Khởi nghiệp đi du học có nên trở về Việt Nam?
Họ là những người trẻ tài năng và đã khẳng định được năng lực cả trong nước lẫn trên “đấu trường” quốc tế. Họ đều có một khát khao chung: Tạo giá trị cho cộng đồng.
Chúng tôi đã chọn ra ba cựu du học sinh, một đang rất thành công và là thần tượng của nhiều người trẻ, một đang trên đường chinh phục đỉnh núi và một thì coi cuộc đời và toán học như cuộc dạo chơi vô cùng thú vị và sảng khoái.
Đỗ Nam – CEO SeeSpace: Hãy coi công việc như trò chơi đầy hấp dẫn và nhiều cảm xúc
Đỗ Nam – CEO SeeSpace. Ảnh: Lao Động.
- Hành trình du học của anh có thể hình dung thế nào?
- Tôi tốt nghiệp cấp 3, đi học theo học bổng AusAid, thời đó có học bổng đó thôi. Thực ra có hai kiểu học bổng: một là cho các bạn thủ khoa các trường đại học hoặc giành giải quốc tế, một học bổng tuyển trong trường cấp 3. Hồi đó tôi học chuyên Lý Ams.
Năm 1995, nước mình nghèo lắm, rất ít người đi học tự túc, phải có học bổng mới đi được. Thực ra bên kia từ hồi đó đến giờ, tiêu chuẩn sống không thay đổi, còn mình thì thay đổi một trời một vực. Hồi đó tôi học RMIT ở Úc. Đầu tiên sang còn học Kiến trúc, sau đó đến khoảng năm thứ 3 mới đổi sang Lập kế hoạch chiến lược, cũng vẫn thuộc khoa Môi trường Xây dựng cả nhưng nghĩ mình không thành kiến trúc sư giỏi được nên đổi.
Thông điệp “trở về hay không” từ những du học sinh gây hoang mang với các bạn trẻ suốt thời gian qua. Ngay cả khi anh nói về điều này, cũng rất nhiều người tranh cãi!
Thông điệp của tôi không mang tính chất khuyên nên đi hay ở. Trên thực tế tôi vẫn chưa về mà. Tôi học xong ở lại làm, đến bây giờ cũng đã về đâu. Tôi chỉ về để làm việc vì công ty có văn phòng tại Hà Nội.
Tôi thấy trình độ các bạn trong nước rất khá, trong một số lĩnh vực ứng dụng, tất nhiên mình không nói về khoa học cơ bản hay những gì to tát quá, nhưng về một số lĩnh vực khoa học ứng dụng, công nghệ ứng dụng thì các bạn ở đây cũng không thua kém gì. Nếu bảo cả ngành, thì mình thua thế giới rất xa, còn nếu như từng nhóm nhỏ một thì mình cũng không thua một nhóm nhỏ nào cả. Tôi muốn gửi đến các du học sinh một thông điệp rõ ràng: Đất nước còn quá nhiều cơ hội cho các bạn.
- Một người giỏi, thường có nhiều cơ hội. Cách anh chọn lựa như thế nào?
- Tôi quan điểm về lựa chọn công việc như sau: Thứ nhất, nó có mang lại giá trị xã hội gì hay không, nó giải quyết bài toán gì cho xã hội; thứ hai là công việc phải có tính bền vững.
Thực tế, xã hội chỉ mang lại lợi ích cho chúng ta nếu chúng ta đưa giá trị nhất định vào công việc, không ai có thể kiếm được tiền mà không dựa vào xã hội. Ví dụ khi tôi đưa Backstreet Boy về Việt Nam biểu diễn chẳng hạn, đó không phải là một phi vụ làm ăn (business), vì mục tiêu hướng đến không phải là lợi nhuận.
Sở thích cũng có thể tạo ra được giá trị cho xã hội, lúc nào thích thì làm, lúc nào không thích thì không làm. Còn đã là công việc tức là phải tạo ra lợi nhuận và tự nuôi được nó.
Khi làm một công việc, có thể không sinh lời nhiều, nhưng lại tạo công ăn việc làm cho vài trăm thậm chí cả ngàn người, thì đó là mang lại giá trị xã hội. Xã hội có từ A đến Z, mang lại giá trị ở bất kỳ mức độ nào cũng đáng coi trọng cả.
Ở Việt Nam tôi thấy nhiều bạn chọn việc không mang tính chất business mà mang tính chất kiếm tiền. Tức là làm cái gì ra tiền, là làm. Ví dụ 2 bát phở chẳng hạn, bát phở của mình làm thế nào ngon hơn, phục vụ được nhiều người hơn, thì đó là cái giá trị chúng ta hoàn toàn có thể đưa thêm vào công việc.
- Công ty của anh chỉ toàn các kỹ sư công nghệ người Việt?
- Công ty ở Việt Nam là 100% kỹ sư người Việt, còn bên kia là nhân viên nước ngoài làm những công việc khác như quan hệ khách hàng, bán hàng, quản lý… Toàn bộ công ty có 20 người, start-up mà, lúc nào cũng thế. Như WhatsApp khi họ có giá trị đến 19 tỷ đô thì họ cũng chỉ có 30 người thôi.
- Quay trở lại câu chuyện về các du học sinh, các bạn được giải thưởng quốc tế, anh có lời khuyên nào cho họ?
- Tôi nghĩ rất đơn giản, tất cả các cuộc thi kể cả Olympic Toán, Tin học quốc tế, tại thời điểm mình là học sinh, chỉ mang tính chất khuyến khích, chứ không phải là thành quả. Đó là những người có tiềm năng. Thế nên, xã hội mới cổ vũ những tiềm năng ấy để có thể có những thành quả rất lớn cho xã hội. Từ những sự cổ vũ ấy, các bạn mới dời đất nước, đi du học trong sự cổ vũ của mọi người.
Khi các bạn về nước, thì lúc ấy là người thật, khi các bạn ra trường nó là đời thật. Mà đời thật trọng nhân tài chứ không trọng tiềm năng. Mà nhân tài có nghĩa là phải có thành quả tại thời điểm bạn ra trường. Các bạn nghĩ các bạn giỏi, xã hội nghĩ các bạn giỏi, nhưng các bạn chưa có thời gian để tạo ra thành quả. Vậy phải làm việc và chứng minh đã. Những du học sinh thường không có nhiều kinh nghiệm về thị trường trong nước.
Các bạn trong nước không bị như vậy, vì họ phải bươn chải với cuộc sống và dần dần hiểu được mọi khó khăn. Trong khi các bạn du học sinh vẫn mang theo trạng thái cả xã hội đang tung hô mình, tự nhiên về đùng một phát, ngày xưa ủng hộ tôi thế giờ về chẳng có gì.
Có sự hẫng hụt không hề nhỏ, dẫn đến sự bất mãn nhất định, dẫn đến từ ngữ các bạn ấy sử dụng và hành xử đẩy các bạn ấy vào một góc riêng, và từ đấy các bạn ấy bị ghét. Tôi nói khai sáng cho các bạn ấy việc đó thôi.
Không phải rằng là tôi bảo các anh kém, các anh dốt, các anh kênh kiệu. Mà tôi bảo cái việc anh đang làm làm cho người ta nghĩ rằng anh kênh kiệu.
Tất cả các kỹ sư đang làm việc cho tôi đều là người Việt, chỉ có một vài bạn là du học sinh. Thậm chí 100% team leader của tôi còn chưa học xong đại học, tức là họ bỏ học giữa chừng.
- Ồ, anh cũng cho rằng không cần tốt nghiệp đại học vẫn có thể là nhân tài?
- Trong ngành công nghệ có một đặc thù, ai say mê về công nghệ thì người đó học được nhiều hơn, làm được nhiều hơn, ở Việt Nam hay ở Mỹ cũng vậy. Tất cả những gì học được về công nghệ có thể học ở ngoài đời nhiều hơn, trường chỉ dạy cho bạn những kiến thức cơ bản, như kiểu biết viết thôi, còn viết văn có hay không phụ thuộc vào việc có đọc nhiều hơn, có viết nhiều hay không chứ không liên quan đến việc tốt nghiệp trường nào.
Nhưng có những ngành như ngành Y, nếu không học hết thì không thể chữa bệnh được. Quan điểm của tôi về giáo dục, không áp dụng cho tất cả mọi người. Khi tôi làm Emotiv, nghiên cứu về não người, bài học lớn mà tôi học được thực sự là con người rất khác nhau, về mặt khoa học là rất khác nhau.
Video đang HOT
Chỉ việc làm cái sensor để đo sóng não, ngay lớp da của con người cũng khác nhau một cách kinh khủng, nên việc làm một cái mà sử dụng được cho tất cả mọi người là rất khó, đấy chưa nói về mặt quan điểm còn phức tạp hơn nữa.
- Một ngày anh làm việc bao nhiêu tiếng?
- Từ năm 2000 đến giờ tôi phải làm 14-15 tiếng một ngày.
- Anh làm việc thế thì thời gian nào cho việc chơi với nghỉ ngơi?
- Không, khi tôi làm việc, tôi không bao giờ cảm thấy áp lực hay mệt mỏi cả. Công việc như một trò chơi đầy hấp dẫn và mang lại nhiều cảm xúc rất tuyệt vời. Tôi vẫn chơi chứ, nhưng cách chơi của tôi khác thôi.
- Anh có nghĩ anh là người thành công không?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm thành công, vì quan điểm của tôi từ xưa, việc đánh giá thành công của cá nhân mình là khi về hưu,. và việc đánh giá năng lực cũng như thành quả của mình phải để cho xã hội đánh giá, và xã hội đánh giá vào công việc của mình hay không, có sử dụng công việc của mình hay không, mình có đặt được nền tảng cho những người khác phát triển hay không, tôi không tự đánh giá bao giờ.
Đào Thị Thu Hà – Tiến sĩ Toán học: Tôi chưa bao giờ nghĩ chuyện ở lại
Gia đình tiến sĩ Đào Thị Thu Hà. Ảnh: Lao Động.
- Trở về nước sau nhiều năm học tập và làm việc tại Pháp, điều gì đã thôi thúc Hà quyết định về lại Việt Nam?
- Đơn giản vì lúc nào cũng có ý định về, nên về. Chưa bao giờ tôi phải lăn tăn chuyện về hay ở. Bạn bè của tôi quá nhiều người về, có ít người vì không kiếm được việc, phải về, nhưng nhiều người là có việc rồi vẫn về, hoăc là ở lại vẫn kiếm được việc nhưng vẫn về. Cũng như rất nhiều người lựa chọn ở lại, không vấn đề gì cả. Mỗi người tùy quan điểm, hoàn cảnh, tùy ngành nghề, tính cách của mình mà sẽ tự quyết định số phận của bản thân thôi.
- Câu chuyện trở về của Hà nghe rất đơn giản?
Câu chuyện trở về Việt Nam của nhà tôi rất dễ chịu: chưa có em bé, quyết định về rất đơn giản. Thường gia đình có em bé, sẽ chọn ở lại. Nhà tôi không bị chuyện này. Không có em bé, mà bố mẹ thì đến tuổi chúng ta muốn ở cạnh rồi (bố mẹ thì chắc chắn là cũng muốn, nhưng lại cũng chẳng muốn mình về đâu vì sợ không thích ứng được. Bạn bè cũng về nhiều rồi, chơi cũng bớt vui đi, nên mình cũng phải về thôi (cười).
- Nếu có cơ hội trở lại Pháp làm việc, Hà sẽ…?
- Không cần phải “nếu” có cơ hội trở lại Pháp. Nếu muốn, việc của tôi vẫn còn, giữ được 10 năm là bình thường (làm nghiên cứu, vào biên chế, xin “treo” việc khá dễ dàng. 10 năm là đơn giản, 15 năm thì khó hơn). Nếu muốn, lúc nào cũng quay lại được. Nhưng mà thật sự tôi không nghĩ đến “nếu” – trừ khi có biến động gì rất lớn bắt buộc phải đi thì có thể, chứ không thì không có nếu đâu.
- Hà đánh giá thế nào về khái niệm: về nước là mất thời gian của cả hai, từ một du học sinh?
- Câu “về nước là mất thời gian” của 1 du học sinh, nói thẳng là câu của Vinh (Nguyễn Thành Vinh- Á quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần 1), thì phải đặt nó trong hoàn cảnh nào. Nếu đọc hết cả bài thì nó là bình thường, đó là Vinh nói với cá nhân Vinh, trường hợp Vinh, chứ không phải với tất cả. Thật sự có quá nhiều ngành nghề mà khi về nước không thể làm việc được.
Còn chính sách ở Việt Nam, thật sự là khó khăn với người làm nghiên cứu. Nếu chỉ là như Toán, chỉ cần giấy và bút và máy tính “cùi”, thì nó đơn giản hơn (đơn giản hơn nhưng không phải là dễ). Nhưng những ngành “cao siêu hơn”, cần máy móc hơn, là chuyện khác. Có những điều “ai cũng hiểu”, nhưng người nói ra thì bị chỉ trích.
Thật ra người Việt mình cứ đòi là “phải nghiên cứu cái thực tế, cái dùng được luôn,…”, nên đôi khi không hiểu thực sự nghiên cứu khoa học là tại sao cần, và để làm gì. Không cần phải làm toàn cái “cao siêu”, tuy nhiên những cái cơ bản phải vững vàng thì mới có thể tiến xa được. Đừng tưởng tự nhiên Hàn Quốc chạy nhanh được như vậy về công nghệ, khoa học cơ bản của họ nhảy vượt bậc thì công nghệ mới ngon được như giờ. Tuy nhiên, câu chuyện về nghiên cứu khoa học là câu chuyện dài kỳ.
- Không có nhu cầu kiếm tiền, vậy việc du học, làm việc vất vả nhiều năm qua là gì?
- Với người khác có thể là vất vả, chứ với tôi không vất vả. 14 tuổi lên HN một mình đi học (nhà ở Hải Phòng), cũng “ngầu” đấy chứ. Nhưng thật ra nó cũng đơn giản, chẳng có vấn đề gì lắm cả. 20 tuổi tôi ra nước ngoài mẹ còn không cần lo bằng việc tôi đi xa nhà từ 14 tuổi.
Từ khi vào đại học (17 tuổi) là lúc nào học bổng cũng đủ để tự lo cho bản thân. Mọi việc với người khác có thể là nặng nhọc, vất vả, nhưng với tôi cũng bình thường. Từ khi 17 tuổi đến giờ mọi việc đều tự lực cánh sinh mà không thấy mình bị mệt nhọc gì (chính xác 100% thì từ 20 tuổi, vì lúc 17-20 thì vẫn ở cùng với chị, gia đình vẫn kiểm soát mình, chứ 20 là hoàn toàn tự quyết định cuộc sống của bản thân rồi.
Làm tiến sĩ cũng chẳng có gì là khủng khiếp đâu, nó cũng như một nghề thôi. Cũng chẳng mệt nhọc vất vả gì đâu. Tuy nhiên, thi được việc ở CNRS ở Pháp thì đúng là cũng kinh khủng đấy, tôi có chút may mắn khi thi được vào đó. Tuy nhiên, làm việc thì vất vả hay không là tùy từng người. Vì nói thật là mình “lười”, luôn ở giữa dòng nước: về luôn chưa, hay 2,3 năm nữa về, tôi chưa toàn tâm vào công việc.
Đó là lỗi tại bản thân, tôi làm việc không nhiệt tình như các đồng nghiệp Researchers khác. Nhưng mà kể cả có làm việc chăm chỉ (vì thật sự làm việc bình bình, nhưng tôi luôn bận rộn vì tham gia rất nhiều hoạt động xã hội – có khi là những việc điên rồ, thì cũng không nghĩ đó là cực nhọc vất vả gì cả. Bạn bè tôi làm việc chăm chỉ nghiêm túc, họ đều vui vẻ, hạnh phúc với công việc của họ mà không nghĩ rằng đó là vất vả gì cả.
- Mục đích sống của Hà là gì?
- Mục đích lớn nhất trong cuộc sống của tôi chỉ luôn là: vui vẻ cho tất cả mọi người. Tôi không thấy gì là cực nhọc hay vất vả với cuộc sống của mình cả. Và cho đến lúc này, tôi thấy tạm đủ, để có thể tập trung cho gia đình mình.
Từ 2010 đến giờ, mỗi năm tôi đều cố gắng đưa được gia đình đi chơi 1 lần (gia đình lớn, 4 bố mẹ 2 bên) (năm 2014 thì bị “chững”, do về nước năm đầu. Nói chung tôi thấy hài lòng, hạnh phúc với cuộc sống của mình.
Có nhiều tiền thì cũng tốt đấy, nếu có nhiều tiền tôi sẽ còn đi làm từ thiện tẹt ga nữa, giúp khoa học tẹt ga nữa. Nhưng để có nhiều tiền thì cũng có nhiều đánh đổi, và tôi thấy như thế này hạnh phúc hơn, với gia đình, bạn bè, mọi người xung quanh. Thôi thì việc kiếm tiền đành nhờ những bạn khác làm vậy.
Nguyễn Anh Hoa – CEO EZ: Du học sinh không phải nhân tài
Nguyễn Anh Hoa bên gia đình. Ảnh: Lao Động.
- Theo anh, du học sinh nên ở hay nên về?
- Khi đặt câu hỏi này cho du học sinh, có thể người đặt hay người trả lời đều nhầm tưởng du học sinh là nhân tài nên mới thành ra đưa các tranh luận trộn lẫn tinh thần yêu nước vào đó. Du học sinh mới là người học giỏi, học giỏi tỏ ra bạn có IQ cao, còn để mà thành công trong xã hội hay đóng góp được cho xã hội bạn cần thêm chí tiến thủ, khả năng giao tiếp, đam mê, ý chí vượt khó…
Nếu coi du học sinh là người mới tốt nghiệp thì chuyện đơn giản hơn nhiều. Nó là câu hỏi cho tuổi trẻ háo hức, nhiệt huyết muốn cống hiến hoặc muốn tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân.
- Về nước rồi có quay lại được không?
- Câu hỏi này với bất kỳ du học sinh nào cách đây 10 năm cũng là câu hỏi khó trả lời, vì thời đó thông tin còn rất thiếu, vé máy bay thì đắt, xin visa thì khó. Doanh nhân giờ 1 năm đi ra nước ngoài cả chục lần. Việc bạn ở Việt Nam chán, đi xin việc và ra nước ngoài sống cũng không khó. Bạn bè tôi cũng nhiều người đã như thế.
Ở đâu thì cống hiến được cho đất nước, đó là câu cũng gây nhiều tranh cãi!
Nếu bạn có năng lực thì ở nước ngoài hay trong nước có gì quan trọng, nếu bạn yêu nước thì ở nước ngoài hay trong nước cũng vẫn đóng góp được cho xã hội nếu muốn. Tôi có anh bạn sau khi thành tiến sĩ ở Mỹ đã ở lại làm việc, có điều kiện hướng dẫn, trao học bổng được cho hơn 10 bạn từ Việt Nam sang làm nghiên cứu sinh. Tôi đã về nước và cũng tạo công ăn việc làm được cho cả trăm người. Ở Việt Nam, tôi thấy cơ hội cho mình ở khắp mọi nơi, cơ hội cống hiến cho xã hội cũng như thế.
- Tiền có phải thước đo của thành công, theo anh?
- Thành công là đạt được mục tiêu mình đặt ra trong cuộc sống, nên ai đặt mục tiêu của mình là kiếm tiền thì khi kiếm được nhiều tiền sẽ được coi là thành công. Với tôi, tiền chỉ là một phần của câu chuyện.
- Anh cần thêm điều gì để thành công tạm gọi là trọn vẹn, tính đến thời điểm này?
- Tôi không theo đuổi thành công, tôi theo đuổi hạnh phúc. Ngay ở nước phát triển như Mỹ, khi người ta có thu nhập 75 ngàn $/năm thì tăng thêm thu nhập không làm cho người ta thêm hạnh phúc bằng tăng thêm yếu tố khác. Thành công về tài chính là điều quan trọng trong việc tạo dựng hạnh phúc cho bản thân, tuy nhiên có nhiều yếu tố quan trọng khác. Với tôi, sẽ không thực sự trọn vẹn nếu kiếm được nhiều tiền mà không có sức khoẻ tốt, gia đình êm ấm, trí tuệ luôn mở mang và các mối quan hệ bền chặt. Tôi đang thực sự cân bằng giữa những điều quan trọng này.
Đào Thị Thu Hà – gốc Hải Phòng, 17 tuổi lên Hà Nội học cấp 3 (A0 Tổng hợp), 20 tuổi sang Pháp học trường X (2001), từ 2013 về Việt Nam, việc bên Pháp vẫn còn (có lương) đến hết 2015. Hiện công tác tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.
Nguyễn Anh Hoa – Tốt nghiệp Bách khoa Paris (Ecole Polytechnique) – Pháp, đi làm ở Pháp, Mỹ 1 thời gian rồi về Việt Nam khởi nghiệp. Hiện tại là người sáng lập Maybanhang.net – Giải pháp đi đầu về điện toán đám mây ở Việt Nam, ứng dụng vào quản lý cửa hàng, siêu thị, nhà hàng.
Theo Ngọc Đinh/Lao Động
Lựa chọn gây sốc của 9X giành học bổng 230.000 USD
Giành học bổng 230.000 USD của ĐH Bates, Mỹ và có thành tích học tập xuất sắc, nhưng Trung Hiếu từng khủng hoảng và cảm thấy cô đơn bởi lựa chọn gây sốc của bản thân.
Nguyễn Trung Hiếu sinh năm 1990 trong gia đình có bố mẹ đều công tác trong ngành Y ở Hà Nội. Hiếu có 4 năm học chuyên Toán ở khối THCS và 3 năm học chuyên Hóa ở khối THPT của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Chàng trai năng động, giỏi 5 ngoại ngữ
Tự nhận mình là người có cá tính mạnh, yêu thích các hoạt động vì cộng đồng, Hiếu quyết định lựa chọn ngành tâm lý học để khám phá sâu hơn về tính cách của chính mình và những người xung quanh. Đó không phải con đường mà bố mẹ định hướng cho Hiếu.
Nguyễn Trung Hiếu là chàng trai có cá tính mạnh, sẵn sàng theo đuổi đam mê khi đã có sự chuẩn bị kỹ càng . Ảnh: VietNamNet.
Hiếu giành học bổng toàn phần 230.000 USD tại ĐH Bates, bang Maine, Mỹ. Trong các năm 2013, 2014, Hiếu lọt vào danh sách Dean's List dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc tại trường, thành viên chương trình lãnh đạo Best Leadership Program.
Hiếu cũng vừa giành học bổng toàn phần tiếng Đức mùa hè năm 2016 tại Frankfurt, Đức. Không chỉ thông thạo tiếng Anh, Hiếu còn nói được tiếng Đức, hiểu tiếng Trung và biết giao tiếp cơ bản bằng tiếng Pháp, tiếng Ý.
Hiếu còn từng là Chủ tịch tổ chức VietAbroader từ năm 2010 đến năm 2012, Chủ tịch câu lạc bộ học sinh quốc tế tại ĐH năm 2011-2012, đồng sáng lập dự án dạy viết Writinglaunchpad 2014; đồng sáng lập và đồng quản lí dự án SEO-V Hanoi Progam, 2015.
Tình yêu sét đánh và lựa chọn gây "sốc"
Đó là một ngày cuối năm hai, đầu năm thứ ba ĐH của Hiếu ở Mỹ. Đây là khoảng thời gian mà bất cứ sinh viên quốc tế nào cũng phải định hướng xem ngành nghề, công việc mình thực sự muốn theo đuổi là gì một cách rõ ràng. Cả chuyện ở lại Mỹ hay về nước nữa.
Trung Hiếu chia sẻ, anh có ước mơ muốn mang opera đến gần hơn các bạn trẻ mà kiến thức về môn nghệ thuật này như chính anh đã/đang say mê với nó . Ảnh: VietNamNet.
"Như nhiều bạn bè, tôi cũng mang hồ sơ đi xin việc tại các ngân hàng. Mọi thứ khi ấy vẫn thật mông lung. Rồi một buổi tối tôi tình cờ bước vào một xem một vở opera tại New York. Khán phòng gần 4.000 chỗ ngồi rộng mênh mông. Trên bục, người nghệ sĩ không micro, hát chay gần 3 tiếng. Giọng hát vang vọng truyền cảm đến độ khiến tôi nổi da gà. Tôi như bị choáng ngợp bởi trải nghiệm đầy mới mẻ đó" - Hiếu chia sẻ.
Ra về, Hiếu tò mò tìm hiểu và nhận ra được những vẻ đẹp và lợi ích của vẻ đẹp âm thanh có thể đem lại. Từ đó, anh tìm cách học bài bản và nghiêm túc.
"Khi tôi nói với gia đình và bạn bè lần đầu tiên rằng tôi muốn trở thành một ca sĩ dòng cổ điển, mọi người đều cười. Bố mẹ tôi cực kỳ phản đối, bạn bè tôi ngơ ngác bởi họ đa phần chọn theo những ngành hot như ngân hàng, tài chính... với thu nhập cao, được trọng vọng" - Hiếu nhớ lại.
Khủng hoảng, stress giữa những lối rẽ, Hiếu quyết định dừng học một năm 2013 để trở về Việt Nam. Về nước, Hiếu tìm gặp các giảng viên, nghệ sĩ thanh nhạc cổ điển và opera để được tham vấn cũng như tìm hiểu nền nhạc cổ điển còn non trẻ ở Việt Nam.
Càng tìm hiểu, Hiếu càng thấy cần phải phấn đấu, vì theo nhạc cổ điển không hề dễ. Hầu hết đàn anh đàn chị đều đi theo giảng dạy, hoặc chuyển sang loại hình nghệ thuật có tính giải trí hơn. Nhưng với cá tính mạnh, những khó khăn này lại trở thành một động lực lớn cho Hiếu vượt qua nhiều khó khăn ban đầu khi theo đổi thanh nhạc cổ điển và opera.
"Tôi quyết định mình sẽ quay trở lại, nói với mọi người rằng tôi muốn theo học nhạc cổ điển và đóng góp cho nền âm nhạc cổ điển tại quê hương. Mọi người nghĩ tôi là một người mơ mộng nhất mà họ từng thấy" - Trung Hiếu tâm sự.
Hiếu nói không thể trách ai được, bởi "năm đó tôi 21 tuổi, không biết đọc nốt nhạc. Tất cả những gì tôi có là một giọng hát có thể tôi luyện cũng như một đam mê cháy bỏng.
Lúc đó, tôi không thể chơi hay nói tiếng Ý, Pháp hay Đức, những ngôn ngữ bắt buộc trong Opera. Tôi cũng sợ mình quá lớn tuổi để bắt đầu học nhạc nữa. Hơn thế, tôi không có được sự giúp đỡ và động viên của mọi người, cũng như kinh phí để tiếp tục công việc học của mình".
Trở lại Maine, Hiếu tiếp tục hoàn thành việc học ngành tâm lí học chính trị.
Sở hữu chất giọng tenor với mầu giọng baritone lạ, Hiếu bắt đầu con đường học thanh nhạc tại ĐH Bates, biểu diễn thanh nhạc cổ điển với hợp xướng của trường ĐH. Không có tiền sắm nhạc cụ và trang trải kinh phí khi theo lĩnh vực này vì "bố mẹ không ủng hộ" - Trung Hiếu đi dạy thêm, làm thêm để tự lo cho đam mê mình.
Những thành công bước đầu
Trong thời gian tại Bates, Trung Hiếu đã được chọn hát solo những tác phẩm kinh điển như Carmina Burana, Handel's Messiah, bản giao hưởng số 9 của Beethoven, Dichterliebe của Schumann và những ca khúc nghệ thuật của Schubert.
Trung Hiếu tự tin biểu diễn opera trên sân khấu Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tối 8/1 . Ảnh: VietNamNet.
Đỉnh cao trong thời gian biểu diễn tại đại học của Hiếu là giải Á quân trong cuộc thi thanh nhạc được tổ chức bởi Hiệp hội giáo viên xướng ca Quốc gia tại Mỹ vào năm 2014.
Tại cuộc thi này, Hiếu đã phải tranh tài với rất nhiều ca sĩ opera chuyên nghiệp. Sau khi tốt nghiệp ĐH, Hiếu quyết định trở thành một nghệ sĩ opera chuyên nghiệp. Và buổi hòa nhạc Hiếu tham gia biểu diễn tại Đức năm 2015.
Trước đó, trong thời gian trở về Việt Nam, Hiếu may mắn được gặp giảng viên thanh nhạc, giọng nữ trung đáng kính là bà Katharina Padrok (Đức) tại Viện Goethe Hà Nội. Hiếu được bà yêu cầu trình bày một ca khúc opera. Sau đó, chính bà là người đã viết thư giới thiệu giúp Hiếu nhận được học bổng và sang Đức cọ sát và tôi luyện.
Tại đây, anh đang theo học thanh nhạc với các giảng viên thanh nhạc có tên tuổi ở Đức là thầy Richard Staab tại Darmstadt và thầy Joachim Keuper tại Mainz.
Tháng 5/2016 tới, Hiếu sẽ sang Đức để theo học tiếp với các giảng viên. Cùng với đó, anh cũng sang Zurich, Thụy Sĩ để học chương trình thạc sĩ cấp cao về quản lý nghệ thuật.
Gặp Hiếu một ngày gần cuối tháng 1/2016 tại Hà Nội, anh cho biết, vừa tổ chức thành công buổi biểu diễn thanh nhạc và opera tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
"Trước đó, bạn bè khuyên nhạc cổ điển ở Việt Nam không có người nghe đâu, ở lại Đức đi, hoặc là 5-10 năm nữa hẵng về, lúc đó may ra sẽ có một lượng người nghe" - Hiếu kể.
Nhưng Hiếu vẫn kiên định và luôn tin rằng văn hoá và nghệ thuật cần có thời gian để tìm hiểu, nâng tầm tri thức. Nếu không có những chương trình ngày hôm nay, thì sẽ không thể hi vọng ngày mai văn hoá sẽ đi lên. Thanh nhạc cổ điển cũng vậy, cần có sự tiếp cận đúng đắn, không định kiến; một khi bạn đã hiểu, nó sẽ là một thú vui tinh thần và cảm xúc, làm giàu hơn vốn văn hoá và chiều sâu tâm hồn.
Hiếu cho biết mình đang ấp ủ các ý tưởng tổ chức truyền thụ kiến thức về nhạc cổ điển tới cho các bạn trẻ còn đang "mù chữ" ở lĩnh vực này.
Nhận xét về Hiếu, James Parakilas, giáo sư môn Nghệ thuật trình diễn tại ĐH Bates chia sẻ: "Anh ấy là một câu chuyện đặc biệt, một sự hứa hẹn đáng chú ý. Trong quá trình học ĐH Bates, thay vì lựa chọn ban đầu là ngành tâm lý học quản lý, Hiếu đã phát hiện ra tình yêu của mình dành cho dòng nhạc cổ điển phương Tây mà cụ thể hơn là opera, và anh ấy đã quyết định không để vuột mất thứ tình yêu kỳ lạ đó.
Hiếu chọn theo đuổi việc học hát nhạc cổ điển và opera. Từ quá trình học, anh ấy khám phá ra ở mình có một chất giọng mạnh mẽ, sự tự tin trên sân khấu và khả năng cảm nhạc để có thể biểu diễn những bài hát, điệu nhạc đầy hấp dẫn.
Tôi biết điều đó vì đã có thời gian hướng dẫn và đồng hành cùng Hiếu ở một trong những trường ca nghệ thuật được trân trọng và đáng thưởng thức nhất trong thể loại này, Schumann;s Dichterliebe.
Dù gì đi chăng nữa, Hiếu cần và sẽ cần học thật chăm chỉ trong nhiều năm để có thể thành thạo được các phong cách hát và những loại nhạc trong các thời kỳ khác nhau để thành công rực rỡ ở lĩnh vực này.
Và may mắn thay, tôi thấy ở Hiếu sự tận tâm một cách đáng kinh ngạc cùng với giọng ca đẹp và sự thông minh trong việc hiểu những giai điệu và lời ca mà Hiếu hát. Tôi tin Hiếu sẽ có những lớn lao cho âm nhạc".
Theo Văn Chung/Vietnamnet
Bí quyết xin học bổng du học sau tuổi 25 Du học sau tuổi 25, Lê Ngọc Sơn được mời là thành viên Nhóm nghiên cứu quốc tế về Truyền thông Khủng hoảng của Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức. - Từ một người đã đi làm nhiều năm, xin anh cho biết lý do hoãn công việc nhiều thành công để lên đường du học? - Sau thời gian dài đi...