Khơi gợi và khuyến khích tính chủ động sáng tạo của học sinh
Tâm huyết với nghề và không ngừng sáng tạo, cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hà luôn mang đến cho học sinh những bài giảng hấp dẫn. Qua mỗi bài giảng, cô đều khơi gợi và khuyến khích tính chủ động sáng tạo của các học sinh.
Cô Hà là 1 trong 100 giáo viên được nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm học 2016-2017
Cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hà – giáo viên trường THCS Ngọc Lâm (Quận Long Biên, Hà Nội) đã có quá trình 24 năm gắn bó với nghề. Với tinh thần cầu thị, tự giác trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới sáng tạo, cô là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục (cha là tiến sĩ khoa học, mẹ là giáo viên), từ nhỏ cô Hà đã có ước mơ được làm cô giáo. Quá trình học tập tại trường sư phạm đã tiếp thêm cho cô gái trẻ Diệu Hà những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành một giáo viên Toán trẻ trung, vừa dịu dàng vừa vui tính, lại rất năng động sáng tạo trong công việc.
Gắn bó với trường THCS Ngọc Lâm từ năm 2005, qua quá trình công tác, với nền tảng sẵn có, lại thêm sự chịu khó học hỏi, cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hà ngày càng chứng tỏ được chuyên môn vững vàng, được đồng nghiệp quý mến, được phụ huynh tin tưởng và được học sinh yêu quý.
Với cương vị là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy môn Toán và kiêm Thư ký Hội đồng giáo dục trường THCS Ngọc Lâm, quận Long Biên, cô Hà luôn khơi gợi và khuyến khích tính chủ động – sáng tạo, tự tìm tòi và tự học hỏi của các học sinh.
Trong quá trình giảng dạy, giúp các em chuyển từ trạng thái cần phải học sang trạng thái muốn học và tự giác học, tiến bộ qua từng ngày để tự vươn lên thành những học sinh làm chủ được bản thân với sự năng động, tích cực, sáng tạo và thích nghi tốt với yêu cầu thực tiễn của cuộc sống xã hội hiện đại.
Cô Hà : “Niềm say mê của tôi là được khám phá cái mới mang tính sáng tạo. Trong giảng dạy, tôi luôn muốn khơi gợi những điều mới mẻ, khơi gợi sự sáng tạo, tìm tòi ở học sinh, giúp các em phát huy năng lực, trở thành con người năng động, tích cực, sáng tạo và bản lĩnh, phù hợp với yêu cầu của xã hội trong thời đại ngày nay”.
Quán triệt phương pháp dạy học theo định hướng hình thành và phát triển năng lực học sinh, bài giảng của cô luôn hướng các em vào việc vận dụng kiến thức để giải quyết các bài toán đang đặt ra trong thực tế cuộc sống, giúp các em cùng trải nghiệm, nhận thức được lợi ích và ý nghĩa của quá trình học tập.
Cô Hà luôn nỗ lực ứng dụng CNTT vào các bài giảng
Ngoài ra, để tăng tính hấp dẫn của từng bài giảng, cô Hà đã nỗ lực tự nghiên cứu sách chuyên môn và tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh của một số nước như Ấn độ, Singapore, Anh, Australia…, từng bước vận dụng sáng tạo một số nội dung phù hợp và có ý nghĩa thực tiễn cao vào công tác giảng dạy.
Để khơi nguồn, truyền cảm hứng và là tấm gương cho học sinh noi theo trong việc tự học, cô đã dành nhiều tâm huyết tìm tòi, tích hợp đưa các kiến thức và kỹ năng mới vận dụng vào công việc chuyên môn, được thể hiện qua kết quả bồi dưỡng học sinh giỏi.
Năm học 2016-2017, cô Hà đã bồi dưỡng 1 học sinh đạt giải Ba, 2 học sinh đạt Khuyến khích trong kỳ thi giải toán bằng Tiếng Anh Hà Nội mở rộng; 4 học sinh đạt giải Nhì cấp Thành phố. Đặc biệt, em Trần Anh Đức đạt huy chương Bạc giải toán tiếng Anh trên mạng cấp Quốc gia.
Cô Hà luôn tạn tình, say mê trong công việc
Bên cạnh đó, cô Hà cũng rất quan tâm đến đối tượng học sinh khác, thông qua việc trao đổi thường xuyên từng tuần với các bậc cha mẹ, thiết lập các đôi bạn cùng tiến và cùng giúp đỡ nhau học tập, và tăng cường hỗ trợ đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, để cùng Ban đại diện CMHS kịp thời động viên, điều chỉnh phương pháp học của từng em học sinh.
Xác định vai trò và ý nghĩa của công tác chủ nhiệm trong vấn đề giáo dục nhân cách học sinh, cô thường xuyên trao đổi với gia đình, chủ động tạo ra sự tương tác thông tin hai chiều với cha mẹ học sinh thông qua kênh tin nhắn, gửi email, đồng thời đổi mới phương thức họp cha mẹ học sinh, nâng cao sự đồng thuận và cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ học sinh với nhà trường.
Đến nay, các bậc phụ huynh luôn mong chờ buổi họp cha mẹ học sinh như là cơ hội giao lưu – học hỏi, cùng nhau bàn thảo các quyết sách giáo dục và tự tin trợ giúp con em mình ngày càng tiến bộ và trưởng thành.
Ấn tượng về cô trong mắt đồng nghiệp là sự tận tình, say mê trong bất cứ công tác nào, là chất “lửa” ẩn sau vẻ ngoài nhẹ nhàng. Làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và cũng “hết mình” trong các hoạt động phong trào, sẵn lòng trao đổi, giúp đỡ mọi người, cô Hà luôn được cả Hội đồng sư phạm nhà trường yêu mến.
Theo Tinmoi24.vn
Video đang HOT
Khi hai vợ chồng đều là... hiệu trưởng
Với lòng nhiệt tình, giỏi chuyên môn, những năm qua, hai anh chị luôn nhận được tình cảm yêu mến của đồng nghiệp và học sinh của mình.
Anh có gần 30 năm giữ vai trò quản lý trong nhà trường, chị cũng có hơn 20 năm làm phó hiệu trưởng, hiệu trưởng các nhà trường. Cặp đôi có một không hai này đã trở nên rất quen thuộc trong ngành giáo dục huyện Phú Bình.
Người mà chúng tôi nhắc đến ở đây chính là anh Lê Văn Thái - hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Xuân Phương và chị Lê Thị Tuyết Nga - hiệu trưởng Trường tiểu học Điềm Thụy.
Với lòng nhiệt tình, giỏi chuyên môn, những năm qua, hai anh chị luôn nhận được tình cảm yêu mến của đồng nghiệp và học sinh của mình.
Tình yêu đẹp giữa anh bộ đội và cô giáo viên
Anh Thái sinh năm 1960 tại một vùng quê nghèo thuộc xóm Trung 3 xã Điềm Thụy (Phú Bình). Tốt nghiệp lớp Sinh - Hóa, Trường Cao đẳng sư Phạm Thái Nguyên.
Năm 1981, anh Thái về dạy học tại Trường trung học cơ sở Xuân Phương. Một năm sau, theo lệnh tổng động viên, anh cùng nhiều giáo viên khác chia tay bục giảng, bảng đen phấn trắng, nhập ngũ, đóng quân tại Đội 14, Cục Hậu cần Quân khu 1 (Cao Bằng).
Trong thời gian 5 năm trong quân ngũ, anh Thái luôn rèn luyện và thực hiện tốt các nhiệm vụ, được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì có nhiều sáng kiến. Đặc biệt, năm 1984, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Tại mảnh đất Cao Bằng, anh đã quen và đem lòng yêu mến cô giáo Lê Thị Tuyết Nga. Tình yêu sớm chớm nở giữa người chiến sỹ hậu cần và cô giáo vùng núi. Và họ đến với nhau như một điều tất yếu của tình yêu.
Năm 1985, anh xuất ngũ trở về quê hương tổ chức đám cưới. Hai cô con gái xinh xắn, đáng yêu lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của anh chị.
Lặng thầm cống hiến
Năm 1985, anh Thái xuất ngũ, được phân công giảng dạy tại Trường trung học cơ sở Thượng Đình (Phú Bình). Ngay những năm đầu mới về trường anh đã khẳng định được mình bằng các danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Năm 1987, anh được bổ nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở Điềm Thụy.
Năm 1990, Trường trung học cơ sở Trần Phú được thành lập, anh Thái được phân công về làm phó hiệu trưởng. Anh Thái chia sẻ:
"Những năm 1990 của thế kỷ trước, các nhà trường trong huyện đều gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Trường trung học cơ sở Trần Phú càng khó khăn hơn vì mới được tách ra, phải xây dựng mới và sắp xếp lại toàn bộ.
Tôi đã tham mưu lãnh đạo xã xây dựng tạm các phòng học để kịp thời cho năm học mới. Vượt qua khó khăn, Trường trung học cơ sở Trần Phú luôn là điểm sáng trong ngành giáo dục huyện Phú Bình".
Khi chất lượng dạy và học của nhà trường đã đi vào nền nếp, hoạt động hiệu quả, năm 1997, anh Thái tiếp tục được Phòng giáo dục huyện tín nhiệm luân chuyển về làm hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Hà Châu.
Lúc này, cơ sở vật chất của Trường trung học cơ sở Hà Châu rất nghèo nàn, thiếu thốn. Anh Thái kể:
"Lúc đó, Trường trung học cơ sở Hà Châu mới tách ra từ Trường phổ thông cơ sở Hà Châu. Ban đầu, trường chỉ có 2 nhà cấp 4 và 1 văn phòng làm việc của giáo viên rất tuềnh toàng.
Tôi cùng đồng nghiệp tham mưu Ủy ban nhân dân xã xin kinh phí cấp trên cho xây dựng đủ các phòng học, lát sân, xây tường rào. Cùng với đó, chúng tôi vận động nhân dân có đất ruộng quanh trường bán cho nhà trường để mở rộng khuôn viên.
Nhờ vậy, quỹ đất của nhà trường đảm bảo nhu cầu dạy và học, học sinh có không gian rộng để vui chơi.
Đến năm 2010, Trường trung học cơ sở Hà Châu được đầu tư xây dựng dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học, đầu tư nhà để xe cho cán bộ giáo viên và học sinh.
Khuôn viên trường học được chỉnh trang theo hướng xanh, sạch, đẹp. Cơ sở vật chất đầy đủ, chất lượng dạy và học của nhà trường được nâng cao.
Liên tục các năm, dưới sự quản lý, chỉ đạo của anh Thái, nhà trường luôn đạt trường tiên tiến xuất sắc. Tỷ lệ học sinh giỏi, giáo viên giỏi, năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhà trường được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen năm 2010.
Năm 2011, anh Thái tiếp tục được luân chuyển về làm hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Xuân Phương.
Anh Lê Văn Thái - hiệu trưởng Trường trung học cơ sở xã Xuân Phương (Ảnh: tác giả cung cấp).
Tại đây, ngay sau khi tiếp quản công việc, anh đã xây dựng kế hoạch hoạt động cho nhà trường. Trong đó, anh đề ra một số việc cần phải thực hiện ngay đó là tham mưu xã quy hoạch lại đất thuộc nhà trường.
Trước đây, do trường chưa có hệ thống tường rào, nhiều hộ dân đã tự ý trồng cây lên đất nhà trường. Anh Thái đã cùng cán bộ xã vận động người dân thu hoạch cây, trả lại đất cho nhà trường. Anh cho san ủi đất, xây tường rào xung quanh trường để đảm bảo tình hình an ninh trật tự.
Cùng với đó, anh tham mưu huyện tổ chức Tết trồng cây tại các khu đất mới san. Đến nay, những cây xanh đã tỏa bóng mát, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho nhà trường.
Trước thực trạng tuyến đường vào trường là đường đất, trơn trượt lại phải đi qua suối bằng cây cầu tre, anh Thái đã vận động, xã hội hóa đổ bê tông rộng đẹp, xây dựng cây cầu chắc chắn bắc qua suối giúp giáo viên và học sinh đi lại được dễ dàng hơn.
Anh cũng liên kết với nhóm sinh viên Hàn Quốc đang học tập tại Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên về thực tập tại nhà trường, hỗ trợ 8.000 USD (đô la Mỹ) để xây dựng nhà để xe cho học sinh, mua thêm các trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm, chỉnh trang khuôn viên nhà trường.
Cùng anh Thái đi một vòng quanh trường, chúng tôi cảm nhận rõ không khí trong lành từ những rặng cây keo bao bọc quanh trường.
Khuôn viên sân trường được bài trí sạch sẽ, cân đối và khoa học. Những bồn hoa cây cảnh được sắp xếp gọn gàng, bắt mắt. Sân trường được lát toàn bộ bằng gạch đỏ sạch sẽ.
Khuôn viên Trường trung học cơ sở Xuân Phương được chỉnh trang xanh sạch đẹp (Ảnh: tác giả cung cấp).
Dù ở cương vị quản lý nhưng hàng tuần anh Thái vẫn lên lớp, chủ yếu là dạy Hướng nghiệp cho học sinh lớp 9, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hóa lớp 9.
Đồng thời, anh thường xuyên tổ chức kiểm tra dự giờ theo lịch và đột xuất, qua đó có hướng chỉ đạo việc dạy và học cho hiệu quả.
Sau 1 năm về làm quản lý tại Trường trung học cơ sở Xuân Phương, anh Thái đã làm được nhiều việc quan trọng, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Trong đó, anh đã cùng đồng nghiệp hoàn thiện cơ sở vật chất và các tiêu chí khác để trường đạt chuẩn quốc gia. Tháng 11/2012, Trường trung học cơ sở Xuân Phương đã đạt chuẩn quốc gia.
Năm học 2012-2013, trường đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc, là lá cờ đầu của ngành giáo dục Phú Bình được Sở Giáo dục và đào tạo tặng Giấy khen.
Năm học 2013-2014, trường đạt tiêu chuẩn chất lượng Giáo dục cấp độ 3 (mức độ cao nhất). Từ đó đến nay, nhà trường luôn duy trì và giữ vững được phong trào dạy tốt, học tốt.
Đặc biệt, năm học 2016 -2017, nhà trường có 36 học sinh giỏi toàn diện (chiếm 11%), 141 học sinh khá (chiếm 44%), 99,4% học sinh đạt hạnh kiểm khá tốt, 23 học sinh giỏi cấp huyện, 7 học sinh giỏi cấp tỉnh, 7 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 1 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh...
Chi bộ nhà trường có 14 đảng viên, liên tục đạt chi bộ trong sạch vững mạnh.
Ở cương vị quản lý nhưng anh Thái vẫn tham gia giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi (Ảnh: tác giả cung cấp).
Trên cương vị quản lý, anh Thái cũng đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được đánh giá cao và áp dụng vào thực tiễn như: Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, Kinh nghiệm trong bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi, tạo cảnh quan không gian xanh, sạch, đẹp trong trường học...
Trong đó, việc giáo dục đạo đức cho học sinh luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm chú trọng.
Nhằm giúp các em học sinh phát huy được tình yêu nguồn cội, uống nước nhớ nguồn, nhà trường giao cho Chi đoàn thanh niên tổ chức cho các em lao dộng vệ sinh thường xuyên tại 2 cụm di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn xã là Đình Phương Độ và Đình Xuân La.
Cùng với đó, tổ chức cho các em chăm sóc, quét dọn tại Đền liệt sỹ huyện và nghĩa trang liệt sĩ của xã.
Gần 30 năm làm công tác quản lý, với kinh nghiệm của mình, anh Thái luôn cẩn thận và làm việc hết mình vì tập thể, được đồng nghiệp và học sinh tin yêu.
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường trung học cơ sở Xuân Phương luôn đoàn kết, là điểm sáng của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình (Ảnh: tác giả cung cấp).
Chị Nguyễn Thị Ánh, giáo viên Trường trung học cơ sở Xuân Phương chia sẻ:"Thầy Thái mới về làm quản lý nhà trường được một vài năm nhưng ở thầy luôn có sự quan tâm, động viên đồng nghiệp, nghiêm khắc trước học trò và việc thực hiện giờ giấc của giáo viên. Ở thầy luôn có tầm nhìn xa, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục của nhà trường".
Ở gia đình, anh Thái được mệnh danh là người "đàn ông đẹp trai nhất". Có vợ cũng là quản lý nên anh càng hiểu, chia sẻ nỗi vất vả, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan.
Không chỉ là hậu phương vững chắc, chị Lê Thị Tuyết Nga - hiệu trưởng Trường Tiểu học Điềm Thụy còn luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, giỏi việc nước đảm việc nhà.
Chị Lê Thị Tuyết Nga (thứ 3 hàng đầu từ trái sang), Hiệu trưởng Trường tiểu học Điềm Thụy luôn là người phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà, là hậu phương vững chắc để anh Thái hoàn thành tốt nhiệm vụ (Ảnh: tác giả cung cấp).
Anh Thái có gần 30 năm làm quản lý, chị cũng không "kém cạnh" khi có hơn 20 năm là người đứng đầu một nhà trường.
Liên tục các năm từ 1990, chị là là phó hiệu trưởng rồi hiệu trưởng các Trường tiểu học Điềm Thụy, Nhã Lộng...
Chị nhận được nhiều bằng khen của Bộ giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh thái Nguyên cũng như giấy khen của Ủy ban nhân dân, Phòng giáo dục huyện Phú Bình.
Không chỉ giỏi chuyên môn và năng lực quản lý, chị còn cùng chồng nuôi dạy hai con gái trưởng thành. Hai con gái của anh chị đều chăm ngoan học giỏi.
Cháu đầu hiện đang là giảng viên trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên, cháu thứ 2 mới tốt nghiệp khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí tuyên truyền. Hai cháu đều đã xây dựng gia đình riêng.
Ngoài giờ ở nhà trường, anh chị lại về nhà thay phiên nhau chăm sóc mẹ già đã gần 90 tuổi.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy là chăm lo cho con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà" (Thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc tháng 3/1955, Hồ Chí Minh), hơn 30 năm qua, anh Thái và chị Nga đều không ngừng phấn đấu rèn luyện chuyên môn cũng như năng lực quản lý.
Trải qua nhiều cương vị ở các nhà trường khác nhau nhưng anh chị luôn khẳng định mình là người lãnh đạo có uy tín và năng lực, sống gần gũi, thân thiện với đồng nghiệp, chỉ bảo tận tình các em học sinh.
Bởi, anh chị luôn tâm niệm: "Thành công của nhà trường, sự trưởng thành của mỗi học sinh chính là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của người giáo viên".
Theo GDVN