Không chạy theo thành tích nhưng lại áp chỉ tiêu cao ngất giáo viên phải làm sao
Bệnh ngụy thành tích phải điều trị từ giáo viên đến cán bộ quản lý từ cấp trường đến cấp Bộ mới có hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa kí văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Trong văn bản, Sở cũng yêu cầu tổ chức rà soát, kiểm tra chất lượng học sinh, tuyệt đối không chạy theo thành tích, đảm bảo chất lượng học sinh khi lên lớp.
Ngay 2 yêu cầu này trong cùng một văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh dường như đã có sự mâu thuẫn nhau. Sở yêu cầu giáo viên “tuyệt đối không chạy theo thành tích” nhưng lại phải “đảm bảo chất lượng học sinh khi lên lớp”.
Yêu cầu “đảm bảo chất lượng học sinh khi lên lớp” có gắn liền với các chỉ tiêu thi đua cao ngất mỗi đầu năm học, bất chấp các điều kiện thực tế? Khi đánh giá “chất lượng học sinh”, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh có căn cứ vào các chỉ tiêu thi đua đầu năm học hay không?
Khó “cai nghiện” bệnh ngụy thành tích trong giáo dục (Ảnh: vtv.vn).
Lãnh đạo Sở có biết ngay giữa trung tâm vẫn có học sinh ngồi nhầm lớp?
Phóng viên Báo Sài Gòn Giải phóng đã có cuộc thâm nhập thực tế ngay các trường điểm ở những quận nội thành (khảo sát 9 trường ở các quận 6, 7, 8 và huyện Hóc Môn) đã phải thốt lên rằng:
“Chúng tôi đi từ bất ngờ đến sốc, không thể tin được những gì mình chứng kiến” vì không ít học sinh đang học các lớp 3, 4, 5 nhưng khả năng đọc, viết rất kém, thậm chí có những em đánh vần, đọc chậm hơn cả những học sinh lớp 1 bình thường.
Đầu tiên là em N.V.A. (8 tuổi, đang học lớp 3 tại một trường tiểu học ở quận 8), mặc dù học lớp 3, nhưng khả năng đọc và viết của em rất yếu.
Bài thơ Quê hương có tổng cộng 102 chữ, bao gồm cả đọc tựa đề và tên tác giả chỉ mất trung bình từ 40-45 giây với một học sinh bình thường, nhưng với em N.V.A. cùng sự trợ giúp của mẹ phải đọc tới 3 phút 30 giây mới xong.
Tương tự, em N.V.B. (cũng 8 tuổi, học lớp 3 tại một trường tiểu học ở huyện Hóc Môn) đọc rất chậm, đánh vần từng chữ vô cùng vất vả.
Một đoạn văn ngắn tổng cộng 41 chữ, nếu những học sinh đọc lưu loát chỉ mất 15 giây thì em N.V.B. mất gần 3 phút mới đọc xong, nhưng sai rất nhiều.
Video đang HOT
Như em N.V.C. (9 tuổi, học lớp 4 tại một trường tiểu học ở quận 6), khi phóng viên đưa bài thơ “Nếu chúng mình có phép lạ” chỉ với 4 câu thơ có tổng số 24 chữ, em N.V.C. mất 3 phút 20 giây mới đọc xong. [1]
Ngoài những em học sinh được phóng viên Báo Sài Gòn Giải phóng trực tiếp khảo sát được như trên còn bao nhiêu học sinh học lớp 3,4,5 khác trên địa bàn hoặc ở nhiều địa phương khác đọc thua cả học sinh lớp 1?
Rõ ràng chất lượng học tập của học sinh như thế thật sự đáng lo ngại.
Giải pháp của Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra có chấm dứt được tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp?
Nâng cao chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là học sinh gặp khó khăn trong học tập, Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu hiệu trưởng các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn của giáo viên bằng nhiều hình thức: dự giờ, dự các buổi sinh hoạt chuyên môn, kiểm tra kế hoạch bài học, nhật kí dạy học, hồ sơ đánh giá học sinh,… để hỗ trợ giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, tiến tới nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Với những giải pháp thế này, từ kinh nghiệm thực tế giảng dạy bậc tiểu học của mình và các đồng nghiệp, người viết chắc chắn càng tạo ra áp lực lớn cho giáo viên. Vì, khi thầy cô giáo lo chăm chút cho bộ hồ sơ sổ sách thật đẹp, khi thầy cô dành thời gian đầu tư cho tiết dạy dự giờ được hoàn hảo, hay khi thầy cô luôn có tâm lý phập phồng lo nghĩ không biết họ dự giờ đột xuất lúc nào thì những em học sinh sẽ ít được chăm lo chu đáo.
Điều này, sẽ làm “đẹp hình thức mà rỗng nội dung” và dẫn đến hệ lụy chất lượng học tập của học sinh đã thấp lại càng thấp hơn.
Học sinh ngồi nhầm lớp có đến từ giáo viên?
Người trong nghề như chúng tôi mới hiểu, học sinh ngồi nhầm lớp lỗi không hoàn toàn đến từ phía giáo viên.
Vì thế, để phải đưa giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tập trung vào giáo viên như Sở Giáo dục và Đào tạo Thành Phố Hồ Chí Minh cũng chẳng thể giải quyết được gì.
Có tổ chức kiểm tra hồ sơ sổ sách, có dự giờ thăm lớp đột xuất, bất ngờ, có kêu gọi giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, có bắt buộc thầy cô lên kế hoạch phụ đạo hay đưa ra giải pháp dạy phân hóa trong tiết học…thì tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp vẫn sẽ còn.
Nhưng nói giáo viên không có lỗi trong chuyện này cũng không đúng. Lỗi không thuộc về năng lực của nhà giáo, không phải giáo viên dạy dở, dạy kém là có học sinh ngồi nhầm lớp. Giáo viên dạy giỏi, dạy tốt là không có hiện tượng này.
Giáo viên có lỗi khi đã thỏa hiệp với các chỉ tiêu từ nhà trường đưa xuống ngay từ đầu năm, lỗi do không cương quyết để học sinh yếu ở lại, lỗi cũng sợ vì bị cắt thi đua của bản thân.
Học sinh ngồi nhầm lớp không đến từ giáo viên mà đến từ những chỉ tiêu từ bên trên áp xuống
Ngay từ đầu năm học, trong hội nghị công nhân viên chức, các chỉ tiêu về lên lớp thẳng, chỉ tiêu về phổ cập đúng độ tuổi, về hiệu quả 5 năm đào tạo, hoàn thành chương trình cấp tiểu học, tỉ lệ học sinh khá giỏi, tỉ lệ tốt nghiệp, chỉ tiêu chất lượng môn học…đã được áp xuống.
Và, bao giờ cũng thế chỉ tiêu năm sau phải cao hơn năm trước. Chỉ tiêu đưa ra, chỉ được phép đưa lên chứ tuyệt nhiên không có chuyện hạ xuống.
Nhà trường cũng bị áp lực chỉ tiêu khi đầu năm phòng giáo dục cũng họp mặt hiệu trưởng các trường để ký cam kết về thi đua. Những chỉ tiêu được giao cứ cao ngất ngưỡng, hiệu trưởng cũng không thể chối từ.
Và, phòng cũng chịu áp lực về chỉ tiêu của huyện thị. Ví như chỉ một trường học số lượng học sinh lưu ban vượt quá chỉ tiêu quy định sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu phổ cập. Một trường không đạt dẫn theo cả xã phường không đạt. Xã phường không đạt thì huyện thị cũng không đạt, mà huyện thị không đạt thì tỉnh sao có thể đạt?
Có thể nói, chỉ tiêu là của cấp trên áp xuống cấp dưới dù không muốn thì cũng phải cố gắng để cho đạt. Học sinh ngồi nhầm lớp từ đây mà ra.
Các chỉ tiêu lại nằm trong nhiều thông tư do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Vì thế, bệnh thành tích phải điều trị từ giáo viên đến cán bộ quản lý từ cấp trường đến cấp Bộ mới có hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
https://www.sggp.org.vn/hay-tra-em-ve-dung-lop-703385.html?fbclid=IwAR0wgHR_IzqHuMi7eHUsEvPzTDcMhJtgBewRO1RJPDY3imNsa2Dk6piFewc1
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/tp-hcm-yeu-cau-xu-ly-nghiem-giao-vien-ep-hoc-them-699309.html?fbclid=IwAR32YZOrqPg3XLripeW0hht1IeqkmOVSYjBm_qHstBG18ZPRcFoVn1YRP3s2
Bệnh thành tích không đến từ giáo viên
Lớp nào cũng lên lớp 100%, trường nào cũng tiên tiến, xuất sắc thì lấy đâu để khen tặng cho hết "thành tích" của giáo viên. Cái gọi là "bệnh thành tích" không phải khởi phát từ giáo viên, dẫu biết rằng thầy cô là nhân tố quyết định thành tích của ngành giáo dục.
Ảnh minh họa
Bài viết "Hãy trả em về đúng lớp" đăng trên SGGPO ngày 16-12 khiến tôi có nhiều suy tư về sự việc một số em học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 trên địa bàn TPHCM đọc, viết rất kém. Cô giáo cho biết các em này học kém từ lớp 1 rồi nhưng "phải chấp nhận như vậy thôi, phải cho lên lớp, chấm 5 điểm cho lên luôn".
Chúng ta thử xem trách nhiệm của giáo viên đến đâu? Là giáo viên công tác trong ngành hơn 15 năm, cũng là phụ huynh có con đang học tiểu học, tôi thấu hiểu nỗi vất vả, lo lắng của giáo viên với những học sinh "cá biệt", chậm tiếp thu.
Thầy cô phải chăm chút cho học sinh đã đành, mà mấy ai biết thầy cô còn rất đắn đo về việc lên lớp của các em này. Bởi, nếu để một học sinh ở lại lớp là gia đình phải gánh chi phí học tập thêm một năm. Bản thân học sinh đó phải mang mặc cảm với bạn bè đồng trang lứa, mặc cảm với cái nhìn của người thân, hàng xóm.
Chưa kể những trường hợp bỏ học, bị đẩy vào những tệ nạn xã hội bủa vây. Giáo viên chúng tôi không cần xã hội ghi nhận thành tích, và cũng không muốn các em trở thành gánh nặng xã hội. Giáo dục không phải là vòng dây thép gai để phòng thủ. Giáo dục là vòng tay yêu thương để đón nhận tất cả sự khác biệt của cá thể đang muốn định hình trong một tập thể.
Đọc chậm, viết kém có phải là cái tội để mọi người lên án? Tính toán sai vài con số có trở thành "sản phẩm lỗi" của giáo dục? Phải chăng chúng ta đang quá khắt khe, đang lấy thang đo của người lớn để áp đặt lên quá trình phát triển và hình thành nhân cách của trẻ? Có nhiều phụ huynh không dành đủ thời gian để quan tâm việc học của con, nên đôi khi họ cho rằng cách dạy hiện nay phức tạp hơn ngày xưa.
Đúng thật, tôi có gặp vài bài toán lớp 3 mà tôi phải đi hỏi đồng nghiệp, hoặc mở các bài giảng trực tuyến để tham khảo. Nhưng tôi cho rằng việc này rất bình thường, xin đừng lăn tăn giỏi hay dở ở đây. Để hiểu con và để nói cho con hiểu, cha mẹ cần học ngôn ngữ của con. Nếu đủ yêu thương và quan tâm, cha mẹ sẽ tìm được cách giúp con học tốt.
Đâu phải chờ đến cuối năm mới đánh giá học sinh. Trong một năm học, thầy cô cũng vài lần gặp phụ huynh để trao đổi về việc học của các con. Nếu được giáo viên cho biết con em mình "học chậm", không theo kịp các bạn trong lớp, những lúc ấy phụ huynh sẽ nghĩ gì?
Có vài phụ huynh sẽ đổ lỗi cho thầy cô dạy không tốt, hoặc cho rằng đây là một lời gợi ý để phải đi học thêm, nhưng cũng có phụ huynh sẵn sàng đón nhận để tìm giải pháp tốt cho con mình.
Hoặc nếu thầy cô thông báo: "Với sức học như vậy thì em không được lên lớp", lúc đó phụ huynh có chấp nhận được điều này không ? Trong bài viết có đề cập đến chị A. (mẹ em N.V.A., ngụ quận 8), tâm sự: "Phía gia đình đâu có chịu cho bé lên lớp, nhưng trường không đồng ý, cứ bắt cho lên. Nhà trường cho lên lớp hoài để rồi rốt cuộc con tôi vẫn không biết chữ".
Tôi cho rằng chị A. chỉ muốn nhà trường tìm một giải pháp nào đó để con chị có thể bắt kịp nhịp học của các bạn trong lớp, chứ chị A. đâu nỡ bắt con ở lại lớp để học lại.
Tôi không rõ việc đọc chậm, viết kém của cháu N.V.A là do khả năng tiếp thu của cháu, hay do cháu đang có hứng thú với một sở thích nào đó, hay do tình trạng chưa vào lớp 1 đã biết đọc chữ, hoặc cũng có thể giáo viên đang đứng lớp quản lý học sinh chưa tốt.
Nếu vấn đề ở khung chương trình quá nặng, hoặc vấn đề ở việc dạy học của thầy cô không hay thì "sản phẩm lỗi" sẽ phải xuất hiện ở nhiều hơn một em học sinh. Tôi xin dừng suy đoán để nghĩ đến một giải pháp, vẫn cho các em được lên lớp, nhưng yêu cầu các em phải tham gia các khóa hè để bổ sung kiến thức, với phần kinh phí do nhà trường và hội phụ huynh hỗ trợ.
Theo quy định mới nhất, sĩ số học sinh trong một lớp học không quá 45 học sinh. Thế nhưng hiện nay có những lớp có sĩ số từ 48 đến 50 học sinh. Ấy thế mà vẫn có hàng ngàn học sinh TPHCM có nguy cơ không được học lớp 1, vì các lý do liên quan đến thủ tục hành chính.
Bằng "nghiệp vụ sư phạm", thầy cô đang phải gồng mình quản lý 45 đứa trẻ còn non nớt, còn trong bàn tay bảo bọc của gia đình, kể cả trong số đó có vài em có chưa "đạt chuẩn". Các em còn quá nhỏ để xa vòng tay gia đình. Xin đừng đưa ra các quy định khắt khe để phủ nhận sự tồn tại của những cá thể, dù có khác biệt nhưng vẫn cần sự chăm sóc, giáo dục để phát triển.
Là những người làm giáo dục, chúng tôi quan tâm đến tương lai của các em, chứ không phải vì thành tích mà mỗi năm ai cũng được tuyên dương. Tôi, cũng như những đồng nghiệp của tôi, rất ít khi treo những tấm bằng khen nhận được.
Thầy cô là những con người thầm lặng, đưa đò sang sông mà có khi chẳng nhớ nổi tên "khách hàng". Lớp nào cũng lên lớp 100%, trường nào cũng tiên tiến, xuất sắc thì lấy đâu để khen tặng cho hết "thành tích" của giáo viên. Cái gọi là "bệnh thành tích" không phải khởi phát từ giáo viên, dẫu biết rằng thầy cô là nhân tố quyết định thành tích của ngành giáo dục.
Hai câu chuyện về giáo dục Kể ra 2 câu chuyện có thật nầy để thấy rằng: Bệnh thành tích trong dạy và học ở một số điểm trường vẫn đang công khai tồn tại. Ảnh minh họa Câu chuyện thứ nhất Bạn tôi kể: Mấy năm trước, trong một lần kết thúc năm học, con bạn hớn hở báo tin vui: Cháu đạt loại học sinh xuất sắc...