Không có chuyện ‘canh gà Thọ xương’ là món ăn
Cư dân mạng bán tín bán nghi trước một số bằng chứng chứng minh “canh gà” trong cụm từ “ canh gà Thọ Xương” ở văn bản gốc là từ để chỉ món ăn. Tuy nhiên sự thật đã hiển hiện khi Viện Nghiên cứu Hán Nôm đưa ra bản thảo đúng.
PGS TS Trịnh Khắc Mạnh (phải) và một nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang xem lại trước tác của Dương Khuê.
Trò đùa thời Internet
Những ngày qua trên các trang mạng ồn ào chuyện truy tìm nguồn gốc khái niệm “canh gà” trong câu thơ “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương” (được sách giáo khoa xếp vào thể loại ca dao).
Câu chuyện bắt đầu từ sự kiện một giáo viên môn văn ở Hà Nội không sửa lỗi trong bài làm của học sinh lớp 7 khi các em diễn giải “canh gà Thọ Xương” trong bài ca dao được gọi tên Gió đưa cành trúc la đà là món ăn đặc sản.
Để bênh vực cô giáo trên, một số cư dân mạng cho rằng người ta hoàn toàn có thể hiểu “canh gà Thọ Xương” là một món ăn gắn với địa danh Thọ Xương. Một cư dân mạng còn kể chuyện được thầy giáo cũ cho xem bút tích của nhà văn Vũ Bằng, trong đó có hai câu “Tương Bần, cà Láng, dưa La. Cá rô Đầm Sét, canh gà Thọ Xương”.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, có một bài tục ngữ tương tự nói về các món ngon có nội dung tương tự nhưng tuyệt nhiên không có cụm từ “canh gà Thọ Xương”, đó là “Dưa La, cà Láng. Nem Báng, tương Bần. Nước mắm Vạn Vân. Cá rô Đầm Sét”.
Kỳ công hơn, một cư dân mạng khác (tạm gọi là nick Đ.) đưa lên mạng xã hội một dẫn chứng đầy thuyết phục với những trích dẫn có địa chỉ xác thực.
Theo nick Đ., nguyên bản cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi Tập hiện đang lưu trữ tại thư Viện nghiên cứu Hán Nôm có một bài thơ chữ Hán mà nghĩa gần giống với bài thơ Hà Nội tứ cảnh của danh sĩ Dương Khuê.
Bài thơ có tên Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương). Dịch nghĩa: Gió lay trúc phất phơ, chuông Trấn Vũ xa thẳm, quán Thọ Xương nhiều ông bạn cũ, đều đến mua canh gà hầm. Khói sương vây bủa mặt nước hồ Tây, nhịp chày kinh động làng Yên Thái, cảnh đẹp này của Hà Thành, khiến khách nhớ nhung nhất.
Các bài viết trên nhanh chóng được lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt, được nhiều diễn đàn bàn tán rôm rả.
Canh gà là canh gà nào
PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Hán Nôm, khẳng định ông không tìm thấy bất kỳ một bài thơ nào có nội dung như trên trong các tác phẩm của Dương Khuê được lưu trữ tại Viện.
Video đang HOT
Trang có bài thơ Hà Nội tứ cảnh.
Ông Mạnh nói: “Chiều 17-10, khi được hỏi, tôi đã tìm trong cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi Tập nhưng chưa thấy bài thơ nào như trên. Tôi tiếp tục tìm lại vẫn không thấy. Tìm ở một cuốn khác, Vân Trì thi thảo (mang ký hiệu VHv. 2482) thì thấy một bài thơ tiêu đề Hà Nội tứ cảnh với 4 câu thơ chữ Nôm:”Phất phơ ngọn trúc trăng tà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Tiếng chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”.
Theo bản chép bài thơ này, chữ “canh” trong câu “canh gà Thọ Xương” là chữ biểu đạt tiếng gà báo canh, trong khi đó chữ canh mới là chữ biểu đạt của bát canh, món canh”.
Chia sẻ về hàm ý của khái niệm “canh gà” trong câu thơ “Tiếng chuông Trấn Vũ,canh gà Thọ Xương”, các nhà nghiên cứu cây đa cây đề trong giới nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam cũng khẳng định, không thể có chuyện “canh gà” là món súp gà.
PGS Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Hoành Khung nhận xét: “Tôi chưa bao giờ hiểu “canh gà” trong bài thơ trên là khái niệm chỉ thực phẩm, dù vài ba năm nay có nghe ai đó đâu đó hiểu theo cách này. Việc truy tìm đến tận cùng của một văn bản hay lật lại vấn đề “canh gà” có phải là món canh gà cũng là cái hay mà các nhà nghiên cứu có thể làm, nhưng dẫu họ có tìm thấy cái gì đó chứng tỏ cụ Dương Khuê nói đến món “canh gà” thì điều đó cũng không thật sự ảnh hưởng lắm tới cách hiểu thông thường. Trong văn chương, cách hiểu chung về một văn bản chưa chắc đã là sai dù xuất xứ của nó có thể khác. Có rất nhiều sự thật văn học khác xa với cái mọi người vẫn biết, tìm hiểu để đi đến cùng cũng là cái hay”.
Theo Tiền Phong
Dân mạng truy gốc 'canh gà Thọ Xương'
Vượt qua vụ việc đơn lẻ liên quan đến một cô giáo dạy văn, nguồn gốc và ý nghĩa của "canh gà Thọ Xương" đang tạo nên những làn sóng tranh luận khá sôi nổi trên mạng để làm rõ vấn đề.
Vụ việc một cô giáo ở Hà Nội, vì liên quan đến việc giải nghĩa cụm từ "canh gàThọ Xương" là một món ăn trong bài làm văn của học sinh, đã phải nhập viện, viết đơn xin nghỉ việc đang gây xôn xao dư luận mạng những ngày qua.
Bài viết này sẽ không bàn đến vụ việc cô giáo ở trên, mà tập trung vào những thông tin về nguồn gốc và ý nghĩa của câu thơ có nhắc đến "canh gàThọ Xương".
Bài văn liên quan đến "canh gà Thọ Xương".
Tìm thấy câu thơ "canh gàThọ Xương" trong gia phả họ Dương
"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà
Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ".
Những câu thơ trên đã làm dậy sóng dư luận thời gian gần đây.
Lâu nay, đoạn thơ đó vẫn được nhắc đến trong nhiều bài giảng văn cho học sinh và gần như chưa có văn bản chính thức nào đề cập việc ai là tác giả, nhiều người vẫn cho rằng đó là một bài ca dao, một tác phẩm dân gian.
Tuy nhiên, khi vụ việc cô giáo liên quan đến "canh gàThọ Xương" được báo chí phản ánh, xuất hiện thông tin cho rằng đoạn thơ trên không phải là tác phẩm dân gian mà là một sáng tác bằng chữ Nôm của Dương Khuê (1839 - 1902). Dương Khuê là bạn tri kỷ của Nguyễn Khuyến.
Môt quán rượu ở Hô Tây có món canh gà, được đặt nghi vân (hoặc gán ghép) có liên quan tới "canh gà Thọ Xương"? Nguôn ảnh: Trang cá nhân của Phan Quang Minh.
Trên blog cá nhân, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cán bộ Viện Hán - Nôm, đã có bài viết nói về nguồn gốc của những câu thơ trên.
Theo đó, đến thời điểm này, sau nhiều năm nghiên cứu về thi văn của các tác gia họ Dương ở Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Tây cũ), các nhà chuyên môn chưa từng gặp một văn bản Hán Nôm nào chép bài thơ trên.
Ông Diện đưa thông tin, trong tài liệu "Dương Gia phả ký" gồm 122 trang, viết bằng chữ quốc ngữ trên giấy tây, do Dương Thiệu Cương lập vào cuối mùa hạ năm Quý Sửu (1973) và được Dã Lan Nguyễn Đức Dụ in ấn, ngoài việc chép về thế thứ gia tộc họ Dương còn chép khá nhiều thơ văn, đối liễn của các tác gia họ Dương.
Trong tài liệu "Dương Gia phả ký" trên, các tác giả đã tìm thấy từ trang 106 có chép "thi ca của Cụ Dương Khuê, tức cụ Nghè Vân Đình, biệt hiệu Vân Trì". Cũng ngay trang 106 này, ở bài thứ hai, là bài "Hà Thành tức cảnh", gồm 4 câu thơ:
" Phất phơ cành trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn - Võ, canh gà Thọ - Xương.
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương,
Dịp chày An - Thái, mặt gương Tây - Hồ".
Như vậy, dù không ăn khớp 100% về câu chữ nhưng qua so sánh có thể nhận định bài thơ "Hà Thành tức cảnh" của Dương Khuê và đoạn thơ lưu truyền phổ biến hiện nay là một. Trong quá trình lưu truyền theo thời gian, đã hình thành những dị bản so với nguyên gốc của tác giả Dương Khuê.
Ảnh chụp văn bản có bài thơ "Hà Thành tức cảnh" của tác giả Dương Khuê, in trong "Dương Gia phả ký". Nguồn ảnh: Blog Tễu.
Món "canh gàThọ Xương" có thật?
Bên cạnh việc tìm hiểu nguồn gốc những câu thơ trên, nội dung được nhiều cư dân mạng tranh luận và bỏ công tìm hiểu là liệu có tồn tại món ăn mang tên "canh gàThọ Xương" hay không?
Theo cách hiểu phổ biến từ trước đến nay, vốn được rất nhiều người công nhận và xét trong ngữ cảnh cả đoạn thơ, thì "canh gàThọ Xương" chỉ tiếng gà gáy báo thời gian vọng lại từ khu vực huyện Thọ Xương (ngoại thành Thăng Long).
Do từ trước đến nay, các yếu tố về nguồn gốc, ý nghĩa nội dung của đoạn thơ có nhắc đến "canh gàThọ Xương" vẫn còn chưa rõ ràng nên việc xác định chủ yếu dựa vào những ghi chép của các thế hệ đi trước.
Trong cuốn sách "Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội" của Hoàng Đạo Thúy (in bởi Hội văn nghệ Hà Nội năm 1969, tái bản nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội) năm 2010 có ghi chép khung cảnh Hà Nội: "Những buổi sớm tinh sương mùa đông, khách dạn sương đi trên đường Thanh Niên không thấy trời, không nhìn rõ mặt nước, trên đầu cành lá rũ nặng giọt, bên trái lung linh ánh trăng úa hạ huyền lúc ấy lòng lâng lâng, không ngâm mà cũng như ngâm câu thơ cổ: Phất phơ ngọn trúc trăng tà... Gà xóm bên hồ đã gáy, chuông hồi đã đổ dồn, đồng bào Bưởi đã dậy giã dó từ lâu. Mặt trời mới hé trên đê Yên Phụ mở ra một tấm gương phẳng lặng rắc phấn hồng".
"Đoạn mô tả trên của Hoàng Đạo Thúy trùng khớp với khung cảnh trong bài thơ của Dương Khuê. Và rõ ràng, "canh gà" ở đây không thể là một món ăn, mà là tiếng gà gáy báo thời gian", Blog Người hiếu cổ nhận định.
Tuy nhiên, bên cạnh cách cắt nghĩa vốn được nhiều người đồng tình và sử dụng, đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng có căn cứ để hiểu "canh gàThọ Xương" thực sự là một món ăn. Thành viên Lê Quang đưa thông tin trên Facebook cá nhân: Một cụ đồ hơn 95 tuổi đã cho biết "cái canh gà trong câu ca dao mà anh vừa nhắc tới, nó chính là nước luộc gà rồi ném vào mấy sợi bánh đa, thêm ít hành xanh và mùi. Đơn giản thế thôi, vậy mà cả vùng ven Hồ Tây này không ai nấu giỏi như mấy quán ởThọ Xương, người ta đồn rằng dân Thọ Xương luộc sâm cầm nhưng không dám lộ ra vì đó là quà tiến vua".
Thông tin này đã được nhiều cư dân mạng trích dẫn lại và chia sẻ trên các mạng xã hội, trang cá nhân.Tuy nhiên, không lâu sau đó, thành viên Lê Quang, cũng qua tài khoản Facebook của mình, đã thừa nhận những thông tin trên "chỉ là đùa". Mặc dù vậy, một số người cho rằng "canh gàThọ Xương" là một món ăn tiếp tục viện dẫn các căn cứ để bảo vệ quan điểm của mình.
Đó là thông tin "trong một văn bản được cho là cuốn vở mà nhà văn Vũ Bằng đích thân ghi nháp cho bút ký ẩm thực "Miếng ngon Hà Nội" nổi tiếng có viết:
" Tương Bần, cà Láng, dưa La,
Cá rô đầm Sét, canh gàThọ Xương".
"Canh gàThọ Xương" được nhắc đến trong ghi chép "được cho là" của Vũ Bằng trên là một món ăn, bên cạnh các món ăn nổi tiếng khác như tương Bần, cà Láng, cá rô Đầm Sét...Một số người cũng trao đổi với nhau thông tin cho rằng, đoạn thơ trên còn được ghi trong sách "Vân Đình Tiến Sĩ Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh" đang lưu trữ tại thư viện Viện Hán Nôm.
Theo đó, bài thơ viết bằng chữ Nôm và nguyên văn viết chữ "Canh" theo nghĩa là "bát canh, món canh", chứ không phải chữ "Canh" theo nghĩa là "canh khuya, canh chầy".
Như vậy, đang tồn tại những thông tin trái chiều về nguồn gốc và ý nghĩa của "canh gà Thọ Xương". Thông tin chính xác nhất về vấn đề này vân cần kết luận chính xác của các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, văn học, Hán - Nôm và các chuyên môn liên quan.
Theo Đất Việt
Lượm lặt chuyện vui của giáo viên dạy văn Dạy Văn vốn không dễ, sự cụ thể hóa đôi khi gây phản cảm. Có cô giáo giảng "Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần" thì giáo án phác lên bảng hình ảnh cặp đỏ chót đầy gợi cảm. Đó là những chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Hóa, người có 40 năm kinh nghiệm trong nghề dạy Văn ở Hà...