Không còn chuyện điểm thi cao mà vẫn trượt!
Với đột biến trong khâu ra đề thi ĐH, Bộ GD muốn đạt mục tiêu phân loại thí sinh rõ nét hơn. Phổ điểm 5-6 dành cho những thí sinh có học lực trung bình khá trở lên, vùng phổ điểm 8-10 là cuộc đua tranh của những học sinh khá giỏi.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí- Bộ GD-ĐT, với cơ cấu ra đề như vậy thì năm nay sẽ khó có tình trạng thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt NV1.
Với đề thi phân loại thí sinh rõ nét thì sẽ không còn chuyện điểm thi cao vẫn trượt ĐH.
Các trường “ngán” điểm chuẩn cao
“Đề thi dễ thì dẫn đến việc điểm chuẩn sẽ tăng cao. Bên cạnh đó việc phân loại thí sinh khó khăn hơn. Chính vì thế chúng tôi cũng không “khoái” điểm chuẩn quá cao” – PGS.TS. Nguyễn Hữu Tú, phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ.
Theo PGS. Tú thì đề thi cần đủ độ khó để phân loại thí sinh rõ nét. Việc đề thi dễ dẫn đến tính trạng trường không đánh giá được năng lực thực của thí sinh. Thậm chí có những em có trình độ cao hơn nhưng không thể hiện được mình ở những đề thi dễ.
Dẫn chứng về vấn đề này, PGS. Tú cho biết, trước kia dự thi vào trường Y lúc đó điểm chuẩn chỉ là 16-16,5 điểm nhưng chất lượng sinh viên khá tốt. Trong khi đó những năm gần đây điểm chuẩn của trường ĐH Y Hà Nội luôn ở mức rất cao nhưng số sinh viên đáp ứng được nhu cầu học và chuyên môn thì lại không có quá nhiều.
“Theo tôi thì đề thi cần có độ khó nhất định. Không nên dễ quá. Tuy nhiên cũng nhìn nhận một vấn đề là nếu đề thi khó thì thí sinh ở nông thôn sẽ chịu nhiều thiệt thòi, khó có thể đạt điểm cao”, PGS. Tú chia sẻ.
Thầy Tú giải thích: “Ở thành phố các em có thời gian ôn luyện nhiều, tiếp cận được nhiều dạng toán khó nên nếu đề thi khó thí sinh thành phố có lợi nhất. Trong khi đó thí sinh ở nông thôn không có cơ hội tiếp cận với việc ôn tập này nên chắc chắn sẽ làm bài sẽ không tốt bằng”
Cùng chung quan điểm trên, GS.TS. Nguyễn Hữu Dư – phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội tâm sự: ” Nếu chúng ta chỉ tính điểm 3 môn thi không nhân hệ số thì tổng điểm tối đa là 30. Nếu mức điểm chuẩn càng gần với cận 30 nhiều thì khả năng phân loại thí sinh càng thấp”
“Theo tôi thì nên cơ cấu đề thi theo hình thức 30-40-30. Nghĩa là 30% câu hỏi tương đối dễ dành cho tất cả các thí sinh, 40% tiếp theo dành cho những thí sinh có kiến thức vững chắc. Khoảng 30% còn lại dành cho những thí sinh thực sự xuất sắc. Với cơ cấu như vậy thì các trường sẽ dễ phân loại thí sinh hơn”, GS. Dự nhấn mạnh.
Hệ lụy của việc ra đề thi “khó”
Các chuyên gia tuyển sinh nhận định, nếu ra được đề thi để phân loại thí sinh tốt thì Bộ GD-ĐT đành phải chấp nhận với thực tế là điểm sàn có thể thấp hơn 13 điểm. Tuy nhiên điều được lại là khá lớn: Thứ nhất không còn chuyện thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt. Thứ 2, sẽ giảm thiểu hiện tượng 8 điểm/3 môn vẫn đỗ ĐH.
Video đang HOT
Bên cạnh đó các trường ngoài công lập sẽ phải có sự cạnh tranh khốc liệt hơn về chất lượng nhằm hút thí sinh có trình độ ĐKĐT để tránh việc tuyển thiếu chỉ tiêu. Đây rõ ràng là một việc làm cần thiết trong thời điểm hiện tại khi mà chất lượng giáo dục ĐH đang được xã hội mổ xẻ một cách khá gay gắt.
Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Dư thì không nên quá quan trọng về việc điểm sàn cao hay thấp. Thậm chí điểm sàn ĐH là 10 điểm cũng chẳng sao miễn là kì thi được tổ chức nghiêm túc và phân loại được thí sinh.
Giải thích về vấn đề này, GS. Dư nêu ví dụ: Nhiều kì thi Olympic Quốc tế các thí sinh cách khá xa với mức tối đa nhưng vẫn nhận được huy chương vàng. Đến kì thi quốc tế họ còn dám chấp nhận như vậy thì tại sao chúng ta không đối mặt với thực tế đề thi khó thì điểm sàn sẽ thấp.
Cũng theo đánh giá của giới chuyên môn, nếu năm nay đạt được mức điểm sàn ổn định như năm 2009 thì Bộ GD-ĐT sẽ nhận sự chỉ trích từ phía xã hội khi mà “độ vênh” giữa kì thi tốt nghiệp THPT và kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ khá lớn. Qua đó hình ảnh về căn bệnh thành tích ở kì thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được hiển thị rõ hơn.
Không những thế nó cũng sẽ là một minh chứng để khẳng định: Không thể sát nhập hai kì thi thành một vì tính chất của mỗi kì thi là hoàn toàn khác nhau.
Theo dân trí
Nghiện 'tiền boa' ở vũ trường
Có lúc Tuấn được "boa" rất nhiều tiền của khách đến bar. Cậu nhận ra rằng: cuộc sống ở đây thật khác với bên ngoài.
"Tỉnh người" sau những "tháng ngày đen tối" sống trong khổ đau, làm bạn với rượu, game, Tuấn lao vào làm thêm để quên đời buồn và cả tìm niềm vui mới.
Nỗi đau nối tiếp nỗi đau
Năm đầu thi ĐH, trượt trường Lâm nghiệp, không muốn ở nhà, Tuấn nộp hồ sơ vào học trường CĐ Kinh tế&Kĩ thuật Hà Nội. Tiếp tục thi lại, lại trượt vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Thất vọng, cậu đành ngậm ngùi theo học hệ CĐ của trường.
Trượt đại học, người yêu "đá", gia đình lận đận khiến Tuấn thực sự rơi vào cú shock tinh thần quá lớn (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).
Nỗi buồn thi trượt ĐH chưa qua được lâu, Tuấn lại đón thêm tin người yêu quyết định nói lời chia tay. Ngày hai đứa yêu nhau, Tuấn chuẩn bị thi ĐH, nàng yêu và quý cậu vì tính chăm chỉ, chịu khó cùng bề ngoài ưa nhìn. Ngày chia tay, nàng nói Tuấn kém cỏi, không biết quan tâm tới nàng. Cùng thời điểm, bố cậu phải nhập viện vì tiểu sử dùng rượu.
Sốc (shock), mệt mỏi, chán chường, mọi thứ tưởng như sụp đổ trước mắt cậu.
Chơi để quên "sầu
Khoác chiếc ba-lô nặng nề với những gạo, mì, áo quần mẹ chuẩn bị cho, Tuấn mang theo cả gương mặt u sầu xuống Hà Nội. Bắt đầu những tháng ngày "đen tối"- như chính lời Tuấn từng nhận xét về thời điểm đó.
Đầu tiên là rượu, bia. Những ngày đầu, bạn bè trong phòng thương, đồng cảm nên hết hôm nay Tuấn mua, ngày mai bạn chi tiền tìm rượu giải sầu. Gần như bữa nào cậu cũng say, say khướt lướt. Và khóc. Và rên rỉ như một người điên.
Lên lớp, bạn bè mấy đứa thay nhau bàn chuyện game. Trước, Tuấn là kẻ "ngoại đạo, vô cảm trước "thế giới ảo" đầy tẻ nhạt" đó. Nay vẫn thế. Nhưng chẳng hiểu sao Tuấn cứ lao vào: từ Chinh đồ, Võ lâm truyền kỳ tới Đột kích, Đế chế.
Thế giới game của các game thủ.
Chơi từ sáng tới tối, chơi đến đờ đẫn người. Phòng trọ nối mạng Internet, sẵn máy tính xách tay Tuấn đòi mẹ mua để "trang bị cho việc học", cậu lao vào game. Say sưa đến độ bạn bè thân thiết đến phòng trọ chơi, Tuấn chỉ ậm ừ chào lấy lệ. Mắt vẫn dán vào màn hình vi tính. Cơm tới bữa chỉ việc ngồi ăn, bạn bè nấu cho, cũng chỉ ăn lấy lưng bát.
Nợ nần chồng chất. Song, tồi tệ hơn, là việc cậu nghỉ học vô tội vạ. Bạn bè nhắc nhở, Tuấn lúc cáu gắt "mặc kệ tao, cần gì mày lo, lo cái thân mày đi đã", lúc lại vô cảm, thờ ơ, chẳng nói một lời.
Điều gì đến cũng phải đến. Đến học kì sau, nhiều môn Tuấn không được thi vì nghỉ nhiều rồi nợ môn quá giới hạn cho phép.
Có nợ thì phải trả. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cậu phải học để thi cho đủ điểm qua các môn rồi mới được học tiếp cùng với những sinh viên khóa sau.
Bẵng đi đến gần nửa năm Tuấn không về quê, chỉ gọi điện xin tiền nhà, nhờ bạn bè chuyển xuống giúp. Việc chơi quá nhiều, bỏ bê ăn uống cộng thêm suy nghĩ khiến người cậu suy sụp đến không tưởng: giảm gần 10 kg, người teo tóp, tóc tai rậm rạp, che gần hết khuôn mặt.
Bao nhiêu lần nhớ con, gọi mà con chẳng về, mẹ Tuấn đành phải dối con, gọi báo "bố con bệnh nặng, con về gấp" mới kéo được cậu về nhà.
Trong lúc sắp xếp đồ đạc, quần áo cho con xuống Hà Nội học, bà vô tình lật cuốn vở đã nhàu nát của con ra xem. Nước mắt của người mẹ hết lòng thương con hay nước mắt của sự tuyệt vọng khiến bà suýt ngất lịm đi. Bà không tin tờ giấy báo đình chỉ học nho nhỏ, đầy những điểm 1,2 kia lại là của con mình. "Thằng bé vốn chăm chỉ, ngoan ngoãn học tập lắm cơ mà".
Và trở thành "con nghiện" công việc
Trước, mọi lời khuyên của bạn bè đều như "nước đổ lá khoai". Chỉ khi nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên gò má gầy gò của người mẹ vì thấy giấy báo đình chỉ học của mình, Tuấn mới sực tỉnh. Rồi lại lao vào làm thêm. Làm quên ngày tháng, quên đi đời buồn và cả tìm niềm vui mới.
Đầu tiên cậu xin đi làm ở một vũ trường gần hồ Tây. Nơi như cậu nói "toàn những đại gia mới dám vào vì mọi thứ đều tính bằng đô (USD) hết. Rẻ nhất như chai nước lọc Lavie cũng đến trăm ngàn".
Những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, cảnh náo nhiệt luôn là điều thường thấy bên trong các quán bar.
Giờ làm của cậu vào đúng ca đông khách nhất: từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm. Tuấn mất hai ngày đầu để tập cách bưng bê đồ uống bằng một tay cho khách. Song, khó khăn nhất là làm quen với tiếng ồn đinh tai nhức óc từ những bộ loa thùng "hạng nặng" cùng tiếng kêu gào, hò hét ầm ĩ của các đại gia.
Tuấn nhớ lại: "Gần như cả tuần đầu tiên, đi làm về đến nhà, đặt lưng xuống giường, tính nằm ngủ mà đầu óc cứ ong ong, quay cuồng. Âm thanh của tiếng nhạc mở hết cỡ, tiếng hò hét của họ nhiều khi khiến mình ngộp thở, lồng ngực đau buốt. Nhưng rồi cũng quen".
"Ngày ấy, có buổi làm kiếm được 400 ngàn đến 500 ngàn cũng là bình thường với tớ. Mà chủ quán cũng quý vì mình tính thật thà, có khi khách cho tờ 100 đô-la lại cầm đưa cho họ. Họ bảo cứ cầm lấy, lần sau không phải "báo cáo" nữa".
Làm cái nghề bồi bàn ở vũ trường này cho Tuấn một cái nhìn hoàn toàn khác với thế giới bên ngoài vốn bụi bặm, vất vả kia. Tuấn trầm ngâm tâm sự: "Mới hay cuộc đời lắm nỗi khổ đau và cũng lắm kẻ "thừa" tiền. Một đêm bỏ ra vài ba triệu hay chục triệu ở chỗ này cũng chẳng có gì là ghê gớm với họ cả".
Công việc đang "xuôi chèo mát mái" thì cái vũ trường nơi cậu làm bị cháy. Tuấn cho biết: "Nó làm toàn bằng gỗ nên cháy nhanh, từ lúc mình nghe tin đến khi mọi thứ bị thiêu rụi chỉ gần hai tiếng. Hôm đó, có hai người chết, toàn nhân viên. Hú hồn, may là không phải ca của mình".
Tham vọng kiếm được nhiều tiền trước để trả nợ, trang trải học phí những năm học còn lại, rồi việc mơ tưởng về chiếc xe Dreams thay thế con "ngựa sắt" suốt ngày phải sửa chữa là một lý do lớn thúc đẩy Tuấn tiếp tục tìm nghề mới.
Nhưng còn một lí do nữa, như Tuấn nói: "Mỗi lần về phòng trọ, hễ rảnh ra là mình lại nghĩ về cô ấy. Nỗi nhớ đã dịu đi, song vẫn còn đau lắm nên muốn đi làm để đỡ buồn".
Tuấn xin vào làm chân bồi bàn, chạy bài hát trong một quán karaoke cũng gần hồ Tây. Cậu làm ca tối từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm. Sáng thì theo chân anh chủ nhà trọ đi lắp đặt điện nước. Một ngày, cậu chỉ có 6 tiếng để vừa ăn, ngủ, tắm giặt.
"Trước thấy nó chơi mình cũng sợ, giờ nó đi làm mình cũng sợ. Sợ nó làm vất quá mà gục lúc nào cũng nên" - Nam, bạn cùng phòng với Tuấn thở dài chia sẻ.
Theo VNN