Không đi học vẫn thu phí: Đừng đẩy khó cho phụ huynh
Những ngày gần đây, phụ huynh của nhiều trường phổ thông ngoài công lập ở TP.HCM rất bức xúc với thông báo thu học phí của nhà trường.
Nhiều trường học sinh học trực tuyến nhưng vẫn thu học phí như trước đây. Trong ảnh: học sinh lớp 12 ở TP.HCM trong giờ học trực tuyến tại nhà – Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo đó, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tất cả học sinh các cấp đều nghỉ ở nhà phòng tránh dịch COVID-19. Vậy mà nhiều trường vẫn gửi thông báo yêu cầu phụ huynh phải đóng học phí tháng 4 và 5 của năm học 2019-2020, trong khi học phí tháng 2 và 3 họ đã đóng đầy đủ mà học sinh thì không đến trường.
Có trường còn yêu cầu phụ huynh phải đóng phí giữ chỗ và đóng học phí cho năm học sau (2020-2021), trong khi học phí học kỳ 2 của năm học này các phụ huynh đã đóng đầy đủ mà học sinh thì chỉ ở nhà học trực tuyến mà thôi.
Một trong số những trường trên giải thích rằng hằng năm đây chính là thời điểm nhà trường thu học phí cho năm học sau để tính toán kế hoạch, rằng nhà trường thu học phí theo năm, mỗi năm chia ra làm 4 học phần. Dù năm học có kết thúc vào cuối tháng 5 hay cuối tháng 7 thì học phí vẫn giữ nguyên cho cả năm học. Tuy học sinh không đi học nhưng nhà trường vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, trả lương giáo viên, nhân viên, trả lãi ngân hàng… nên cần thu học phí.
Đúng là trong mùa dịch bệnh các trường ngoài công lập sẽ rất khó khăn khi mọi nguồn thu phụ thuộc vào phụ huynh học sinh, chứ không có nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như trường công lập. Nhưng nói đi cũng phải nói lại: chẳng lẽ nhà trường khó khăn thì đổ hết cái khó ấy lên phụ huynh học sinh?
Chưa kể cách thu học phí như vậy là không hợp lý, là tận thu. Bởi không ai biết đến bao giờ học sinh sẽ đi học trở lại, không ai biết học kỳ 2 của năm học 2019-2020 sẽ kéo dài hơn 4 tháng như mọi năm hay rút ngắn lại, hay học sinh chỉ học trực tuyến để kết thúc năm học chứ không đến trường. Hiệu quả của việc học trực tuyến còn chưa được các cơ quan chức năng đánh giá bài bản và khách quan…
Video đang HOT
Học phí ở các trường ngoài công lập rất cao: 100 – 300 triệu đồng/năm. Các trường này xuất hiện để đáp ứng nhu cầu cần cung cấp các loại hình dịch vụ giáo dục chất lượng cao của một bộ phận phụ huynh: học sinh được ăn, ngủ, học từ sáng đến chiều trong môi trường cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi để phụ huynh yên tâm đi làm; học sinh được học ngoại ngữ, tin học, các môn năng khiếu, kỹ năng sống (thậm chí cả một số chương trình giáo dục của nước ngoài) ngay trong trường…
Như vậy, khi học sinh không đến trường mà chỉ ở nhà học từ xa thì chắc chắn các em không được hưởng hết các loại hình dịch vụ trên. Nhiều phụ huynh phải thuê người giữ con, kèm con học trực tuyến ở nhà. Các trường ngoài công lập không thể lấy lý do khó khăn rồi bắt phụ huynh phải đóng 100% học phí – số tiền không phải nhỏ – trong bối cảnh như trên.
Khó khăn chung
Thời kỳ dịch bệnh, đâu chỉ một mình nhà trường khó khăn, mà đa số phụ huynh cũng khó khăn: lương, thưởng giảm, công việc kinh doanh ngừng trệ, thất thu… “Thức đêm mới biết đêm dài” – một phụ huynh ở quận 2, TP.HCM đã nói như thế khi bàn về cách hành xử của các trường ngoài công lập trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay.
“Lúc khó khăn như thế này mới biết trường nào xử sự có lý, có tình. Sau mùa dịch bệnh, sẽ có trường mất rất nhiều học sinh và ngược lại” – vị này nói.
HOÀNG HƯƠNG
Học sinh lớp 1 'gian nan' học trực tuyến
Dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1 không đơn giản khi trò còn ham chơi mà giáo viên lại chưa có kinh nghiệm giảng dạy theo phương pháp này.
Một học sinh lớp 1 Trường tiểu học Phú Tân (Bình Dương) học trực tuyến tại nhà - Ảnh: Nguyễn Loan
Khi trò còn ham chơi mà giáo viên lại chưa có kinh nghiệm dạy học trực tuyến, thì đây quả là một việc làm vô cùng gian nan với học sinh lớp 1.
Phải hò hét khản cổ con mới chịu học bài
Có con là học sinh lớp 1 tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp, TP.HCM), chị Thanh Hà, cho biết từ khi nghỉ tết, cô đã có giao những bài tập nhẹ nhàng để con luyện chữ, học toán đơn giản tại nhà. Nhưng sau đó, phải nghỉ học kéo dài để phòng chống dịch Covid-19, con gái chị ham chơi, không thiết tha gì với việc học.
"Từ khi nghỉ học, giáo viên đã gửi bài tập cho cả lớp qua Zalo. Nhưng với trẻ lớp 1, các con chưa có ý thức về việc học, lại rất mải chơi nên ngày nào có bài tập tôi cũng phải hò hét khản cả giọng thì con bé mới chịu ngồi vào bàn làm bài", chị Thanh Hà chia sẻ và cho biết, vì học ở nhà bữa có bữa không nên chữ viết của bé ngày càng xấu đi, còn các phép tính cơ bản gần như quên hết.
Từ tháng 3, khi trường tổ chức dạy chương trình mới, chị Thanh Hà bắt đầu rèn con vào khuôn khổ và đưa ra một giờ học nhất định trong ngày để tạo nên thói quen cho bé.
Mỗi tuần trường tải bài học lên một lần, bé sẽ học từ thứ hai đến thứ sáu. "Với học sinh lớn hơn chút thì các con có thể tự học, riêng với lớp 1 thì phụ huynh phải ngồi bên cạnh để hướng dẫn con, vì tự bé xem bài giảng sẽ không hiểu được. Với những người ở nhà thì không sao, còn với người đi làm như mình thì rất vất vả. Nhiều đêm về trễ, mẹ thì mệt, còn con thì đã buồn ngủ nên bé không thể học mỗi đêm mà mình thường dồn vào cuối tuần. Với học sinh lớp 1 mà phụ huynh nào bận, không kèm con học được thì việc các con quên hết kiến thức là chuyện bình thường", chị Hà nói thêm.
Tương tự, cũng có con gái học lớp 1 tại Trường tiểu học Phú Tân (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), chị Vũ Thị Thương cho biết từ lúc nghỉ học, bé chỉ ở nhà chơi nên gần như quên hết những kiến thức học được kỳ 1.
"Mình không cho con học chữ trước nên những tháng đầu trong học kỳ 1, bé chủ yếu làm quen với mặt chữ và các phép tính cơ bản. Tuy nhiên, thời lượng bé học chưa nhiều nên việc quên mặt chữ, phép tính khi nghỉ 3 tháng liền là điều dễ hiểu", chị Thương nói.
Dạy được tới đâu hay tới đó
Bà Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho biết với học sinh tiểu học, đặc biệt là các em lớp 1, để học được chương trình trực tuyến thì cần phải có sự kèm cặp của phụ huynh. Trong khi đó, nhiều phụ huynh của trường vẫn còn bận công việc, chạy chợ từng ngày nên không phải em nào cũng có điều kiện để học tốt.
Bà Phượng nói: "Chưa kể, từ lúc nghỉ học, nhiều phụ huynh đã gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc nên việc kết nối với những học sinh này khó khăn. Hơn nữa, không phải nhà nào cũng có đầy đủ máy tính, kết nối mạng để các em tiếp cận được với bài học. Dù vậy, mình vẫn cứ triển khai dạy, dạy được tới đâu hay tới đó. Khi học sinh quay trở lại trường, giáo viên sẽ phải đánh giá lại trình độ của từng em để có phương án cải thiện, kèm cặp cụ thể", bà Phượng chia sẻ.
Trong trường hợp học sinh sẽ phải nghỉ học kéo dài hết năm học, sẽ có một lứa học sinh lớp 1 lên lớp 2 nhưng chưa biết đọc biết viết thì lúc đó các trường sẽ phải có phương án ôn tập, dạy lại cụ thể.
Tương tự, một giáo viên lớp 1 tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp) cho biết, khi học sinh học trực tuyến thì vai trò phụ huynh rất quan trọng. "Theo mình thống kê qua việc phụ huynh gửi lại bài tập các bé đã làm thì phần lớn học sinh đều hoàn thành yêu cầu, nhưng không biết được thực tế các em hiểu đến đâu. Sau nhiều tháng nghỉ học, mình nhận thấy nét chữ của học sinh xấu đi, nhiều em cũng làm qua loa cho có. Do vậy, khi trở lại trường, giáo viên sẽ phải dành thời gian để rèn lại các kỹ năng cho học sinh", cô giáo này nói.
Nguyễn Loan
Ra mắt chương trình "Đồng hành cùng HS-SV trong mùa Covid-19" Chương trình nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ chuyên sâu về các vấn đề, nhu cầu cấp thiết của HS-SV, các bậc phụ huynh trong và sau thời gian học ở nhà dài ngày để phòng chống dịch Covid-19. Chương trình "Đồng hành cùng HSSV trong mùa Covid-19" ra mắt ngày 13/4 trên Fanpage "Học sinh, sinh viên Việt Nam". Các nhóm...