoạn toàn cầu hóa, công nghiệp hóa mà xác định mục tiêu. Để tránh bệnh thành tích thì mục tiêu trước hết của giáo dục chưa phải là số lượng, mà phải là chất lượng. Sản phẩm hàng hóa kém chất lượng còn dùng tạm được, chứ sản phẩm giáo dục mà kém chất lượng thì thà đóng cửa trường còn hơn, vì càng cho ra nhiều bao nhiêu thì càng gây nguy hại cho xã hội bấy nhiêu.
Liều thuốc giải pháp phải vừa đủ bao quát để không sa đà vào những chuyện vụn vặt, đồng thời phải vừa đủ cụ thể để đảm bảo triển khai đúng hướng. Theo tôi, nên tập trung vào 5 nhóm giải pháp, gồm: Tổ chức hệ thống giáo dục; xây dựng nhân lực làm giáo dục; tăng cường vật lực cho giáo dục; thay đổi cơ chế giáo dục và đảm bảo chất lượng của hoạt động giáo dục.
Để tránh cào bằng, tổ chức hệ thống giáo dục cần chú trọng không chỉ phân hệ, phân cấp mà còn phải phân tầng giáo dục, mỗi tầng mỗi hệ có mục tiêu khác nhau và do vậy, cách quản lý, cách đầu tư, mức độ tự chủ cho phép phải rất khác nhau. Chẳng hạn, việc học trước hết phải có mục tiêu, học làm người rồi sau mới là học tri thức và học phương pháp làm việc. Cho nên, các cấp học đầu tiên phải thật coi trọng việc dạy làm người. Thầy cô mà chạy theo thành tích thì học trò sẽ chỉ học được cách gian dối, đối phó; thầy cô mà chỉ đòi hỏi học thuộc lòng, bắt học trò viết văn theo đúng mẫu cho sẵn thì sẽ triệt tiêu luôn tính sáng tạo.
Từ mẫu giáo, tiểu học lên THCS, THPT, vai trò của chức năng học làm người sẽ giảm dần, vai trò của học tri thức phải tăng dần. Nhưng từ THPT lên ĐH, sau ĐH, vai trò học tri thức nên giảm dần, mà vai trò học phương pháp phải tăng dần. Và bao trùm lên, tuy mục tiêu của mỗi giai đoạn mỗi khác nhau, nhưng những yêu cầu về hệ thống giá trị thì phải xuyên suốt. Tiểu học cũng phải chú trọng dạy tư duy sáng tạo, và ĐH cũng không được quên dạy làm người.
Về nhân lực giáo dục, có thể nói toàn bộ sự xuống cấp trầm trọng của giáo dục hiện nay trước hết có nguyên nhân từ giáo dục phổ thông quá kém. Trình độ, năng lực, bản lĩnh các thầy cô dạy phổ thông hạn chế là do chất lượng đầu ra của ngành sư phạm kém. Đầu ra kém là vì số lượng và chất lượng đầu vào ngành sư phạm ngày càng ít và thấp. SV không chọn ngành sư phạm là do cơ hội kiếm việc làm thấp, thu nhập thấp, địa vị nhà giáo không được tôn trọng. Không chỉ ngành sư phạm mà chất lượng SV tốt nghiệp tất cả các ngành ĐH đều ngày càng kém đi. Lý do rất đơn giản: Nhìn tấm gương các thầy, các giáo sư được đối xử như thế, SV giỏi không mấy ai chịu ở lại trường. Cái gốc của nhân lực giáo dục nằm ở chất lượng giáo viên ĐH. Cho nên giải pháp chính là, muốn có thầy cô phổ thông giỏi phải có thầy cô ĐH chất lượng, muốn có thầy cô cả phổ thông lẫn ĐH chất lượng thì giáo viên phải có thu nhập đủ sống mà không cần phải dạy thêm, đồng thời phải quản lý tốt để đảm bảo lao động cả về số lượng lẫn chất lượng.
Đến đây ta đã đụng chạm đến vấn đề mấu chốt của mấu chốt là vật lực giáo dục. Không có quốc gia nào mà nhà nước bao cấp được toàn bộ nền giáo dục. Việc xã hội hóa giáo dục nhằm đến nhiều mục tiêu, nhưng trong đó có mục tiêu huy động nguồn lực tài chính, đến lượt mình, việc đó liên quan đến chuyện kinh tế thị trường. Đừng né tránh mà nên công khai thừa nhận sự tồn tại của nhiều loại hình nhà trường, trong đó có loại trường hoạt động vì lợi nhuận. Chỉ có điều khác là thị trường kinh tế thì điều tiết bằng giá cả, còn thị trường giáo dục phải điều tiết bằng chất lượng. Bên cạnh đó, cần sử dụng thêm nhiều giải pháp khác để thu hẹp phạm vi bao cấp của ngân sách để nâng chất lượng đầu tư, ví dụ: Cổ phần hóa, phân tầng và cho mở trần học phí đối với một số loại trường (theo kiểu trường đại học quốc tế).
Về cơ chế giáo dục, tăng cường hơn nữa việc tự chủ là một giải pháp sẽ giúp giải quyết cả chất lượng lẫn tài chính. Nếu cứ cho "bú mớm" mãi mà không tăng cường tự chủ, phân cấp quản lý, cởi trói cho giáo dục thì giáo dục sẽ không thể cất cánh được. Tuy nhiên, nếu tự chủ tràn lan, cào bằng thì cũng rất nguy hiểm. Các trường ĐH chưa đủ tầm thì không nên cho tự chủ đại trà, nhưng trường lớn thì không thể trói buộc bởi nhiều cơ chế. Tăng cường dân chủ trong giáo dục cũng là một giải pháp khác về cơ chế. Cuối cùng, hoạt động giáo dục phải đảm bảo chất lượng. Tư tưởng của nhiều thầy cô rằng điểm chẳng là gì cả, nên cấp phổ thông thì cho rộng tay để có thành tích, cấp ĐH và sau ĐH cho rộng tay để thu hút SV là nguy hại vô cùng cho tương lai của giáo dục nước nhà.
Tại một cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ QH gần đây có nêu ra vấn đề là chúng ta có hàng chục ngàn tiến sĩ, 9.000 giáo sư nhưng ít có phát minh, sáng chế, trong lúc nông dân lại làm được điều đó, Giáo sư có nhận định gì về thực tế này?
- Xin được nói ngay, nghiên cứu khoa học có hai loại: Nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu cơ bản có thể đi trước thời đại rất nhiều, nhưng nghiên cứu ứng dụng thì ngược lại, phải gắn với nhu cầu xã hội. Hiện nay, nhiều nghiên cứu khoa học và chương trình đào tạo chưa sát thực tế, chưa nắm bắt nhu cầu từ sản xuất, đời sống. Tôi xin mở rộng thêm, xuất phát từ quan sát bề ngoài, lâu nay nhiều người cho rằng người Nam Bộ không chịu học cao, nhưng không thấy nguyên nhân là vì người Nam Bộ vốn thiết thực, nên họ sẵn sàng tự học để có những kiến thức họ cần chứ không chịu mất thời gian ngồi học những thứ viển vông.
Chúng ta từng chứng kiến các kỹ sư "hai lúa" Nam Bộ như Trần Văn Dũng ở Trà Vinh chế tạo máy hút bùn bán khắp cả nước; Năm Hiếu ở Cần Thơ chăm sóc mai tết không rụng, mỗi mùa thu mấy tỉ đồng; "thần đèn" Nguyễn Cẩm Lũy - Tư Lũy gây kinh ngạc cho giới kỹ sư chuyên nghiệp.
Vậy thì làm cách nào để các nhà khoa học làm ra được những sản phẩm công nghệ áp dụng được vào thực tiễn đời sống, thưa Giáo sư?
- Kinh nghiệm của thế giới là phải kết hợp 3 chức năng: Nghiên cứu khoa học - đào tạo - gắn kết với sản xuất trong một loại trường gọi là đại học nghiên cứu (Research University). Trong khi ở tất cả các trường ĐH của ta, kể cả hai ĐH quốc gia, vì lý do kinh tế nên đều coi nhiệm vụ đào tạo là chính, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là phụ. Lãnh đạo các trường chỉ thích giữ biên chế giảng dạy, bởi vậy mà nghiên cứu viên rất ít hoặc không có. ĐH nghiên cứu là loại trường có hai lực lượng cán bộ với tỉ lệ trách nhiệm khác hẳn nhau: Cán bộ giảng dạy dành khoảng 70% thời gian cho giảng dạy 30% cho nghiên cứu; và cán bộ nghiên cứu dành khoảng 70% thời gian cho nghiên cứu 30% cho giảng dạy. Đây là loại trường đào tạo đội ngũ lãnh đạo cho quốc gia và nguồn nhân lực tinh hoa cho đất nước. ĐH nghiên cứu là chìa khóa cho việc xây dựng nền kinh tế tri thức, đưa đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Đức là nước đề xuất ra mô hình ĐH nghiên cứu từ thế kỷ 19, nhờ các trường này mà Đức vượt lên trở thành quốc gia mạnh hàng đầu Châu Âu vào đầu thế kỷ 20. Chính các ĐH nghiên cứu đã giúp Mỹ giữ vững vị trí đứng đầu thế giới. Trung Quốc thực hiện quyết liệt việc xây dựng ĐH nghiên cứu từ năm 1995; Nga đưa ĐH nghiên cứu vào Luật Giáo dục từ năm 1996, thực hiện quyết liệt từ năm 2009. Thái Lan cũng làm từ năm 2009. VN không thể không xây dựng ĐH nghiên cứu, do vậy làm sớm chừng nào tốt chừng ấy.
- Xin cảm ơn Giáo sư.
Theo Lao Động
Việt Nam đã mấy lần đổi mới giáo dục? GS Mai Trọng Nhuận - GĐ ĐHQG Hà Nội: "Trên thế giới các nước có nền giáo dục xuất sắc như Anh, Mỹ hay Canada không bàn về đổi mới giáo dục, nhưng tại sao giáo dục của họ vẫn đổi mới? Nước trong khu vực Singapore cũng vậy, họ không đổi mới mà vẫn như đổi mới trong khi chúng ta đã...