Không có thí sinh dù kéo dài xét tuyển
Ngày 30.11 các trường ĐH-CĐ kết thúc thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung theo quy định của Bộ GD-ĐT. Đây là lần đầu tiên Bộ cho phép kéo dài thời gian xét tuyển.
Cạn nguồn thí sinh
Tính cho đến lúc này, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng chỉ tuyển được khoảng 60% so với chỉ tiêu. Nhưng số lượng này đa số nằm trong khoảng thời gian xét tuyển đợt 1, 2. Càng về sau này, lượng thí sinh (TS) càng vắng.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Quyền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, tính đến cuối đợt, trường chỉ xét tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu. Sau khi có quy định ưu tiên cho TS ở các khu vực khó khăn, đến nay, chỉ có TS rút hồ sơ chứ không có TS nộp vào. “Nguồn tuyển đã hết, kéo dài cũng không tuyển được TS, nhất là một trường khó khăn như chúng tôi. Hy vọng những TS ít ỏi sót lại sau khi không trúng tuyển các trường khác nộp đơn vào cũng rất thấp”.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng tại Trường ĐH Hồng Bàng – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Video đang HOT
Không chỉ các trường tại TP.HCM khó khăn, trường địa phương tại khu vực được ưu tiên tuyển sinh cũng không tuyển được nhiều TS. Chỉ có khoảng 100 TS thuộc diện ưu tiên xét tuyển vừa qua nộp đơn vào Trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An, cuối cùng trường chỉ tuyển được tổng cộng khoảng 60% chỉ tiêu. Con số này là 25 TS tại Trường ĐH Yersin (Đà Lạt), trong tổng số 200 TS mà trường xét tuyển được (chỉ tiêu của trường năm nay là 1.000). Các trường khác tại Đà Nẵng như CĐ Đông du chỉ tuyển được 30% so với chỉ tiêu, CĐ Đức Trí có 194 TS, CĐ Việt Tiến đạt 62%…
Nơm nớp lo xét tuyển
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, tuy Bộ GD-ĐT thông báo cho kéo dài xét tuyển đến 30.11 nhưng ngày 15.10 trường đã khai giảng. Việc xét tuyển kéo dài cũng không mang lại nhiều lợi ích. Một lý do là tâm lý người học không còn hứng thú nộp hồ sơ đi học nữa. Có trường đến ngày 30.11 là sinh viên đã qua gần hết học kỳ rồi, TS cũng không mặn mà nộp đơn vô. Có rất nhiều TS dù không trúng tuyển vẫn không nộp hồ sơ xét tuyển mà chờ năm sau thi lại.
Cán bộ tuyển sinh tại một trường ĐH ngoài công lập tuyển được ít TS cho biết, dù có kéo dài thời gian cũng không còn nhiều nguồn tuyển. Chưa kể, điều này tạo tâm lý bất ổn cho các trường vì cứ phải nơm nớp lo xét tuyển trong thời gian quá dài. Việc xử lý công việc cũng bị ảnh hưởng nhiều vì xét tuyển. Nhiều lớp học cho tân sinh viên phải đình trệ vì chờ xét tuyển xong mới bắt đầu.
Một số chuyên gia tuyển sinh cho rằng, việc xác định nguồn xét tuyển của Bộ GD-ĐT năm nay cần phải xem xét lại. Bộ xác định các trường sẽ còn nhiều chỉ tiêu để xét tuyển. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Hàng loạt trường tuyển không được TS. Thậm chí, có trường như ĐH Phan Châu Trinh, năm nay chỉ tuyển được khoảng 50 TS. Đến lúc áp dụng chính sách ưu tiên cho 3 khu vực Tây Nam bộ, Tây Bắc và Tây nguyên cũng không còn nguồn để các trường này tuyển nữa. Vì vậy, các ý kiến cho rằng Bộ cần phải xác định chính xác hơn về nguồn tuyển cho năm sau. Nếu làm được như vậy, không cần phải kéo dài xét tuyển.
Theo thanh niên
Giảng đường ế ẩm
Mùa tuyển sinh 2012 đã có nhiều cải tiến, song thực tế ở nhiều trường trong tình trạng khủng hoảng vì thiếu người học. Không ít trường phải ngậm ngùi đóng cửa ngành, có trường chỉ tuyển được chưa tới 30% tổng chỉ tiêu Bộ GD-ĐT giao. Ghi nhận ngày khóa sổ (30/11) nhận hồ sơ xét tuyển.
Chưa năm nào các trường tuyển sinh chật vật như năm nay. Dù Bộ GD-ĐT có nhiều điều chỉnh hướng đến tăng nhiều quyền lợi hơn cho thí sinh như khôi phục lại việc tuyển thẳng đối với thí sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kéo dài thời hạn xét tuyển đến 30/11, thí sinh có thể dùng phiếu điểm photocopy... Nhưng, thực tế diễn ra không như mong đợi.
Năm nay Trường ĐH Tân Tạo (Long An) chỉ có 37 thí sinh trúng tuyển trong khi tổng chỉ tiêu năm nay của trường là 500 chỉ tiêu. NGND - GS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Có lẽ do nguồn tuyển khan hiếm, đồng thời cách xét tuyển nhà trường cũng hơi khó (thí sinh phải cao hơn điểm sàn 4 điểm) nên thí sinh không đăng ký. Tuy nhiên, trường vẫn tổ chức đào tạo và miễn học phí cho 37 sinh viên vừa trúng tuyển".
Nhiều trường ĐH, CĐ tại TP.HCM cũng kết thúc tuyển sinh trong không khí ảm đạm. Trường ĐH Kinh tế Tài chính cho biết, chỉ tiêu của trường đến 1.000 (ĐH 650; CĐ 350) nhưng vỏn vẹn chỉ có 200 thí sinh trúng tuyển.
Trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định chỉ tuyển được 50% so với chỉ tiêu đặt ra là 650.
Riêng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nhiều trường dù được hưởng ưu ái và hạ điểm sàn của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn thiếu người học trầm trọng. Trường ĐH Tây Đô có đến 3.000 chỉ tiêu nhưng chưa tới 50% thí sinh trúng tuyển. Trường ĐH Cửu Long thiếu hơn 1.000 chỉ tiêu.
Tương tự như ĐH Bạc Liêu, ĐH An Giang, ĐH Đồng Tháp cũng tuyển chưa tới 70% mà Bộ giao. Không có thí sinh đăng ký, Trường ĐH Đồng Tháp đóng cửa bốn ngành học. Riêng ĐH Kinh tế Kỹ thuật Long An chỉ tiêu 1.300 chỉ mới tuyển được 300...
Khu vực Tây Nguyên cũng ảm đạm không kém. Trường ĐH Yersin năm nay chỉ tiêu 900 nhưng mới chỉ tuyển được 300. Trường đóng cửa 3 ngành gồm: Công nghệ sinh học, Môi trường, Du Lịch.
Tổng chỉ tiêu cần tuyển của ĐH Thái Nguyên là 14.310 nhưng đến ngày chốt sổ vẫn thiếu 2.500 chỉ tiêu. Trong đó, các ngành khối Kỹ thuật và Khối ngành Nông - Lâm - Ngư thiếu người học trầm trọng....
Theo Anh Thư (Vietnamnet)
Kéo dài xét tuyển: Bất hợp lý Đại diện nhiều trường cho rằng việc kéo dài thời gian xét tuyển ĐH, CĐ không có hiệu quả, nhiều trường vẫn phải đóng cửa nhiều ngành học vì không có sinh viên Từ khi áp dụng tuyển sinh theo "ba chung", năm nay là năm đầu tiên các trường được phép kéo dài thời hạn nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng...