Không chỉ “gieo” con chữ…
Trong suốt 20 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy giáo Hoàng Đức Mạnh (Trường Trung học cơ sở Lê Thanh, huyện Mỹ Đức) đã tận tâm truyền dạy kiến thức, chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ học trò.
Đặc biệt, thầy Mạnh còn “cảm hóa” được nhiều học sinh cá biệt bằng sự thấu hiểu và khả năng nắm bắt tâm lý nhạy bén.
Ngần ấy năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Hoàng Đức Mạnh đã gắn bó với nhiều lứa học sinh cấp Trung học cơ sở – những cô, cậu học trò đang bước vào giai đoạn mới lớn với nhiều thay đổi về mặt tâm, sinh lý. Do vậy, song song với việc giảng dạy, thầy Mạnh luôn dành thời gian tìm hiểu và nắm bắt tâm lý học sinh ở lứa tuổi này. Từ đó gần gũi, chia sẻ và cùng các em giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, hỗ trợ xây dựng kế hoạch học tập, hình thành tính tự giác và khả năng tự học.
“Cảm hóa” học sinh cá biệt bằng sự gần gũi, thấu hiểu tâm lý
Đặc biệt, trong suốt hành trình 20 năm dạy học của mình, nhờ sự thấu hiểu học sinh mà thầy Mạnh đã nhiều lần được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ chủ nhiệm những lớp cá biệt. Những câu chuyện và kỷ niệm về học trò cứ thế nối dài trong mỗi đoạn đường mà thầy đi qua.
Thầy giáo Hoàng Đức Mạnh và học sinh
Tâm sự về những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ chủ nhiệm lớp cá biệt, thầy Mạnh cho biết: “Ngày ấy, tôi vừa lo vừa phấn khởi. Lo vì trong tôi luôn đặt ra câu hỏi mình sẽ làm gì, làm như thế nào để gần gũi thân thiện mà vẫn phải nghiêm khắc đối với học sinh?; mình sẽ có giải pháp hiệu quả nào để giúp cả lớp thân thiện, đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ và không phụ lòng tin tưởng của lãnh đạo nhà trường, các bậc phụ huynh?… Còn phấn khởi vì đây sẽ là mảnh đất tốt để thể hiện năng lực bản thân, mình sẽ giúp các em biết cách vươn lên trong cuộc sống và học tập, từ đó vững tin trên con đường đời”.
Được biết, điều khiến thầy Mạnh luôn gần gũi, quan tâm, động viên các em học sinh cá biệt là bởi những học sinh cá biệt đa phần là những học sinh thông minh nhưng luôn thiếu sự quan tâm của gia đình như: Mồ côi bố mẹ, bố mẹ ly hôn, bố mẹ tù tội, bố hay cờ bạc, nghiện hút… Theo thầy Mạnh, không có học sinh nào sinh ra đã hư mà chỉ do môi trường gia đình không tốt nên các em mới chưa ngoan. Chính vì thế, thầy Mạnh luôn sẵn sàng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, chia sẻ động viên để các em coi mình là người bạn, người cha trong gia đình có thể bù đắp lại tình cảm và những khó khăn mà các em đang gặp phải.
Từ đó giúp các em tiến bộ trong học tập và rèn luyện ý thức, các em thấy yêu đời hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn. “Sự khôn lớn và trưởng thành của các em chính là nguồn động lực lớn lao để tôi luôn sẵn sàng, quyết tâm động viên, giúp đỡ các em trong cuộc sống. Tôi luôn coi các em như chính những đứa con của mình. Cha mẹ nào cũng thấy toại nguyện, hạnh phúc khi đứa con của mình ngoan ngoãn và trưởng thành” – thầy Mạnh bộc bạch.
Chia sẻ câu chuyện về cậu học sinh Hoàng Thế Tài từng để lại nhiều ấn tượng trong suốt những năm tháng dạy học của mình, thầy Mạnh bồi hồi kể, vì hoàn cảnh gia đình, bố mẹ bỏ nhau, bố đi công tác xa, lại bước vào tuổi mới lớn nên Tài rất nghịch ngợm, quậy phá và nghiện game rất nặng. Tài hay bỏ học chơi game, hơn 2 tháng đêm nào em cũng trốn khỏi nhà để đi chơi. Lúc đó Tài thấy chán và bế tắc trước cuộc sống hiện tại. Biết Tài là học sinh thông minh, điều kiện hoàn cảnh gia đình em như vậy nên khi Tài mắc lỗi, thầy Mạnh không bao giờ trách mắng. Thầy đã nhiều lần gặp gỡ và trao đổi riêng với Tài. Bên cạnh đó, nhân ngày sinh nhật Tài trùng với ngày Chủ nhật, thầy Mạnh đã xin phép gia đình Tài để đưa em ra thăm quan Quốc Tử Giám, Hồ Hoàn Kiếm, Lăng Bác, Hồ Tây…
Video đang HOT
Đặc biệt, thầy Mạnh còn cho Tài vào đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử do chính thầy giảng dạy, phân công Tài làm lớp trưởng của lớp, đồng thời thành lập Câu lạc bộ Goodbye Game và giao Tài làm chủ nhiệm Câu lạc bộ. “Nhờ các biện pháp trên mà Tài đã tự tin vào cuộc sống, có nghị lực, ý chí vươn lên, cai được game, đạt học sinh giỏi cấp huyện về môn Lịch Sử và giải toán trên mạng Internet. Hiện nay, Tài đang là sinh viên năm hai Trường Đại học Giao thông vận tải và là cán bộ Đoàn năng động, là sinh viên tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện của Đội máu Giao thông” – thầy Mạnh cho biết.
Thành lập Câu lạc bộ Goodbye Game
Qua nhiều năm làm công tác chủ nhiệm và giảng dạy, thầy Mạnh nhận thấy việc nghiện game có rất nhiều tác hại đối với học sinh. Cụ thể, các em thường đi học muộn, đến lớp hay buồn ngủ, ngồi trong giờ học không tập trung, có cảm giác lơ ngơ, bất cần, hay cáu gắt, không tích cực tham gia các hoạt động tập thể. Nhiều em sức khoẻ giảm sút, người gày gò thể trạng suy kiệt vì chìm đắm với game. Đáng lo ngại, vì thiếu tiền chơi game nên hay nói dối, ăn trộm tiền của lớp hoặc của gia đình. Một số em thường xuyên chốn học hoặc bỏ nhà ra đi. Đặc biệt nhất, nhiều em đôi khi mất kiểm soát hành vi của mình làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nề nếp thi đua của lớp và quy định của nhà trường….
Chính vì thế, thầy Mạnh đã bỏ nhiều công sức thành lập Câu lạc bộ Goodbye Game, tập hợp tất cả những học sinh hay chơi game và nghiệm game vào Câu lạc bộ, giao cho các em làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký. Câu lạc bộ có quy chế hoạt động và giám sát giữa các thành viên, nhờ đó các em hầu hết đã cai được game tập trung thời gian vào học tập đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó, trong giờ sinh hoạt lớp, thầy Mạnh cũng thường xuyên tổ chức các chuyên đề như: “Người phụ nữ tôi yêu”, “Game điểm tích cực và hạn chế”, “Người sử dụng mạng xã hội thông thái”, “Tình bạn và tình yêu”… và được các em học sinh hào hứng tham gia.
Đặc biệt, với quan niệm, giáo dục con người đạt kết quả là cả một quá trình lâu dài. Vì thế sau khi học sinh ra trường, thầy Mạnh vẫn thường xuyên liên lạc và động viên, giúp đỡ các em. Hàng năm, thầy Mạnh đều tổ chức các buổi gặp mặt giữa các thế hệ học sinh. Thông qua buổi gặp mặt, các anh chị khoá trước sẽ truyền cho các em học sinh khoá sau những kinh nghiệm thực tiễn trong học tập và nghị lực ý chí vươn lên trong cuộc sống. Còn các em học sinh khoá sau gặp được những anh chị thành đạt đều coi các anh chị là tấm gương sáng, là thần tượng để mình học tập noi theo. Từ đó các em sẽ thấy mình có thêm động lực và phải cố gắng hơn để học giỏi và ôn thi vào 10 đạt kết quả cao nhất, đồng thời mong muốn sau này mình cùng trở về trường với tư cách khách mời như các anh chị.
“Mỗi nhà giáo đều có một cách nhìn riêng về sự thành công. Đối với tôi, thành công lớn nhất không phải là đã đào tạo được hơn 100 học sinh giỏi cấp thành phố hay các danh hiệu, giấy khen đã đạt được mà là sau 20 năm giảng dạy, công tác đã tạo cho các em học sinh hứng thú học tập và truyền cho các em ngọn lửa đam mê, ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Hạnh phúc lớn lao nhất sự nghiệp trồng người của tôi là sự tin tưởng tuyệt đối của các bậc phụ huynh và thấy các thế hệ học sinh khôn lớn trưởng thành giúp ích được cho quê hương đất nước” – thầy giáo Hoàng Đức Mạnh chia sẻ.
Sau nhiều năm tháng miệt mài trên trang giáo án và những trăn trở chuyên môn, thầy Mạnh đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng tập thể Trường Trung học cơ sở Lê Thanh nhiều năm liền đạt thành tích tốt. Hình ảnh người giáo viên tận tụy với nghề, hết lòng vì sự nghiệp trồng người như thầy giáo Hoàng Đức Mạnh đã và đang làm sáng đẹp thêm hình ảnh người giáo viên nhân dân trong thời đại mới, góp phần đưa chất lượng giáo dục nói chung ngày càng hoàn thiện và phát triển.
Phạm Thảo
Theo laodongthudo
Cống hiến sức trẻ vì học trò
Thương học trò vùng cao khó khăn, nguyện cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp trồng người, thầy giáo Cao Xuân Hào (SN 1984) đã tình nguyện viết đơn xin rời Trường THCS thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) lên công tác tại Trường THCS Quảng Lâm. Đây là một trường THCS nằm trong địa bàn xã khó khăn nhất của huyện Đầm Hà.
Thầy Hào lên lớp cùng học trò.
Xung phong lên vùng khó
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Văn - Sử Trường Cao đẳng sư phạm Hạ Long tháng 6/2007, thầy Hào được phân công về giảng dạy tại Trường THCS thị trấn Đầm Hà. So với nhiều đồng nghiệp lúc đó, công tác tại trường thị trấn là một thuận lợi lớn với người giáo viên trẻ.
Sau 3 năm công tác trong ngành Giáo dục, năm 2010 thầy giáo Cao Xuân Hào tìm được tổ ấm riêng với một cô giáo trong cùng huyện. Cùng chung chí hướng, yêu nghề, mến trẻ, ngày ngày hai vợ chồng thầy Hào cặm cụi bên trang giáo án cùng học trò thân yêu.
Từ ngày công tác tại Trường THCS thị trấn Đầm Hà, thầy Hào luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Tỷ lệ học sinh giỏi môn Lịch sử và Ngữ văn của trường nâng lên rõ rệt. Nhiều năm liền thầy giáo trẻ này đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện.
Được biết, đầu năm 2017 huyện Đầm Hà có chủ trương điều chuyển giáo viên lên công tác tại một số trường học ở địa bàn xã miền núi khó khăn, thầy giáo trẻ đã viết đơn xin lên công tác tại Trường THCS Quảng Lâm (xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà).
Huyện Đầm Hà có hai xã đặc biệt khó khăn nằm trong diện 135 (xã đặc biệt khó khăn, được hỗ trợ theo Đề án 135 của Chính phủ) là xã Quảng An và Quảng Lâm. Học sinh ở địa bàn này còn nhiều thiệt thòi do điều kiện kinh tế eo hẹp, sự quan tâm của cha mẹ tới việc học hành của các con còn hạn chế.
Nhận thức được khó khăn trước mắt, nhưng yêu nghề, mong muốn cống hiến, thử sức mình, thầy Hào hăng hái nhận nhiệm vụ vào đầu năm học 2017.
Về Trường THCS Quảng Lâm thầy Hào được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ chuyện môn Sử, thư ký Hội đồng sư phạm nhà trường.
Vinh dự cho thầy giáo trẻ, năm học 2018 - 2019, thầy được tham gia và đạt danh hiệu "Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh" môn Lịch sử. Đó là niềm vui và là sự khích lệ tinh thần lớn đối với thầy Hào sau hai năm công tác tại Trường THCS Quảng Lâm.
Nguyện cống hiến sức trẻ
Thầy Hào tâm sự: Là một giáo viên bộ môn tôi luôn ý thức được công việc và trọng trách của mình. Ở nơi đây, khi sự học của con em còn chưa được các phụ huynh quan tâm xứng tầm thì việc giảng dạy những bộ môn phụ gặp nhiều khó khăn.
Nhưng yêu nghề, mong muốn được giảng dạy, truyền cảm hứng tình yêu quê hương, đất nước cho học trò qua các bài học lịch sử tôi vẫn luôn kiên trì, gắn bó.
Là một giáo viên vùng cao, ngoài làm công tác chuyên môn, tham gia phong trào của trường việc vận động học sinh đến trường là trọng trách lớn.
Năm học 2019 - 2020, Trường THCS Quảng Lâm có 195 học sinh đến từ 6 bản khác nhau: Lý Khoái, Siệc Lống Mìn, Bình Hồ, Thanh Y, Siềng Lống. Có nhiều học sinh trường rất khó khăn do cách rừng, ngăn suối. Mỗi đầu năm học, các thầy cô chia nhau đến từng bản phụ trách vận động học sinh tới trường.
Năm học này, thầy Hào được giao phụ trách bản Siệc Lống Mìn. Bản có 17 học sinh theo học. Đa phần các em đều là người dân tộc Dao, hoàn cảnh khó khăn, gia đình làm lâm nghiệp. Quanh năm gắn bó với cây keo, cây quế, cây hồi nên cứ đến mùa thu hoạch, các em theo bố mẹ lên nương, bỏ bê việc học hành.
"Vận động học sinh đến lớp khá vất vả bởi đường tới bản khó khăn, đường từ bản tới nhà học trò chủ yếu đi đường rừng, leo đồi, lội suối. Vất vả nhưng gặp được phụ huynh, học sinh để vận động các em đến trường là tôi thấy vui rồi", thầy Hào nói.
Thầy giáo Nguyễn Văn Tám - Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Lâm cho biết: Thầy giáo Hào là một đồng nghiệp năng động, tích cực trong mọi hoạt động của trường, của ngành. Không những là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền mà trong công tác vận động học sinh ra lớp thầy làm rất tốt.
Nguyễn Dịu
Theo GDTĐ
Tự hào là sinh viên Trường Đại học Vinh Hướng về kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Đại học Vinh (1959-2019), nhiều sinh viên, lưu học sinh đã giành những cảm xúc đặc biệt cho mái trường,nơi lưu giữ ký ức thanh xuân và cũng là nơi chắp cánh ước mơ, đào tạo nên những thế hệ sinh viên " bản lĩnh- trí tuệ- văn minh- tình nguyện". Nồng ấm...