“Không có chuyện CSGT dẫn xe quá tải đi… trốn”
Theo Công an tỉnh Hòa Bình, hiện nay cả tỉnh chỉ có 1 máy cân tải trọng sử dụng trên 2 tuyến đường: QL6 và đường mòn Hồ Chí Minh. Cân được sử dụng luân chuyển mỗi tuần nên không thể xử lý triệt để xe quá tải.
Công an tỉnh Hoà Bình cho biết cơ quan này đã có báo cáo gửi Bộ Công an sau khi có thông tin “CSGT Hòa Bình dẫn xe quá tải chạy trốn”. Theo đó, Công an tỉnh Hòa Bình cho rằng, nhiều nội dung Tổng Cục đường bộ Việt Nam đánh giá về công tác kiểm tra xử lý xe quá tải trên quốc lộ 6 là không có cơ sở.
Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe tại trạm cân Tân Lạc (Ảnh chụp chiều 23/9)
Như đã đưa tin, mới đây Tổng Cục đường bộ Việt Nam có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về dấu hiệu tiêu cực trong xử lý xe ô tô quá tải trên quốc lộ 6 – Hòa Bình.
Tổng Cục đường bộ cho rằng, lực lượng chức năng của tỉnh Hòa Bình đã tích cực xử lý nhưng phối hợp chưa tốt, chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng xe quá tải lưu thông. Trạm TC038 đã không kiểm soát liên tục trên đường, không kiên quyết, để hàng trăm xe ồ ạt vượt trạm khi mưa, vào ban đêm,… Lực lượng chức năng tại Hòa Bình chưa có biện pháp hữu hiệu, bất lực trọng xử lý các xe đỗ hai phía của trạm.
Đặc biệt, Tổng Cục đường bộ cho rằng, khi tham gia chỉ đạo xử lý số xe đỗ ở hai phía của trạm, đoàn công tác phát hiện dấu hiệu một số cán bộ Cảnh sát giao thông Hòa Bình dẫn xe quá tải quay đầu chạy ngược về hướng Sơn La và vào những chỗ khuất để ẩn náu, tránh lực lượng chức năng.
Video đang HOT
“Không có chuyện dẫn xe trốn”
Tuy nhiên tại buổi làm việc với chúng tôi ngày 23/9, Đại tá Bùi Xuân Diệu (Trưởng Phòng CSGT Hòa Bình) khẳng định không có chuyện này.
Ông Diệu cho hay, hiện nay, cả tỉnh Hòa Bình chỉ có 1 máy kiểm tra tải trọng, luân chuyển sử dụng trên 2 tuyến đường; QL6 và đường mòn Hồ Chí Minh. Chiều 15/9, theo kế hoạch, tổ kiểm tra chuyển máy móc từ QL6 về đường Hồ Chí Minh. Lịch này công khai nên chủ hàng và lái xe vẫn có thể nắm bắt được. Biết trước nên xe quá tải đã chạy theo QL6. Thậm chí các xe đã tập kết từ trước, chỉ chờ lực lượng chức năng rút đi là xe chạy qua. Tuy nhiên, hôm đó, lực lượng chức năng phát hiện nên đã lên kế hoạch ngăn chặn.
Công an tỉnh huy động cả CSCĐ, cảnh sát trật tự, công an huyện phối hợp vận động, nhắc nhở những lái xe đang dừng đỗ. Vậy nhưng nhiều lái xe khóa xe lại bỏ đi đâu mất. Đây cũng là thời điểm đoàn kiểm tra liên ngành của Tổng Cục đường bộ về làm việc.
Đến khi thấy lực lượng càng đông, nhiều xe quay đầu. Phòng CSGT yêu cầu lực lượng truy đuổi, chặn lại. Các lái xe đã thương lượng với một số cơ sở trên đường vào ẩn nấp, gửi xe 20.000 đồng/đêm.
Theo ông Diệu, thực chất, CSGT đã vào tận nơi vận động 14 xe quay về trạm cân đề thực hiện đúng thủ tục kiểm tra tải trọng. Việc này bị hiểu là CSGT Hòa Bình dẫn xe tải trọng đi ẩn nấp.
“Không có chuyện CSGT dẫn đường cho xe tải chạy trốn” – Đại tá Diệu khẳng định.
Lực lượng chức năng yêu cầu tài xế đưa xe về trạm cân, đêm 15/9 tại Hòa Bình (Ảnh: Báo Giao thông vận tải)
Cũng theo ông Diệu, việc thay lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm cân Tân Lạc là đã theo kế hoạch từ trước, vào chiều 16/9. Đây là việc tránh mệt mỏi cho CSGT và cũng để phòng ngừa tiêu cực.
Ông Diệu cũng khẳng định rằng, CSGT tỉnh Hòa Bình vẫn phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát tải trọng chứ không yếu kém như báo cáo của Tổng Cục đường bộ.
“Không có chuyện kiểm soát tải trọng không hiệu quả.” – Ông Diệu nói.
Cân tải trọng phụ thuộc thời tiết
Ông Diệu cho biết, việc kiểm soát tải trọng mới được thực hiện không lâu. Nhiều doanh nghiệp chưa quen nên sinh ra đối phó. Nhưng lực lượng chức năng tại Hòa Bình vẫn cương quyết xử lý. Liên quan đến phản ánh về “cò” ở trạm cân, lực lượng chức năng đã từng triệu tập, giáo dục một số đối tượng có nghi vấn.
Phòng CSGT Hòa Bình cũng phủ nhận thông tin mà Tổng Cục đường bộ VN cho rằng, hàng ngày có hơn 1.000 xe chạy qua QL6. Mặt khác, người đứng đầu lực lượng CSGT tại Hòa Bình cũng bác bỏ thông tin cho rằng lực lượng chức năng Hòa Bình làm việc không đủ giờ và để lọt xe quá tải.
Ông Diệu khẳng định, lực lượng chức năng trực kiểm soát 24/24. Tuy nhiên việc kiểm soát không thể triệt để vì không thể bố trí máy móc thường xuyên cùng lúc trên 2 tuyến đường. Theo kế hoạch lực lượng chức năng kiểm tra một tuần ở QL6, rồi lại chuyển sang một tuần ở đường Hồ Chí Minh. Như vậy, thời gian máy bị dời đi thì lực lượng chức năng không kiểm tra được.
Đại tá Diệu còn cho hay, cân tải trọng hoạt động phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. “Vừa qua trời mưa thường xuyên. Cân rất dễ bị đơ. Mưa ngập là cân không hoạt động được”, ông Diệu nói.
Trong báo cáo gửi Bộ Công an, Công an tỉnh Hòa Bình cũng cho biết, địa điểm đặt trạm cân là trung tâm thị trấn Mường, phương tiện tham gia giao thông lớn. Lực lượng làm nhiệm vụ và máy móc lại thiếu.
Cơ quan này thừa nhận, một số cán bộ chiến sĩ còn ngại khó, ngại khổ, chưa “tận tuỵ” với công việc. Sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn chưa thực sự đồng bộ và thống nhất.
Theo Khampha