Không còn cảnh sinh viên ra trường thất nghiệp
TTO – Cả nước ta hằng năm trung bình có 400.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng chỉ có một số ít có việc làm. Vì vậy tôi kỳ vọng 20 năm tới, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), sẽ không còn cảnh cử nhân thất nghiệp.
Kỳ vọng
Khi ấy, đất nước chúng ta sẽ đào tạo ra nguồn lao động tốt có khả năng cạnh tranh cao với nguồn lao động trong khu vực và thế giới. Những tấm bằng sẽ không còn bị vứt vào một xó, những cử nhân tương lai sẽ không phải làm những công việc trái ngành nghề để trang trải cuộc sống.
Đồng thời, những điểm yếu của nguồn nhân lực Việt Nam như tiếng Anh, vi tính sẽ trở thành điểm mạnh giúp chúng ta hội nhập.
Không những vậy, tôi còn kỳ vọng vào một Việt Nam không còn tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Các ngành học đều được mọi người tôn trọng và đều có thể kiếm tiền nếu người lao động có năng lực.
Không còn tình trạng học sinh và phụ huynh chạy theo những ngành “hot” để rồi gây lãng phí khi số lượng lao động vượt quá nhu cầu tuyển dụng.
Đất nước chúng ta khi đó sẽ có những nguồn lao động đầy đam mê, sáng tạo tham gia các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đem khoa học ứng dụng vào ngành nông nghiệp, công nghiệp, sinh học… Sinh viên trong các ngành nghiên cứu khi ra trường sẽ có những đãi ngộ xứng đáng, qua đó thu hút thêm nhiều nhân tài theo đuổi lĩnh vực này.
Nhờ đó, số lượng bằng sáng chế của Việt Nam đăng ký với Tổ chức Thế giới về sở hữu trí tuệ (WIPO) sẽ ngày càng tăng, đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về công nghệ, khoa học – kỹ thuật.
Video đang HOT
Lúc ấy đất nước ta sẽ phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Giải pháp
Để tình trạng thất nghiệp không còn là nỗi ám ảnh đối với mỗi sinh viên cùng tấm bằng cử nhân trên tay, tôi thiết nghĩ cần phải mạnh dạn thực hiện tốt ba giải pháp mà trong ấy giải pháp mang tính tiên quyết nhất chính là thay đổi công tác đào tạo giáo dục đại học.
Thật khó cho sinh viên phát huy hết khả năng sáng tạo, niềm đam mê của mình khi đa số trường đại học hiện nay đào tạo mang nặng tính lý thuyết, thiếu thực hành.
Cách học vẫn mang nặng tính đọc chép, thiếu sự tranh luận tương tác giữa giảng viên và sinh viên cũng như giữa sinh viên với nhau.
Các trường đại học chỉ đào tạo chủ yếu kiến thức sách vở mà không chú trọng đào tạo những kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho sinh viên. Sinh viên không có nhiều cơ hội trải nghiệm, cọ xát với môi trường làm việc bên ngoài.
Không chỉ vậy, hầu hết trường đại học hiện nay đều yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Anh, thế nhưng nhiều sinh viên khi ra trường lại rất yếu hai kỹ năng nghe nói và không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Để thực hiện thành công giải pháp thiết yếu này, tôi nghĩ trước hết chúng ta nên thay đổi tư duy về giáo dục đại học. Các trường đại học cần phải siết chặt đầu ra.
Thay vì áp dụng chuẩn đầu ra là chứng chỉ TOEIC (chỉ có kỹ năng nghe-đọc) thì các trường nên yêu cầu chuẩn đầu ra là những chứng chỉ IELTS hay TOEFL iBT với cả bốn kỹ năng nghe – nói – đọc -viết.
Ngoài ra, ta cần thực hiện cách học mới: giảng viên không phải là người chuẩn bị toàn bộ giáo án tư liện cho sinh viên mà chỉ cần là người khuyến khích, khơi gợi sinh viên suy nghĩ về vấn đề theo cách riêng mình, khuyến khích kỹ năng làm việc nhóm tìm hiểu bài học để sinh viên rèn luyện tính tự giác, có ý thức về trách nhiệm cá nhân trong một tập thể.
Giải pháp thứ hai, tôi nghĩ Nhà nước nên có các chính sách đãi ngộ xứng đáng, công bằng cho các ngành nghề và thiết lập cơ chế định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh, giúp các em hiểu rõ bản thân mình muốn gì và có thể làm gì.
Ở nước ngoài, một người thợ lành nghề hay một giáo viên không cần dạy thêm mà vẫn có một mức lương đủ nuôi sống bản thân và gia đình họ. Trong khi ở Việt Nam ta thì không như vậy, phụ huynh đầu tư một số tiền lớn, ép các em học sinh học đại học, học ngành này, ngành kia cốt chỉ mong muốn sau này các em sẽ có tương lai xán lạn.
Khi một người “thợ” có mức thu nhập không quá chênh lệch với người “thầy”, khi một người học ngành sư phạm cũng có những đãi ngộ như những người học ngành quân đội thì học sinh sẽ không bị áp lực đại học đè nặng lên vai.
Có sự đối xử công bằng giữa các ngành khác nhau trong xã hội, các em học sinh có hiểu rõ năng lực sở thích của mình thì sẽ không còn chạy theo ngành “hot”, sẽ học những ngành nghề mình mong muốn, đam mê.
Như vậy, nguồn lao động giỏi trong các ngành sẽ có sự cân bằng, không còn xảy ra tình trạng ngành thì dư thừa, ngành thì thiếu lao động nữa.
Giải pháp cuối cùng cũng là giải pháp quan trọng nhất tôi nghĩ chính là thay đổi tư tưởng học đại học để lấy bằng cấp của bạn sinh viên nước ta. Tư tưởng này đã làm các bạn sinh viên thụ động, ỷ lại, học cốt yếu để lấy bằng loại giỏi. Có được tấm bằng loại giỏi không phải là không tốt, nhưng một doanh nghiệp không thuê cái bằng, họ thuê năng suất lao động của bạn để bạn làm ra tiền cho họ.
Các bạn sinh viên có quan tâm tới ngoại ngữ, kỹ năng mềm do nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp, nhưng những kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ mà các bạn đang sở hữu vẫn còn rất kém so với nhu cầu xã hội hiện đại, chưa thể cạnh tranh được với nguồn lao động chất lượng cao từ các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thiết nghĩ, các tổ chức xã hội cũng như các phương tiện truyền thông nên vận động, tuyên truyền thay đổi tư tưởng “học để lấy cái bằng” tồn tại trong sinh viên bao nhiêu lâu nay. Khi nào sinh viên thấu hiểu ý nghĩa thật sự của việc học rằng học để tích lũy kiến thức, kỹ năng để ứng dụng thực tế, vào đời sống thì khi đó ý thức học tập cũng như trình độ của sinh viên sẽ được nâng cao.
Hơn nữa, tự bản thân mỗi sinh viên phải thay đổi nên chủ động tìm hiểu kiến thức thay vì chỉ tiếp nhận từ giảng viên hay sách vở. Đặc biệt các bạn nên chú trọng vào kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ và kỹ năng viết CV.
Để tương lai thay đổi thì trước hết bản thân mỗi người phải thay đổi. Chúng ta không thể bắt đất nước xây dựng cái này, thay đổi cái kia trong khi chúng ta vẫn cứ mang tư tưởng và cách học cũ.
Có cải tiến mỗi cá nhân thì đất nước mới phát triển trở nên giàu mạnh và tốt đẹp hơn.
Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”
Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của Việt Nam, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người Việt Nam trong 20 năm tới.
Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15 tuổi đến 30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi). Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện 2 nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).
Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi. Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất. Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” trên Tuổi Trẻ Online.
Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút. Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).
Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo). Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ – 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi.
Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có: – 1 giải nhất: 25.000.000 đồng – 1 giải nhì: 15.000.000 đồng – 1 giải ba: 10.000.000 đồng – 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5-2015 đến 28-6-2015. Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.
Theo TTO