Không có thêm ca Covid-19 mới trong ngày, VN kiên trì 5 nguyên tắc phòng dịch
Chiều 8/4, Bộ Y tế thông báo tin vui khi không có thêm ca mắc Covid-19 mới trong ngày. Việt Nam vẫn dừng ở con số 251 ca bệnh.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thống nhất phải kiên định với 5 nguyên tắc phòng dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Ngày 8/4 có thêm 4 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được công bố khỏi bệnh ở Việt Nam lên 126 ca, chiếm hơn 50% số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam.
Ngoài ra, còn 17 ca đã có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh, dự kiến vài ngày tới sẽ được công bố khỏi bệnh, chuyển về tuyến dưới theo dõi sức khỏe tiếp.
Ngày 8/4, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất phải kiên định 5 nguyên tắc đã được thực hiện ngay từ những ngày đầu thực hiện phòng chống dịch Covid-19: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi, chúng ta phải quyết liệt thực hiện, không được chủ quan, mất cảnh giác.
Đến giờ phút này, chúng ta đang kiểm soát dịch bệnh theo kịch bản dự báo và tới đây sẽ xuất hiện thêm các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả các ca này đều phải coi là ổ dịch tiềm năng (F0), cùng với việc xác định nguồn lây, quan trọng hơn là phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng các đối tượng F1, F2 và dập dịch.
Video đang HOT
Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương tăng cường thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” mở rộng đối tượng rà soát. Trước hết là người nước ngoài vào Việt Nam đang lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn chứ không chỉ ở các khu dân cư; cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; những người Việt Nam làm việc trực tiếp với người nước ngoài từ các ổ dịch; những người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tự do… Đối với người Việt Nam là những người từ nước ngoài về; những người đi đến hoặc đi qua vùng có ca nhiễm bệnh trong nước; những người có liên quan dịch tễ đến các ca bệnh; những người sống lang thang, liên quan đến tệ nạn xã hội.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức lại hệ thống trong bệnh viện, nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng. Bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.
Tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được coi là có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 (F1). Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì ê kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người nhiễm Covid-19. Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố kiểm tra nghiêm túc việc thực hiện tại các cơ sở y tế.
Trừ trường hợp bệnh nặng, cấp cứu, người dân cần liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn, đặt lịch hẹn khám trước… và thực hiện đầy đủ các quy định phòng bệnh của bệnh viện.
Ban Chỉ đạo cũng thống nhất nguyên tắc, phải tăng cường bảo vệ cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, không chỉ công an, y tế, quân đội mà cả thành viên Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tham gia phòng, chống dịch tại địa phương.
Ban Chỉ đạo trân trọng cảm ơn tất cả những người tình nguyện hiến máu, đặc biệt Bộ Công an đã huy động cán bộ, chiến sĩ hiến máu ủng hộ trong thời điểm khan hiếm máu. Ban Chỉ đạo kêu gọi các lực lượng khác, nhất là thanh niên, tình nguyện hiến máu để có đủ nguồn máu dự trữ cho công tác điều trị bệnh nhân.
Chưa thể khẳng định bệnh nhân 243 ủ bệnh 23 ngày
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết cơ quan chức năng đang điều tra nguồn lây Covid-19 của bệnh nhân 243. Hiện chưa đủ căn cứ kết luận bệnh nhân 243 lây nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai.
Trao đổi với Zing sáng 8/4, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết chưa đủ căn cứ kết luận bệnh nhân 243 lây nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai.
"Mình đang vào giai đoạn không xác định được ca ban đầu F0, chưa thể nói người này ủ bệnh hơn 14 ngày được. Hiện đã có sự lây lan trong cộng đồng rồi, nên chúng tôi cũng đang thực hiện các điều tra y tế với ca này, có thể đây là ca mắc mới", ông Phu nói.
Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết ca này đến Bạch Mai ngày 12/3 nhưng sau đó đã đi rất nhiều nơi đông người rồi mới phát hiện nhiễm Covid-19. Các đơn vị của Bộ Y tế đang tiến hành các điều tra về kháng thể, kháng nguyên đối với trường hợp này để xác định bệnh nhân này mắc mới hay không.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng chưa có cơ sở để nói bệnh nhân 243 ủ bệnh hơn 14 ngày. Ảnh: Việt Linh
"Có kháng nguyên tức là cơ thể đang nhiễm virus, còn có kháng thể là đã nhiễm virus lâu rồi. Ví dụ trên 3 ngày, trên 7 ngày nhiễm, số lượng kháng thể sẽ khác nhau. Từ đó ta xác định được số ngày bệnh nhân nhiễm virus. Còn nếu không tìm được kháng thể thì chứng tỏ người này mới nhiễm", vị tiến sĩ cho hay.
Ông Phu đề nghị các cơ quan truyền thông chưa nên quy nguồn lây nhiễm của bệnh nhân 243 cho Bệnh viện Bạch Mai và cũng không nên khẳng định bệnh nhân này đã ủ bệnh trên 14 ngày.
TS Trần Đắc Phu cho rằng biện pháp quan trọng nhất hiện nay là người dân tuân thủ triệt để các biện pháp giãn cách xã hội, không tụ tập đông người, đặc biệt là ở các khu vực cộng cộng.
Còn theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, các nước trên thế giới cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới chỉ công nhận thời gian ủ bệnh hiện nay là 14 ngày. Vì vậy, khả năng các trường hợp ủ bệnh lâu hơn là không cao. Và việc bệnh nhân 243 ủ bệnh 23 ngày chỉ là giả thiết và chưa thể xác thực.
"Người này có đi giao hoa và đi ra khỏi khu vực xã nên phải tiếp tục xác minh xem nguồn lây nhiễm ở đâu. Bệnh nhân này cũng là đối tượng không có triệu chứng, qua xét nghiệm sàng lọc mới phát hiện nhiễm Covid-19", ông Tuấn cho hay.
Để hạn chế các ca lây lan trong cộng đồng và phát hiện các trường hợp dương tính để cách ly, ông Tuấn cho rằng Hà Nội cần sàng lọc toàn bộ các đối tượng liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai.
Theo điều tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, khoảng 25.000 người từng ra, vào Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ ngày 10/3 đến nay. Thành phố đang tiến hành xét nghiệm sàng lọc toàn bộ các trường hợp này.
Bệnh nhân 243 - Q.Q.T. (47 tuổi, trú xóm Bảng, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, làm nghề nông). Bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3 và đến ngày 21/3 có biểu hiện đau mỏi người, ngấy sốt.
Từ ngày 12/3 đến 4/5, bệnh nhân T. đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Người này đã đi nhiều bệnh viện như Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Ngoài ra, người này còn đến các đám giỗ, đám cưới và đến nhà người thân, hàng xóm.
Đến sáng 8/4, trong số có 2 ca mắc mới Covid-19 có 1 người là hàng xóm đã tiếp xúc gần với bệnh nhân 243 ở Mê Linh, Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội đã ghi nhận 1 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính lần 1 liên quan đến bệnh nhân này.
Sơn Hà
Hà Nội chính thức cách ly y tế gần 11.000 dân thôn Hạ Lôi 28 ngày Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 huyện Mê Linh (Hà Nội) đã tổ chức họp thông qua quyết định về việc thiết lập vùng cách ly y tế đối với thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh; gần 11.000 người dân sẽ được cách ly y tế 28 ngày. Sáng 8/4, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 huyện Mê Linh (Hà Nội)...