Không cho giáo viên ghi âm cuộc họp là để ngăn ngừa ý đồ xấu
Hiệu trưởng cho rằng, việc ra nghị quyết trên là để ngăn ngừa những giáo viên có ý đồ xấu, gây mất đoàn kết nội bộ.
LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: “Vì sao lại cản trở giáo viên ghi âm, ghi hình cuộc họp?” phản ánh sự việc ở trường Quang Trung, Quảng Nam.
Nhiều ý kiến đã không đồng tình với việc này.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng nhà trường ra nghị quyết này lại có cách giải thích theo một quan điểm khác. Tôn trọng ý kiến đa chiều, tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Duy trì trật tự cuộc họp
Thầy Trần Kim Cương, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Quang Trung (xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), nơi ban hành nghị quyết này cho biết, nhà trường không cấm việc ghi âm, ghi hình.
Hiệu trưởng nhà trường, nơi ban hành nghị quyết này cho rằng việc giáo viên muốn ghi âm, ghi hình cuộc họp phải xin phép là để tránh những cá nhân có ý đồ xấu, gây mất đoàn kết nội bộ. Ảnh minh họa trên giaoduc.net
Nhưng trong cuộc họp, tập thể ngành sư phạm, chi bộ đều thống nhất là: giáo viên muốn quay phim, chụp hình phải xin ý kiến của chủ trì cuộc họp.
Mục đích là để khỏi làm ảnh hưởng đến vấn đề chung của nhà trường. Bởi trong các cuộc họp nội bộ thì có phê bình, kiểm điểm, có làm đủ thứ.
Nếu anh quay phim, chụp hình đưa lên mạng thì làm mất sự đoàn kết nội bộ, như vậy sẽ không hay.
“Nhà trường thống nhất quy định là như vậy chứ tuyệt đối là không cấm. Muốn quay thì anh xin phép chủ trì hội nghị.
Chứ ai cũng tự ý như vậy thì một cuộc họp 30 người, cả 30 người đều dựng màn hình lên quay phim hết thì đó đâu còn là cuộc họp nữa”, thầy Cương nói.
Đưa ra quy định như vậy để làm mọi việc đi vào cái chung của tập thể, không gây mất đoàn kết nội bộ.
“Tôi suy nghĩ quy định này đặt ra là đúng chứ không sai. Bởi đây là nội quy của cơ quan. Ví dụ như anh vào hội họp thì anh tắt điện thoại, chuyển sang chế độ rung, đó là quy định”, thầy Cương cho hay.
Video đang HOT
Sợ quay phim đưa lên mạng, gây mất đoàn kết nội bộ
Cũng theo thầy Cương, nhà trường không cấm nhưng giáo viên quay chủ đề gì, mục gì thì anh phải báo cho chủ tòa phiên họp để biết. Chứ không thể thích thì anh cứ đưa máy vào quay, không báo với ai hết.
Bôi nhọ tập thể giáo viên, giáo viên phản ứng lại với Hiệu trưởng thì làm sao giải quyết”, thầy Cương giãi bày.”Phải có nội dung anh quay chứ anh không thể quay theo ý kiến chủ quan rồi cắt, cúp nội dung để đưa lên mạng xã hội.
Thầy Cương lý giải thêm, ở trường này từng có trường hợp trong một cuộc họp của nhà trường, Hiệu trưởng chỉ viết sai năm tháng (từ năm này sang năm khác) thì bị quay phim và đưa lên mạng xã hội, gây ra những hiểu nhầm không đáng có.
Việc làm này đã gây ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường khiến trường bị cắt hết các danh hiệu thi đua, tiên tiến.
“Những cái đó, tại sao không góp ý với Hiệu trưởng mà đưa lên mạng xã hội như vậy? Họ bôi nhọ Hiệu trưởng, nói Hiệu trưởng lên lịch thế này thế kia (sai về năm).
Làm việc với mục đích cá nhân nên gây mất đoàn kết nội bộ. Bởi có cán bộ (trong trường) chuyên nói về người khác.
Ai được bổ nhiệm làm tổ trưởng tổ bộ môn là bị nói xấu. Khiến năm học vừa rồi, có người xin nghỉ làm tổ trưởng, rất khó cho chúng tôi quản lý”, thầy Cương bức xúc.
Rồi có nhiều trường hợp dùng công nghệ để cắt, dán nội dung rồi đưa lên mạng gây hiểu nhầm nghiêm trọng.
Có khi tôi nói một điều nhưng anh lại cắt, dán nói sang một nẻo khiến tôi trở thành người vi phạm. Như vậy thì vô lý quá – thầy Cương nói.
Do đó, anh em trong trường đã họp và góp ý với Hiệu trưởng phải đưa ra quy định thống nhất trong việc quay phim, ghi âm, chụp ảnh tại các cuộc họp.
Tránh tình trạng mất đoàn kết và nghi kị lẫn nhau trong hội đồng sư phạm. Anh em thống nhất thì nhà trường mới có nội dung như vậy – thầy Cương cho hay.
Trong khi đó, có nhiều ý kiến của giáo viên và cả một số Hiệu trưởng kiên quyết phản đối nghị quyết này. Họ cho rằng, môi trường giáo dục cần công khai, minh bạch.
Theo GDVN
"Môi trường giáo dục cần công khai, minh bạch, sao lại cấm ghi âm, ghi hình"
Nhiều cán bộ quản lý giáo dục cũng như giáo viên đều cho rằng, môi trường giáo dục cần công khai, minh bạch để hạn chế những tiêu cực phát sinh trong nội bộ.
Công khai, minh bạch
Thầy C.H.C. (Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Đà Nẵng) cho biết, việc nhà trường ra nghị quyết cản trở giáo viên ghi âm, ghi hình trong cuộc họp như vậy là không nên. Nó sẽ chỉ làm cho không khí nhà trường thêm căng thẳng.
Việc ra nghị quyết cản trở ghi âm, ghi hình cuộc họp nhà trường bị nhiều ý kiến phản đối và cho rằng nó chỉ nhằm mục đích che giấu, bưng bít thông tin tiêu cực. Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn
"Theo mình nghĩ, trường học là nơi đáng phải tuyên truyền, nơi mọi người được nói lên quan điểm, ý kiến của mình.
Tất cả đều công khai, minh bạch chứ nhà trường có phải là nơi chứa bí mật quốc gia đâu mà cấm.
Do đó, việc ghi âm, ghi hình ý kiến phát biểu, nội dung cuộc họp đều dễ dàng chấp nhận".
Cũng theo thầy C., môi trường giáo dục muốn tốt lên thì phải công khai, thống nhất các luồng quan điểm để cùng phấn đấu đưa việc dạy - học ngày càng tốt hơn.
"Nếu có một quan điểm, chủ trương sai lệch thì cần phải rút kinh nghiệm và sửa sai. Việc đó được công khai để mọi người thấy cái sai, góp ý xây dựng.
Còn anh càng bưng bít, che giấu thì sẽ tạo sự bất mãn trong đội ngũ giáo viên mà nhà trường cũng không phát triển lên được".
Thầy C. cũng chia sẻ, hơn 30 năm làm công tác quản lý, ông luôn muốn mở rộng các kênh thông tin để nhận được sự phản hồi từ giáo viên, phụ huynh, học sinh...
Từ hộp thư góp ý ở cổng trường rồi đến số điện thoại, email và mới nhất là facebook, thầy C. đều "rộng cửa" để tiếp nhận thông tin.
Chỉ cần một phản ánh nhỏ trên facebook là trước cổng trường có nhiều ổ gà, có thể gây nguy hiểm cho học trò. Hôm sau, thầy C. đã cùng bảo vệ mang xi-măng đến trám lại.
Hay có phụ huynh phàn nàn về bữa ăn bán trú của con ở trường, thầy C. cùng lãnh đạo nhà trường xuống kiểm tra và chấn chỉnh ngay.
"Theo tôi, trong giáo dục thì luôn luôn cần lắng nghe, đổi mới và nhận sự phản hồi của phụ huynh, giáo viên để mình làm tốt hơn.
Mình cũng phải lắng nghe tiếng nói của giáo viên, chứ không thể cậy thế mình làm quản lý để áp đặt cái này, cái kia. Nếu dư luận, anh em trong trường nói anh làm tốt thì anh phát huy, còn anh chưa tốt thì thay đổi", thầy C. nói.
Theo thầy C., giáo dục cho con em chúng ta là một chiều dài, không phải ngày 1 ngày 2 để cấm đoán, bưng bít.
Anh là người đầu tàu, nếu anh xây dựng tốt thì tập thể sẽ tín nhiệm anh. Còn nếu anh sai mà không nhận khuyết điểm thì chắc chắn tập thể đó rất khó đoàn kết.
Còn anh nào có ý xấu, phá hoại thì có thể kỷ luật, xử lý. Việc gì ra việc đó chứ không thể ra một nghị quyết như vậy được.
"Hiệu trưởng đừng bưng bít thông tin"
Cô N.T.H. (giáo viên một trường trung học cơ sở ở Quảng Nam) cho rằng, trong vụ việc này cần phân định rõ ràng ai cố tình xuyên tạc, cắt cúp thông tin cuộc họp, đưa lên mạng để nói xấu nhà trường thì xử lý, kỷ luật người đó.
Chứ hiệu trưởng không thể "nhân danh" tập thể, chi bộ để ban hành một nghị quyết nhằm bưng bít các thông tin.
"Thực tế, có nhiều cuộc họp, hiệu trưởng giải quyết và áp đặt mọi thứ. Giáo viên đến dự họp chỉ việc lắng nghe, về thực hiện chứ không dám bàn cãi, tranh luận.
Khi có những thông tin khuất tất, tiêu cực, giáo viên muốn tố cáo nhưng một phần vì không ghi âm được chỉ đạo của hiệu trưởng. Một phần sợ bị phát hiện, trù dập nên phải im lặng thực hiện", cô H. nói.
Thầy LVT. (giáo viên trường trung học phổ thông ở Đà Nẵng) đặt vấn đề: "tại sao nhà trường lại sợ thông tin cuộc họp bị lộ ra ngoài"?
Nếu đó là những thông tin minh bạch, góp phần xây dựng phát triển nhà trường thì đáng lẽ nên tuyên truyền rộng rãi chứ sao lại giấu.
Nghị quyết cấm đoán này kia chỉ biện minh cho sự điều hành yếu kém, muốn che giấu những khuất tất (nếu có) trong trường.
Mới đây, báo chí cũng đưa tin một số giáo viên đã cung cấp băng ghi âm dài 39 phút ghi tại hội nghị công nhân viên chức trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu (thành phố Sóc Trăng).
Trong đó có đề cập đến việc bà Phạm Thị Ngọc Phụng, Hiệu trưởng nhà trường nói về việc thu, chi tiền dạy thêm, tiền dạy tăng cường như thế nào.
Giáo viên đã chất vấn hiệu trưởng về những khoản khuất tất trong thu chi tài chính của nhà trường. Vụ việc này đang được thanh tra sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng vào cuộc kiểm tra. [1]
Như vậy, với việc ghi âm nội dung cuộc họp đã cung cấp bằng chứng để chứng minh sự việc, làm rõ ràng nhiều nội dung trong hoạt động của nhà trường.
Theo GDVN
Quyền lực hiệu trưởng: Vua một xứ? Lâu nay, người ta vẫn có câu hiệu trưởng một trường như vua một xứ. Câu chuyện "vua một xứ" này xem ra rất đúng với hiệu trưởng trường Mầm non An Đông, TP Huế khi đối chiếu những hành động đầy tính "quyền lực" của vị hiệu trưởng với các giáo viên trong trường. Chuyện này chỉ bị bung ra sau nhiều...