Không có bộ đề minh họa: Có ảnh hưởng tới việc ôn tập thi tốt nghiệp?
Đó là câu hỏi cũng là vấn đề rất được nhiều học sinh và giáo viên quan tâm khi năm nay theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ không xây dựng và công bố đề minh họa vì việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ giữ ổn định về cơ bản như năm 2019.
Thí sinh dự thi THPT 2019 tại điểm thi THPT Phạm Ngũ Lão, huyện Ân Thi, Hưng Yên
Trong khi vào thời điểm này năm ngoái, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT đã công bố bộ đề thi minh họa các môn thi để giáo viên và học sinh có thể tham khảo.
Bên lo lắng, bên “hoan nghênh”
Thông tin Bộ không xây dựng đề thi minh họa như các năm trước đã nhận được nhiều ý kiến lo ngại thậm chí hoang mang từ giáo viên, học sinh và phụ huynh. Nhiều người lo lắng tới chất lượng và hiệu quả của việc ôn thi tốt nghiệp khi không có bộ đề mẫu. Một học sinh trường THPT Phúc Lợi (Long Biên- Hà Nội) chia sẻ, các năm trước khi có đề minh họa thì thí sinh sẽ biết cấu trúc đề thi, mức độ khó dễ của từng câu để định hướng cách làm bài, phân bố thời gian làm bài thích hợp, từ đó có kế hoạch ôn thi theo từng nhóm kiến thức dựa vào cấu trúc đề thi.
Năm nay không có bộ đề mẫu, học sinh của trường lo ngại việc ôn tập bị xáo trộn và khoảng kiến thức ôn tập phải mở rộng, dàn trải. Nhiều giáo viên nhất là giáo viên bộ môn cũng có chung nỗi lo với học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Thu H, giáo viên trường THPT Phúc Lợi cho rằng, khi ôn thi không có những cơ sở định hướng cụ thể thì sẽ gây ra những áp lực nhất định đối với cả giáo viên và học sinh. Đặc biệt, với một số môn học có chương trình lớp 11 và lớp 12 tương đối độc lập với khối kiến thức rất rộng thì việc định hướng cấu trúc đề thi, nội dung khoanh vùng kiến thức càng cần thiết đối với việc ôn tập.
Thế nhưng nhiều giáo viên và học sinh lại có quan điểm khác. Họ cho rằng không có đề thi minh họa cũng không ảnh hưởng lớn tới quá trình ôn thi tốt nghiệp của học sinh. Nếu học sinh muốn có kết quả tốt phải chủ động có kế hoạch ôn tập ngay từ đầu cấp học chứ không phải dựa vào khoanh vùng kiến thức để ôn tập. Như môn Anh văn chẳng hạn, học sinh sẽ phải ôn lại tất cả kiến thức từ lớp 10-12. Một hiệu trưởng trường THPT tại quận Thanh Xuân- Hà Nội khẳng định, không phải đợi có đề thi minh họa thì trường mới có kế hoạch ôn thi mà trong năm, nhà trường đã phải thiết kế thời lượng học tập phù hợp với chương trình và chuẩn kĩ năng kiến thức để chuẩn bị kì thi THPT quốc gia sắp tới.
PGS Trần Tuấn N, một cán bộ quản lý giáo dục lâu năm cho rằng, từ vài năm nay việc Bộ GD&ĐT xây dựng và công bố bộ đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia đã tạo thói quen chờ đợi mẫu đề cho việc ôn tập và khi không có bộ đề mẫu thì nhiều người có tâm lý lo lắng. Đó là một sự ỷ lại và cũng là mầm mống của việc học tủ cần loại bỏ. Cũng theo vị cán bộ này, học sinh thay vì chờ đợi đánh giá, dự đoán mức độ dễ và khó của đề thi, vùng kiến thức của đề thi thì hãy chủ động có kế hoạch ôn tập tổng thể, ôn tập sâu theo mục tiêu đã định.
Cứ tham khảo bộ đề những năm trước
Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, thí sinh và các nhà trường có thể tham khảo đề thi chính thức và đề minh họa của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 để nhận biết cách thức ra đề của năm 2020 và có hướng ôn thi phù hợp. Lãnh đạo nhiều trường THPT cho hay, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, ngay từ đầu năm học, trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập nhiều vòng cho học sinh. Theo đó, thầy và trò sẽ bám đề thi năm trước để ôn tập…
Theo cách hiểu của học sinh và giáo viên, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn có 5 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Trong số này, chỉ có môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại vẫn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, kể cả với môn Toán dù đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh hình thức thi môn này. Và Bộ GD&ĐT vẫn chủ trì, chỉ đạo các trường ĐH chấm bài thi trắc nghiệm của thí sinh, việc chấm bài thi tự luận vẫn do các sở GD&ĐT đảm nhận. Với những khó khăn có thể phát sinh từ việc không có bộ đề thi minh họa, nhiều giáo viên cho rằng, nếu năm nay Bộ không ra đề minh họa thì cũng cần thông tin rõ định hướng, cấu trúc đề thi để giáo viên, học sinh biết cần dựa vào đề nào để ôn tập. Ngoài ra, học sinh còn lo lắng liệu năm nay có thi vào kiến thức lớp 11 hay không vì đa số đề các môn năm trước có 90% kiến thức lớp 12, 10% lớp 11, còn đề thi Ngữ văn năm trước nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12.
Đại diện một nhóm phụ huynh có con thi tốt nghiệp THPT năm nay đề đạt nguyện vọng, để chuyện thi cử không còn là chuyện đánh đố, “bắt bí” học sinh, việc ra đề thi và những chuyện xung quanh việc ra đề như bộ đề minh họa cần được Bộ GD&ĐT tiến hành với tính chuyên nghiệp cao, chất lượng cao…và không nên xáo trộn nhằm giảm thiểu những phiền phức, những phương hại không đáng có, đối với các thí sinh tham gia kỳ thi PTTH năm nay và cả những năm sau này.
QUỐC HÙNG
Theo baovanhoa
Thi học kỳ căng như tốt nghiệp
Chỉ là một đợt kiểm tra thường kỳ trong năm học nhưng nhiều trường ở Hà Nội và TP.HCM "biến" nó thành một kỳ thi như thi THPT quốc gia, gây áp lực nặng nề cho học sinh, phụ huynh.
Video đang HOT
Học sinh một trường ở TP.HCM tranh thủ ôn bài trước khi đến trường thi học kỳ - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thời điểm này, học sinh các trường tiểu học, THCS và THPT ở TP.HCM, Hà Nội đang trong giai đoạn kiểm tra học kỳ 1 năm học 2019-2020.
"Chương trình học quá nặng khiến con tôi phải học bài đến 12h khuya vẫn chưa xong vì lượng bài học, bài tập quá nhiều. Tôi đã phải thuê gia sư đến nhà giúp con học mỗi ngày.
Chị L. (một phụ huynh có con học lớp 8 ở TP.HCM)
"Choáng" với đề cương
"Tôi rất choáng khi nhìn thấy đề cương ôn tập của con gái. Môn nào các thầy cô cũng soạn đề cương cho học sinh. Này nhé: môn tiếng Anh đề cương gồm 24 trang giấy A4, môn toán có 15 đề thi khác nhau mà học sinh phải giải hết; môn văn có 16 trang A4... Thậm chí, đến môn GDCD, công nghệ cũng có đề cương" - chị L. (phụ huynh học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) than.
Tương tự, chị T. (phụ huynh học sinh lớp 9 Trường THCS Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) kể: "Mấy tuần nay con tôi như "bơi" trong đống đề cương ôn tập. Tôi không hiểu một đợt kiểm tra cuối học kỳ thôi mà tại sao lại phải có đề cương, gây nặng nề thêm cho học sinh như vậy? Bởi trong suốt một học kỳ, các học sinh đã phải làm rất nhiều những bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết rồi mà".
Ở Hà Nội, tình trạng cũng tương tự, hầu hết các trường phổ thông ở Hà Nội đều áp dụng hình thức kiểm tra học kỳ không hề nhẹ nhàng. Đặc biệt là các lớp cuối cấp tiểu học, các lớp thuộc bậc THCS, THPT. Một số trường tiểu học áp dụng đề thi do ban giám hiệu trường duyệt, nhưng cũng tổ chức "coi thi, chấm thi chéo". Có nghĩa các giáo viên chủ nhiệm không được coi thi, chấm thi học sinh lớp mình để tránh tình trạng thiên vị.
Trong nhiều năm qua Bộ GD-ĐT đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học theo hướng "tăng nhận xét, không cho điểm quá trình", thay vào đó chỉ có điểm cuối kỳ, cuối năm. Mục đích đổi mới này để giảm áp lực cho trẻ, giảm tình trạng dạy thêm ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, điểm số cuối kỳ, cuối năm với cách thức kiểm tra khá cứng nhắc đã tạo nên áp lực dồn dập. Nhiều phụ huynh tăng cường cho con học thêm nhà thầy cô, thậm chí dành thời gian để kèm con hoàn thành các "đề cương ôn tập" đến khuya.
"Càng nhẹ nhàng ở quá trình học thì càng nặng nề ở đợt kiểm tra" - một phụ huynh nhận xét.
Học sinh Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM thi học kỳ 1 năm học 2019-2020 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Nghỉ phép để đi kiểm tra cùng con
Ở TP.HCM, hầu hết các trường THCS, THPT đều tổ chức đợt kiểm tra cuối học kỳ như thi THPT quốc gia: mỗi học sinh có số báo danh, phòng thi được sắp xếp theo thứ tự a, b, c (tức là trộn học sinh của cả khối lại), học sinh cũng không đi học bán trú mà đến giờ kiểm tra mới vào trường, sau khi làm bài kiểm tra xong là ra về...
Do đó, phụ huynh cũng lao đao với nhiệm vụ đưa đón con đi làm bài kiểm tra. "Tôi có hai con, một cháu học lớp 9, một cháu học lớp 6. Tôi không hiểu ngành GD-ĐT nâng tầm quan trọng của đợt kiểm tra cuối kỳ lên làm gì khiến phụ huynh chúng tôi lao đao quá.
Hằng ngày cả hai cháu đều học bán trú nhưng đến đợt kiểm tra cuối học kỳ như năm nay thì buổi sáng con lớn làm bài kiểm tra, buổi chiều tới lượt con nhỏ.
ôm trước kiểm tra thì hôm sau được nghỉ cả ngày rồi hôm sau nữa lại tiếp tục đi kiểm tra, do vậy đợt kiểm tra cuối học kỳ này kéo dài gần 2 tuần" - chị P., phụ huynh ở Q.1, TP.HCM, phản ảnh.
Chị P. kể: "Ngày nào con thi hai môn còn đỡ, tôi có thể tranh thủ đi làm vì hết buổi sáng hoặc hết buổi chiều thì đến đón con. Chứ có những ngày con chỉ thi một môn, buổi sáng đến 9h45 đã phải đón, còn buổi chiều 15h đón thì làm sao mà đi làm. Tôi đành xin nghỉ phép ở nhà đưa đón con đi thi, đồng thời dò đề cương cho con trước khi đi thi theo lời dặn của giáo viên chủ nhiệm".
Theo giải thích của một lãnh đạo trường THCS ở Q.1, TP.HCM, lịch kiểm tra cuối học kỳ là nhà trường thực hiện theo lịch kiểm tra chung của phòng GD-ĐT vì học sinh làm bài kiểm tra theo đề chung của phòng GD-ĐT. Đây là quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM nên toàn TP thực hiện như vậy chứ không chỉ riêng Q.1.
Trong khi đó, mặc dù đã được Sở GD-ĐT TP.HCM phân cấp cho tự ra đề kiểm tra cuối học kỳ, đa số các trường THPT vẫn tổ chức như một kỳ thi như đã phản ánh ở trên.
"Tôi rất ngạc nhiên với cách làm như thế này. Cùng ở TP.HCM, tại sao các trường tiểu học tổ chức đợt kiểm tra cuối học kỳ khá nhẹ nhàng: học sinh vẫn học bán trú như bình thường, đến môn kiểm tra thì làm bài kiểm tra ngay tại lớp, còn lại các em vẫn học các môn khác bình thường. Trong khi đó, các trường THPT lại khiến cho cả xã hội phải đi kiểm tra theo học sinh" - chị S., phụ huynh Trường THPT Thanh Đa, Q.Bình Thạnh, bức xúc.
Tương tự, ở Hà Nội, các đợt kiểm tra học kỳ ở bậc trung học càng nhiều áp lực. Theo lãnh đạo các trường THCS thì đề thi các môn chính đều do quận ra và ra theo cấu trúc đề thi chuyển cấp của TP. Tương tự, các trường THPT cũng ra đề kiểm tra theo đề chung.
"Các con ôn tập rất khổ vì tất cả các môn học đều có đề cương. Các con phải hoàn thành đề cương để kiểm tra. Trong đó các môn như toán có hàng chục bài phải hoàn thành" - một phụ huynh có con học lớp 9 tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết. Theo chị phụ huynh này, nhiều cha mẹ vì thương con nên đã chia nhau làm đề cương giúp để con học thuộc lòng.
Chỉ đạo linh hoạt, nhưng thực hiện cứng nhắc
Theo văn bản 4612 do Bộ GD-ĐT ban hành tháng 10-2017, việc đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo đó, Bộ GD-ĐT cho phép các nhà trường linh hoạt thực hiện đánh giá thường xuyên với học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau như đánh giá qua quan sát việc học trên lớp, đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập, qua báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thực hành thí nghiệm, đánh giá qua bài thuyết trình về việc thực hiện nhiệm vụ học tập.
"Giáo viên có thể sử dụng các hình thức này thay cho các bài kiểm tra hiện hành ở cấp THCS và THPT. Việc linh hoạt thực hiện này là yếu tố khuyến khích học sinh tham gia các dự án học tập, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng chủ động, tích cực, sáng tạo" - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, khẳng định.
Cũng tiếp thu tinh thần của văn bản 4612 của Bộ GD-ĐT nhưng ông Văn Đức Phương - hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng - đã nghiên cứu chỉ đạo của Bộ GD-ĐT để xây dựng một quy định cụ thể với trường mình.
Ví dụ việc đánh giá thường xuyên dựa vào hoạt động học tập của học sinh, giáo viên tổ chức cho các nhóm tương tác, trao đổi, chấm điểm. Giáo viên chốt điểm từng nhóm, tùy theo đóng góp của thành viên trong nhóm học sinh. Ví dụ điểm của nhóm là 10, thành viên đóng góp ít nhất phải đạt điểm 7, còn lại tùy theo đóng góp mà chấm từ 7-10 điểm.
Cách thức kiểm tra thường xuyên, cuối kỳ được chi tiết hóa sau khi đã thảo luận, lấy ý kiến trong hội đồng sư phạm. Một giáo viên là tổ trưởng bộ môn ở Trường THCS Quang Trung cho biết với quy định được cụ thể hóa như thế, giáo viên thấy dễ làm, dễ áp dụng.
Việc linh hoạt này giúp học sinh đỡ áp lực với các bài kiểm tra theo cách truyền thống, khích lệ học sinh tham gia các dự án học tập đa dạng.
45,8% học sinh thường xuyên căng thẳng trong học tập
Theo nghiên cứu "Áp lực gây căng thẳng tâm lý của học sinh THCS" của Lê Minh Nguyệt (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) và nhóm cộng sự công bố cuối năm 2018, hơn 1.000 học sinh trường THCS tại Hà Nội, Hải Phòng và Thanh Hóa được hỏi cho biết mức độ căng thẳng tâm lý trong học tập là cao nhất trong các lĩnh vực được khảo sát. Số học sinh thường xuyên và rất thường xuyên căng thẳng trong học tập chiếm tỉ lệ cao nhất, tới 45,8%.
Không chấp nhận việc soạn đề cương cho học sinh ôn thi
Đề cương chính là sản phẩm của cách kiểm tra yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức, vốn đã tồn tại từ rất lâu trong ngành GD-ĐT. Trường THPT quốc tế Việt - Úc giảng dạy chương trình của Úc nên phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng theo như cách của họ.
Mỗi học kỳ học sinh sẽ có thang điểm tối đa là 100, trong đó đợt kiểm tra cuối kỳ chỉ chiếm 25% (trong khi ở ta, điểm kiểm tra cuối kỳ có hệ số cao nhất trong tất cả các kỳ kiểm tra nên được học sinh, phụ huynh và cả giáo viên xem trọng nhất); đợt kiểm tra giữa kỳ chiếm 25%.
Còn cột điểm chiếm 50% chính là khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Cả ba kỳ kiểm tra trên đều do giáo viên bộ môn ra đề và chấm điểm.
Ông Cao Huy Thảo (nguyên hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt - Úc, TP.HCM)
Kiểm tra cuối học kỳ là một kỳ kiểm tra quan trọng trong năm học, điểm số được tính hệ số 3 - hệ số cao nhất trong các bài kiểm tra của suốt một học kỳ. Mục đích của đợt kiểm tra cuối học kỳ là để đánh giá học sinh sau một quá trình học tập, nó cũng là kênh tham khảo để các đơn vị giáo dục điều chỉnh về chuyên môn.
Tuy nhiên, Sở GD-ĐT TP đã chỉ đạo các trường không dùng điểm số của học sinh để đánh giá giáo viên trong thi đua.
TP cũng đang đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy và học, đi liền với đó là việc đổi mới phương pháp kiểm tra - đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Nội dung đề kiểm tra cuối học kỳ nhằm kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức đã học của học sinh vào thực tế chứ không kiểm tra việc học sinh tái hiện kiến thức đã học.
Do đó, không thể chấp nhận việc giáo viên soạn đề cương cho học sinh học thuộc lòng để làm bài kiểm tra.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
H.HG. ghi
HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
Theo tuoitre
Bộ GD-ĐT không công bố đề minh họa, cần chú ý gì khi ôn tập? Thông tin Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ có nhiều học sinh lớp 12 và giáo viên băn khoăn, nhất là học sinh và giáo viên chưa thật sự làm quen với đề thi cũ, chưa cọ xát nhiều với sự linh hoạt với cấu trúc đề thi minh họa và đề...