Khốn đốn vì dịch bệnh, Apple vẫn thể hiện tầm nhìn vào 2 mảng kinh doanh “phụ trợ” ít người để ý là hoàn toàn đúng đắn
Khi doanh số iPhone, iPad và Mac đều suy giảm, 2 mảng kinh doanh ít tiếng tăm của Apple là lý do chính giúp cho công ty của Tim Cook không rơi vào suy thoái.
Trong ngày cuối cùng của tháng 4, Apple đã công bố kết quả kinh doanh cho quý 1/2020 (quý 2 năm tài chính 2020 của Apple). Không nằm ngoài dự đoán, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề lên công ty của Tim Cook: doanh thu chỉ đạt 58,3 tỷ USD, giảm đáng kể so với mức dự đoán 62 – 67 tỷ USD được đưa ra vào đầu quý. Cả 3 mảng sản phẩm gắn với tên tuổi của Apple là iPhone, iPad và Mac đều chứng kiến doanh thu suy giảm so với cùng kỳ 2019.
Hai mảng cứu thua
Nhưng may mắn cho Apple, 2 mảng sản phẩm được Tim Cook đẩy mạnh trong những năm vừa qua là dịch vụ và phụ kiện/wearable đều đã tăng trưởng mạnh để bù đắp phần nào cho doanh thu của iPhone, iPad và Mac.
Dịch vụ và phụ kiện, 2 vũ khí “cứu thua” của Apple mùa dịch.
Cụ thể hơn, mảng dịch vụ trong quý vừa qua đã đạt mức doanh thu kỷ lục trong toàn bộ lịch sử công ty. Với mức 13,35 tỷ USD mang về, mảng này hiện tại có doanh thu cao gấp 3 lần iPad và 2 lần Mac. Theo tuyên bố của giám đốc tài chính Lucas Maestri, trong năm 2020 Apple sẽ hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu dịch vụ của năm 2016.
Cùng lúc, mảng phụ kiện của Apple cũng đem đến doanh thu kỷ lục trong các quý đầu năm. Quý vừa qua cũng đã là quý thứ 3 liên tiếp doanh thu phụ kiện vượt mặt Mac và iPad, đưa mảng này trở thành mảng phần cứng quan trọng thứ 2 của Apple, chỉ sau iPhone. “Ngôi sao” của mảng phụ kiện tiếp tục là Apple Watch: theo Apple, 75% số người dùng mua Apple Watch trong quý vừa qua là người mua lần đầu, cho thấy tiềm năng tăng trưởng của wearable vẫn còn rất lớn trong tương lai.
Do tổng doanh thu của Apple gần như không thay đổi, có thể nói rằng chính sự tăng trưởng của dịch vụ và phụ kiện đã giúp Apple thoát khỏi suy thoái trong quý đầy khó khăn vừa qua.
Video đang HOT
Tầm nhìn dài hạn
Doanh thu từ dịch vụ không bị ảnh hưởng ngay cả khi các nguồn thu phần cứng bị gián đoạn.
Không khó để nhìn ra vì sao mảng dịch vụ lại có thể tăng trưởng bất chấp dịch bệnh. Khi người dùng phải ở nhà, nhu cầu giải trí cùng Apple TV , Apple Music hay Apple Arcade chắc chắn sẽ gia tăng. Với lượng thiết bị lưu hành cao nhất trong lịch sử, các iFan cũng đang “tích cực tương tác với hệ sinh thái và các sản phẩm số của Apple” (CFO Lucas Maestri). Apple cũng đang tiếp tục đưa ra các chiến lược để đẩy mạnh mảng này, ví dụ như cho phép người dùng Apple Card được tạm dừng thanh toán trong tháng 3 và tháng 4, hoặc tặng kèm miễn phí 12 tháng xem Apple TV cùng chiếc iPhone SE giá rẻ (400 USD).
Thành công của mảng phụ kiện/wearable có thể coi là một bất ngờ, bởi cũng như các mảng phần cứng khác, mảng này bị ảnh hưởng nặng nề khi chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc bị gián đoạn và các cửa hàng Apple Store trên toàn cầu phải đóng cửa. Tuy vậy, chính trong giai đoạn này Apple Watch đã vô tình thể hiện được một thế mạnh cốt lõi: cho phép các y bác sĩ chăm sóc sức khỏe từ xa. CEO Tim Cook khẳng định:
“Với hướng dẫn từ FDA về việc theo dõi bệnh nhân từ xa, ứng dụng điện tâm đồ trên Apple Watch hiện đang được sử dụng cho việc theo dõi điện tâm đồ từ xa nhiều hơn, giảm mức độ tiếp xúc và phơi nhiễm của bệnh nhân và bác sĩ”.
May mắn cho Apple, Tim Cook đã dịch chuyển doanh thu sang dịch vụ và phụ kiện từ rất lâu trước khi Covid-19 xảy ra.
Không phải tới quý này Apple mới hướng sự tập trung sang mảng dịch vụ và phụ kiện, vốn có thể coi là các mảng ít thu hút sự chú ý hơn iPhone, iPad và Mac. Ngay từ khi doanh số iPhone XS gây thất vọng, Tim Cook đã ngay lập tức “khoe” số người dùng thực tế trong hệ sinh thái Táo, coi đó là bàn đạp cho Apple TV , Apple Music cũng như Apple Watch và AirPods.
Đến nay, sự thay đổi này đã phát huy tốt tác dụng. Trong lúc chuỗi cung ứng rối loạn, các văn phòng phải đóng cửa và phần lớn Apple Store vẫn chưa mở cửa trở lại, nguồn thu của Apple vẫn được giữ vững thay vì rơi vào khủng hoảng như dự đoán của Phố Wall. Trước mắt sẽ là một quý 2 còn khó khăn hơn nữa (Apple thậm chí còn chưa thể đưa ra dự đoán doanh thu), nhưng có vẻ như Tim Cook đã tìm ra đầy đủ vũ khí để chống chọi với Covid-1.
Tạo 'Bản đồ corona', sinh viên Hàn Quốc giúp theo dõi tình trạng dịch bệnh Covid-19
Bên cạnh các website cập nhật thông tin về tình hình lây lan virus corona trên toàn thế giới theo thời gian thực.
Một số sinh viên người Hàn Quốc đã tạo ra một bản đồ thông minh để cung cấp thông tin cho người dân trước tình hình dịch bệnh đang lây lan một cách chóng mặt tại nước này.
Bản đồ mặc định sẽ cho biết thông số chung của tất cả các ca lây nhiễm ở Hàn Quốc
"Bản đồ Corona" - Corona Map cung cấp những thông tin của người bệnh ngay thời điểm đó cũng như hành trình của họ. Thông qua đó, người dân Hàn Quốc có thể tránh hoặc phòng ngừa dịch bệnh một cách tốt nhất.
Corona Map do một sinh viên Đại học KyungHee tên là Dong Hoon tạo nên, dựa trên những thông tin xác thực của những người bệnh do Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh cung cấp.
Bản đồ sẽ cung cấp những con số lây nhiễm, nơi cách ly cũng như lộ trình di chuyển của những người bệnh. Ví dụ, nếu nhấn chọn khu vực gần công viên sông Hàn, nơi mà người lây nhiễm số 3 được xác nhận vào ngày 26/01, thì bản đồ sẽ hiện ra nội dung "người này đã đi dạo dọc sông Hàn vào ngày 23/01", "đã vào cửa hàng tiện lợi tại bờ sông Hàn vào ngày 23/01", và bản đồ cũng cho biết thông tin của những người đã tiếp xúc với bệnh nhân số 3.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan mạnh ở Hàn Quốc, các ứng dụng công nghệ giúp người dân cập nhật thông tin vô cùng có ý nghĩa.
Anh sinh viên Dong Hoon cho biết: "Trên thế giới trước đó cũng có một bản đồ Corona tương tự, nhưng tôi không thể nhìn thấy được tình hình của Hàn Quốc trên bản đồ đó". Bản đồ Corona được xây dựng dựa trên mã nguồn mở và có thể truy cập được từ điện thoại hoặc máy tính. Do tình hình cấp thiết của dịch bệnh nên chỉ 1 ngày sau khi giới thiệu, bản đồ này đã có số truy cập vượt quá 2,4 triệu lượt.
Nhưng vì có quá nhiều người truy cập nên máy chủ bị tắc nghẽn. Khi biết Dong Hoon phải bỏ tiền túi để nâng cấp máy chủ, một số cư dân mạng bày tỏ ý định giúp đỡ mặt tài chính để hỗ trợ anh.
Ngoài bản đồ Corona của Dong Hoon, 4 sinh viên Đại học Korea cũng đã nghĩ ra một website có tên là Corona Alimi. Ngoài thông tin về bệnh nhân và lộ trình của họ, website này cũng cung cấp thông tin cụ thể số điện thoại của những phòng khám, trung tâm quản lý dịch bệnh gần đó. Mục tiêu của nhóm sinh viên này rất đơn giản: chỉ là để mọi người cập nhật thông tin một cách thuận lợi hơn.
Giao diện Bản đồ Corona Alimi.
Ngoài ra, trước sự hoang mang của người dân Hàn Quốc về sự phân bố của giáo phái Sincheonji (tên tiếng Việt là Tân Thiên Địa) trên cả nước, vào ngày 21/2, cộng đồng trực tuyến đã đồng loạt giới thiệu về ứng dụng "Thông báo vị trí Sincheonji" nhằm giúp đỡ mọi người nắm được vị trí các nhà thờ thuộc giáo phái này ở xung quanh.
Một người dân Hàn Quốc cho biết: "Tôi hiểu vấn đề về tự do tôn giáo nhưng không thể không chỉ trích về vai trò của Sincheonji trong việc phát tán virus gây bệnh".
Theo Pháp Luật VN
Amazon sẽ xóa sổ mọi sản phẩm tuyên bố có khả năng diệt Covid-19 Sau cuộc gặp với WHO bàn về xử lý tin giả Covid-19, Amazon tiếp tục thực hiện biện pháp mạnh tay hơn là xóa sổ các mặt hàng quảng cáo có tác dụng diệt virus. Một sản phẩm xịt khử trùng được quảng cáo có thể diệt virus Covid-19. Theo email gửi đến các thương gia của sàn thương mại điện tử Amazon...