Không có tiền mua quà ngày 20/11, học sinh ra suối bắt cá bống, hái hoa ven đường tặng thầy cô
Không có tiền để mua quà cho thầy cô giáo, những em bé vùng cao đã thể hiện lòng biết ơn thầy cô của mình theo những cách đặc biệt như thế này.
Tối 18/11, trường THCS Đăk Rơ Ông tổ chức đêm văn nghệ mừngngày Nhà giáo Việt Nam với sự tham gia của hơn 300 học sinh và 30 giáo viên. Từng nhóm học sinh đã dành tặng thầy cô mình những bài hát ý nghĩa.
Kết thúc buổi văn nghệ, em A Chan len lén chạy đến ấn vào tay cô giáo chủ nhiệm một cái bì, kèm lời nói ‘cho cô nè’ rồi bỏ chạy. Khi về phòng mở ra, cô Thanh khá bất ngờ với món quà đặc biệt của học trò.
Học sinh tặng cô giáo nhân dịp 20/11 bằng cá bống bắt ở suối. Ảnh: Ngọc Oanh.
A Chan và các học sinh ở trường chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng, kinh tế gia đình khó khăn nên không có tiền mua hoa, quà đắt tiền như học sinh đồng bằng. Các em thường tặng những thứ có sẵn như rau, bí, hoa rừng để tặng thầy cô, nhân ngày Nhà giáo.
Sáng nay 20/11, nhiều học sinh trường THCS Đăk Rơ Ông đến lớp sớm hơn mọi khi, tranh thủ thời gian hái bông hoa dã quỳ, hoa giấy… mọc ở ven đường, gói ghém trong tờ giấy trắng. Một số em nữ còn xếp hoa giấy để làm quà.
‘Học trò ở đây không nói được những lời chúc hoa mỹ, chỉ cầm quà lên và lí nhí trong miệng ‘cho hoặc tặng thầy cô’. Nhận những món quà đó tôi và tất cả giáo viên đều cảm thấy hạnh phúc và thương các em hơn’, cô Thanh nói.
Học sinh trường THCS Đăk Rơ Ông hái hoa dã quỳ ven đường tặng thầy cô. Ảnh: Ngọc Oanh.
Không chỉ các em học sinh mà nhiều phụ huynh cũng thường xuyên tặng bí, tặng măng và rau rừng cho thầy cô giáo nhưng chỉ để trước cửa nhà sau đó về gọi điện xin lỗi vì không đưa tận tay được.
Thầy Trần Mạnh Thùy – Hiệu trưởng trường THCS Đăk Rơ Ông nhớ lại, 5h sáng 20/11 hai năm trước, ông đang ngủ trong nhà tập thể của trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Tu Mơ Rông, chợt nghe tiếng bước chân ngoài hiên. Ông mở cửa thì không thấy ai, trên nền gạch có ba quả bí xanh và hai bó rau.
‘Đến trưa, một ông bố gọi điện xin lỗi vì không tận tay tặng quà. Ông ấy nói không dám đánh thức tôi nên mới làm vậy’, thầy Thùy cho hay.
Thầy Thùy nhận bó hoa rừng học sinh tặng nhân ngày Nhà giáo.
Video đang HOT
Phía nhà trường và giáo viên cũng đã nhiều lần nhắn với phụ huynh và học sinh là không cần tặng quà, tặng hoa, nhưng đối với bà con ở đây món quà ấy là tình cảm, là chân thành và nếu không nhận họ nhất định không cầm về.
Vũ Linh (Tổng hợp)
Theo baodatviet
20/11 của 8 cô giáo trẻ đứng lớp không lương: Chỉ dám mơ có máy bơm nước
Cũng giống như những năm trước, 20/11 của các cô giáo trẻ tại Trường Mần non Hoa Pơ Lang (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G'Long) cũng đơn giản và lặng lẽ trôi qua.
Năm nay, dù không phải là giáo viên hợp đồng, các cô vẫn được phụ huynh tặng ... mấy bó rau rừng và một túi ổi lớn.
Sợ học trò thất học, 8 cô giáo trẻ của xã Quảng Sơn, huyện Đắk G'Long tình nguyện đứng lớp tại hai điểm trường của Trường Mầm non Hoa Pơ Lang.
Không lương, cũng không một đồng trợ cấp, các cô tình nguyện lên lớp, dạy trẻ nhiều tháng nay. Trong số 8 giáo viên này, người ít năm công tác nhất cũng là 4 năm, người đứng lớp lâu nhất kể từ ngày thành lập trường.
Bó hoa râm bụt và bịch đậu đỏ mà cô Dung được tặng 5 năm trước (ảnh giáo viên cung cấp)
Quà 20/11 là bó hoa râm bụt và túi ổi
Một ngày cách ngày 20/11, không khí tại điểm trường Hoa Pơ Lang vẫn vắng vẻ, tĩnh lặng như mọi ngày. Học sinh vẫn tự đến trường, tan học thì tự trở về nhà.
Bao năm nay, đối với các cô giáo ở đây, nhận sự chúc mừng của học trò và phụ huynh ngày Nhà giáo Việt Nam là một điều "xa xỉ".
Từng nhiều năm gắn bó với điểm trường này, cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên lớp chồi 3 tâm sự, xem trên tivi, facebook thấy đồng nghiệp ở các nơi nhận hoa của học trò mà các cô giáo ở đây cũng chạnh lòng.
Ở điểm trường, 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số, phụ huynh nhiều người chẳng biết ngày 20/11 là gì nên cũng chẳng chúc mừng. May mắn lắm mới có một số phụ huynh cũng xem tivi, mới biết về ngày Nhà giáo Việt Nam nên khi đến đón con, chúc cô mấy tiếng là các cô ấm lòng lắm rồi.
Ngày 20/11, mỗi cô được học trò tặng 1 cành hoa rừng
Cô Dung nói rồi kể về món quà duy nhất mà nữ giáo viên nhận được 5 năm nay. "Năm đó cũng là năm đầu tiên em được hợp đồng về trường.
Cả điểm trường chỉ có ba cô giáo, nhưng từ sáng sớm ngày 20/11, một phụ huynh đưa con đến trường, có cầm theo một bó hoa râm bụt và hơn 1kg đậu đỏ để tặng các cô.
Thú thực, đó là món quà đầu tiên và cũng là duy nhất mà em dám nhận từ phụ huynh kể từ ngày đi làm".
Nhận món quà chúc mừng đặc biệt của phụ huynh, cả ba cô giáo trẻ rơm rớm nước mắt, vừa tủi thân vừa thương phụ huynh và học sinh.
"Ngày nhà giáo cũng chỉ là một ngày, còn giáo dục là công việc cả năm, công việc suốt đời. Không chỉ vì một món quà vật chất mà quên đi vai trò, nhiệm vụ của mình...", cô giáo H'Ny chia sẻ.
"Chính vì món quà, tấm lòng của học trò, của phụ huynh mà chúng em bám trường đến bây giờ. Ở đây người dân đều khó khăn, chúng em cũng chẳng dám nhận quà gì lớn lao. Chỉ mong sao, các em biết và nhớ về ngày 20/11 đã là một niềm hạnh phúc rồi", cô Dung tâm sự.
Cũng giống cô Dung, 5 năm đi dạy, cô Ngô Thị Thanh chỉ dám nhận túi khoai, bó rau rừng của phụ huynh học sinh. Kể từ ngày lập gia đình, cô Thanh nhận thêm được lời chúc mừng và bó hoa của chồng.
Riêng ngày 20/11 năm nay, cô Thanh và mấy cô giáo khác đang tình nguyện đứng lớp được phụ huynh tặng cho một túi ổi lớn, để các cô liên hoan.
Cô Thanh thổ lộ, cuộc sống khó khăn đã có lần làm cô chùn bước. Nhưng đến bây giờ, nữ giáo viên tự hào rằng, ở trường, dù không phải là giáo viên chính thức nhưng các cô đều được học sinh tôn trọng, phụ huynh yêu quý. Bây giờ, nhiều em đã chuyển cấp nhưng vẫn khoanh tay chào hỏi khi gặp lại.
Năm nay, cô Dung và các cô giáo viên khác được tặng một túi ổi để tối liên hoan
Nữ giáo viên cho biết: "Sau lễ kỷ niệm do nhà trường tổ chức thì các cô lại về với cuộc sống hàng ngày, dành toàn bộ ngày 20/11 cho gia đình.
Nhiều khi cầm bó rau, ký đậu mà phụ huynh gửi tặng mà cảm giác trong lòng không thể gọi tên. Xót xa cho chính mình thì ít mà thương học trò thơ dại, cuộc sống khó khăn thì nhiều".
8 cô giáo và ước mơ một cái máy bơm
Trong lúc nói chuyện, một nữ giáo viên nghẹn giọng, nói như muốn khóc: "Mấy năm nay, chưa có một ai về thăm trường. Nhưng tháng trước, khi báo Dân trí có bài viết về chúng em, các anh trên huyện đã về thăm, động viên chúng em rất nhiều.
Cũng từ ngày báo Dân trí phản ánh, nhiều mạnh thường quân đã đến giúp đỡ học trò trong trường, giúp các em đồ chơi và nhiều quần áo, giày dép mới".
Điểm trường Hoa Pơ Lang nơi 8 cô giáo tình nguyện đứng lớp không lương
Tiếp lời cô giáo, một nữ giáo viên khác cũng nói như trút hết nỗi lòng: "Thú thực, đứng lớp ở đây khó khăn nhưng chúng em cũng không kể khổ gì, vì nếu nói ra thì mọi người lại bảo là than vãn, thương hại.
Chúng em đã chọn nghề giáo, đã quyết định dấn thân vào đây thì khổ mấy chúng em cũng phải chấp nhận. Bây giờ đối với bọn em, đứng lớp không phải là vì đồng tiền lương, mà vì trẻ em ở đây, các em phải được đến trường!".
3 tháng không lương, buộc các cô phải chắt bóp từng đồng trong sinh hoạt hàng ngày. Hơn một tháng nay, máy bơm nước hỏng, các cô phải đi dẫn nước suối về sử dụng. Cũng vì tiền lương không có, nên các cô cũng không dám bỏ ra mỗi người vài trăm ngàn để mua một cái máy bơm mới.
"Ngày nhà giáo cũng chỉ là một ngày, còn giáo dục là công việc cả năm, công việc suốt đời. Không chỉ vì một món quà vật chất mà quên đi vai trò, nhiệm vụ của mình.
Chúng em không dám kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi phụ huynh đóng tiền để mua máy bơm nên đành dùng tạm nước suối. Riêng nước để ăn uống thì mua nước bình về sử dụng", cô H'Ny vừa nói, vừa đấu nối ống nước, dẫn nước về bể chứa của điểm trường.
Hơn một tháng nay, máy bơm nước hỏng, các cô phải đi dẫn nước suối về sử dụng. Cũng vì tiền lương không có, nên các cô cũng không dám bỏ ra mỗi người vài trăm ngàn để mua một cái máy bơm mới.
Trước ngày 20/11, mấy cô giáo đang tá túc trong dãy nhà công vụ ngay bên trong điểm trường chẳng mong muốn gì lớn, các cô chỉ hy vọng học trò của mình sẽ tiếp tục được đến trường, phụ huynh tiếp tục tin tưởng và ban giám hiệu tiếp tục cho đứng lớp.
"Cả điểm trường chỉ ước sắm được cái máy bơm nước mới, để bơm nước, rửa ráy nhà vệ sinh cho các cháu, chứ lấy nước suối về cũng không sạch lắm.
Nếu ngày mai mà các cô có được nhà trường tặng quà, hay hỗ trợ tiền xăng xe, các cô thống nhất là sẽ lấy ra để sửa cái máy bơm. Trước mắt là dùng tạm đã anh ạ", một nữ giáo viên chia sẻ.
Dương Phong
Theo Dân trí
Món quà của Chủ tịch tỉnh: Nói chuyện về lòng biết ơn Nhiều học sinh Huế bật khóc khi được Chủ tịch UBND tỉnh mời chuyên gia cùng trò chuyện, nói về lòng biết ơn ông bà, cha mẹ Sáng 18/11, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đi cùng một chuyên gia tâm lý giáo dục đến thăm tập thể thầy cô giáo và học sinh Trường THPT chuyên Quốc...