Không công nhận ‘GS quần đùi’ làm hiệu trưởng có thuyết phục?
Câu chuyện GS Trương Nguyện Thành – có kinh nghiệm quản lý ở ĐH Utah, Mỹ song lại không được công nhận hiệu trưởng ĐH Hoa Sen do ‘thiếu 5 năm quản lý’ khiến nhiều người băn khoăn.
Giáo sư Trương Nguyện Thành – Ảnh tư liệu
Có ý kiến cho rằng yêu cầu hiệu trưởng trường ĐH phải có 5 năm kinh nghiệm quản lý là quy định cứng nhắc, mang tính hình thức và “mới chỉ hướng vào công tác quản trị, chưa chú trọng đến vai trò lãnh đạo với các ý tưởng chiến lược”.
Quy định hình thức, cứng nhắc
Theo TS Lê Viết Khuyến – trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, có vẻ như khi đối chiếu với quy định hiện hành yêu cầu hiệu trưởng phải từng có 5 năm làm công tác quản lý cấp khoa, phòng của trường mà GS Trương Nguyện Thành không đạt là bác luôn.
Nhưng vấn đề ở đây là quy định cứng này mang tính hình thức rất rõ. Bởi lẽ cứ nói kinh nghiệm quản lý chung chung thì việc quản lý ở khoa, bộ môn của trường đại học vài ba ngành với trường có hàng trăm ngành, ở nơi có vài chục, vài trăm sinh viên với nơi có hàng vạn sinh viên thì đều được đánh đồng như nhau.
TS Lê Viết Khuyến – Ảnh: N.K.
“Những tiêu chí mù mờ như vậy đôi khi vẫn được cơ quan quản lý khi can thiệp lại dẫn văn bản ra để ngụy biện cho những quyết định vô lý của mình.
Đáng lý ra nếu điều lệ trường đại học, Luật giáo dục đại học có những điểm dở, vô lý thì phải sửa chữa ngay, chứ không phải lại vin vào những văn bản đó để cản trở đổi mới giáo dục đại học”, TS Khuyến nói.
Video đang HOT
Theo TS, đã đến lúc phải thay quy định cứng nhắc này bằng việc phát huy tinh thần tự chủ của trường đại học.
Cơ quan quản lý, Bộ GD-ĐT chỉ nên đưa ra quy định để làm sao các trường xây dựng được hội đồng trường, hội đồng quản trị đảm bảo những người đủ trí tuệ, tâm huyết. Đó mới là nơi quyết định lựa chọn hiệu trưởng thế nào thì phù hợp với sự phát triển của trường.
“Chúng ta vẫn hô hào ‘trải thảm đỏ’ đón người tài trở về để cống hiến cho quê hương. Nhưng những quy định cứng nhắc, không thông thoáng đã làm cản trở những bước chân trở về”, ông nhấn mạnh.
Nên xét theo năng lực thay vì thâm niên
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Minh Oanh – nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng quy chế cần thay đổi để các trường không bị gò bó. Nên để tập thể giáo viên và hội đồng trường có thể lựa chọn người tài, có năng lực thực tế hơn là quan trọng vấn đề thâm niên.
“Dĩ nhiên để làm quản lý cần có kinh nghiệm, hiệu trưởng mà không kinh qua quản lý cấp khoa, bộ môn sẽ rất khó. Một người dù giỏi chuyên môn thế nào mà không tường tận mọi ngóc ngách về xây dựng chương trình giảng dạy, có thời gian quản lý ở cấp dưới, đột ngột nhận quản lý cả trường đại học là rất khó.
Quy chế mới có thể giảm thâm niên hoặc mở ra hướng đặc cách trong một vài trường hợp cụ thể”, PGS.TS Oanh đề nghị.
PGS.TS Ngô Minh Oanh (phải) và GS Đặng Ứng Vận – Ảnh: M.N-X.TR.
Trong khi đó GS Đặng Ứng Vận – bí thư Đảng ủy, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, đề xuất Bộ trưởng GD-ĐT có thể quyết những trường hợp đặc biệt.
Theo GS, các quy định hiện hành yêu cầu tiêu chuẩn hiệu trưởng trường đại học phải có 5 năm kinh nghiệm quản lý “mới chỉ hướng vào công tác quản trị, chưa chú trọng đến vai trò lãnh đạo với các ý tưởng chiến lược”.
Nhà trường cần lãnh đạo ở các ý tưởng sáng tạo, đổi mới, tiệm cận và hội nhập quốc tế. Rõ ràng tiêu chuẩn kinh nghiệm 5 năm quản lý theo luật là nặng về quản trị nhà trường, không phải là người lãnh đạo.
Hiệu trưởng trường đại học cần phẩm chất của nhà lãnh đạo nhiều hơn để tổ chức được bộ máy quản trị tốt.
Trường hợp GS Trương Nguyện Thành đã có kinh nghiệm quản lý ở Đại học Utah (Mỹ) cũng nên tính đó là kinh nghiệm quản lý trong cơ sở giáo dục đại học.
Trong trường hợp cụ thể này, nếu xem là còn những điểm vướng so với luật, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có thể xem xét và quyết định phù hợp để tránh lãng phí, ngăn trở người tài đảm nhiệm vị trí lãnh đạo.
Điều 20 Luật Giáo dục đại học quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm, có trình độ tiến sĩ đối với trường ĐH, giám đốc học viện, đại học, có sức khỏe tốt.
Theo tuoitre.vn
Bộ Giáo dục lên tiếng về tiêu chuẩn Hiệu trưởng phải có 5 năm kinh nghiệm quản lý
Nói về quy định hiệu trưởng phải có 5 năm kinh nghiệm quản lý, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, pháp luật vẫn cần có quy định mở trong những trường hợp nhất định có thể chấp nhận những cách giải quyết linh hoạt, không nên quá máy móc.
Sau khi báo chí phản ánh về việc GS Trương Nguyện Thành trường ĐH Hoa Sen trở về Mỹ khi không đạt chuẩn hiệu trưởng của Việt Nam do không đủ chuẩn theo Luật Giáo dục Đại học Việt Nam là 5 năm kinh nghiệm quản lý Khoa/Phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Do đó Bộ/Sở GD-ĐT không đủ cơ sở để đề xuất UBND TP công nhận vị trí Hiệu trưởng của GS Thành.
Ngày 5/5, Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT đã nêu quan điểm về tiêu chuẩn hiệu trưởng phải có 5 năm kinh nghiệm quản lý cấp khoa phòng của cơ sở giáo dục đại học. Cụ thể:
Luật GDĐH 2012 quy định về một trong các tiêu chuẩn hiệu trưởng: "Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 05 năm" (Điều 20, khoản 2, điểm a). Vì vậy, trên bình diện chung nhất, ở thời điểm hiện nay, các văn bản dưới luật và thực tế thực thi pháp luật đều tuân thủ quy định này.
Thực tế, trong tiêu chuẩn hiệu trưởng cần có nội dung về kinh nghiệm quản lý như một điều kiện đảm bảo chất lượng quản lý đối với vị trí việc làm này. Trong phạm vi quan sát của chúng tôi ở Việt Nam và nhiều nước khác đều cho thấy hầu như không có hiệu trưởng trường đại học nào mà trước khi được bổ nhiệm lại chưa có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực được giao quản lý.
Càng các trường uy tín thì kinh nghiệm của các ứng viên hiệu trưởng càng quan trọng. Đó cũng là một trong các căn cứ để lựa chọn hiệu trưởng tốt nhất trong số các ứng viên dự tuyển.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT.
Hiện nay, Luật GDĐH đang được sửa đổi, bổ sung và Điều 20 nêu trên cũng đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung. Ở 3 dự thảo đầu, Ban soạn thảo quy định nội dung trên theo hướng mở: "Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín khoa học, có năng lực quản lý, quản trị giáo dục đại học". Năng lực quản lý, quản trị giáo dục đại học này sẽ do hội đồng trường, hội đồng quản trị xác định, lựa chọn.
Tuy nhiên, qua tổ chức lấy ý kiến tại 5 hội thảo ở 5 vùng (Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ, với thành phần tham gia là đại diện các trường đại học, các chuyên gia giáo dục, các doanh nghiệp...), nhiều ý kiến góp ý không nên hạ thấp tiêu chuẩn tại điểm a, khoản 2 Điều 20 của Luật hiện hành, quy định trên tại Dự thảo 3 chưa rõ... cần quy định để định lượng rõ về tiêu chuẩn này.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, từ Dự thảo 4, Ban soạn thảo tiếp tục quy định tiêu chuẩn này: "Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín khoa học, có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 05 năm từ cấp khoa, phòng, ban trở lên".
Nội dung của dự thảo vẫn giữ định lượng của kinh nghiệm quản lý nhưng mở hơn, không nhất thiết phải có kinh nghiệm ở cơ sở giáo dục đại học mà có thể quản lý giáo dục đại học ở các cơ quan bộ, ngành, viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ...Qua hai dự thảo 4, 5 cho đến nay, không có ý kiến góp ý về nội dung này.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự thảo. Những nội dung của Dự thảo sẽ tiếp tục được xin ý kiến Quốc hội theo quy trình soạn thảo văn bản luật và sẽ tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để ngày càng hợp lý, đáp ứng yêu cầu của thực tế để đảm bảo chuẩn chất lượng đối với chức danh quản lý quan trọng này, đồng thời, đảm bảo quyền của Hội đồng trường nói riêng và quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học nói chung.
Cá nhân tôi cho rằng ngay cả khi cần phải có quy định chuẩn hóa, định lượng hóa các tiêu chuẩn chức danh như vậy (để lựa chọn, rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ quản lý kế cận, chuyên nghiệp...) thì pháp luật vẫn cần có quy định mở trong những trường hợp nhất định có thể chấp nhận những cách giải quyết linh hoạt, không nên quá máy móc.
Tất nhiên, cần đảm bảo các điều kiện như: đảm bảo mặt bằng chung về các tiêu chuẩn tối thiểu; do hội đồng trường, hội đồng quản trị lựa chọn, quyết định; nếu chưa đủ điều kiện này thì phải có các điều kiện cần thiết khác vượt trội hơn... Hội đồng trường, hội đồng quản trị phải giải trình được một cách thuyết phục về sự lựa chọn hiệu trưởng của họ, vì sự phát triển của nhà trường./.
Nguyễn Thị Kim Phụng ( Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT)
Theo Dân trí
Không công nhận 'GS quần đùi' làm hiệu trưởng, bộ GD-ĐT nói gì? Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, quy định 'có 5 năm quản lý' mang tính định lượng rõ ràng, nhưng chính vì vậy nó bó hẹp nguồn ứng viên hiệu trưởng. GS Trương Nguyện Thành (thứ ba từ phải sang) trong lễ tổng kết của ĐH Hoa Sen - Ảnh: FB nhân vật Liên quan câu chuyện GS...