Khối C ‘tuyệt chủng’?
Hà Nội nhận được 163.449 hồ sơ dự thi vào ĐH, CĐ, giảm so với năm 2011. Khối A và A1 chiếm 52,79% khối C chỉ đạt 4,54% .
Một số nhà tuyển sinh cảnh báo: nếu không có chính sách điều chỉnh trong thi cử, khối C và các khối thi có môn xã hội sẽ “tuyệt chủng”.
Phóng viên trao đổi với thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga
Theo thống kê ban đầu, chỉ có 4,54% thí sinh nộp hồ sơ vào khối C ở Hà Nội. Theo ông, vì sao lượng thí sinh thi vào khối C ngày càng ít?
Thống kê năm nào cũng vậy, tình trạng thí sinh đăng ký thi vào các ngành khối C rất ít: Năm 2010 trên 7%, năm 2011 có khoảng trên 6% thí sinh. Năm nay theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng hồ sơ đăng ký thi vào khối C cũng không cải thiện gì nhiều. Có rất nhiều lý do.
Trước hết là khả năng tìm việc làm và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp của những ngành thuộc khối C thấp hơn so với một số ngành khác.
Bên cạnh đó, cách dạy, cách học những môn học khối C ở bậc phổ thông chưa hấp dẫn, dẫn đến tư tưởng học đối phó và học sinh không thấy hứng thú để lựa chọn những ngành nghề có liên quan những môn học này.
Việc tuyển dụng lao động ngoài xã hội cũng chưa thực sự quan tâm đến ngành nghề sở trường của người học.
Có ý kiến cho rằng cơ cấu ngành nghề đào tạo của các trường ĐH cũng ảnh hưởng lớn đến thí sinh khối C. Ông có nghĩ như vậy không?
Có một điều chắc chắn là những ngành nghề về kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, luật… hiện nay đã vượt rất xa so với qui hoạch và nhu cầu thực tế.
Theo quy hoạch tại Quyết định 121 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ thì đến năm 2020 chúng ta cần 20% sinh viên khối ngành này nhưng hiện đã lên đến khoảng 38%, nghĩa là gần gấp đôi so với quy hoạch.
Video đang HOT
Hiện nay, sinh viên những ngành nghề nói trên khi tốt nghiệp có thể tìm việc làm dễ dàng hơn những ngành khác. Những năm gần đây, mỗi năm có trên 50.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập và đã thu hút một số lượng đáng kể nhân lực thuộc các ngành kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng…
Nhưng không phải tốc độ thành lập doanh nghiệp cứ mãi ở mức cao mà sẽ đến lúc bão hòa một số doanh nghiệp không làm ăn được sẽ giải thể. Do đó nhu cầu nhân lực cho những ngành ấy sẽ không còn “ nóng” như bây giờ.
Có ý kiến nên bỏ khối C! Ông nghĩ sao?
Các môn xã hội nhân văn góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Dù học bất cứ ngành nào, sinh viên cũng cần được trang bị kiến thức cơ bản về xã hội, nhân văn.
Có kiến thức này con người mới sáng tạo ra được những sản phẩm thân thiện, xây dựng cơ chế chính sách quản lý nhân văn cho xã hội hiện đại…
Vì vậy trong nền giáo dục hiện đại, những kiến thức xã hội nhân văn không những không bỏ mà cần được tăng cường giảng dạy cho sinh viên của tất cả các ngành.
Lựa chọn ngành nghề là tự nguyện của thí sinh, không thể can thiệp bằng biện pháp hành chính. Bộ GD&ĐT thông qua kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng sẽ khống chế chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành này.
Trong các đợt kiểm tra vừa qua, Bộ đã cho dừng tuyển sinh một số ngành, chủ yếu là các ngành thuộc lĩnh vực quản lý do số sinh viên trên mỗi giảng viên quá lớn.
Sự thay đổi tư duy học sinh trong lựa chọn khối C cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các ngành, của toàn xã hội.
Công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông cần được làm tốt. Phương pháp dạy và học những môn thuộc khối C cần thay đổi căn cứ để tạo ra sức hấp dẫn thu hút học sinh quan tâm chọn học, không phải là môn học thuộc lòng.
Trong lộ trình đổi mới tuyển sinh sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu cách thi để sao cho các ngành xét tuyển đều có sự tích hợp ít nhiều kiến thức xã hội nhân văn. Nghĩa là kiến thức xã hội nhân văn không chỉ giới hạn cho những sinh viên theo khối C như hiện nay mà cho sinh viên của tất cả các khối.
Điều này liên quan đến việc đổi mới cách học và cách dạy ở bậc phổ thông trong thời gian sắp tới.
Theo Tiền phong
Hồ sơ ĐKDT giảm, khối C vẫn "thất thế"!
Sáng 10/5, tại Hà Nội, các Sở GD-ĐT phía Bắc đã bàn giao hồ sơ cho các trường ĐH, CĐ. Theo thống kê của các Sở, số lượng hồ sơ ĐKDT năm nay giảm, khối A vẫn soán ngôi đầu, khối A1 lèo tèo hồ sơ, khối Nông - Lâm - Ngư lên ngôi.
Bàn giao hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ khu vực phía Bắc ngày 10/5/2012.
Hồ sơ ĐKDT giảm, khối A vẫn dẫn đầu
Theo thống kê, Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn dẫn đầu số lượng hồ sơ đông nhất khu vực phía Bắc là hơn 164.000 bộ, giảm 2.000 bộ so với năm 2011. Số lượng hồ sơ ĐKDT vào khối A nhiều nhất, với 76.392 bộ (tỷ lệ 47,07%). Tỷ lệ hồ sơ ĐKDT vào khối B là 14,22%, khối C là 4,54%, khối D là 24,51%, tương đương năm 2011.
Tiếp đến là tỉnh Thanh Hóa với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay là 79.130 hồ sơ (ít hơn 11.210 hồ sơ so với năm 2011), trong đó có tới 44.091 hồ sơ ĐKDT vào khối A, chiếm 55,72% khối C có 6.336 hồ sơ chiếm 8,01% khối D là 8.660 hồ sơ chiếm 8,01% các khối còn lại là 2.087 hồ sơ chiếm 2,64%.
Tỉnh Thái Bình năm nay tổng số hồ sơ dự thi đăng ký vào các trường là 48.404 hồ sơ, trong đó giảm 2.000 hồ sơ so với năm 2011. Trong số hồ sơ dự thi đăng ký năm nay thì khối A chiếm nhiều nhất với hơn 50%, khối C chiếm 10%.
Tại Hải Phòng, năm nay giảm 3.000 bộ. Tổng số hồ sơ ĐKDT là 39.318, hồ sơ đăng ký khối A là 21.500 hồ sơ, khối B: 5.100 hồ sơ, khối D: 8.000 hồ sơ, trong đó khối C: 1.200 hồ sơ, các khối khác như H, N, R chỉ có vài chục hồ sơ.
Tỉnh Hải Dương, tổng số hồ sơ ĐKDTi đại học, cao đẳng năm nay là 36.078, giảm 8.000 hồ sơ so với năm 2011. Tỉnh Vĩnh Phúc, tổng số hồ sơ dự thi năm nay là 25. 529 hồ sơ, giảm 5.000 bộ so với năm 2011.
Tương tự, tại các tỉnh như Lạng Sơn, Hưng Yên, Bắc Giang, Lào Cai, Hà Nam, Điện Biên..., số lượng hồ sơ giảm từ 2.000 - 3.000 bộ.
Theo lãnh đạo các Sở GD-ĐT, thí sinh ĐKDT khối A1 ít là do khối mới lại công bố muộn nên các em không xoay sở kịp. Điển hình như tỉnh Thanh Hóa, có 79.130 bộ hồ sơ nhưng chỉ có khối A1 chỉ 1.177 hồ sơ chiếm 1,49%. Tỉnh Thái Bình có 48.404 hồ sơ, khối A1 chỉ khoảng 1.000 hồ sơ...
Đổ xô vào trường có điểm chuẩn thấp!
Theo lãnh đạo của nhiều Sở GD-ĐT, số lượng hồ sơ ĐKDT vào các trường tốp trên như trường ĐH Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Ngoại giao, ĐH Y Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông... năm nay giảm hơn năm trước. Thí sinh đổ xô nộp hồ sơ vào các trường "tốp giữa" có điểm chuẩn bằng hoặc trên sàn của Bộ một chút như trường ĐH Công nghiệp, ĐH Điện Lực, ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, ĐH Nông Nghiệp...và các đại học vùng.
Cụ thể, trong tổng số 25. 529 hồ sơ của học sinh tỉnh Vĩnh Phúc, Học viện Bưu chính Viễn thông có 152 hồ sơ, ĐH Giao thông Vận tải: 472 hồ sơ, ĐH Xây dựng: 369 hồ sơ, ĐH Y Hà Nội: 255 hồ sơ... Thí sinh nộp hồ sơ nhiều nhất vào Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Phúc có tới 2.444 và ĐH Sư phạm Hà Nội II là 2.500 hồ sơ.
Hải Phòng, trong tổng số 39.318 hồ sơ thì thí sinh lựa chọn đông nhất là ĐH Hải Phòng với 9.300 hồ sơ, tiếp đến là ĐH Hàng hải với 7.500 hồ sơ, ĐH Y Hải Phòng là 3.200 hồ sơ.
Học sinh tỉnh Thanh Hóa năm nay đua nhau ĐKDT vào trường ĐH Công nghiệp Hà Nội với 9.592 hồ sơ, ĐH Hồng Đức là 8.098 hồ sơ, ĐH Nông nghiệp Hà Nội với 6.131 hồ sơ.
Tỉnh Hưng Yên nhận được 27.659 hồ sơ, trong đó ĐH Nông Nghiệp Hà Nội chiếm nhiều hồ sơ nhất với 3.679 hồ sơ, tiếp đến là ĐH Công nghiệp Hà Nội nhận được 2.801 hồ sơ, CĐ Tài chính - Quản trị kinh doanh là 2.433 hồ sơ.
Tỉnh Điện Biên, số lượng thí sinh đăng ký hồ sơ vào đại học vùng chiếm đại đa số. Trong số 7.694 hồ sơ đăng ký thì có tới 1.922 hồ sơ đăng ký vào ĐH Tây Bắc, CĐ Sư phạm Điện Biên là 1.922 hồ sơ. Tỉnh Lai Châu, năm nay chỉ nhận được 2.945 hồ sơ đăng ký trong đó có hơn 500 thí sinh đăng ký dự thi vào ĐH Tây Bắc, ĐH Thái Nguyên là hơn 300 hồ sơ, ĐH Nông nghiệp là hơn 200 hồ sơ... Bà Lê Thị Thủy ở Sở GD-ĐT Lai Châu cho biết, thí sinh đăng ký vào các trường ĐH Lâm nghiệp, Nông nghiệp và đại học vùng nhiều vì điểm chuẩn không cao, các trường tốp trên điểm chuẩn cao các thí sinh thường sợ.
Theo ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực, năm nay trường nhận được 13.200 bộ hồ sơ, tăng hơn năm trước 1.700 bộ hồ sơ.
Còn tại ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, ông Phạm Văn Điển, trưởng phòng đào tạo cho biết, số lượng hồ sơ vào trường năm nay tăng 500 bộ so với năm 2011. Tổng số hồ sơ trường nhận được là 11.500 bộ.
Nhận định về tình hình nộp hồ sơ năm nay, ông Đoàn Quốc Tuấn - Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết: "Do công tác tư vấn tuyển sinh của nhiều địa phương tốt nên nhiều thí sinh đã biết đăng ký theo đúng năng lực và lượng sức mình".
Quảng Nam: Gần một nửa hồ sơ ĐKDT khối A
Chiều 10/5, tin từ Phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết: năm nay, có đến hơn 16 nghìn hồ sơ thí sinh nộp tại Sở đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ ở Đà Nẵng, chiếm tỷ lệ hơn 48%.
Cụ thể, năm nay, có tổng cộng 33.453 hồ sơ ĐKDT nộp về Sở GD-ĐT Quảng Nam (giảm hơn 1.300 hồ sơ so với năm 2011). Trong đó, có gần 28 nghìn hồ sơ ĐKDT các trường ĐH, CĐ ở khu vực miền Trung, nhiều nhất là các trường tại Đà Nẵng (16.245 hồ sơ). Có hơn 5 nghìn hồ sơ ĐKDT vào các trường ở khu vực phía nam và 67 hồ sơ vào các trường khu vực phía bắc.
Thống kê, phân loại hồ sơ thí sinh ĐKDT theo khối thi có số lượng cụ thể như sau: Khối A: 15.332 (45,8%) khối: A1: 1.649(4,9%) khối B: 7.624(22,8%) khối C: 1.808(5,4%), khối D1: 5.138(15,4%), khối D4: 2(0,006%) các khối năng khiếu: 1.900(5,7%).
Hiện hồ sơ của thí sinh đã được Sở GD-ĐT tỉnh bàn giao cho các trường ĐH, CĐ liên quan trong cả nước theo phương thức chuyển qua đường bưu điện đồng thời, truyền dữ liệu cho Bộ GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ liên quan.
Khánh HiềnHồng Hạnh
Theo dân trí
Hồ sơ ảo và chọn ngành cảm tính giảm Ngày 10 và 12 - 5, việc bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ 2012 sẽ được diễn ra ở Hà Nội và TPHCM. Theo thống kê từ các Sở GD&ĐT các tỉnh, năm nay lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKTD) giảm và thí sinh đã quan tâm hơn đến các trường ĐH gần nhà. Hồ sơ...