Không công khai danh sách gian lận điểm thi là bao che, đồng lõa
Những kẻ sửa điểm gian dối, tham nhũng, móc ngoặc, vi phạm pháp luật, cướp đi cơ hội của bao nhiêu người khác phải bị xử lý nghiêm minh, đúng luật pháp thì mới xác lập lại công bằng, lương tri và lấy lại niềm tin nơi dân chúng.
Vụ sửa điểm, gian dối nghiêm trọng trong Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình ngày càng lộ mặt, thách thức dư luận và làm xói mòn niềm tin của người dân.
Hàng trăm thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình được sửa điểm để vào học đại học một cách gian lận có nghĩa, họ đã trắn trợn cướp chỗ, cướp cơ hội vào đời của hàng trăm thí sinh khác lẽ ra giờ đây đang ngồi trên giảng đường đại học. Đây là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.
Việc sửa điểm, gian lận trong Kỳ thi đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả của Kỳ thi và uy tín của ngành giáo dục, của nền giáo dục Việt Nam, tức là làm ảnh hưởng lớn tới danh dự, lợi ích của quốc gia.
Thủ phạm gây ra vụ việc và để lại hậu quả nghiêm trọng trên đây không chỉ những cán bộ trong các ngành giáo dục, công an Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đã bị khởi tố bị can, mà còn có hàng trăm người khác.
Theo danh sách báo chí đã công bố, những người này toàn là cán bộ, công chức nhà nước, có nghĩa họ đã hoặc dùng quyền lực công vụ hoặc là dùng tiền hối lộ, chi phối việc sửa điểm cho con em mình.
Không công khai danh sách gian lận điểm thi là bao che, đồng lõa
Ngay cả các thí sinh được sửa điểm cũng là những người không trung thực. Họ phải đánh dấu bài, phải thông đồng cùng đường dây sửa điểm nên họ cũng là những đồng phạm.
Có thí sinh có môn thi được sửa và nâng thêm trên 9 điểm; có thí sinh cả 3 môn thi được sửa và nâng thêm trên 26 điểm nhưng không có một ai tự giác thừa nhận hay phản ánh với cơ quan chức năng về sự bất thường này.
Không những vậy, theo Thượng tá, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Đào tạo, Bộ Công an: “Có nhiều thí sinh trong vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình đã nhập học tại các trường Công an nhân dân.”
Video đang HOT
Như vậy, một bộ phận thí sinh được nâng điểm khi biết vụ việc đã bại lộ nhưng vẫn điềm nhiên vào học đại học ở các trường quân đội, công an.
Ở đó, những thí sinh này được bao cấp hoàn toàn từ cơm ăn, áo mặc, dày dép, sách vở, nhà ở, tài liệu, giấy bút, đồ dùng học tập, tiền phụ cấp và các chế độ đãi ngộ khác hơn nửa năm qua. Mỗi người mỗi tháng ngót hàng chục triệu đồng với số lượng hàng trăm người. Tất cả đều từ tiền đóng thuế của nhân dân.
Cho nên không thể nói những thí sinh được sửa điểm là vô can.
Những “sinh viên” đó đã cướp cơ hội học đại học, đồng nghĩa cướp tương lai của những thí sinh khác. Hơn nữa, những thí sinh được sửa điểm vào học các trường công an, quân đội mỗi người đã ăn gian của nhà nước ngót hàng trăm triệu đồng.
Bản chất và hệ lụy của việc sửa điểm để những thí sinh yếu kém về học lực ở Hòa Bình, Sơn La vào học đại học cho thấy, cả những người trực tiếp sửa điểm, cả các phụ huynh là cán bộ, công chức đã tác động, cả các thí sinh liên quan đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Họ đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi cử và quy chế tuyển sinh đại học; vi phạm quyền và lợi ích của người khác; đưa hối lộ, tham nhũng; vi phạm đạo đức xã hội.
Cho nên không thể không làm rõ ràng và cũng không thể không công khai, minh bạch trước công luận những người tham gia và đồng lõa trong vụ việc này.
Thật đáng bất bình khi một số quan chức Bộ Giáo dục & Đào tạo và lãnh đạo Sở Giáo dục & đào tạo Hòa Bình, Sơn La nói một cách đầy “nhân văn” đối với những thí sinh gian lận: “…chúng tôi muốn làm sao để tâm lý các em không bị đột ngột, không bị xáo trộn”; rằng “chúng ta không thể không tính đến những tác động tiêu cực đến các cháu”, và rằng “các em còn có cả một tương lai phía trước.”
Ông Mai Văn Chinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục & Đào tạo khẳng định: “Quan điểm của Bộ là không dung túng cho sai phạm, và xử lý đến cùng”.
Song thử hỏi, một khi đã có “lòng thương người”, “sự nhân văn” thì làm sao có thể xử lý sai phạm đến cùng? Thực hành “nhân văn” với ai đây, với những kẻ vi phạm pháp luật chăng?
Thể hiện “lòng thương” với các công chức, viên chức là phụ huynh liên quan chăng? Ưu ái hành vi của họ thì thực hành “nêu gương” với ai?
Xin hỏi, hàng trăm thí sinh bị đánh cắp cơ hội học đại học, đồng nghĩa bị đánh cắp tương lai sẽ được xử lý thế nào?
Xin hỏi, vụ gian lận này đánh động lương tri của bao nhiêu người tử tế, trung thực; làm xói mòn lòng tin của dân chúng thì ai sẽ trả giá? Sao lại có sự vô lý đến ngược đời như vậy?
Cho nên, nếu không công khai danh tính những thí sinh không trung thực; những phụ huynh gian dối dùng quyền lực hoặc tiền bạc, vật chất để tác động sửa điểm cho con là bao che, đồng lõa, khuyến khích các hành vi gian dối, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội.
Những kẻ sửa điểm gian dối, tham nhũng, móc ngoặc, vi phạm pháp luật, cướp đi cơ hội của bao nhiêu người khác như phải bị xử lý nghiêm minh, đúng luật pháp thì mới xác lập lại công bằng, lương tri và lấy lại niềm tin nơi dân chúng.
Nguyễn Huy Viện
Theo vietnamnet
Gian lận thi cử: Cán bộ to đến đâu cũng cần xử lý, không có "vùng cấm"
Vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La khiến dư luận bàng hoàng. Bức xúc hơn nữa khi danh tính phụ huynh được hé lộ có nhiều người là quan chức.
Mùa thi THPT quốc gia 2019 đang đến gần, nhưng đến nay, những hậu quả từ việc gian lận trong kỳ thi năm 2018 vẫn chưa được giải quyết triệt để. Những số điểm nâng khống để biến các thí sinh từ chỗ có mức điểm rất thấp trở thành thủ khoa một số trường đại học danh giá khiến dư luận bàng hoàng, bức xúc.
Đáng chú ý, theo danh sách mới được công bố, có rất nhiều phụ huynh liên quan đến gian lận thi cử là cán bộ, lãnh đạo sở, ban ngành địa phương.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, vụ gian lận thu cử này quá lớn, có thể coi như một hiện tượng tham nhũng. Hậu quả không chỉ với những người liên quan, mà còn tác động đến nhiều vấn đề xã hội, làm mất uy tín ngành giáo dục, khiến hàng trăm học sinh xứng đáng bị mất đi cơ hội. Nói không quá, nhưng nó còn có thể khiến giáo dục Việt Nam mất uy tín với các nước trên thế giới.
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng càng là cán bộ càng cần xử nghiêm nếu liên quan đến gian lận thi cử. (Ảnh: KT)
Theo GS Phạm Tất Dong, cần nhanh chóng giải quyết triệt để những cá nhân, cơ quan sai phạm: "Dư luận đang hết sức bức xúc. Cách duy nhất là Bộ GD-ĐT cần xử lý nghiêm sai phạm. Đây cũng được coi là một mặt trận chống tham nhũng, chống những sai trái, tiêu cực ảnh hưởng lớn đến quốc gia, không thể có vùng cấm trong xử lý. Dù cán bộ nào, to đến đâu, nhưng nếu có liên quan đều cần điều tra, làm rõ, kỷ luật để không bỏ sót".
"Quyền lực là sức mạnh vô hình, tôi thấy có lãnh đạo khi có con được nâng điểm thì nói không biết tại sao con mình được nâng, hay không chỉ đạo ai đó lại nâng điểm cho con mình. Nhưng thực tế, đôi khi các "sếp" chỉ cần nói nhẹ rằng năm nay con tớ đi thi, thì cấp dưới đã phải tự hiểu rằng cần ưu tiên, chú ý cho cháu nào, con ai. Phụ huynh thừa biết lực học của con mình đến đâu".
Đặc biệt, khi danh sách các phụ huynh có con được nâng điểm dần hé lộ, khiến hàng loạt các lãnh đạo, quan chức địa phương được nhắc đến, nhưng đến nay, vẫn hoàn toàn chưa công bố danh tính cụ thể. GS Dong đặt câu hỏi: "Có gì ngại, khi nêu tên cán bộ sai phạm"?
GS Phạm Tất Dong cho rằng, xưa nay các kỳ thi đại học, sau đó đến thi THPT quốc gia vẫn được cho là tổ chức rất nghiêm ngặt, thí sinh vô tình hay cố ý mang điện thoại vào phòng thi, nếu bị phát hiện đều bị đuổi khỏi phòng thi. Chỉ cần phát hiện có tài liệu, dù chưa sử dụng cũng bị dừng thi môn đó. Như vậy không có lý do gì những sai phạm "tày trời" lại được giải quyết xuê xoa.
"Với những thí sinh sai phạm, các trường đại học đã buộc thôi học, tôi cho rằng điều này cần làm. Các em vẫn có cơ hội thi lại nếu như biết thay đổi. Bố mẹ các em làm sai càng phải chịu trách nhiệm, nếu là quan chức thì càng phải gương mẫu. Từ sự không công bằng đó mà ảnh hưởng đến toàn xã hội chứ không chỉ một vài người. Biết đâu đó bằng một cách nào đó, những thí sinh không xứng đáng, không có đủ năng lực này lại lên làm lãnh đạo", GS Phạm Tất Dong lo ngại.
Để "hạ nhiệt" dư luận xã hội, vị GS cho rằng, trước hết, những người lãnh đạo ngành giáo dục, từ trung ương đến địa phương mà nhất là những tỉnh có gian lận điểm thi phải đứng ra xin lỗi nhân dân. Thậm chí, cán bộ có liên quan gian lận này có thể thẳng thắn xin từ chức.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, nếu quan chức địa phương nâng điểm cho con em thì lại càng phải xử lý nghiêm hơn nữa. Họ là những người biết luật, thực hành luật nhưng lại cố tình làm sai.
Do đó, Bộ GD-ĐT không chỉ cần công khai danh tính, chức vụ của phụ huynh mà còn cần xem xét xử lý hình sự tùy theo từng trường hợp cụ thể. Hơn hết, chỉ khi xử lý đến nơi đến chốn những sai phạm này, ngành giáo dục mới lấy lại được niềm tin và uy tín khi kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang cận kề.
"Bộ GD-ĐT cũng đã có những biện pháp, nhưng theo tôi cần làm chặt hơn nữa. Bộ cần nhìn thẳng, xử lý những sai phạm và lấp đầy những lỗ hổng bộc lộ trong kỳ thi năm 2018. Khâu nào có vấn đề cần thay đổi, cán bộ nào sai phạm cần sa thải lập tức", PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh./.
Theo VOV
Bản danh sách Sơn La và sự trung thực của người cán bộ Trong bản danh sách cha mẹ những thí sinh được nâng điểm ở Sơn La, hầu hết số này đang hoạt động trong bộ máy công quyền, đang từng ngày từng giờ thực hiện trách nhiệm nêu gương của người cán bộ. Và ai cũng hiểu, một trong những điều cần nêu gương nhất chính là sự trung thực. Tôi còn bị ám...