Không có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, các trường chọn sách giáo khoa kiểu gì?
Việc tổ chức giảng dạy 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật trong Chương trình GDPT 2018 ở lớp 10, một số địa phương khó thực hiện vì chưa có giáo viên.
Theo ghi nhận của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam khi trao đổi với lãnh đạo của nhiều trường trung học phổ thông trên toàn quốc cho thấy, năm học tới đây khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10 sẽ gặp nhiều khó khăn trong bố trí giáo viên và chắc chắn xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ do có quá nhiều tổ hợp ở các môn tự chọn.
Các môn tự chọn thuộc 3 nhóm gồm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Tuy nhiên đội ngũ giáo viên 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật vẫn là nỗi băn khoăn lớn nhất của lãnh đạo các trường trung học phổ thông.
Ảnh minh họa: nguồn Báo Tuyên Quang
Trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng một trường Trung học phổ thông (đề nghị không nêu tên) tại Mê Linh, Hà Nội cho biết, cả hệ thống giáo dục trung học phổ thông trên toàn quốc cùng đổ xô thuê giáo viên thì thực sự không có nguồn cung nào đáp ứng nổi, thậm chí dẫn tới việc giáo viên 2 môn Mỹ thuật, Âm nhạc trở thành hợp đồng đắt hàng.
Mặt khác, các trường đào tạo sinh viên Âm nhạc, Mỹ thuật như Học viện Âm nhạc Quốc gia, Trường Đại học Mỹ thuật nếu muốn dạy trung học phổ thông thì phải có chứng chỉ sư phạm. Tuy nhiên đến nay nhà trường mới chuẩn bị thuê trong khi theo quy định cứ dạy học là phải có nghiệp vụ sư phạm, do đó làm sao giáo viên kịp học nghiệp vụ nhất là khi quỹ thời gian chuẩn bị cho năm học mới không còn nhiều.
“Đơn cử như các môn Lịch sử, Địa lý, Công nghệ… đã có trường đào tạo nhân lực từ lâu, tuy nhiên đến nay tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra dẫn tới việc không thuê được, vậy đối với 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật sẽ thuê như thế nào.
Các trường chưa có giáo viên thì cũng không biết chọn sách Âm nhạc, Mỹ thuật như thế nào, các thầy cô khác thì không có chuyên môn để đảm nhận nhiệm vụ này làm sao biết được sách nào hay”, vị Hiệu trưởng này cho biết.
Cùng vấn đề này cô Trần Thị Thủy – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Minh Khai (Quốc Oai, Hà Nội) nêu quan điểm, việc tổ chức dạy 2 môn học Âm nhạc, Mỹ thuật phụ thuộc vào điều kiện các trường về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhu cầu của học sinh…
Video đang HOT
“Nếu thuê hợp đồng trước mỗi môn 2 giáo viên mà khi vào năm học rất ít học sinh lựa chọn môn học thì giáo viên không có lớp dạy. Nhưng nếu thuê mỗi môn 1 giáo viên trước lại sợ các em đăng ký môn này đông thì không đủ giáo viên, lúc đó không biết lấy nguồn giáo viên ở đâu. Chưa kể, thời điểm này nhà trường đang tìm giáo viên để làm hợp hợp đồng nhưng vẫn chưa tìm được”, cô Thủy băn khoăn.
Theo cô Thủy không chỉ khó khăn trong khâu tìm kiếm giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật mà triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới có quá nhiều tổ hợp lựa chọn cho học sinh cũng là một thách thức lớn về đội ngũ giáo viên.
“Trước mắt nhà trường xây dựng kế hoạch đưa ra 5 tổ hợp để các em lựa chọn dựa trên tinh thần định hướng của nhà trường, còn làm đúng theo ý nghĩa của chương trình tính ra có hơn 100 tổ hợp thì rất khó”, cô Thủy chia sẻ.
Cùng tâm tư này, thầy Nguyễn Minh Châu – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quốc Oai (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, việc thuê được giáo viên hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào mức lương hợp đồng với giáo viên, nếu trả lương mức thấp quá người ta sẽ không dạy, trả lương cao thì nhà trường khó có khả năng đáp ứng.
Ghi nhận tại tỉnh Yên Bái, Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã chỉ đạo về các trường khảo sát học sinh lớp 12 các năm học trước trong việc lựa chọn tổ hợp thi xét tuyển đại học.
Kết quả khảo sát cho thấy đa số học sinh ở các trường lựa chọn tiếng Anh và tổ hợp Khoa học xã hội khoảng 70% còn 30% học sinh lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên, trong nhiều năm nay tỷ lệ này vẫn luôn giữ ổn định.
Do đó nhà trường chủ động cân đối được các môn học, tình trạng quá ít học sinh chọn môn hoặc quá nhiều học sinh chọn môn và thiếu thừa giáo viên sẽ không nghiêm trọng.
Về cơ bản là tương đối ổn định, tuy nhiên chưa có đội ngũ giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ Thuật do đó năm học tới toàn tỉnh chưa triển khai được 2 môn học này.
“Hiện nay, nhóm môn Công nghệ, Nghệ thuật chỉ triển khai được 2 môn Tin học, Công nghệ vì chưa có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật.
Bên cạnh đó phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, các tiêu chí như có bằng đại học, có nghiệp vụ sư phạm khiến nguồn giáo viên 2 môn này rất hạn chế. Qua nhiều cuộc hội thảo giữa Sở và các trường trung học phổ thông cho thấy chưa có nguồn giáo viên cho thuê”, vị Hiệu trưởng thông tin.
Trước mắt triển khai chương trình mới ở cấp trung học phổ thông năm học 2022 – 2023, nhiều trường thực hiện theo phương án định hướng học sinh lựa môn học nhằm đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất và tình hình nhân lực thực tế hiện có tại trường.
Lãnh đạo các trường trung học phổ thông kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm đưa ra giải pháp cụ thể để các trường kịp thời vận dụng, đảm bảo chất lượng dạy và học phù hợp với mục tiêu và định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặc biệt là 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật.
Khó tuyển giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học
Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được từng bước áp dụng cho các khối lớp ở các bậc học phổ thông.
Ngoài lớp 1-2-6 đang triển khai áp dụng, từ năm học 2022-2023 sắp tới sẽ áp dụng thêm ở các lớp 3-7-10 và đến năm học 2024-2025 sẽ được phủ kín chương trình ở tất cả các khối lớp.
Giáo viên Trường tiểu học Phan Bội Châu (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) trong giờ dạy học sinh trên lớp. Ảnh: Công Nghĩa
Việc áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành sư phạm, nhất là với những môn được tăng cường giảng dạy trong trường học như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học... Nhưng có một thực tế, từ khâu tuyển sinh đào tạo của các trường sư phạm đến tuyển dụng giáo viên sư phạm các ngành học nói trên ngày càng khó khăn.
* Khi ngành sư phạm kém hấp dẫn
Theo hiệu trưởng nhiều trường THPT, số lượng học sinh lớp 12 có ý định đăng ký xét tuyển và thi tuyển vào các ngành sư phạm ngày càng ít đi bởi sức hút của ngành này ngày càng giảm. Những học sinh khá giỏi thường có ý định đăng ký xét tuyển các ngành kinh tế, kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe để khi ra trường được "chào đón" ngay với mức lương khởi điểm từ trên 10 triệu đồng/người/tháng trở lên, thậm chí là vài chục triệu đồng nếu tốt nghiệp đại học loại giỏi và đáp ứng tốt các yêu cầu đi kèm. Còn với ngành sư phạm, những điều kiện hấp dẫn về tuyển dụng như trên thường ít xảy ra.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đầu vào trong tuyển sinh ngành sư phạm, trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã "siết" ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với tất cả các ngành. Từ nhiều năm nay, các trường đại học không còn tuyển sinh bậc trung cấp sư phạm, thí sinh muốn xét tuyển vào ngành sư phạm phải có học lực từ khá trở lên. Trong khí đó, đa phần học sinh nếu có học lực khá, giỏi thường không mấy "mặn mà" với ngành sư phạm dù học ngành này được nhà nước hỗ trợ học phí.
Những tác động bất lợi trong tuyển sinh đào tạo ngành sư phạm đã và đang đặt ngành GD-ĐT trước những khó khăn trong tuyển dụng về số lượng và chất lượng giáo viên phục vụ dạy và học, đặc biệt là những môn học mới lần đầu áp dụng vào các bậc học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới như: Tin học ở bậc tiểu học; Mỹ thuật - âm nhạc ở bậc THPT.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Nhơn Trạch) Nguyễn Văn Viên chia sẻ: "Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho học sinh lớp 10 năm học sắp tới, có 2 môn học tự chọn mới là Mỹ thuật và Âm nhạc nhưng nhà trường chưa có giáo viên hai môn này, việc tuyển dụng chắc chắn cũng không dễ".
Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết, nhiều năm nay, thành phố chưa thể chấm dứt tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học. Trong khi giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên Toán và Tiếng Anh (bậc THCS) khá thuận lợi trong tuyển dụng thì với giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, thậm chí những môn học như Lịch sử, Địa lý cũng không dễ tuyển dụng. Thực tế đến nay, nhiều trường trên địa bàn thành phố vẫn còn thiếu giáo viên ở những môn học này. Hầu như điều kiện tuyển dụng giáo viên đầu vào với các môn khó tuyển đều tương đối ưu ái, có hồ sơ là tạo thuận lợi nhưng thực tế số lượng hồ sơ đăng ký rất ít so với nhu cầu tuyển dụng thực tế hằng năm.
* Cần có chiến lược dài hạn
Trường đại học Đồng Nai từng được biết đến là "cái nôi" đào tạo ra lực lượng giáo viên hùng hậu ở hầu hết các bậc học từ mầm non đến THPT của tỉnh. Thế nhưng, trong xu thế hiện nay, nhiều ngành sư phạm do nhà trường đào tạo trước đây đã không còn được duy trì.
Theo lãnh đạo Trường đại học Đồng Nai, việc đào tạo của nhà trường phải bám sát với cung - cầu của xã hội. Người học có quyền lựa chọn ngành học ở nhiều góc độ khác nhau. Chẳng hạn người học phải thấy được học xong có tìm được việc làm hay không, thu nhập có hấp dẫn hay không. Hiện giáo viên mới ra trường, kể cả có trình độ đại học được phân công vào trường công lập công tác, hưởng lương nhà nước với mức khởi điểm rất thấp, thu nhập so với các ngành khác thì khó có thể nào bằng, dù cùng trình độ đào tạo đại học. Điều này sẽ khó thu hút người học ngành sư phạm và tuyển dụng, từ đó đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lực giáo viên và chất lượng dạy và học lâu dài.
Nhiều lãnh đạo các phòng GD-ĐT địa phương khá trăn trở, tới đây theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3 sẽ có môn Tin học, Tiếng Anh tăng cường thêm số tiết. Vấn đề việc bố trí giáo viên để tăng cường dạy 2 môn học này là bài toán khó.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại H.Xuân Lộc cho rằng: "Nếu tuyển dụng một giáo viên Tin học tốt nghiệp đại học về huyện miền núi công tác với mức lương nhà nước như hiện nay e là khó khả thi. Vì với chuyên môn Tin học ở trình độ đại học, người lao động dễ dàng tìm việc ở các doanh nghiệp với mức lương cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần lương giáo viên".
Từ năm học 2021-2022, khi môn nghệ thuật, gồm Mỹ thuật - Âm nhạc, được đưa vào giảng dạy ở các trường THPT, chắc chắn Đồng Nai có thể cần đến hàng trăm giáo viên những môn học này bổ sung cho các trường. Điều này sẽ tạo ra những áp lực trong việc làm tăng biên chế của ngành Giáo dục.
Ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: "Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng ở năm học 2022-2023 sắp tới ở lớp 3-7-10, áp lực không chỉ ngành Giáo dục Đồng Nai gặp phải mà còn là cả nước. Sở GD-ĐT đang tính toán, bố trí để có giáo viên dạy các môn học mới bằng nhiều hình thức như: xin thêm biên chế, tuyển dụng mới, hợp đồng... Về cơ bản, phải có kế hoạch rà soát lại nhu cầu thực tế để có kế hoạch phối hợp với Trường đại học Đồng Nai đào tạo. Việc này không thể giải quyết sớm trong thời gian ngắn được".
Chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên về số lượng và chất lượng
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh vào tháng 2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN VĂN PHÚC cho rằng, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ cần rà soát lại lực lượng giáo viên. Với tỉnh có số lượng cơ sở giáo dục phổ thông lớn, học sinh đông, Đồng Nai phải chuẩn bị số lượng và chất lượng giáo viên một cách đồng bộ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để có được số lượng và chất lượng.
Môn ít học sinh chọn khiến GV không dạy đủ số tiết/tuần, vậy trả lương thế nào? Mời giáo viên hợp đồng, có thể hiểu một giáo viên đó sẽ dạy nhiều trường cùng lúc, như vậy sẽ dẫn tới việc không ổn định về mặt tâm lí, kiến thức cho học sinh. "Chúng tôi từ nhiều năm nay đã tự xây dựng chương trình theo hướng đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, do đó nhà trường...